Đăng nhập

Tình trạng lợi dụng việc quá cảnh để vận chuyển hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả đang gia tăng

Thời gian qua, công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới thời gian qua, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc lợi dụng việc quá cảnh để vận chuyển ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, động vật hoang dã, hàng giả... gây mất an ninh, an toàn kinh tế, trật tự xã hội.

Đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự cơ quan Hải quan thực hiện khởi tố hoặc chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố theo quy định pháp luật hình sự.

Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quá cảnh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo quyền sở hữu công nghiệp, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được ban hành và thực thi từ năm 2010 (Nghị định số 97/2010/NĐ-CP), tiếp tục kế thừa tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP) đến nay. Quá trình rà soát khi tham gia Hiệp định CPTPP cho thấy quy định này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với cam kết khi tham gia Hiệp định. Qúa trình thực hiện quy định này góp phần quan trọng trong việc kiểm soát hàng hóa quá cảnh của cơ quan Hải quan. Trước đây Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định hành vi vận chuyển và được hiểu bao gồm cả quá cảnh nên mới quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cũng như giữ lại tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP.

Theo kết quả thống kê toàn Ngành Hải quan tính từ năm 2017 đến năm 2022 đã bắt giữ, xử lý 290 vụ vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ và hàng giả, trị giá tang vật trên 816 tỷ đồng, trong đó có 70% số vụ việc cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ từ các vụ việc vi phạm trong hoạt động quá cảnh hàng hóa từ Việt Nam đi Campuchia và Lào. Riêng năm 2020 khi thực hiện kiểm tra theo chuyên đề đối với 132 container hàng hóa quá cảnh, cơ quan Hải quan đã phát hiện có 91/132 container vi phạm (tỷ lệ 75,8%), trong đó có 35/91 container chứa hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng (tỷ lệ 38,5%), 56/91 container hàng hoá không khai báo, sai khai báo (tỷ lệ 61,5%), chủ yếu là các mặt hàng liên quan đến các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, ví, mỹ phẩm...

Trung bình hàng năm cơ quan Hải quan thực hiện bắt giữ, xử lý tiêu hủy hàng chục container hàng hóa giả mạo nhãn hiệu do các đối tượng lợi dụng loại hình quá cảnh thực hiện vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Do vậy, các quy định hiện hành đảm bảo giữ gìn trật tự, an ninh an toàn kinh tế, trật tự - an toàn xã hội, đảm bảo thực thi cam kết tại Hiệp định CPTPP, phòng ngừa rủi ro từ hoạt động quá cảnh hàng hóa.