Đăng nhập

Bộ Y tế thu hồi hiệu lực sản phẩm KA EKIDS và Đào Hồng Đơn Venus

Bộ Y tế quyết định thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký công bố của 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Văn bản do ông Chu Quốc Thịnh, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ký ban hành, nêu rõ việc thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty TNHH Dược phẩm Nam Sơn và Công ty TNHH Dược phẩm Organic Khải Anh.

Theo Quyết định số 320/QĐ-ATTP ban hành ngày 8/7, Cục An toàn thực phẩm thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 6861/2022/ĐKSP, được cấp ngày 30/11/2022, đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe KA EKIDS do Công ty TNHH Dược phẩm Organic Khải Anh công bố. Công ty này có địa chỉ tại số nhà 90, phố Sàn, xã Phượng Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang (cũ).

Sản phẩm bị Cục An toàn thực phẩm thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố.

Theo thông tin được giới thiệu, sản phẩm KA EKIDS là một loại siro cho bé, giúp trẻ ăn ngon, tăng cân tự nhiên.

Cùng ngày, theo Quyết định số 319/QĐ-ATTP, cục cũng thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 5341/2018/ĐKSP, được cấp ngày 20/8/2018, đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đào Hồng Đơn Venus do Công ty TNHH Dược phẩm Nam Sơn công bố. Địa chỉ công ty này tại số 35 Cự Lộc, Km6 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (cũ), thành phố Hà Nội.

Sản phẩm này được quảng cáo có công dụng giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu hụt nội tiết tố estrogen ở phụ nữ.

Việc thu hồi được thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Cao Bằng: Phát hiện, thu giữ hàng nghìn kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc

Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ do Bộ Công an và Công an tỉnh phát động, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, ngày 11/6, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Đội Kiểm soát hải quan và Chi cục Hải quan khu vực VI kiểm tra tại khu đất do ông B.K.C. (sinh năm 1982), trú tại thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh) quản lý. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện một container chứa khoảng 5.000 kg chân gà đông lạnh không có giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc.

Số chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc bị phát hiện

Trước đó, ngày 9/6, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại xóm Bản Gun - Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), Tổ công tác Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện một container đặt tại lán tôn của ông N.T.D. (sinh năm 1989), trú tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) chứa khoảng 3.500 kg chân lợn đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng và yêu cầu ông D. mời chủ hàng đến làm việc tại cơ quan công an.

Hiện, các vụ việc tiếp tục được cơ quan công an xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bắc Giang: Phạt 60 triệu đồng hộ kinh doanh hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội không rõ nguồn gốc

Ngày 23/4, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang) phối hợp với Công an xã Đồng Hưu và Đội Quản lý thị trường số 6 - Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hộ kinh doanh T.T do ông N.X.K.T (sinh năm 1992) ở thôn Gia Bình, xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế làm chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở trên 6.000 sản phẩm gồm các loại mỹ phẩm, dầu gội phủ bạc…Tổng trị giá trên 120 triệu đồng. Quá trình làm việc, ông N.X.K.T không xuất trình được hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hàng hoá.

Phòng Cảnh sát kinh tế đã lập biên bản và bàn giao vụ việc cho Đội Quản lý thị trường số 6 - Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang ra Quyết định tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo quy định và xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với ông N.X.K.T về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Pymepharco sản xuất thuốc vi phạm chất lượng

Công ty Cổ phần Dược phẩm Pymepharco bị xử phạt 50 triệu đồng vì sản xuất thuốc Cốm pha hỗn dịch uống Pyfaclor Kid (Cefaclor 125mg) vi phạm chất lượng mức độ 3 theo quy định của pháp luật.

Ngày 3.4, Bộ Y tế công khai thông tin Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với Công ty Cổ phần Dược phẩm Pymepharco (Công ty Dược phẩm Pymepharco, địa chỉ trụ sở chính: Số 166-170 Nguyễn Huệ, Phường 7, TP. Tuy Hoà, Phú Yên).

Công ty Cổ phần Dược phẩm Pymepharco bị xử phạt vì sản xuất thuốc vi phạm chất lượng

Mã số doanh nghiệp: 4400116704. Số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần, mã số doanh nghiệp: 4400116704 do Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Phú Yên cấp, đăng ký lần đầu ngày 3.5/2006, đăng ký thay đổi lần thứ 25 ngày 25.10.2024.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty Dược phẩm Pymepharco: ông PHILIPPE, ROBERT, RENÉ GAUTRON, chức danh: Tổng Giám đốc.

Thuốc Cốm pha hỗn dịch uống Pyfaclor Kid (Cefaclor 125mg)

Công ty Dược phẩm Pymepharco đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Sản xuất thuốc Cốm pha hỗn dịch uống Pyfaclor Kid (Cefaclor 125mg), số Giấy đăng ký lưu hành: VD-26427-17, số lô: 330823, ngày sản xuất: 21.8.2023, hạn sử dụng: 21.8.2026 và số lô: 050124, ngày sản xuất: 25.1.2024, hạn sử dụng: 25.1.2027 vi phạm chất lượng mức độ 3 theo quy định của pháp luật.

Hành vi trên vi phạm khoản 5 Điều 4, điểm b khoản 3 Điều 57 tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Với vi phạm trên, Công ty Dược phẩm Pymepharco bị xử phạt 50 triệu đồng.

Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Công ty Dược phẩm Pymepharco phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà Công ty Dược phẩm Pymepharco không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt tàu vận chuyển trái phép hơn 10 tấn đường cát

Ngày 4/3/2025, Tổ công tác Hải đoàn 42, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, vừa phát hiện, bắt giữ tàu vận chuyển trái phép trên 10 tấn đường cát.

Cụ thể, vào lúc 4 giờ 45 phút ngày 3/3, tại khu vực biển phía Tây Mũi Nai, Hà Tiên, Kiên Giang khoảng 2 hải lý, Tổ công tác Hải đoàn 42, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện một tàu gỗ (không có số hiệu) có dấu hiệu nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra. 

Tổ công tác tiến hành lập biên bản vụ việc

Trên tàu có 3 thuyền viên do ông Huỳnh Vĩnh Phát, sinh năm 1978, có địa chỉ tại phường Tô Châu, Hà Tiên, Kiên Giang làm thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu không mang theo giấy tờ tùy thân. Thuyền trưởng khai nhận, trên tàu đang vận chuyển trên 10 tấn đường cát nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa, phương tiện.

Tổ công tác tiến hành kiểm tra hàng hóa trên tàu

Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã chỉ đạo Tổ công tác tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa và dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 422, Hải đoàn 42 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Yến Nhi: kiên giang quê mình
Tuyết Linh Lung: chạy châu cho hết nắng
Thiết Mộc Lan: xử lý mạng tay vào các anh

TP.HCM: Đội QLTT số 6 buộc tiêu hủy 40 bao đường cát không bảo đảm an toàn thực phẩm

Đầu tháng 11 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 6 thuộc Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện buộc tiêu hủy 40 bao đường cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là tang vật của một vụ vi phạm hành chính đã được Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra, xử lý.

Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Ủy ban nhân dân Phường 2, Quận 6 đã bất ngờ thực hiện kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng K tại đường Trần Trung Lập, Phường 2, Quận 6. Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang chứa trữ kinh doanh 40 bao đường cát tinh luyện không có nhãn hàng hóa, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Số tang vật được đưa đến nơi xử lý tiêu hủy

Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, cũng không xuất trình được tài liệu chứng minh về chất lượng sản phẩm hàng hóa đang chứa trữ kinh doanh. 

Hàng hóa được đưa vào máy xử lý tiêu hủy

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, biên bản tạm giữ toàn bộ 40 bao đường cát tinh luyện nêu trên; ngoài hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm, Hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng K còn vi phạm về điều kiện kinh doanh thực phẩm theo quy đinh.

Với các hành vi vi phạm nêu trên, Hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng K đã bị xử phạt số tiền 18.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ 40 bao đường cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng Tháp: Xử phạt 04 cơ sở kinh doanh xe đạp điện không rõ nguồn gốc

Trong tháng 7 năm 2024, Đội trưởng Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp đã xử phạt vi phạm hành chính 04 cơ sở kinh doanh xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng số tiền phạt 38 triệu đồng.

Trước đó, vào các ngày 04, 08, 24 và 31/7/2024, thông qua công tác quản lý địa bàn, giám sát hoạt động kinh doanh mặt hàng xe đạp điện, Đội QTT số 3 đã tiến hành kiểm tra 04 cơ sở kinh doanh xe đạp điện trên địa bàn huyện Tân Hồng và huyện Tam Nông.

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 3 đã phát hiện 04 cơ sở kinh doanh nêu trên đang kinh doanh 11 chiếc xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổng trị giá tang vật gần 95 triệu đồng.

Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã ban hành quyết định xử phạt đối với 04 cơ sở kinh doanh xe đạp điện trên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, với tổng số tiền phạt 38 triệu đồng và tịch thu 11 chiếc xe đạp điện.

Thanh Hóa: Triệt phá đường dây mua bán pháo nổ xuyên quốc gia, thu giữ hơn 225 kg pháo

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá thành công đường dây mua bán pháo nổ xuyên quốc gia từ Campuchia về Việt Nam, bắt giữ 5 đối tượng và thu giữ hơn 225 kg pháo nổ các loại.

Ngày 19/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua công tác nắm tình hình trên mạng xã hội, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường đã phát hiện một đường dây mua bán pháo nổ trái phép xuyên quốc gia.

Các đối tượng cùng tang vật vi phạm bị thu giữ

Đường dây này do Vũ Văn Nam, sinh năm 1996, trú tại xã Hà Thái, huyện Hà Trung cầm đầu. Nam cùng đồng bọn đã mua pháo nổ từ Campuchia vận chuyển về Việt Nam qua các tỉnh Tây Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Thanh Hóa, sau đó tiêu thụ qua mạng xã hội hoặc các đơn vị chuyển phát nhanh, xe buýt, xe khách hoạt động kiểu "xe dù, bến cóc".

Ngày 17/7, sau một thời gian tập trung điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ Nam cùng 4 đối tượng khác trong đường dây.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng 225,8 kg pháo nổ các loại.

Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Quảng Nam: Xử phạt hộ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu

Qua thời gian giám sát theo dõi, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Nam phát hiện tài khoản Facebook “Thanh Hưng” đang kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, chiều ngày 29/02/2024, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất phát hiện Hộ kinh doanh Nguyễn Thanh Hưng kinh doanh hàng hóa nhập lậu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng trị giá niêm yết gần 80 triệu đồng. Số hàng hóa vi phạm bao gồm: Ly giữ nhiệt, Cọ trang điểm, Gậy Selfie, Búa đa năng, Bộ dao nhà bếp; Đèn pin năng lượng mặt trời, Giày dép các loại... Tất cả các loại hàng hóa vi phạm nêu trên chưa qua sử dụng, không rõ chất lượng.

Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm, lập Biên bản vi phạm hành chính và trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Nam xử lý theo thẩm quyền.

Tây Ninh: Tiêu hủy mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng

Ngày 25/01/2024, tại Công ty CP công nghệ môi trường Tây Ninh, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã tiến hành giám sát và thực hiện việc tiêu hủy đối với lô hàng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng có giá trị lên đến 95 triệu đồng. Lô hàng này thuộc sở hữu của ông HLTN, địa chỉ tại Khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, Thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

Ngày 05/01/2024, khi Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Thị xã Hòa Thành thực hiện kiểm tra tại địa chỉ của ông HLTN. Tại đây, họ phát hiện ông HLTN sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm trên mạng TIC TOK mà không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

Hình ảnh hàng hoá vi phạm thực hiện việc tiêu hủy đối với lô hàng hóa là mỹ phẩm tại Công ty CP công nghệ môi trường Tây Ninh

Ông HLTN đã thừa nhận các hành vi vi phạm bao gồm kinh doanh mà không đăng ký, sản xuất mỹ phẩm chưa có giấy chứng nhận, đưa sản phẩm ra thị trường mà chưa có số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm, và sản xuất, buôn bán hàng hóa không có nhãn ghi đủ thông tin bắt buộc trên nhãn hàng hóa.

Hình ảnh giám sát buộc tiêu hủy mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng

Sau khi hoàn tất xử lý hồ sơ, ngày 23/01/2024, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã ban hành Quyết định xử phạt ông HLTN với số tiền 81.750.000 đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm và buộc ông tiêu hủy toàn bộ lô hàng gồm 480 kg kem dưỡng da và 192 hộp kem Body Cốt dẻo Pro loại 200g/hộp.

Ngày 25/01/2024, ông HLTN đã thực hiện nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước và tiêu hủy hàng hóa dưới sự giám sát của Đội QLTT số 3. Việc tiêu hủy được thực hiện theo quy trình và quy định pháp luật, đảm bảo an toàn vệ sinh và môi trường.