Đăng nhập

Nhiều cửa hàng công khai bán hàng thời trang giả tại các tuyến phố du lịch ở Đà Nẵng

Chiều 20/5, dưới sự giám sát của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại các tuyến phố du lịch trung tâm Thành phố.

Triển khai kế hoạch cao điểm về giám sát, kiểm tra và xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước chủ trì để thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới, Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cửa hàng thời trang gồm Black Label (số 156 Trần Phú, CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú, Gu (số 27 Hùng Vương), Mirror Shop (số 15 Nguyễn Thái Học), đều nằm trên địa bàn quận Hải Châu – khu vực trung tâm có lượng khách du lịch lớn, đặc biệt là khách quốc tế.

Black Label Shop kéo rèm để tránh sự chú ý của lực lượng chức năng

Dù tiến hành kiểm tra đột xuất nhưng lực lượng chức năng vẫn ghi nhận tình trạng nhiều cửa hàng đóng cửa bất thường, kéo rèm che kín mặt tiền, khóa chốt bên trong nhằm tránh bị kiểm tra. Trong đó, nổi bật là trường hợp cửa hàng Black Label – địa chỉ chuyên bán túi, ví “hàng hiệu” nổi tiếng tại khu vực Trần Phú do ông T.T.C làm chủ hộ kinh doanh.

Tại đây, nhân viên cửa hàng từ chối phục vụ khách người Việt, viện lý do “đang tạm nghỉ để chuyển địa điểm kinh doanh”, nhưng lại tiếp đón khách nước ngoài và khóa trái cửa khi họ bước vào trong. Lực lượng quản lý thị trường đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện bên trong cửa hàng bày bán nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, LV, Gucci, Dior, Celine, YSL… với giá thấp bất thường.

Một chiếc túi được giới thiệu là Chanel 22 da bê hiệu ứng bóng, khóa kim loại mạ vàng, có giá chỉ 8,6 triệu đồng, trong khi sản phẩm tương tự trên website chính thức của Chanel được niêm yết gần 162 triệu đồng – chênh lệch tới 95%.

Đoàn kiểm tra và giám sát tại CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú

Tại CoCo Accessory & Bag (144 Trần Phú do bà N.T.T.H làm chủ hộ kinh doanh, đoàn kiểm tra ghi nhận nhiều mẫu túi, ví, giày dép gắn thương hiệu LV, Chanel, Hermès, YSL… được bán với giá chỉ từ vài trăm nghìn đến dưới 2 triệu đồng mỗi sản phẩm.

Đoàn kiểm tra tại Cửa hàng Mirror Shop (số 15 Nguyễn Thái Học)

Ở các cửa hàng còn lại trên đường Nguyễn Thái Học, Hùng Vương, lực lượng chức năng tạm giữ nhiều sản phẩm thời trang như quần áo, giày dép, dây lưng... mang nhãn hiệu Burberry, Chanel, LV, Celine, YSL.

Đoàn kiểm tra tại 27 Hùng Vương - Cửa hàng GU thu giữ nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Theo tổng hợp của các tổ công tác, chỉ trong ngày 20/5, gần 2.000 sản phẩm gồm túi xách, ví, quần áo, phụ kiện, giày dép mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Hermès, Chanel, Gucci, Christian Dior, Celine, Prada, Louis Vuitton… và rất nhiều các hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ đã bị tạm giữ tại các cửa hàng kiểm tra để tiếp tục xác minh các dấu hiệu vi phạm, xử lý đúng quy định của pháp luật.

Ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ QLTT - Trưởng đoàn giám sát

Theo ông Trần Việt Hùng – Trưởng phòng Nghiệp vụ QLTT, đây không phải là lần đầu tiên lực lượng QLTT triển khai kiểm tra các mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt tại các đô thị có ngành dịch vụ du lịch phát triển mạnh.

Việc kiểm tra không chỉ nhằm xử lý vi phạm mà còn góp phần làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là du khách quốc tếvà nâng cao uy tín hàng hóa tại Việt Nam. Ông Hùng cho biết các hoạt động này đang được triển khai trong khuôn khổ Kế hoạch 888 của lực lượng QLTT và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới trên địa bàn cả nước, đặc biệt các khu đô thị lớn, địa bàn trọng điểm. Sau kiểm tra, việc đảm bảo các cửa hàng không tái diễn việc bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ được Cục gắn trách nhiệm cho các đơn vị có trách nhiệm ở địa phương như Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường.

Lực lượng chức năng sẽ tập trung tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho các hộ kinh doanh, nhất là tại các khu vực có đông khách du lịch. Mục tiêu là xây dựng hình ảnh Việt Nam văn minh, thân thiện, nói không với hàng giả, hàng nhái trong hoạt động thương mại – dịch vụ” ông Hùng chia sẻ.

Đắk Lắk: Đề nghị xử phạt hơn 224 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất kẹo rau củ Kera

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Asia Life với tổng số tiền hơn 224 triệu đồng.

Chiều ngày 8/4,lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên cơ sở kiểm tra và kết quả kiểm nghiệm mẫu an toàn thực phẩm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Công ty cổ phần ASIA LIFE đã có 4 hành vi vi phạm hành chính.

Sản phẩm kẹo rau củ Kera.

Theo dõi nhiệt độ, độ ẩm không đầy đủ: Công ty không thực hiện đầy đủ việc theo dõi nhiệt độ và độ ẩm đối với nguyên liệu và sản phẩm trong khu vực chứa đựng và kho bảo quản. Mức phạt cho hành vi này là 12 triệu đồng.

Hệ thống HACCP không thực hiện đúng: Mặc dù đã thiết lập hệ thống phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), nhưng công ty không áp dụng đầy đủ trong thực tế. Hành vi này bị phạt 8,5 triệu đồng.

Bên trong Công ty Cổ phần Asia Life.

Sản phẩm không phù hợp tiêu chuẩn: Công ty đã tự công bố sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, với mức phạt là 35 triệu đồng.

Buôn bán sản phẩm có phụ gia không đúng: Công ty bị phát hiện đưa thêm chất phụ gia vượt quá tiêu chuẩn đã công bố. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 2.080 hộp, trị giá hơn 67 triệu đồng. Mức phạt cho vi phạm này là 168,7 triệu đồng.

Tổng cộng, Công ty Cổ phần Asia Life bị đề nghị xử phạt với số tiền 224.250.400 đồng.

Ngành Hải quan xử lý 2.440 vụ việc vi phạm pháp luật

Cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 2.440 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.790,3 tỷ đồng, tính từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/2/2025.

Theo Cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 2/2025 vẫn diễn biến phức tạp; tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng, pháo nổ, vàng và tiền tệ, được buôn lậu qua các tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và Việt - Campuchia.

Từ ngày 15/01 đến ngày 14/02/2025, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.010 vụ vi phạm

Trước tình hình trên, Cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn cảnh báo toàn ngành về tình hình ma túy trôi dạt trên biển, hướng dẫn kiểm soát ma túy, tiền chất và sử dụng trang thiết bị chuyên dùng phòng chống ma túy.

Với sự vào cuộc của toàn ngành, chỉ tính từ ngày 15/1 đến ngày 14/2, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.010 vụ vi phạm. Trị giá hàng hoá vi phạm ước tính khoảng 1.328,3 tỷ đồng. Đồng thời, cơ quan Hải quan cũng đã chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 12 vụ. Số thu nộp ngân sách nhà nước 38,19 tỷ đồng. Trong đó, số vụ có dấu hiệu hình sự tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Lũy kế từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/02/2025, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 2.440 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.790,3 tỷ đồng. Chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 19 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 133,19 tỷ đồng.

Quảng Trị: Bắt giữ đối tượng tàng trữ gần 600 viên hồng phiến

Ngày 30/12, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, Công an huyện Đakrông phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện, bắt quả tang đối tượng về hành vi "Tàng trữ trái phép chất ma túy".

Tang vật thu được của vụ án.

Theo đó, lúc 15h15 phút ngày 28/12, Công an huyện Đakrông chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Trị bắt quả tang đối tượng Hồ Văn L. (SN 1995), trú tại thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông, thu giữ khoảng 600 viên nén nghi là ma túy tổng hợp loại hồng phiến cùng các đồ vật tài liệu có liên quan.

Lực lượng Công an đang đấu tranh, lấy lời khai đối tượng để điều tra làm rõ hành vi phạm tội.

Hà Nội: xử phạt 6 cơ sở y dược và thực phẩm vi phạm

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm với số tiền 75 triệu đồng.

Cụ thể, nhà thuốc Vạn Vạn Phúc (địa chỉ số 21, tầng 1, lô C Vạn Phúc, phường Liễu Giai, quận Ba Đình) và nhà thuốc Đại học Dược (địa chỉ số 45 ngõ 108 đường Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cùng bị phạt 7,5 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định.

Công ty TNHH Sử Trường Sơn, địa chỉ số 42 đường 9 khu tập thể F361 An Dương, Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ bị xử phạt 8 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước.

Hà Nội xử phạt nhiều cơ sở y dược.

Công ty CP Thương mại dịch vụ Phúc Linh, địa chỉ số 172 đường Hạ Trại, Cự Khối, quận Long Biên bị xử phạt 12 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước quy định; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.

Công ty CP Tập đoàn TGD, địa chỉ Km 0+700, đường 16, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn bị xử phạt 15 triệu đồng do chủ sở hữu số lưu hành trang thiết bị y tế không công khai kết quả phân loại theo quy định.

Công ty TNHH Dược phẩm Hợp Nhất, địa chỉ nhà OV7.07 khu đô thị Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam từ Liêm bị xử phạt 25 triệu đồng do chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.

Công an TP. Thái Nguyên: Thu giữ trên 28.400 bao thuốc lá nhập lậu

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng gồm: Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1991; Bùi Thị Huệ, sinh năm 1977 và Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1993, đều ở quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) về tội buôn bán và vận chuyển hàng cấm.

Theo kết quả điều tra: Ngày 2/10/2024, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Thái Nguyên) kiểm tra, phát hiện một số thùng hàng tại văn phòng Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, ở tổ 13, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), có trên 1.500 bao thuốc lá điếu ghi chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ bằng chữ tiếng Việt. Qua xác minh, số hàng trên là của bà Bùi Thị Huệ. Lực lượng chức năng còn phát hiện và thu giữ tại nhà bà Huệ trên 4.000 bao thuốc lá (tổng số thuốc lá thu giữ của bà Huệ là 5.550 bao).

Cơ quan chức năng đang tạm giữ của các đối tượng trên 28.400 bao thuốc lá điếu thuộc 22 nhãn hiệu nước ngoài.

Điều tra mở rộng, lực lượng chức năng xác định từ tháng 7 đến tháng 10-2024, bà Huệ đã liên hệ và mua thuốc lá của Nguyễn Mạnh Cường nhằm bán lại kiếm lời. Còn Cường thuê Nguyễn Trung Kiên vận chuyển thuốc lá đi giao và thu tiền của khách hàng có nhu cầu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên đã phát hiện, thu giữ thêm của Cường gần 23.000 bao thuốc lá điếu các loại ghi chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên đã khởi tố Nguyễn Mạnh Cường và Bùi Thị Huệ về tội buôn bán hàng cấm theo Khoản 3, Điều 190 Bộ luật Hình sự; Nguyễn Trung Kiên bị khởi tố về tội vận chuyển hàng cấm theo Khoản 3, Điều 191 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Công an đang tạm giữ trên 28.400 bao thuốc lá điếu của các đối tượng nói trên, gồm 22 nhãn hiệu nước ngoài, như: BLEND NO 555 GOLD, ZEST MARULA, CHAP MAN No.4, RAISON ORANGE CAFE, RAISON ICE CAFÉ, CHAP MAN No.2, ZEST MARULA…

Vụ việc đang được điều tra mở rộng.

Kiên Giang: Bắt quả tang hơn 1.000 bao thuốc lá lậu, giả mạo nhãn hiệu

Ngày 12/9, lực lượng quản lý thị trường Kiên Giang đã bất ngờ kiểm tra và phát hiện một số lượng lớn thuốc lá điếu nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Hòn Đất.

Cụ thể, qua quá trình kiểm tra, đội quản lý thị trường đã tạm giữ 1.070 bao thuốc lá các loại như JET, HERO, SAIGON Silver. Điều đáng chú ý là trong số các loại thuốc lá bị tịch thu, có đến 120 bao thuốc lá nhãn hiệu SAIGON Silver nghi vấn làm giả.

Đội QLTT số 1 kiểm tra tại cơ sở

Trước đó, đội nhận được thông tin phản ánh từ người dân về việc có dấu hiệu buôn bán thuốc lá lậu và giả mạo nhãn hiệu tại địa bàn. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành xác minh và có những biện pháp kiểm tra cần thiết.

Hành vi buôn bán thuốc lá lậu và giả mạo nhãn hiệu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế và vi phạm pháp luật. Đối với hành vi này, đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Hà Nội kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Quyết định số 4139/QĐ-UBND kiện toàn Ban Chỉ đạo TP chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 TP).

Theo Quyết định, kiện toàn Ban Chỉ đạo TP chống buôn lậu, gian lận thưong mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 TP) do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền làm Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên làm Phó Trưởng ban Thường trực. Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng làm Phó Trưởng ban. Có 6 ủy viên là đại diện các đơn vị có liên quan. 

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ hàng lậu tại quận Bắc Từ Liêm

Ban Chỉ đạo 389 TP có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong từng thời kỳ, hàng năm phù hợp với tình hình cụ thể của TP. Giúp Chủ tịch UBND TP chỉ đạo và tổ chức phối hợp giữa các sở, ngành chức năng của TP và UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng đó, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành thành viên và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, lĩnh vực và địa bàn được phân công quản lý.

Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Hà Nội. Thực hiện công tác phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xây dựng báo cáo thường xuyên, đột xuất về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, tiến hành sơ kết, tổng kết công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND TP giao.

Giao Trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo 389 TP làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 TP đề ra theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn được phân công.

Trưởng Ban sử dụng con dấu của UBND TP, Phó Trưởng Ban Thường trực sử dụng con dấu của Cục Quản lý thị trường Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ.

Giao Cục Quản lý thị trường Hà Nội là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP tổng hợp danh sách thành viên các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã được cử tham gia Ban Chỉ đạo 389 TP.

Cảnh báo: Dầu massage Đại Lực Hoàng bị thu hồi toàn quốc do vi phạm chất lượng

Bộ Y tế vừa có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ sản phẩm dầu massage Đại Lực Hoàng trên thị trường. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người sử dụng.

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã chính thức ban hành quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn bộ sản phẩm dầu massage Đại Lực Hoàng trên thị trường. Quyết định này được đưa ra sau khi Cục Quản lý Dược tiến hành kiểm tra và phát hiện sản phẩm được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện về sản xuất mỹ phẩm theo quy định.

Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm mỹ phẩm dầu massage (nhãn hàng Đại lực hoàng).

Cụ thể, sản phẩm dầu massage Đại Lực Hoàng có phiếu công bố số 001715/21/CBMP-HCM, do Công ty TNHH một thành viên sản xuất và thương mại mỹ phẩm Lê Vân (địa chỉ: 2B31/1 Ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) sản xuất và chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.  

Trước tình hình này, Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Công ty Lê Vân yêu cầu tiến hành các biện pháp thu hồi, tiêu hủy sản phẩm ngay lập tức. Đồng thời, các cơ sở kinh doanh, spa, salon làm đẹp cũng được khuyến cáo ngừng sử dụng và thu hồi sản phẩm này khỏi kệ hàng.

Người tiêu dùng được khuyến cáo không nên sử dụng sản phẩm dầu massage Đại Lực Hoàng và nếu đã mua sản phẩm này, cần liên hệ với nơi bán để đổi trả hoặc tiêu hủy.

Việc thu hồi sản phẩm dầu massage Đại Lực Hoàng là một lời cảnh tỉnh đối với người tiêu dùng về việc lựa chọn mỹ phẩm. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm trước khi mua, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép lưu hành và có tem nhãn đầy đủ.

Hơn 16.000 sản phẩm dầu gội, nước rửa chén, bột giặt, kem đánh răng giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ tại Hà Giang

Ngày 19/06/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Hà Giang đã tiến hành kiểm tra và phát hiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29C.167.10 vận chuyển hơn 16.000 sản phẩm dầu gội, nước rửa chén, bột giặt, kem đánh răng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Sunsilk, CLEAR, Dove, Sunlight, P/S, Colgate và OMO.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 phát hiện 16.202 sản phẩm dầu gội, nước rửa chén, bột giặt, kem đánh răng có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Toàn bộ số hàng hóa do ông N.V.C, cư trú tại xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, ông N.V.C không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.

Hiện, Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và đang phối hợp cùng các đơn vị chức năng liên quan để xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Vụ việc trên là một cảnh báo cho người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác khi mua sắm các sản phẩm thiết yếu này để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của bản thân.