Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: UBND 07 tỉnh biên giới phía Bắc tăng cường điều phối, phân luồng hàng hoá để tránh tái diễn tình trạng ùn ứ hàng hoá tại cửa khẩu
Tại Thông báo số 383/TB-BCT kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc diễn ra ngày 9/12/2023 đã nêu ra nhiệm vụ đối với UBND, Sở Công Thương của 07 tỉnh biên giới phía Bắc ( gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh) cần tăng cường công tác điều phối, phân luồng hàng hoá, kịp thời thông báo tình hình thông quan tới các bộ, ngành chức năng và địa phương vùng trồng trên cả nước để tránh tái diễn tình trạng ùn ứ hàng hoá tại một số cửa khẩu.
Nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu ra những hạn chế còn tồn tại như: Trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu, giao thông của các địa phương biên giới. Xuất khẩu nông sản, thủy sản chưa bền vững; hạ tầng biên giới còn hạn chế, hạ tầng thương mại biên giới vẫn thiếu và yếu. Việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại. Việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu chưa được triển khai đồng bộ, mới chỉ tập trung tại các cửa khẩu chính…
Trong thời gian tới, đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục phối hợp với các tỉnh biên giới trong việc triển khai, xây dựng và áp dụng mô hình Cửa khẩu thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành cửa khẩu nhằm nâng cao năng lực thông quan. Đối với các địa phương trên cả nước tiến hành rà soát quy hoạch vùng nuôi trồng, tổ chức sản xuất và xuất khẩu theo hướng chính ngạch, đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, tăng cường tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại song phương.
Đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với các địa phương rà soát, mở mới và nâng cấp các cửa khẩu biên giới với phía Trung Quốc góp phần làm giảm áp lực thông quan hàng hoá tại một số cửa khẩu có lưu lượng thông quan lớn.