
Nhiều cửa hàng công khai bán hàng thời trang giả tại các tuyến phố du lịch ở Đà Nẵng
Chiều 20/5, dưới sự giám sát của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại các tuyến phố du lịch trung tâm Thành phố.
Triển khai kế hoạch cao điểm về giám sát, kiểm tra và xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì để thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới, Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cửa hàng thời trang gồm Black Label (số 156 Trần Phú, CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú, Gu (số 27 Hùng Vương), Mirror Shop (số 15 Nguyễn Thái Học), đều nằm trên địa bàn quận Hải Châu – khu vực trung tâm có lượng khách du lịch lớn, đặc biệt là khách quốc tế.
Black Label Shop kéo rèm để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng
Dù tiến hành kiểm tra đột xuất nhưng lực lượng chức năng vẫn ghi nhận tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa bất thường, kéo rèm che kín mặt tiền, khóa chốt bên trong nhằm tránh bị kiểm tra. Trong đó, nổi bật là trường hợp cửa hàng Black Label – địa chỉ chuyên bán túi, ví “hàng hiệu” nổi tiếng tại khu vực Trần Phú do ông T.T.C làm chủ hộ kinh doanh.
Tại đây, nhân viên cửa hàng từ chối phục vụ khách người Việt, viện lý do “đang tạm nghỉ để chuyển địa điểm kinh doanh”, nhưng lại tiếp đón khách nước ngoài và khóa trái cửa khi họ bước vào trong. Lực lượng quản lý thị trường đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện bên trong cửa hàng bày bán nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, LV, Gucci, Dior, Celine, YSL… với giá thấp bất thường.
Một chiếc túi được giới thiệu là Chanel 22 da bê hiệu ứng bóng, khóa kim loại mạ vàng, có giá chỉ 8,6 triệu đồng, trong khi sản phẩm tương tự trên website chính thức của Chanel được niêm yết gần 162 triệu đồng – chênh lệch tới 95%.
Đoàn kiểm tra và giám sát tại CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú
Tại CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú do bà N.T.T.H làm chủ hộ kinh doanh, đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều mẫu túi, ví, giày dép gắn thương hiệu LV, Chanel, Hermès, YSL… được bán với giá chỉ từ vài trăm nghìn đến dưới 2 triệu đồng mỗi sản phẩm.
Đoàn kiểm tra tại Cửa hàng Mirror Shop (số 15 Nguyễn Thái Học)
Ở các cửa hàng còn lại trên đường Nguyễn Thái Học, Hùng Vương, lực lượng chức năng tạm giữ nhiều sản phẩm thời trang như quần áo, giày dép, dây lưng... mang nhãn hiệu Burberry, Chanel, LV, Celine, YSL.
Đoàn kiểm tra tại 27 Hùng Vương - Cửa hàng GU thu giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo tổng hợp của các tổ công tác, chỉ trong ngày 20/5, gần 2.000 sản phẩm gồm túi xách, ví, quần áo, phụ kiện, giày dép mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermès, Chanel, Gucci, Christian Dior, Celine, Prada, Louis Vuitton… và rất nhiều các hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ đã bị tạm giữ tại các cửa hàng kiểm tra để tiếp tục xác minh các dấu hiệu vi phạm, xử lý đúng quy định của pháp luật.
Ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ QLTT - Trưởng đoàn giám sát
Theo ông Trần Việt Hùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ QLTT, đây không phải là lần đầu tiên lực lượng QLTT triển khai kiểm tra các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt tại các đô thị có ngành dịch vụ du lịch phát triển mạnh.
Việc kiểm tra không chỉ nhằm xử lý vi phạm mà còn góp phần làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là du khách quốc tếvà nâng cao uy tín hàng hóa tại Việt Nam. Ông Hùng cho biết các hoạt động này đang được triển khai trong khuôn khổ Kế hoạch 888 của lực lượng QLTT và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới trên địa bàn cả nước, đặc biệt các khu đô thị lớn, địa bàn trọng điểm. Sau kiểm tra, việc đảm bảo các cửa hàng không tái diễn việc bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ được Cục gắn trách nhiệm cho các đơn vị có trách nhiệm ở địa phương như Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường.
Lực lượng chức năng sẽ tập trung tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho các hộ kinh doanh, nhất là tại các khu vực có đông khách du lịch. Mục tiêu là xây dựng hình ảnh Việt Nam văn minh, thân thiện, nói không với hàng giả, hàng nhái trong hoạt động thương mại – dịch vụ” ông Hùng chia sẻ.
Phú Yên: Tạm giữ 33 tấn đường kính trắng xuất xứ Thái Lan
Chiều 21/5, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) đã hoàn tất biên bản tạm giữ 33 tấn đường trắng các loại, có nguồn gốc từ Thái Lan. Số hàng nói trên do ông Nguyễn Hữu Thanh Tâm (trú xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) vận chuyển bằng ô tô qua địa bàn tỉnh.
Trước đó, lúc 17 giờ ngày 20/5, trong quá trình kiểm tra ô tô biển kiểm soát 49C-074.07, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện số đường nói trên.
33 tấn đường không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và có dấu hiệu tẩy xóa ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Hữu Thanh Tâm xuất trình các hóa đơn, chứng từ kèm theo nhưng chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp không có. Ngoài ra, trên bao bì hàng hóa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và có dấu hiệu tẩy xóa ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Toàn bộ hàng hóa trên đã được tạm giữ để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh Hóa: Phát hiện 1 tạ thực phẩm không rõ nguồn gốc
Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa vừa phát hiện 1 cửa hàng đang kinh doanh gần 1 tạ hàng hóa gồm kê gà, chim cút, tràng trứng… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 21/5, thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Đào Sen (địa chỉ thị trấn Rừng Thông, phường Rừng Thông, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) do bà Đào Thị Sen làm chủ hộ và phát hiện, thu giữ gần 1 tạ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa kiểm kê số hàng hóa vi phạm.
Cụ thể, hôm nay, ngày 21/5/2025, qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện cửa hàng Đào Sen đang kinh doanh hàng hóa gồm kê gà, chim cút, tràng trứng… với số lượng gần 1 tạ.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc bị lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa phát hiện.
Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản, tịch thu toàn bộ số hàng hóa để xử lý theo quy định.
Lai Châu: Phát hiện 720kg mì chính không rõ nguồn gốc
Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường Lai Châu phát hiện một cơ sở đang bày bán 720kg bột ngọt (mì chính) không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, ngày 19/5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hộ kinh doanh Đỗ Thị Thủy tại bản Nậm Loỏng, phường Quyết Thắng, TP Lai Châu.
Lực lượng chức năng phát hiện 720kg mì chính không rõ nguồn gốc.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, cơ sở đang bày bán 47 thùng bột ngọt (mì chính) nhãn hiệu Fuji-moto, tổng trọng lượng 720kg, trị giá khoảng 23,4 triệu đồng.
Bao bì sản phẩm không ghi xuất xứ hàng hóa và thiếu các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Phòng Cảnh sát kinh tế đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt ông Đào Văn Dũng (SN 1988), trú tại phường Quyết Thắng, TP Lai Châu là đại diện hộ kinh doanh về hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn không đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định.
Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 17 triệu đồng và yêu cầu thu hồi toàn bộ số hàng vi phạm, thực hiện việc ghi nhãn đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Điện Biên: Triệt phá chuyên án ma túy, thu giữ lượng lớn heroin
Ngày 21/5, Công an tỉnh Điện Biên cho biết, các lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh vừa liên tiếp phát hiện, bắt giữ các đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ số lượng lớn heroin.
Cụ thể, vào lúc 18h18 ngày 19/5, tại xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên), Tổ công tác số 2 thực hiện Kế hoạch 1266 của Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với các đơn vị lực lượng Công an tỉnh bắt giữ đối tượng Cháng A Sùng (sinh năm 1995, trú tại bản Huổi Quang 2, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy; thu giữ 3 bánh heroin.
Đối tượng mua bán trái phép ma túy Cháng A Sùng cùng tang vật tại cơ quan Công an.
Trước đó, vào lúc 22h15 ngày 18/5, tại xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé, Công an tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với Công an các xã Quảng Lâm, Nậm Vì, Mường Nhé của huyện Mường Nhé, phá thành công chuyên án, bắt giữ một đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Lực lượng chức năng thu giữ 6 bánh heroin của Thào A Sính.
Đối tượng bị bắt giữ là Thào A Sính (sinh năm 1988), trú tại bản Huổi Chả 2, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tang vật thu giữ gồm 6 bánh heroin, 1 xe máy và 1 điện thoại di động.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Điện Biên đang phối hợp các đơn vị chức năng tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án.
Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, bắt giữ tàu cá vận chuyển trái phép khoảng 60.000 lít dầu DO trên biển
Ngày 21-5, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ tàu vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu diesel (DO) trái phép trên vùng biển Tây Nam.
Cụ thể, vào lúc 22 giờ ngày 20-5, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, kiểm tra tàu cá TG 91387 TS có dấu hiệu nghi vấn nên đề nghị dừng lại để kiểm tra. Tàu do ông Lê Văn Đức, sinh năm 1984, có địa chỉ thường trú tại khóm 5, Cái Đôi Vàm, Phú Tân, Cà Mau làm thuyền trưởng, trên tàu có 5 thuyền viên; chủ tàu là ông Hồ Ngọc Thanh, địa chỉ tại ấp Tân Tỉnh B, Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho, Tiền Giang.
Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra hàng hóa vi phạm trên tàu TG 91387 TS.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Lê Văn Đức khai nhận trên tàu cá TG 91387 TS đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Số dầu trên nếu trót lọt sẽ bán cho các tàu cá khai thác thủy sản trên biển.
Lực lượng chức năng của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện, niêm phong hàng hóa và đang tổ chức dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 422/ Hải đoàn 42 tại phường An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lạng Sơn: Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến khai báo sai lệch về hàng hóa quá cảnh
Trong thời gian từ ngày 14 đến 21/5/2025, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 1 và Hải quan khu vực VI liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến khai báo sai lệch về hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn).
Ngày 14/5/2025, tại bãi kiểm tra hàng hóa Công ty TNHH Xuân Cương – Cửa khẩu Hữu Nghị, lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng thuộc tờ khai số 500532460341, do Công ty TNHH Hợp Mạnh đăng ký. Kết quả cho thấy: 02 mục hàng khai thiếu so với thực tế, 01 mục không có hàng thực tế, 16 mục hàng không khai báo. Hàng hóa vi phạm gồm thực phẩm, mỹ phẩm, hàng gia dụng, đồ chơi trẻ em,... Tiếp tục ngày 18/5, cơ quan Hải quan đã kiểm tra Công ty TNHH Mit Un In phát hiện 30/59 mục hàng không có trong khai báo hải quan trong lô hàng quá cảnh của Công ty TNHH Mit Un In (tờ khai 500534154230). Hàng vi phạm bao gồm: giày giả da, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, đồ chơi trẻ em,… Doanh nghiệp đã lợi dụng hình thức quá cảnh để vận chuyển hàng không khai báo.
Trong cùng ngày, khi kiểm tra Công ty TNHH Logistics NLA VN đã phát hiện có tới 77 mục hàng không khai báo trong tờ khai số 500533577210. Ngoài ra, 35 mục hàng đã khai cũng không đúng quy định về mô tả, tên hàng. Hàng hóa vi phạm gồm: bếp từ, đèn, quần áo, nội thất, đồ điện tử, thực phẩm,…. Ngày 19/5, khi tiến hành kiểm tra lô hàng thuộc tờ khai 500533310620 do Công ty CP vận tải quốc tế Việt LOGI khai báo, lực lượng chức năng phát hiện 7 mục hàng không có trong khai báo. Hàng vi phạm bao gồm: quạt sạc, quần áo trẻ em, dép, nắp bồn cầu, đồ chơi,....
Gần đây nhất (ngày 21/5): Tại khu vực biên giới phía sau cửa hàng xăng dầu số 28, cửa khẩu Chi Ma, cơ quan Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện ông Trần Huy Toàn (quê Hà Nam) đang vận chuyển 14.000 gói thanh cua ăn liền không có hóa đơn, chứng từ. Hàng hóa được cất giấu tại khu vực biên giới để vận chuyển bằng ô tô Suzuki BKS 12A-198.95 vào nội địa.
Hải quan: Phát hiện thủ đoạn lợi dụng thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại nhằm che giấu hàng hóa vi phạm
Thông tin từ Cục Hải quan: Lực lượng Hải quan vừa phát hiện 01 vụ việc điển hình với phương thức, thủ đoạn lợi dụng thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại nhằm che giấu hàng hóa vi phạm vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện lực lượng Hải quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước đó, vào ngày 13 và 14/5/2025, Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 3, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một lô hàng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về sở hữu trí tuệ tại cảng container quốc tế SP-ITC (TP. Thủ Đức, TP.HCM). Lô hàng do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khoảng Trời Đẹp (MST: 0316587411) đứng tên tờ khai xuất khẩu, được vận chuyển bằng tàu ZHONG GU KUN MING 02519W đi từ TP.HCM đến cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), sau đó tiếp tục vận chuyển đến Jebel Ali, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện hơn 10.000 sản phẩm bao gồm giày thể thao, túi xách, áo thun... mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: SKETCHER, PUMA, NEW BALANCE, THE NORTH FACE, CALVIN KLEIN, TOMMY HILFIGER, HUGO BOSS, MICHAEL KORS, VANS, MLB, v.v. Toàn bộ số hàng này không được khai báo hải quan và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Đặc biệt, phần lớn sản phẩm đều ghi xuất xứ "Made in Vietnam" hoặc "Made in Cambodia".
Hiện các sản phẩm đang được trưng cầu giám định quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc
Theo Bộ Y tế, các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, sản xuất chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền...
Ngày 21/5, theo thông tin từ Bộ Y tế, Cục Quản lý Y-Dược cổ truyền đã thành lập 2 đoàn kiểm tra đột xuất thực hiện các Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến mặt hàng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền tại các cơ sở kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền theo nội dung tại Kế hoạch số 58/KH-YDCT ngày 20/5/2025; Kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, sản xuất chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc truyền tại cơ sở sản xuất kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Cùng đó, Cục Quản lý Y-Dược cổ truyền đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh và thông tin, quảng cáo trong lĩnh vực y, dược cổ truyền…
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát, quản lý hoạt động thông tin, quảng cáo; Rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thông tin, quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền...
Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu các nhà khoa học, người hành nghề lĩnh vực y học cổ truyền ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối./.
Nghệ An: Tăng cường và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn huyện Thanh Chương
Ngày 19/5/2025, Đội QLTT số 8, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh B.V.P có địa chỉ tại Khối 11, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương với mức phạt tiền 10 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu.
Trước đó, ngày 16/5/2025, Đội QLTT số 8 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Hộ kinh doanh B.V.P có địa chỉ nêu trên. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh đang bày bán 32 bộ quần áo thể thao nam ngắn tay có gắn nhãn hiệu “ADIDAS” và logo in trực tiếp trên sản phẩm.
Toàn bộ số hàng hóa không có tem, nhãn, tên sản phẩm, mã sản phẩm và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “ADIDAS” đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hàng hóa.
Đội QLTT số 8 đã tạm giữ toàn bộ số hàng để xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.