Đăng nhập
Bạn đang quan tâm đến sản phẩm, hàng hóa nào?

Sơn La: Kiểm tra, tạm giữ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Ngày 14/7/2025, Đội QLTT số 6 - Chi cục QLTT tỉnh Sơn La phối hợp với Công an xã Sốp Cộp kiểm tra và tạm giữ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đối với hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Sốp Cộp

Ngày 14/7/2025, Đội QLTT số 6 phối hợp với Công an xã Sốp Cộp kiểm tra đột xuất đối với 02 cơ sở kinh doanh quần áo, giầy dép tại bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh H.V.Đ đang bầy bán 08 chiếc túi, 20 chiếc quần, 35 bộ quần áo phông gắn nhãn hiệu Adidas; hộ kinh doanh N.H.A đang bầy bán 12 đôi dép người lớn, 06 đôi dép trẻ em nhãn hiệu Adidas toàn bộ hàng hóa trên có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas; chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ khác liên quan để chứng minh tính hợp pháp hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để tiếp tục xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Tĩnh: Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán cồn y tế giả quy mô lớn

Ngày 15/7/2025, tin từ Công an Hà Tĩnh cho biết đơn vị này vừa triệt phá 2 đường dây sản xuất cồn y tế giả chứa chất độc hại, phân phối tại nhiều tỉnh, thành.

Theo đó vào ngày 5/6/2025, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ thuốc, dược phẩm trên địa bàn Hà Tĩnh và phát hiện, thu giữ hơn 2.000 sản phẩm cồn y tế Ethanol 70 và 90 độ mang nhãn hiệu Ngân Hà do Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà sản xuất, có dấu hiệu là hàng giả, kém chất lượng.

Cảnh sát Kinh tế Công an Hà Tĩnh kiểm tra các sản phẩm cồn y tế Ethanol tại Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã khám xét xưởng sản xuất của Công ty TNHH Đầu tư Dược phẩm Ngân Hà (địa chỉ tại thôn Dộc, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội - nay là xã Thanh Oai), thu giữ thêm 13.812 sản phẩm cồn Ethanol 70 và 90 độ dạng chai thành phẩm.

Số lượng lớn cồn giả được các đối tượng sản xuất, buôn bán ra thị trường

Kết quả giám định cho thấy toàn bộ số sản phẩm này được pha chế từ cồn công nghiệp chứa hàm lượng Methanol cao – chất cực độc nếu hít, tiếp xúc hoặc sử dụng, có thể gây mù lòa, tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong.

Dù Phạm Đình Dũng (SN 1986) đứng tên giám đốc công ty nhưng mọi hoạt động sản xuất, phân phối đều do Phạm Đình Tuấn (SN 1988) - em trai Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn (cũ), điều hành.

Ngày 9-6, PC03 tiếp tục kiểm tra một số kho hàng y tế và phát hiện 408 chai cồn Ethanol nhãn hiệu AB (dung tích 500ml, loại 70 và 90 độ) do Công ty CP Thương mại Vật tư Y tế An Bình (tại Bắc Ninh) sản xuất có dấu hiệu giả mạo, kém chất lượng.

Khám xét xưởng sản xuất của công ty này tại xã Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh), lực lượng chức năng thu giữ thêm 4.000 sản phẩm cồn giả.

Tang vật sản xuất cồn giả bị thu giữ.

Điều tra bước đầu cho thấy Nguyễn Văn Diễn (SN 1988) - tổng giám đốc công ty, đã chỉ đạo nhân viên sử dụng cồn công nghiệp chứa Methanol cao để pha chế thành sản phẩm cồn y tế mang nhãn hiệu AB. Sau đó, sản phẩm được phân phối về các tỉnh, thành như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng để tiêu thụ.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất, buôn bán hàng giả", tiếp tục điều tra hành vi của các đối tượng liên quan 2 đường dây nói trên.

Đà Nẵng: Xử phạt hàng loạt cửa hàng bán hàng giả mạo nhãn hiệu

UBND TP Đà Nẵng đã quyết định xử phạt 102,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Gucci, Chanel, Christian Dior, Dior, Bottega Veneta, Celine giả.

UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Mega Premium Shopping Mall (đường Trần Phú, TP. Đà Nẵng) về hành vi trưng bày để bán hàng giả mạo nhãn hiệu.

Trước đó, vào cuối tháng 6, lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra hoạt động của cửa hàng Mega Premium thuộc hộ kinh doanh Mega Premium Shopping Mall đã phát hiện đang bày bán hàng hóa gồm túi xách, ví các loại, kính mắt, khăn choàng, dây thắt lưng...có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Chanel, Christian Dior, Dior, Bottega Veneta, Celine đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra sản phẩm bày bán tại một cửa hàng.

Tổng giá trị hàng hóa được xác định tại thời điểm kiểm tra là hơn 183,5 triệu đồng.

Căn cứ hồ sơ vụ việc và kết quả xác minh, làm việc, quản lý thị trường kết luận hành vi vi phạm hành chính của hộ kinh doanh trên là: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với 232 đơn vị sản phẩm.

UBND TP Đà Nẵng đã quyết định xử phạt 102,5 triệu đồng đối với cơ sở này. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Gucci, Chanel, Christian Dior, Dior, Bottega Veneta, Celine.

Lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra sản phẩm bày bán tại một cửa hàng.

Thời gian gần đây cơ quan chức năng tại Đà Nẵng đã liên tiếp phát hiện các cơ sở trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đã có hàng loạt cơ sở kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm. Trong đó, có cơ sở như hộ kinh doanh Gu bị xử phạt 77,5 triệu đồng đối với hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; 45 triệu đồng cho hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, hộ kinh doanh Black Label Shop bị xử phạt hơn 111 triệu đồng, và buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm 127 đơn vị sản phẩm.

Cao Bằng: Giám sát tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Đội QLTT số 6 tổ chức thi hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 trong việc giám sát việc tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính.

Đội quản lý thị trường số 6 phối hợp cùng với Công an xã Trùng Khánh; Công an xã Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng và Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh...tổ chức giám sát tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với Công ty TNHH xxx; Hộ kinh doanh L.D.H; Hộ kinh doanh T.H mô tô; Hộ kinh doanh H.V.H và hộ kinh doanh N.X.M gồm: 70 sản phẩm hàng hóa giầy, dép giả mạo các nhãn hiệu adidas, Nike, Crocs, Chanel và gần 200 sản phẩm là phụ tùng xe gắn máy giả mạo nhãn hiệu Honda và YAMAHA.

Đoàn kiểm tra giám sát tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Quá trình tiêu hủy được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện các cơ quan phối hợp và người chứng kiến với hình thức tiêu hủy là kéo, búa cắt bỏ và phá hủy hoàn toàn tang vật vi phạm hành chính. Công tác tiêu hủy đảm bảo tất cả tang vật vi phạm hành chính không còn giá trị, công dụng sử dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

Cảnh báo “Dầu phong thấp Trường Thọ” là thuốc giả, không được phép lưu hành

ở Y tế Nghệ An vừa phát đi thông báo cảnh báo về sản phẩm “Dầu phong thấp Trường Thọ” bị phát hiện là thuốc giả, không đảm bảo điều kiện sản xuất và không được phép lưu hành trên thị trường.

Theo Công văn số 925/YDCT-QLD ngày 20/6/2025 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế về việc xử lý thuốc giả, sản phẩm "Dầu phong thấp Trường Thọ" có thông tin cụ thể như sau: tên sản phẩm Dầu phong thấp Trường Thọ, số đăng ký V1045-H12-10, số lô 010722 có hạn dùng 1/07/2025 cơ sở sản xuất Cơ sở dầu gió Trung Tâm có địa chỉ 180 Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8, TP Hồ Chí Minh.

“Dầu phong thấp Trường Thọ” bị phát hiện là thuốc giả, không đảm bảo điều kiện sản xuất và không được phép lưu hành trên thị trường.

Kết quả kiểm tra xác định sản phẩm này là thuốc giả, do cơ sở sản xuất không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, không đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) theo quy định của Bộ Y tế.

Trước nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Sở Y tế Nghệ An đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm và người dân trên địa bàn không mua bán, sử dụng lô thuốc nêu trên, chỉ mua thuốc tại các cơ sở được cấp phép đầy đủ. Chủ động báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện hoặc nghi ngờ sản phẩm không rõ nguồn gốc, thuốc giả.

Phát hiện hơn 13 tấn chân gà ngâm hóa chất tại Thanh Hóa

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện hơn 13 tấn chân gà đông lạnh đang được tẩy trắng bằng hóa chất INTEROX ST 50 (H2O2) tại một kho lạnh ở phường Sầm Sơn.

Theo thông tin ban đầu, ngày 12/7, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa gồm Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa, Công an phường Sầm Sơn, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Thanh Hóa bất ngờ kiểm tra kho đông lạnh Thanh Bình, tại Cảng Hới, phường Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (SN 1990, trú tại số 88 Nguyễn Văn Linh, phường Lê Chân, TP Hải Phòng) đang cùng các nhân công sơ chế chân gà đông lạnh.

Hình ảnh chân gà ngâm hóa chất tại kho đông lạnh Thanh Bình.

Đáng chú ý, số chân gà này được tẩy trắng bằng hóa chất Interox ST 50 (H2O2) – một loại oxy già công nghiệp có tính oxy hóa mạnh. Sau khi sơ chế, chân gà được cấp đông trở lại, chuẩn bị đưa ra thị trường để tiêu thụ thông qua các tiểu thương.

Phát hiện chân gà trong kho đông lạnh.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng hơn 13 tấn chân gà, trong đó có 6,9 tấn đã qua ngâm hóa chất, 6,6 tấn chưa qua sơ chế cùng nhiều can chứa hóa chất Interox ST 50, một số trong đó đã qua sử dụng. Toàn bộ số hàng hóa và hóa chất liên quan đã được niêm phong, tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.

Lực lượng chức năng cũng đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiến hành lấy mẫu chân gà và hóa chất, gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm, làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế, các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các cá nhân, doanh nghiệp buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, gian lận thuế; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, không để hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng vào Việt Nam, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Nghị quyết số 205/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, tạo động lực trực tiếp cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm ( điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày ) mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo năng lực sản xuất mới, bảo đảm cung ứng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và phân phối hàng hóa qua nền tảng số, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp để khơi thông thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đặc biệt phải "tuyên chiến không khoan nhượng" với tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả.

Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành như: Bộ Công an tập trung chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương xác lập chuyên án, đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ…; kịp thời công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa chung; phối hợp các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường toàn quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả (nhất là mặt hàng sữa, thuốc, thực phẩm), xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Y tế... theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng hàng hóa đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu; ưu tiên thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản vào thời điểm thu hoạch chính vụ; hài hòa hóa các quy định về hải quan, kiểm tra chuyên ngành; xử lý dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội về điều kiện xuất nhập khẩu.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến, nhất là đối với lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nhà ở, vật tư nông nghiệp, sách giáo khoa…; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng đội giá, thao túng giá.

Nghệ An: Bắt giữ các đối tượng cùng tang vật ma túy lớn

Ngày 14-7, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ các đối tượng trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, tịch thu tang vật 60 bánh heroin và 37 kg ma túy tổng hợp dạng đá.

Theo đó, sau quá trình triển khai các biện pháp nghiệp vụ, vào khoảng 21 giờ 30 phút, ngày 12-7, tại khu vực ngã ba Khe Kiền, xã Tương Dương, lực lượng của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Công an xã Yên Na đồng chủ trì, phối hợp Công an xã Tương Dương đã áp chế xe ô tô 7 chỗ do L.V.H. trú tại xã Châu Khê điều khiển.

Cán bộ điều tra lấy lời khai đối tượng Hà Văn Thìn.

Tổ công tác đã bắt giữ đối tượng Hà Văn Thìn, sinh năm 1988, trú tại xã Con Cuông (cùng đi trên xe ô tô ) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Tại hiện trường, qua khám xét phương tiện, lực lượng thực hiện nhiệm vụ thu giữ 2 bao tải chứa 60 bánh heroin, 37kg ma túy tổng hợp dạng đá.

Đối tượng Vi Thanh Tú bị bắt giữ. 

Cùng thời điểm, một tổ công tác khác của Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Vi Thanh Tú, sinh năm 2006, trú tại xã Tương Dương vì liên quan đến đường dây tội phạm trên. Tại cơ quan công an, đối tượng Hà Văn Thìn khai nhận, được một nhóm người ở Lào thuê đi nhận ma túy tại khu vực Thủy điện bản Ang, xã Tương Dương, tỉnh Nghệ An để đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Sau đó, Thìn và đồng bọn thuê xe đến địa điểm trên để nhận và quá trình vận chuyển ma túy đã bị bắt giữ.

Tang vật liên quan trong vụ án được lực lượng thực hiện nhiệm vụ thu giữ.

Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.

TP Hồ Chí Minh khởi tố 8 đối tượng trong đường dây buôn bán khí cười lên tới hàng trăm tỷ đồng

Ngày 14/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 8 đối tượng trong đường dây buôn bán khí cười (N₂O) trái phép, thu lợi bất chính ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, ngày 9/7, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an phường Cầu Ông Lãnh và Công an phường Tân Hưng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh The Black Lounge (208 Cô Bắc, phường Cầu Ông Lãnh) và kho chứa khí N₂O tại số 691/28 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng do Nguyễn Trường Hoạt làm chủ.

8 đối tượng bị khởi tố, bắt giữ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hai địa điểm này đang tổ chức sang chiết, buôn bán khí cười trái phép và đã thu giữ hàng trăm bình khí các loại, bóng cao su, dụng cụ chiết nạp chuyên dụng cùng nhiều tang vật liên quan.

Theo điều tra ban đầu, từ đầu năm 2025 đến thời điểm bị phát hiện, Nguyễn Trường Hoạt đã cầm đầu đường dây tổ chức mua bán, sang chiết và phân phối khí N₂O quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh. Số khí này được tàng trữ tại kho hàng, sau đó phân phối cho quán bar do Hoạt làm chủ và bán lẻ qua mạng xã hội. Đường dây này hoạt động tinh vi với hệ thống nhân sự, cộng tác viên, giao hàng, thu tiền khép kín.

Bên trong tụ điểm ăn chơi The Black Lounge.

Tại quán bar, bóng cười được ngụy trang dưới tên gọi “cocktail” trong hóa đơn thanh toán.

Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động buôn bán khí cười trái phép của đường dây này, theo ước tính đã lên đến hàng trăm tỷ đồng kể từ đầu năm 2025.

Theo đó, 8 đối tượng bị bắt tạm giam gồm: Nguyễn Trường Hoạt (SN 2000), Hoàng Văn Chiến (SN 1997), Trần Đức Nam (SN 1999), Mai Thị Trinh (SN 1990), Lưu Đình Đại (SN 2000), Nguyễn Quốc Dũng (SN 2001), Châu Mạnh Phát (SN 2002) và Cao Trường An (SN 1999). Tất cả các đối tượng đều cư trú tại TP Hồ Chí Minh.

Các đối tượng bị điều tra về hành vi “Buôn bán hàng cấm” theo Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét các đối tượng liên quan khác để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Tây Ninh: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 56kg pháo hoa

Ngày 14/7, thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, lực lượng bộ đội biên phòng vừa phối hợp lực lượng công an bắt giữ đối tượng đang vận chuyển khoảng 56kg pháo hoa nổ.

Thông tin ban đầu, khoảng 21h50p ngày 13/7, tại khu vực ngã ba Tịnh xá Ngọc Chơn, ấp Thuận Tây, xã Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Đồn Công an Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài chủ trì phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài tuần tra phát hiện đối tượng chạy xe máy có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Đối tượng Dương Tấn Đạt bị bắt cùng tang vật

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe máy, đối tượng vận chuyển 32 hộp pháo hoa nổ với tổng trọng lượng khoảng 56kg. Đối tượng khai nhận tên Dương Tấn Đạt (24 tuổi, ngụ xã Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh).

Lực lượng chức năng đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, tạm giữ tang vật và tiến hành các thủ tục điều tra theo quy định. Hiện vụ việc tiếp tục được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.