Hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành
Cuối năm là thời điểm nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao, kéo theo đó là nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trà trộn vào thị trường.
Năm 2023, một vụ hàng hoá giả mạo thương hiệu đã được Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Hà Nội triệt phá thành công. Cơ quan này phối hợp với công an kiểm tra đột xuất và thu giữ gần 5 tấn thực phẩm chức năng (TPCN) có dấu hiệu giả mạo, trong đó có 1 tấn bao bì tem nhãn và hơn 2 tấn nguyên liệu thuốc, TPCN, tương đương hàng triệu viên dạng con nhộng. Toàn bộ hàng hóa đều không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đối tượng khai nhận, đây là các loại thuốc lợi tiểu, đường tiêu hóa. Các sản phẩm này sau khi được gia công, đóng gói sẽ được bán qua nền tảng xã hội Facebook tên Kiều Anh Nguyễn (Elly San), chuyên quảng cáo bán thuốc giảm cân từ Thái Lan. Các đối tượng này rất tinh vi, thường xuyên xóa dấu vết tại các địa điểm tập kết hàng và thay đổi nơi cất giấu.
Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nước giải khát.
Hồi tháng 5/2023, Cục QLTT TP Hà Nội cùng Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kiểm tra đột xuất một địa điểm tại thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, phát hiện gần 12.000 lọ/hộp TPCN giả mới "ra lò", đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Không chỉ ở Hà Nội, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng được phát hiện ở nhiều địa phương. Tại Hà Tĩnh, 11 tháng qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2.218 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trị giá hàng vi phạm hơn 3,47 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lên tới trên 4.000 vụ, tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Phan Thế Thắng - Ban bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) nhận định, nguyên nhân sâu xa của việc tồn tại và phát triển của hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến những bất cập trong cơ chế quản lý, do sự vô tình “tiếp tay” của người tiêu dùng. Mặt khác còn có sự ngại động chạm đến kiện cáo của người tiêu dùng cũng như ý thức tự bảo vệ của doanh nghiệp với chính sản phẩm của mình chưa cao.
Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng nêu lên một số khó khăn trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua. Cụ thể, một số cơ chế, chính sách về chống buôn lậu, gian lận thương mại của Việt Nam còn bất cập, có kẽ hở chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Trong khi đó, số lượng biên chế của lực lượng chức năng còn mỏng, trang thiết bị máy móc hạ tầng chưa đạt yêu cầu trong tình hình mới. Hàng hóa trong nước chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật cho người tiêu dùng còn nhiều hạn chế… Do đó, số vụ việc vi phạm bị phát hiện, xử lý trên môi trường thương mại điện tử thời gian qua vẫn còn hạn chế.