Phát hiện và xử lý nhiều sai phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Ngày 26-6, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thông tin về kết quả triển khai Tháng cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đáng chú ý, qua quá trình kiểm tra 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong tháng, đã phát hiện nhiều vi phạm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65/QĐ-TTg ngày 15-5-2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17-5-2025 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong phạm vi quản lý.
Test nhanh giò, chả, xúc xích, bún tại chợ Thành phố Hà Tĩnh.
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã kiểm tra 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, phát hiện 1 vi phạm về ghi nhãn, 2 cơ sở vi phạm về quảng cáo; 1 cơ sở vi phạm 4 hành vi về điều kiện sản xuất, kinh doanh; đồng thời, 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, Cục đã có văn bản gửi Sở Tài chính tỉnh, thành phố đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Về kiểm soát quảng cáo, kinh doanh thực phẩm trong thương mại điện tử, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát và có công văn gửi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương để kiểm tra, xử lý (tổng 16 đường link vi phạm), một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo, bán trên trang thương mại điện tử mà chưa có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đã gửi 6 công văn cho Công ty TNHH Shopee và Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada Việt Nam đề nghị rà soát, ngừng kinh doanh, gỡ bỏ thông tin các sản phẩm không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm rao bán trên Lazada và Shopee.
Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 9 công văn gửi Cục Quản lý và Phát triển Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về việc phối hợp, kiểm tra, xử lý thông tin các sản phẩm giảm cân của các cá nhân nickname “Ngân 98”, “Ngân Collagen”. Đồng thời, có công văn gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử về việc đề nghị xử lý vi phạm quảng cáo đối với fanpage có tên “Dược phẩm Hoàng Hường Meli chính hãng”.
Cục An toàn thực phẩm khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Phú Yên: Phát hiện cơ sở bơm thạch rau câu vào tôm hùm chết để bán ra thị trường
Ngày 9/6, Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên cho biết, Đội QLTT số 4 vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế-Công an tỉnh Phú Yên kiểm tra, phát hiện một chủ cơ sở kinh doanh thủy sản trực tiếp dùng bơm tiêm đưa tạp chất là thạch rau câu vào 45 kg tôm hùm đã chết để tiêu thụ ra thị trường.
Cụ thể, chiều ngày 5/6/2025, Đội QLTT số 4, Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh thủy sản N.T.X do bà N.T.X làm chủ, đang hoạt động thu mua tôm hùm tại địa bàn thị xã Sông Cầu.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bà X. đang trực tiếp dùng bơm tiêm để đưa tạp chất (thạch rau câu) vào 45kg tôm hùm đã chết nhằm mục đích tăng trọng lượng và giữ hình thức tôm tươi để đánh lừa người mua. Bà X. khai nhận toàn bộ hành vi, cho biết đã thu mua tôm chết từ trước và tự thực hiện việc bơm tạp chất để tiêu thụ ra thị trường.
Tôm hùm sau khi được bơm tạp chất.
Đáng chú ý, cơ sở này không đăng ký thành lập hộ kinh doanh dù thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định pháp luật. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, Đội QLTT số 4 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật, đồng thời chuyển hồ sơ cho UBND thị xã Sông Cầu xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy tôm hùm bơm tạp chất.
Căn cứ kết quả kiểm tra và hồ sơ vụ việc, UBND thị xã Sông Cầu đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.T.X số tiền 11.500.000 đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ 45kg tôm hùm là tang vật vi phạm bằng hình thức chôn lấp dưới sự giám sát của Đoàn công tác. Tổng giá trị hàng hóa buộc tiêu hủy ước tính khoảng 22 triệu đồng.
7 loại thuốc giả bị phát hiện tại nhà thuốc ở Hà Nội
Ngày 30-5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được báo cáo của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội về việc phát hiện thuốc DIAMICRON® MR 60mg (Gliklazid) thuốc điều trị tiểu đường không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cụ thể, mẫu thuốc này (số lô 23F603, hạn dùng 4-2026) có hàm lượng hoạt chất Gliclazid chỉ đạt 42,5mg/viên, tương đương 70,83% so với tiêu chuẩn ghi trên nhãn. Theo quy định trong dược điển Việt Nam V, hàm lượng này không đạt yêu cầu.
Ngoài ra, tại nhà thuốc Đức Anh (số 08 Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội), cơ quan kiểm nghiệm còn phát hiện 6 loại thuốc khác được bán đều không có thông tin về giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu. Các mẫu sản phẩm cũng không ghi rõ nơi sản xuất hay nhập khẩu.
Danh sách các thuốc bị phát hiện không rõ nguồn gốc gồm: DIAMICRON® MR 60mg (Gliklazid) - số lô 23F603, hạn dùng 4-2026, Oseltamivir - số lô M1164B01, NSX 03.2021, HSD 3-2023, Crestor 20mg (Rosuvastatin) - số lô A23237030, HSD 4-2026, Janumet 50/1000mg (Sitagliptin/Metformin) - số lô 24497505A, HSD 7-2026, Plavix (Clopidogrel) - số lô ELB04027, HSD 5-2027, NEXIUM® 40mg (Esomeprazol) - số lô 23H420, HSD 9-2027, Crestor 10mg (Rosuvastatin) - số lô A24236004, HSD 7-2027.
Thuốc Diamicron® MR 60mg (Gliklazid).
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế Hà Nội phối hợp Ban chỉ đạo 389 thành phố, công an và các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra toàn diện Nhà thuốc Đức Anh, truy tìm nguồn gốc các lô thuốc, xử lý nghiêm sai phạm và báo cáo kết quả trước ngày 2-6.
Cục Quản lý dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh, người dân không mua bán, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chỉ mua thuốc tại các cơ sở được cấp phép.
Đồng thời, cần phát hiện và thông báo kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ về thuốc giả tới cơ quan chức năng; chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về tháng cao điểm phòng chống thuốc giả trên toàn quốc.
Thái Nguyên: Đội QLTT số 4 tăng cường kiểm tra trong Tháng an toàn thực phẩm năm 2025
Thực hiện chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên, Đội QLTT số 4 đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý trong Tháng hành động năm 2025.
Ngày 08/05/2025, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Đ.N.D và phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán một lượng lớn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao gồm 210 túi trứng gà non (252kg) và 42 túi tràng lợn (105kg).
Toàn bộ số hàng hóa này đều đã qua sơ chế, đóng gói trong túi nilon và không có bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ, tên và địa chỉ của đơn vị sản xuất, kinh doanh, cũng như các tài liệu liên quan để chứng minh tính hợp pháp.
Với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Đội QLTT số 4 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Đ.N.D, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số tang vật vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Y tế đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị tăng cường kiểm tra quảng cáo thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật.
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo báo chí phản ánh, sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ đang được quảng cáo với nội dung có dấu hiệu sai lệch, thổi phồng công dụng như một “thần dược chữa bệnh tự kỷ”. Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định hiện hành về quảng cáo thực phẩm chức năng.
Thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ.
Cục An toàn thực phẩm có công văn số 754 /ATTP – NĐTT gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sản phẩm vi phạm nếu có và báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm.
Theo tìm hiểu, sản phẩm thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ của Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Aura Care có địa chỉ tại thôn Đồng Vàng, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội do ông Lã Tùng Quân làm giám đốc.
Sản phẩm do Công ty TNHH Tổ hợp Thương mại và Đầu tư quốc tế Hoàng Gia có địa chỉ số nhà 27, đường 3.9/1 Khu đô thị Gamuda Gardens, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội phân phối.
Theo đó, để thu hút người tiêu dùng, chủ nhãn sữa Nutri Brain IQ đã tự quảng cáo được sản xuất tại Nhật Bản và có công dụng như thuốc chữa bệnh “rối loạn phổ tử kỷ” thông qua bài phỏng vấn độc quyền với “giáo sư trí não” danh tiếng hàng đầu Nhật Bản. Tuy nhiên, những thông tin về công dụng Nutri Brain IQ đưa ra chưa được kiểm chứng và thiếu căn cứ khoa học.
Hà Nội xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá hàng hóa bất hợp lý
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1018/UBND-KT, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc triển khai các biện pháp điều hành, bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn thành phố năm 2025. Văn bản này được ký bởi Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông, nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường, kiểm soát lạm phát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục triển khai các quy định của Luật Giá năm 2023, Nghị định số 85/2024/NĐ-CP, Thông tư số 29/2024/TT-BTC và Thông tư số 45/2024/TT-BTC.
Các đơn vị phải theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là trong giai đoạn cuối năm và các dịp lễ, Tết.
Công tác tổng hợp, phân tích và dự báo giá thị trường được nhấn mạnh, yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả để có những đánh giá chính xác, kịp thời. UBND thành phố Hà Nội xác định rõ việc tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn thị trường giá cả là nhiệm vụ then chốt.
Các cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán theo giá niêm yết, đồng thời xử lý nghiêm minh mọi hành vi lợi dụng tình hình để tăng giá bất hợp lý.
Công tác kiểm soát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cũng được đặc biệt chú trọng, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, UBND thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Các Sở chuyên ngành được giao nhiệm vụ chủ động tính toán, chuẩn bị phương án, lộ trình điều chỉnh giá, đảm bảo phù hợp với diễn biến và mặt bằng giá thị trường, đồng thời kiểm soát lạm phát.
UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động nắm chắc thị trường, dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá, có phương án đảm bảo cân đối cung - cầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn nhu cầu tăng cao.
Các cơ quan chức năng được yêu cầu cung cấp thông tin chính xác, chính thống về tình hình giá cả các mặt hàng trong phạm vi quản lý, đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật.
Các Sở quản lý ngành, lĩnh vực được yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 70/2024/QĐ-UBND, đồng thời tham mưu, báo cáo UBND thành phố đảm bảo yêu cầu theo quy định.
UBND thành phố giao Sở Tài chính tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả thị trường trên địa bàn thành phố, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và báo cáo Bộ Tài chính và UBND thành phố theo quy định.
Với những biện pháp quyết liệt và đồng bộ, UBND thành phố Hà Nội thể hiện rõ quyết tâm trong việc đảm bảo sự ổn định của thị trường, kiểm soát lạm phát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, bắt giữ tàu vận chuyển trái phép dầu diesel
Ngày 18/2/2025, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, đã phát hiện, bắt giữ tàu vận chuyển trái phép khoảng 30.000 lít dầu diesel trên vùng biển Tây Nam.
Cụ thể, vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 17/2, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, kiểm tra Tàu cá CM 92519 TS (do ông Nguyễn Thanh Sang, thường trú tại Tây Yên, An Biên, Kiên Giang làm thuyền trưởng, trên tàu có 3 thuyền viên) có dấu hiệu nghi vấn.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Thanh Sang khai nhận trên tàu cá CM 92519 TS đang vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu diesel không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Lực lượng chức năng của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ, niêm phong hàng hóa.
Sau đó, dẫn giải phương tiện về cảng để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Phú Thọ: Tiêu hủy hơn 100kg nội tạng động vật bốc mùi đang trên đường đi tiêu thụ
Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Phú Thọ vừa phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra, phát hiện và tiêu hủy hơn 100kg nội tạng động vật không đảm bảo chất lượng, đang lưu thông trên thị trường.
Cụ thể, ngày 03/01/2025, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ dừng và khám xe ô tô tải BKS: 19C-189.XX do ông N.K.T trú tại địa chỉ: Phường Minh Nông, Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ điều khiển phương tiện.
Qua khám phương tiện phát hiện trên xe ô tô đang vận chuyển 103kg nội tạng động vật (nội tạng trâu, bò đã bốc mùi hôi thối, biến đổi về màu sắc, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.
Qúa trình kiểm tra, ông N.K.T khai nhận số nội tạng trên được mua gom trôi nổi trên thị trường nên không có giấy tờ, số hàng trên được mua về để bán cho các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn huyện Thanh Ba.
Đội QLTT số 3 đã lập Biên bản và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.K.T là lái xe kiêm chủ hàng về hành vi vi phạm hành chính: Vận chuyển sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy sản phẩm động vật gồm 103 kg nội tạng động vật (nội tạng trâu, bò.
Đội QLTT số 3 đã phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Ba, Ban Quản lý các công trình công cộng huyện Thanh Ba và ông N.K.T là lái xe kiêm chủ hàng tiến hành tiêu hủy số hàng hóa không đảm bảo trên.
Đắk Lắk: Phát hiện xe ô tô vận chuyển hơn 100kg pháo nổ trái phép
Ngày 23/12/2024, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã phát hiện và bắt giữ một lượng lớn pháo nổ đang được vận chuyển trái phép trên địa bàn.
Vào khoảng 22h30 ngày 20/12, tại đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, tổ công tác của Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện chiếc xe ô tô mang BKS: 60A-764.98 có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện xe ô tô vận chuyển hơn 100kg pháo nổ trái phép
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 4 bịch pháo bi dạng nổ, 49 dàn phun loại 49 viên, 2 dàn phun loại 100 viên, và 5 dàn pháo hoa khác, với tổng trọng lượng lên đến hơn 100 kg. Tất cả số pháo nổ trên đều không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Tài xế điều khiển xe ô tô là ông Đặng Hữu Quý (51 tuổi, trú tại tỉnh Đồng Nai) khai nhận đã nhận chở số hàng này từ một người lạ ở tỉnh Bình Phước về tỉnh Nghệ An với giá 6 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Quý khai không hề biết bên trong các thùng hàng là pháo nổ.
Vụ việc hiện đang được Công an thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Tĩnh: Bắt giữ hai đối tượng vận chuyển 230.000 USD qua biên giới
Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Thân Thị Hường về hành vi buôn lậu và Thân Thị Thành về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Trước đó, khoảng 7 giờ 20 phút ngày 28/11, tại khu vực Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuộc địa phận thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh), Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát Lào do Nguyễn Văn Bằng (sinh năm 1988, trú tại thôn Kim Thành, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) điều khiển.
Lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng Thân Thị Thành (áo khoác đen) cùng tang vật 230.000 USD.
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 230.000 USD, tương đương 5,8 tỷ đồng được giấu trong các thùng hàng tại vị trí ghế phụ của xe ô tô.
Số ngoại tệ trên được xác định là của đối tượng Thân Thị Thành (sinh năm 1977, trú tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), hành khách đi trên xe.
Qua đấu tranh nhanh với đối tượng, lực lượng chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Thân Thị Thành và chị gái của Thành là Thân Thị Hường (sinh năm 1970, trú tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ thêm tại nhà Thân Thị Hường 7.700 USD, 570.000 Yên Nhật, 191.120.000 Kíp Lào, 142.000 Bạt Thái. Tổng trị giá khoảng 450 triệu đồng.
02 đối tượng: Thân Thị Thành và Thân Thị Hường.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, đối tượng Thân Thị Hường thường xuyên có hành vi mua bán ngoại tệ từ Việt Nam sang Lào để hưởng phần chênh lệch. Thân Thị Thành nhận tham gia vận chuyển ngoại tệ cho chị gái là Thân Thị Hường từ Việt Nam sang Lào để hưởng tiền công vận chuyển.
Các đối tượng khai nhận, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2023 đến nay đã thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển số tiền khoảng 4,5 triệu USD (tương đương hơn 100 tỷ đồng) sang Lào.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý theo quy định của pháp luật.