Hà Nội: Thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là vào các dịp lễ hội và thời điểm giao mùa, UBND TP Hà Nội đã quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra, giám sát tại 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 15/4 đến 15/5/2025.
Trước tình hình thị trường thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ về nguồn gốc xuất xứ, việc sử dụng chất cấm và điều kiện bảo quản không đảm bảo, đặc biệt tại các chợ truyền thống, cơ sở nhỏ lẻ và dịch vụ ăn uống đường phố, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1969/QĐ-UBND về việc thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành. Động thái này nằm trong khuôn khổ Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, thể hiện sự quyết liệt của thành phố trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo quyết định, 3 đoàn kiểm tra sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội trong khoảng thời gian từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2025.
Cụ thể, Đoàn 1 do ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế làm trưởng đoàn, sẽ tiến hành kiểm tra tại các quận, huyện: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Thanh Oai, Quốc Oai và Thạch Thất.
Đoàn 2 do ông Nguyễn Đình Hoa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường làm trưởng đoàn, chịu trách nhiệm kiểm tra tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mê Linh, Hoài Đức, Đông Anh và Sóc Sơn.
Đoàn 3 do bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Công Thương làm trưởng đoàn, sẽ thực hiện kiểm tra tại các địa phương: Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên.
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Hà Nội kiểm tra thực tế tại nhà hàng Hòa Nhã tại ngõ 50 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tập trung vào việc kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm thực phẩm, nông sản sẽ được các đoàn chú trọng kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào, các đoàn có trách nhiệm xử lý tại chỗ, kiến nghị các biện pháp xử lý hoặc chuyển giao vụ việc cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm tra, cùng với các đề xuất và kiến nghị, sẽ được tổng hợp và báo cáo về Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố để theo dõi và báo cáo lên cấp trên.