Đăng nhập

Long An: Xử phạt 8 cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu Honda, Yamaha

Ngày 17/10/2024, thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 1, Cục QLTT Long An, cho biết vừa kiểm tra, phát hiện 8 cơ sở kinh doanh phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu Honda và Yamaha.

Trước đó, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất tám cơ sở mua bán phụ tùng xe gắn máy trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện các cơ sở này đang buôn bán các loại phụ tùng nhãn hiệu Honda, Yamaha như: cao su sên đề môtô hai bánh, bơm xăng môtô hai bánh, dây công tơ mét, bố thắng đĩa, yên xe…

Sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha.

Qua xác minh, làm việc, các chủ cơ sở này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh là đại diện hoặc nhà phân phối của nhãn hiệu Honda, Yamaha. Các loại phụ tùng nhãn hiệu Honda, Yamaha đang kinh doanh là hàng hóa giả mạo.

Lực lượng QLTT tỉnh Long An kiểm tra cửa hàng bán phụ tùng xe máy trên địa bàn.

Đội QLTT số 1 lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tám cơ sở trên về hành vi vi phạm buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 48 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trị giá khoảng 4,9 triệu đồng.

BTL Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ tàu vận chuyển hơn 70.000 lít dầu DO trái phép

Ngày 2/10/2024,BTL Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, vừa bắt giữ tàu vận chuyển hơn 70.000 lít dầu DO trái phép trên vùng biển Tây Nam.

Vào lúc 13 giờ 10 phút ngày 30/9, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, kiểm tra tàu KG 95666 TS. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên, do ông Phạm Hoàng Đại, sinh năm 1980, có địa chỉ thường trú tại phường Vĩnh Quang, Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng. Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển hơn 70.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng chức năng niêm phong hàng hóa vi phạm.

Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm, sau đó dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 tại thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế: Thu hồi trên toàn quốc một lô thuốc Reinal-5 không đạt chất lượng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 3114/QLD-CL yêu cầu thu hồi lô thuốc viên nang cứng Reinal-5 (Flunarizin 5mg), do Công ty cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú sản xuất hồi tháng 2 do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ngày 17/9 phát đi thông báo về việc thu hồi toàn quốc lô thuốc viên nang cứng Reinal-5 (Flunarizin 5mg), do Công ty cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú (Lô M7A, đường D17, khu công nghiệp Mỹ Phước 1, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) sản xuất.

Sản phẩm thuốc viên nang cứng Reinal-5 (Flunarizin 5mg) bị thu hồi toàn quốc

Thuốc này có số giấy đăng ký lưu hành VD-30346-18, số lô bị thu hồi là 240256, sản xuất ngày 20/02/2024, hạn dùng  20/02/2027.

Lý do được đưa ra là lô thuốc trên không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan, vi phạm mức độ 2.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú phối hợp với nhà phân phối thuốc trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày 17/9 phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng lô thuốc viên nang cứng Reinal-5 (Flunarizin 5mg) nêu trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Công văn số 3114/QLD-CL của Cục Quản lý Dược.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các địa phương, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.

Riêng Sở Y tế Bình Dương được giao kiểm tra và giám sát Công ty cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Viên nang cứng Reinal-5 (Flunarizin 5mg) của Công ty cổ phần dược phẩm Đạt Vi Phú là thuốc được chỉ định điều trị dự phòng cơn đau nửa đầu trong trường hợp các biện pháp điều trị khác không có hiệu quả hoặc kém dung nạp.

Điện Biên: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 15 bánh heroin

Ngày 30/8/2024, Công an huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết, vừa bắt quả tang 1 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm: 15 bánh heroin, 1 xe máy, 1 điện thoại di động. 

Cụ thể, khoảng 11 giờ ngày 28/8, Tổ công tác Công an huyện Mường Nhé làm nhiệm vụ tại khu vực bản Nậm Là, xã Mường Nhé phát hiện 1 đối tượng đeo balô rằn ri, có biểu hiện nghi vấn.

Số tang vật bị bắt giữ tại cơ quan công an

Tổ công tác đã áp sát, khống chế để kiểm tra đối tượng, phát hiện trong balô có 15 bánh nghi là heroin. Tổ công tác đã dẫn giải đối tượng về trụ sở Công an huyện để làm việc.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận là S.A.T (sinh năm 1997, trú tại bản Xà Quế, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Số ma túy trên, đối tượng nhận vận chuyển thuê từ một người đàn ông tên C. ở biên giới Việt-Lào mang về Việt Nam cho một người không biết tên để lấy tiền công.

Cơ quan Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Nan Định: Bắt giữ nam thanh niên vận chuyển số lượng lớn tiền giả

Ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nam Định đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Hoàng Văn Quảng (30 tuổi, trú tại Khu 3, phường Đông Triều, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) về hành vi “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.

Theo thông tin ban đầu, vào trưa ngày 30/6/2024, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ Hoàng Văn Quảng khi đối tượng đang trên đường vận chuyển một số lượng lớn tiền giả để tiêu thụ tại địa bàn thành phố Nam Định.

Đối tượng Hoàng Văn Quảng và tang vật bị thu giữ.

Qua khám xét khẩn cấp, cơ quan công an đã thu giữ tang vật gồm: 3.100 tờ tiền giả mệnh giá 5.000 đồng, 1.848 phôi tiền giả mệnh giá 5.000 đồng, 01 laptop, 01 máy photo màu, 02 bàn cắt giấy và các dụng cụ khác dùng để in ấn tiền giả.

Tại cơ quan điều tra, Hoàng Văn Quảng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đối tượng khai nhận đã mua sắm thiết bị và tự mày mò in ấn tiền giả từ đầu tháng 4/2024. Sau đó, Quảng đã vận chuyển số tiền giả này đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành khác nhau.

Vụ án hiện đang được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nam Định tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của đối tượng và các đối tượng có liên quan.

Thu hồi lô sản phẩm Kem chống nắng của Công ty TNHH mỹ phẩm MARADO

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế mới có thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với lô sản phẩm Kem chống năng vitamin E (Nhãn hàng Marubi Colorful U) của Công ty TNHH mỹ phẩm MARADO.

Theo Cục Quản lý dược, lô sản phẩm Kem chống năng vitamin E (Nhãn hàng Marubi Colorful U) - Hộp 1 lọ 30ml. Trên nhãn hộp ghi Số lô: M0103; HSD: 180327; Tem dán trên nhãn hộp có in tên doanh nghiệp: Công ty TNHH mỹ phẩm MARADO. Nhãn hộp không có thông tin ngày sản xuất, địa chỉ Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Nhãn lọ không có thông tin ngày sản xuất.

Mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Sở Y tế tỉnh Yên Bái lấy mẫu tại Hộ kinh doanh Đinh Ngọc Toàn (Địa chỉ: Số nhà 48, tổ 8, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) để kiểm tra chất lượng. Mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu về định tính vitamin E và nhãn mỹ phẩm lưu hành vi phạm quy định về nhãn sản phẩm theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT.

Theo Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 55/23/CBMP-VP đã được Sở Y tế tinh Vĩnh Phúc cấp số tiếp nhận cho sản phẩm mỹ phẩm Kem chống nắng vitamin E (Nhãn hàng Marubi Colorful U), Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, sản xuất: Công ty TNHH mỹ phẩm MARADO (Địa chỉ: CN 18, lô 12, KCN Khai Quang, phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Kem chống nắng vitamin E (Nhãn hàng Marubi Colorful U) - Hộp 1 lọ 30ml. Lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính vitamin E.

Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bản ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Kem chống năng vitamin E (Nhãn hàng Marubi Colorful U) - Hộp 1 lọ 30ml nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; Tiến hành thu hồi lô và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Long An: Phát hiện kho hàng chứa nhiều đồ gốm, sứ và hàng điện tử không rõ nguồn gốc

Ngày 12/7/2024, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Long An phối hợp Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra đột xuất cửa hàng Đăng Khoa tại ấp 1, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức và phát hiện vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 2.693kg sành, sứ, gốm các loại; 39 bếp gas; 15 nồi cơm điện; 4 loa điện tử đã qua sử dụng. Chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa và giấy phép kinh doanh theo quy định.

Lực lượng chức năng phát hiện nhiều đồ gốm, sứ, hàng điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hiện, vụ việc đang được bàn giao cho Đội Quản lý thị trường số 6 để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Việc phát hiện và xử lý kịp thời vụ việc này góp phần đảm bảo trật tự an toàn thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Long An.

Thái Nguyên: Thu giữ hơn 2.000 sản phẩm là thuốc bảo vệ thực vật và phân bón không rõ nguồn gốc

Ngày 27/6, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Thái Nguyên) cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Đại Từ củng cố hồ sơ, tài liệu để làm rõ hơn 2.000 sản phẩm là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

Cán bộ Phòng An ninh kinh tế kiểm tra số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Làm việc với cơ quan Công an, L.B.T khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên là thuốc BVTV và phân bón mua trên mạng xã hội về để bán kiếm lời; đối tượng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Sản phẩm là thuốc bảo vệ thực vật và phân bón không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Vụ việc đang được Công an huyện Đại Từ thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ buôn bán cây giống, phân bón, thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là trên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, cơ quan Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua và sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng bán qua mạng xã hội.

Quảng Ninh: Thu giữ hơn 5.000 sản phẩm thuốc lá điện tử tại Móng Cái

Ngày 12/6/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với lực lượng Công an và Hải quan đã phát hiện và tạm giữ 5.390 lọ tinh dầu dùng cho máy Pod (thuốc lá điện tử) không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Vào lúc 14h00 ngày 12/6, tại khu vực trước cửa Số nhà 148, đường Mạc Đĩnh Chi, Khu 1, phường Ka Long, thành phố Móng Cái, Đội QLTT số 4 phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện một người đàn ông đang tập kết hàng hóa và có biểu hiện nghi vấn.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh kiểm tra hàng hoá vi phạm.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 7 kiện hàng chứa 5.390 lọ tinh dầu dùng cho máy pod (thuốc lá điện tử) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ước tính trị giá hơn 50 triệu đồng. Đối tượng P.Đ.D (sinh năm 1992, trú tại Khu 2, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái) khai nhận đã mua thu gom số hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường và đang chuẩn bị gửi bán qua đơn vị chuyển phát nhanh.

Hiện, vụ việc đang được Đội QLTT số 4 phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thái Bình: Xử phạt 02 cơ sở kinh doanh vàng số tiền 60 triệu đồng

Trong tháng 5/2024, Đội Quản lý Thị trường số 4 tỉnh Thái Bình đã kiểm tra đột xuất và xử phạt hành chính hai cơ sở kinh doanh vàng tại huyện Thái Thụy tổng số tiền 60 triệu đồng do vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh và biển hiệu.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Thái Bình về việc tăng cường kiểm tra, xử lý mặt hàng vàng, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất hai cửa hàng kinh doanh vàng bạc thuộc Công ty TNHH vàng bạc M.T và Công ty TNHH D.C, cả hai đều có địa chỉ tại Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hai tổ chức này với các hành vi vi phạm như: Vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên và không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp, tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 4 tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính tại cơ sở kinh doanh

Ngày 16/5/2024 và 27/5/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai công ty này, với tổng số tiền phạt là 60 triệu đồng. Đồng thời, các cơ sở kinh doanh này bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Việc xử phạt này là một phần trong nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bạc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì trật tự trên thị trường.