Đăng nhập

Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm Raileza trên thị trường Việt Nam

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc sản phẩm mỹ phẩm RAILEZA không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ngày 27/9, Cục Quản lý Dược cho biết, mẫu thử  sản phẩm  RAILEZA được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế lấy mẫu tại một nhà thuốc trên địa bàn phường Tây Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để kiểm tra chất lượng.

Kết quả, mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong  mỹ phẩm theo quy định theo Phiếu công bố số 94/22/CBMP-HY đã được Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cấp cho sản phẩm RAILEZA kê khai thành phần công thức  sản phẩm.

Do đó,  Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm RAILEZA. Sản phẩm không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm.

Sản phẩm RAILEZA có tác dụng được sử dụng giúp làm sạch chấy và các loại ký sinh trùng khác khỏi da, tóc.

Sản phẩm do Công ty cổ phần Oceanpharma (ô 45-LK1, Khu đô thị mới An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) chịu trách nhiệm trên thị trường, công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Quang Xanh (thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) sản xuất.

Sản phẩm buộc thu hồi có Số công bố: 94/22/CBMPHY; Số lô: 062024; NSX: 18/03/2024; HSD: 17/03/2024).

Đồng Tháp: Phát hiện 950 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Ngày 16/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã phát hiện 950 bao thuốc lá điếu nhập lậu và đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật.

Cụ thể, ngày 12 tháng 9 năm 2024, tại khu vực gần cầu Bà Nương, Khóm 1, thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, Đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện 02 (hai) bao tải để cặp vỉa hè không có người trông coi, bên trong các bao tải có chứa hàng hóa nghi vấn là thuốc lá điếu nhập lậu.

Lực lượng chức năng phát hiện 2 bao tải không người trông coi

Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành khám đồ vật bên trong 02 bao tải nêu trên. Qua khám đã phát hiện 950 bao thuốc lá điếu nhập lậu nhãn hiệu Jet và Hero. Tại thời điểm khám hàng hóa không có chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tang vật.

Bên trong 2 bao tải là 950 bao thuốc lá lậu nhãn hiệu Jet và Hero

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật. Đồng thời đang tiến hành thẩm tra xác minh, thông tin tìm chủ sở hữu, xử lý theo quy định.

Bắc Giang: Kiểm tra 2 hộ kinh doanh, phát hiện gần 2.500 sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 29/8/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang) kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở kinh doanh thực phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, sáng 28/8, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra hộ kinh doanh Đông Sớm có địa chỉ tại tổ dân phố Thành Bắc, phường Xương Giang, TP Bắc Giang (Bắc Giang) do ông Dân Q.Đ, (SN 1981), trú tại địa chỉ trên là chủ hộ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh hơn 1.500 sản phẩm là bánh kẹo không có nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh Đông Sớm, phường Xương Giang (TP Bắc Giang).

Quá trình làm việc, ông Đ. khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được ông thu mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. Quá trình thu mua không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa theo quy định. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 20 triệu đồng.

Trước đó, sáng 27/8, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Siêu thị Tự chọn Luxshare, địa chỉ thôn Chiền, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) do ông Nguyễn V. T., (SN 1992), trú tại quận Long Biên (Hà Nội) là chủ hộ.

Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh Siêu thị Tự chọn Luxshare tại thôn Chiền, xã Nội Hoàng (Yên Dũng).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.000 sản phẩm là bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 21 triệu đồng.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.000 sản phẩm là bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm hơn 21 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn V. T. số tiền 10 triệu đồng, ông Dân Q. Đ. số tiền 11 triệu đồng; buộc cả 2 hộ phải tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không rõ nguồn gốc nói trên.

Bình Định: Kiểm tra tạm giữ gần 650 kg mặt hàng mỡ động vật đã qua chế biến

Ngày 16/8/2024, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Bình Định thông tin cho biết, đã phối hợp với Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Chức vụ - Công an thị xã An Nhơn kiểm tra tạm giữ gần 650 kg mặt hàng mỡ động vật đã qua chế biến.

Cụ thể, vào sáng ngày 15/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định phối hợp với Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - Chức vụ - Công an thị xã An Nhơn đã tiến hành kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh tại đường Võ Nguyên Giáp, KV Huỳnh Kim, P. Nhơn Hòa, Tx An Nhơn.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh này đang hoạt động nhưng không hề đăng ký kinh doanh. Nghiêm trọng hơn, cơ sở này còn đang lưu trữ và bày bán 645kg mỡ động vật đã qua chế biến, có tình trạng đông đặc, bốc mùi hôi thối và đặc biệt là không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Số mỡ động vật chứa trong bao tải bốc mùi hôi thối

Toàn bộ số mỡ động vật trên được xác định là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng nếu sử dụng. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để phục vụ công tác điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bắt giữ và tiêu hủy hơn 400kg móng giò lợn không rõ nguồn gốc tại Cao Bằng

Ngày 5/8/2024, Lực lượng Biên phòng tỉnh Cao Bằng thông tin cho biêt, vừa phát hiện và tiêu hủy một số lượng lớn móng giò lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc đang được vận chuyển trái phép.

Vào lúc 19 giờ 25 phút ngày 3/8, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn đã phát hiện một xe ô tô con mang biển kiểm soát 98A-023.64 có nhiều dấu hiệu nghi vấn khi đang di chuyển trên Quốc lộ 4A, đoạn qua xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Đối tượng Nông Văn Nguyên (áo đen, đứng đầu hàng bên trái) cùng tang vật bị bắt giữ tại đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong xe ô tô này chứa 20 bao tải màu xanh, bên trong là 409kg móng giò lợn đông lạnh. Đáng chú ý, số hàng hóa này đang trong tình trạng rã đông, chảy nước và bốc mùi hôi thối, không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người điều khiển phương tiện là Nông Văn Nguyên, trú tại xã Minh Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa trên, Nguyên không thể cung cấp bất kỳ giấy tờ nào hợp lệ.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn đã quyết định lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nông Văn Nguyên và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số móng giò lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc này theo quy định.

Lạng Sơn: Tạm giữ 150 máy sấy tóc không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 22/7, Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn thông tin cho biết vừa tiến hành kiểm tra và tạm giữ 150 chiếc máy sấy tóc không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa bàn thành phố Lạng Sơn.

Cụ thể, vào hồi 16 giờ 00 phút ngày 16/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông công an tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra xe ô tô vận tải do ông N.H.Đ điều khiển tại địa chỉ số 750 đường Trần Đăng Ninh, thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 150 chiếc máy sấy tóc mang nhãn hiệu CHHACBA 8800 được sản xuất ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ông N.H.Đ không thể xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp cho lô hàng này.

Lực lượng chức năng khám phương tiện và tạm giữ hàng hóa vi phạm.

Do vi phạm hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 150 chiếc máy sấy tóc vi phạm để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Quảng Ninh: Xử phạt cơ sở kinh doanh vì bán thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc

Ngày 22/6, Công an huyện Đầm Hà phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại thị trấn Đầm Hà và phát hiện cơ sở này đang bày bán 30 hộp máy thuốc lá điện tử và 16 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử các loại.

Công an huyện Đầm Hà phối hợp với Đội QLTT số 2 xử phạt cơ sở vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh là ông T.V.T không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Trên nhãn hàng hóa cũng không ghi cơ sở sản xuất, đơn vị nhập khẩu và không xác định được xuất xứ.

Tổng trị giá hàng hóa căn cứ theo giá niêm yết trên sản phẩm tại cửa hàng là 12 triệu đồng.

Tổ công tác đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với ông T.V.T về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ông T.V.T bị phạt 5 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số hàng hóa vi phạm cũng bị tịch thu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phú Thọ: Tiêu hủy gần 20 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc

Ngày 10/6, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, lực lượng Công an huyện Yên Lập đã phát hiện gần 20 tấn chân gà đông lạnh, chân gà rút xương không rõ nguồn gốc xuất xứ và đang xử lý theo quy định.

Cụ thể, vào cuối tháng 5, qua công tác kiểm tra, Tổ công tác Công an huyện Yên Lập phối hợp với cơ quan chức năng đã phát hiện tại cơ sở kinh doanh của bà Nga đang lưu trữ gần 16 tấn chân gà đông lạnh và gần 4 tấn chân gà đã được rút xương cùng các vật dụng chế biến thô sơ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Số chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ đã được lực lượng chức năng tiêu hủy theo đúng quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Nga không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số chân gà trên và cũng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngay sau đó, toàn bộ số chân gà nói trên đã bị niêm phong, thu giữ và được gửi đi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để phân tích, giám định. Kết quả giám định cho thấy, số chân gà này không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Hàng tấn chân gà không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bị công an huyện Yên Lập thu giữ.

Căn cứ vào hành vi vi phạm, Công an huyện Yên Lập đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nga với số tiền 125 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thành lập Hội đồng tiêu hủy và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc này theo quy định.

Hà Nam: Xử phạt 55 triệu đồng đối với một doanh nghiệp kinh doanh vàng giả nhãn hiệu

Doanh nghiệp tư nhân tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có bán các trang sức vàng như nhẫn, bông tai gắn nhãn hiệu CHANEL bị phát hiện vi phạm.

Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Hà Nam) vừa phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất đối với một doanh nghiệp tư nhân vàng bạc trên địa bàn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh vàng

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận doanh nghiệp đang trưng bày để bán các sản phẩm trang sức như nhẫn, bông tai có gắn nhãn hiệu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CHANEL đang được bảo hộ tại Việt Nam, tổng trị giá hàng hoá là 35.243.010 đồng.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để xác minh theo quy định. Qua kết quả xác minh, toàn bộ số hàng hóa trang sức bị tạm giữ nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu CHANEL đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đội QLTT số 1 đã hoàn thiện hồ sơ, trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 55.000.000 đồng.

Thanh Hóa: Giám sát tiêu hủy hơn 1.200 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa vừa tiêu hủy lô hàng hóa quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.

Chiều ngày 14/5/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa thông tin rằng, Đội Quản lý thị trường số 4 đã giám sát việc tiêu hủy hơn 1.200 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng trị giá của lô hàng bị tiêu hủy lên đến hơn 300 triệu đồng.

Tổng giá trị lô hàng hóa tiêu hủy là hơn 300 triệu đồng

Lô hàng này bị phát hiện và bắt giữ trong vòng một tháng trở lại đây, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Đội Quản lý thị trường số 4 và Công an thị xã Nghi Sơn. Toàn bộ sản phẩm vi phạm đều là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Việc tiêu hủy được thực hiện bằng phương thức đốt hủy trực tiếp. Quá trình tiêu hủy được lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Quá trình tiêu hủy được thực hiện, giám sát theo đúng quy định.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 4 cùng Công an thị xã Nghi Sơn đã tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Lê Hoàng Sơn tại tiểu khu 3, phường Hải Hoà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về kinh doanh hàng hóa.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 55 triệu đồng đối với Hộ kinh doanh Lê Hoàng Sơn về hai hành vi: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Đây là một phần trong nỗ lực của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo sự minh bạch và lành mạnh trong hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.