Đăng nhập

Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, bắt giữ tàu cá vận chuyển trái phép khoảng 60.000 lít dầu DO trên biển

Ngày 21-5, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ tàu vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu diesel (DO) trái phép trên vùng biển Tây Nam.

Cụ thể, vào lúc 22 giờ ngày 20-5, trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện, kiểm tra tàu cá TG 91387 TS có dấu hiệu nghi vấn nên đề nghị dừng lại để kiểm tra. Tàu do ông Lê Văn Đức, sinh năm 1984, có địa chỉ thường trú tại khóm 5, Cái Đôi Vàm, Phú Tân, Cà Mau làm thuyền trưởng, trên tàu có 5 thuyền viên; chủ tàu là ông Hồ Ngọc Thanh, địa chỉ tại ấp Tân Tỉnh B, Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho, Tiền Giang.

Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra hàng hóa vi phạm trên tàu TG 91387 TS.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Lê Văn Đức khai nhận trên tàu cá TG 91387 TS đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Số dầu trên nếu trót lọt sẽ bán cho các tàu cá khai thác thủy sản trên biển.

Lực lượng chức năng của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện, niêm phong hàng hóa và đang tổ chức dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 422/ Hải đoàn 42 tại phường An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 

Lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa

Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thị trường, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng nội dung kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm hàng hóa,

Ngày 5/4/2025, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước có công văn số 319/TTTN-NV gửi Sở Công Thương các địa phương về việc triển khai Chỉ thị số 08/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần bình ổn thị trường, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đề nghị Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thị trường, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng nội dung kiểm tra về giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy định về an toàn thực phẩm; phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạmtheo quy định của pháp luật, đặc biệt là các hành vi về kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá hàng hóa dịch vụ; hành vi vi phạm trong hoạt động xúc tiến thương mại, hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm đảm bảo ổn định thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Sở Công Thương các địa phương chủ động thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Đà Nẵng: Phát hiện 1 cơ sở kinh doanh 2.250 sản phẩm quần áo Trung Quốc nhập lậu

Ngày 14/1/2025, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Đà Nẵng cho hay, Đội QLTT số 2 vừa phối hợp với lực lượng chức năng Thành phố kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh áo quần trên địa bàn quận Thanh Khê. Phát hiện và tạm giữ hơn 2.200 đơn vị sản phẩm là áo quần nhập lậu.

Cụ thể, ngày 10/01/2025 Đội QLTT số 2 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất đối với một Hộ kinh doanh áo quần trên địa bàn quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.250 đơn vị sản phẩm là áo, quần may mặc sẵn các loại (được chứa đựng trong 23 bao hàng hóa), do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là: 165.500.000 đồng.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vụ việc xử lý theo quy định pháp luật.

Thái Nguyên: Phát hiện và xử lý hai vụ việc vận chuyển thực phẩm không đảm bảo an toàn

Ngày 27/12/2024 Đội QLTT số 4 đã phối hợp với các ngành chức năng khám 02 xe ô tô tải, phát hiện nhiều hàng hoá là thực phẩm không đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công.

Tại chợ Ba Hàng thành phố Phổ Yên, Đoàn kiểm tra đã tiến hành khám xe ô tô tải thùng kín nhãn hiệu KIA, do ông N.V.D trú tại xã Minh Đức, thị xã Việt Yên, Bắc Giang là chủ hàng kiêm người điều khiển phương tiện; phát hiện trong thùng xe có 12 bao tải chứa 600 kg lòng lợn đã bị biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, không có hoá đơn, giấy tờ gì liên quan đến số hàng hoá nói trên.

Đoàn kiểm tra đã đề xuất người có thẩm quyền Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông N.V.D số tiền 6.300.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa tang vật vi phạm nói trên theo quy định.

Thực hiện buộc tiêu huỷ 600kg lòng lợn theo quy định

Cùng ngày, tại tổ dân phố 3, phường Thắng Lợi, thành phố Sông Công, Đoàn kiểm tra tiến hành khám xe ô tô tải do ông N.V.M là lái xe kiêm chủ hàng, phát hiện trên xe có 20 hộp quả lê sữa do nước ngoài sản xuất trên nhãn có “MADE IN CHINA” là hàng hóa nhập lậu; một số quả có dấu hiệu bị dập, nát, chảy nước, không có dấu kiểm dịch thực vật, không đảm bảo an toàn sử dụng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tổng trị giá số hàng hóa trên là: 14.000.000 đồng, không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến hàng hoá trên. 

Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra hàng hóa

Đoàn kiểm tra đã đề xuất người có thẩm quyền Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông N.V.M số tiền 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hoá vi phạm nói trên theo quy định.

An Giang: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu

Sáng 18/12, Công an TP. Long Xuyên cho biết, vừa phát hiện và bắt giữ một đối tượng sử dụng xe gắn máy để vận chuyển 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu (tại phường Mỹ Hòa); đồng thời tiếp tục xác minh phương tiện, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định pháp luật.

Phương tiện cùng tang vật đối tượng bỏ lại hiện trường để thoát thân

Trước đó, khoảng 5 giờ ngày 17/12, Tổ công tác chống buôn lậu Công an TP. Long Xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn. Khi đến khu vực tổ 19, khóm Tây Khánh 3 (phường Mỹ Hòa), thì phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe gắn máy biển số 67B1-219.80 chở theo 2 giỏ xách có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu dừng xe để kiểm tra. Khi phát hiện lực lượng công an, đối tượng này lợi dụng trời tối bỏ lại phương tiện cùng hàng hóa để nhanh chóng thoát thân.

Lực lượng công an kiểm đếm số tang vật bị tạm giữ

Qua kiểm tra, phát hiện bên trong 2 giỏ xách bỏ lại có chứa 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, nhãn hiệu Hero và Jet. Tổ công tác tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện cùng tang vật.

Đồng Nai: Phát hiện hơn 4 tấn thực phẩm bẩn ở Biên Hòa

Ngày 13/11, tin từ Công an TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện hơn 4 tấn lòng lợn và nhiều loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, vào ngày 12/11, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP.Biên Hòa phối hợp với Công an phường Phước Tân tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến mỡ lợn tại khu phố Tân Mai (phường Phước Tân, TP.Biên Hòa), nơi có nhiều dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm. Cơ sở này do bà Nguyễn Thị Dung (SN 1971, cư trú tại khu phố 8, phường Tân Biên) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện tại cơ sở này có 10 nhân công đang sơ chế và chế biến lòng lợn phế phẩm, phát tán mùi hôi thối trên nền đất. Bên cạnh đó, có 4 lò nấu mỡ đang hoạt động, chiên lòng lợn thành dầu có màu đen và mùi hôi, cùng với 2 kho đông lạnh chứa đầy nội tạng lợn có dấu hiệu hôi thối.

Công nhân đang sơ chế lòng lợn tại một cơ sở vi phạm.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 800kg mỡ lợn được đựng trong các can nhựa. Bà Dung không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Số lòng lợn sau khi được sơ chế.

Mỡ sau khi sơ chế, chế biến được đựng vào các can nhựa rồi đưa đi bán cho các công ty nấu cám. 

Làm việc với cơ quan chức năng, bà Dung cho biết toàn bộ số nội tạng (lòng lợn) trên được mua từ một số chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa, sau đó được sơ chế, chế biến và nấu mỡ, rồi đựng vào can nhựa để bán cho các công ty chế biến cám.

Sau khi lập biên bản, cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 4 tấn lòng lợn để tiêu hủy theo quy định.

Phú Thọ: Xử phạt và tiêu hủy 140 kg sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngày 09/10/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một vụ vận chuyển trái phép 140kg nội tạng động vật không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Thọ và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phù Ninh đã tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải BKS: 30X - 3698 do ông P.T.T điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 03 thùng xốp chứa 140kg nội tạng trâu, bò, lợn trong tình trạng hết sức nghiêm trọng: rỉ nước, bốc mùi hôi thối, biến đổi màu sắc, hoàn toàn không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Ông P.T.T khai nhận đã mua gom số nội tạng này một cách trôi nổi trên thị trường với ý định bán cho các quán ăn, cửa hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, người này không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc, chất lượng của số hàng hóa trên.

Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với ông P.T.T với số tiền 10.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số nội tạng động vật đã thu giữ.

Bộ Y tế: Thu hồi thuốc viên nén Ubiheal 300 không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn thu hồi sản phẩm thuốc viên nén Ubiheal 300 (Thioctic acid 300 mg) của Công ty CP dược phẩm Nam Hà do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cụ thể, Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty CP dược phẩm Nam Hà phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc Nhà nước tiến hành lấy 2 mẫu bổ sung và gửi mẫu đã lấy tới Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoặc Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra chất lượng đối với chỉ tiêu độ hòa tan, định lượng.

Trước đó, ngày 19/8/2024, Cục Quản lý dược nhận được Công văn số 663/VKNTTW-KHTH của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương gửi kèm phiếu kiểm nghiệm số 54Gt42 ngày 15/8/2024 báo cáo kết quả lấy mẫu bổ sung đối với lô thuốc Viên nén Ubiheal 300 số lô: 22103; NSX: 17/11/2022; HD: 17/11/2025 nêu trên là không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.

Như vậy lô thuốc viên nén Ubiheal 300 (Thioctic acid 300 mg), số GĐKLH: VD-27692-17, số lô: 22103; NSX: 17/11/2022; HD: 17/11/2025 nêu trên được xác định là vi phạm mức độ 2.

Ngoài thu hồi sản phẩm, Cục Quản lý dược yêu cầu Công ty CP dược phẩm Nam Hà phối hợp với nhà phân phối thuốc, trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ký công văn này phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.

Đồng thời, gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ký công văn này.

Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên.

Cùng với đó, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý dược và cơ quan chức năng có liên quan./.

Quảng Ninh: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gần 1.600 bao thuốc lá nhập lậu

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng N.V.T. về hành vi vận chuyển trái phép số lượng lớn thuốc lá nhập lậu.

Ngày 14/8, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Tổ công tác Công an thị xã Đông Triều đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng N.V.T. đang vận chuyển 3 thùng giấy chứa 1.550 bao thuốc lá các loại, trong đó có 1.350 bao thuốc lá nhãn hiệu 555 và 200 bao nhãn hiệu Zest YoGo. Toàn bộ số thuốc lá trên đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp.

Đối tượng N.V.T cùng tang vật

Tại cơ quan điều tra, đối tượng N.V.T. khai nhận đã nhận vận chuyển thuê số thuốc lá này cho một người lạ mặt qua mạng xã hội với giá 1.500.000 đồng. Tuy nhiên, đối tượng không biết rõ nguồn gốc và địa chỉ của người thuê.

Việc bắt giữ thành công vụ án này đã thể hiện sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng.

Hà Nội: Bắt giữ số lượng lớn thiết bị PCCC nhập lậu

Ngày 31/7, Đội Quản lý thị trường số 7, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã có một đợt kiểm tra đột xuất các địa điểm kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn huyện Thanh Trì.

205 bình bột chữa cháy thu giữ tại hiện trường

Cụ thể, tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, đoàn kiểm tra đã thu giữ 205 bình bột chữa cháy. Chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào liên quan đến nguồn gốc của số bình chữa cháy này. Thêm vào đó, các sản phẩm này đều không có tem, nhãn mác kiểm định chất lượng, gây nghi ngờ về chất lượng và độ an toàn.

Bên ngoài, các thiết bị phòng cháy chữa cháy này đều không có tem, nhãn mác kiểm định chất lượng

Việc phát hiện và thu giữ số lượng lớn thiết bị PCCC nhập lậu không chỉ là một vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Những thiết bị này có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả phòng cháy chữa cháy và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.