Thêm 3 loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị Bộ Y tế thu hồi
Bộ Y tế vừa ban hành các quyết định thu hồi một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Nguyễn Minh và Công ty TNHH Thương mại Vy Vy Việt Nam.
Ngày 11/7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố của một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do doanh nghiệp vi phạm quy định.
Sản phẩm Viên tăng cân Hoa Bảo (số tiếp nhận 283/2018/ĐKSP, cấp ngày 20/3/2018) do Công ty TNHH Thương mại Vy Vy Việt Nam công bố.
Cụ thể, hai sản phẩm gồm Viên tăng cân Hoa Bảo (số tiếp nhận 283/2018/ĐKSP, cấp ngày 20/3/2018) và Hoàn Liễu Khang (số 2694/2018/ĐKSP, cấp ngày 21/5/2018) do Công ty TNHH Thương mại Vy Vy Việt Nam (địa chỉ cũ: số 65, tổ 11, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) công bố, nay do Công ty TNHH Thương mại XD - Nội thất Bảo An (địa chỉ mới: số 36 đường Võ Chí Công, tổ 12, phường Tây Hồ, TP Hà Nội) chịu trách nhiệm đã bị thu hồi hiệu lực giấy tiếp nhận công bố.
Ngoài ra, sản phẩm Enterovina (số tiếp nhận 5803/2019/ĐKSP, cấp ngày 23/5/2019) do Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Nguyễn Minh (địa chỉ: số 45, tổ 28, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) công bố cũng bị thu hồi cùng ngày.
Các quyết định thu hồi có hiệu lực từ ngày ký ban hành. Doanh nghiệp liên quan cùng Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm và các đơn vị chức năng thuộc Cục An toàn thực phẩm được yêu cầu chịu trách nhiệm thi hành, đảm bảo sản phẩm không còn lưu hành trên thị trường.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin công bố khi lựa chọn mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
TP HCM: Kiểm tra,phát hiện gần 70 tấn nội tạng, thịt động vật không rõ nguồn gốc
Công an TP HCM phối hợp với công an địa phương đồng loạt kiểm tra 3 kho lạnh, phát hiện nhiều sai phạm
Ngày 12-6, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP HCM cho biết đang đấu tranh, làm rõ vụ phát hiện lượng lớn nội tạng và thịt động vật không rõ nguồn gốc tại Bình Chánh, TP HCM.
Theo thông tin ban đầu, ngày 7-6, các trinh sát thuộc đội 7 Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP HCM kiểm tra đột xuất một công ty kinh doanh thực phẩm tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.
Tất cả hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ.
Tại đây, lực lượng công an phát hiện trong kho lạnh của công ty đang lưu giữ hơn 61,5 tấn nội tạng và thịt động vật không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Số hàng hóa này bao gồm: hơn 1,3 tấn vú heo; 16,7 tấn bao tử heo; 3,6 tấn bắp bò; 5,9 tấn sụn gà và 7,5 tấn kê gà, gần 26,5 tấn bao tử heo.
Số hàng hóa này được đựng trong các thùng hàng có chữ nước ngoài, không dán nhãn phụ tiếng Việt và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, ngày 29-5, Công an TP HCM cũng kiểm tra một công ty có trụ sở tại hường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân và phát hiện một số sai phạm. Cụ thể, đoàn kiểm tra phát hiện khoảng 3,4 tấn nội tạng, thịt động vật không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, Công an TP HCM cũng phát hiện 3,4 tấn nội tạng, thịt động vật không rõ nguồn gốc tại một kho lạnh trên đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân nên lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vấn đề thuốc chữa bệnh giả
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3700/VPCP-KGVX ngày 28/4/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về xử lý vấn đề thuốc chữa bệnh giả.
Gần đây, sau vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả được phát hiện tại một số địa phương, báo chí có nhiều tin, bài phản ánh lo ngại, bức xúc của nhân dân về nạn thuốc giả, nêu yêu cầu cần sớm xử lý hiệu quả vấn đề thuốc giả.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng quy định của pháp luật và tình hình và kết quả quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa thuốc giả trong thời gian qua; có giải pháp phù hợp, nhất là về trách nhiệm của cơ sở cung ứng thuốc trong việc chấp hành quy định của pháp luật về dược và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh, ngăn ngừa thuốc giả trên địa bàn; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 5 năm 2025.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc kết nối cơ sở cung ứng thuốc, bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2018, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2025 và tại Công văn số 668/VPCP-KGVX ngày 24 tháng 01 năm 2025.
Phát hiện đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả dành cho trẻ em
Ngày 25-4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang mở rộng điều tra một đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, do Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Herbitech (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cầm đầu.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được xác định là làm giả do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech ở khối 8, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội sản xuất là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2. Cơ quan Công an xác định, Công ty trên đã gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại thiếu sự kiểm soát về chất lượng. Mặc dù sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ, nhưng thực tế, giá thành và chất lượng không đúng như công bố.
Sản phẩm BABY SHARK do Công ty TNHH công nghệ Herbitech làm giả.
Tại cơ quan Công an, bước đầu, đối tượng Phạm Vũ Khiêm khai nhận đã sửa khoản chỉ tiêu đạt công bố sản phẩm để đưa ra thị trường.
Đối tượng Phạm Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, cán bộ Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho biết, các đối tượng sản xuất hàng giả sẽ sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm theo tiêu chí của khách hàng. Theo đó, để sản phẩm giả được lưu hành ra thị trường thì các đối tượng sẽ gửi các mẫu đi trưng cầu để các công ty có chức năng về xét nghiệm, kiểm nghiệm lại đúng thành phần, định lượng như đã công bố hay không. Khi tiến hành kiểm nghiệm thì các mẫu kiểm nghiệm không đạt được như sản phẩm công bố, các đối tượng sẽ thực hiện liên kết và trao đổi, thống nhất với các công ty xét nghiệm để chỉnh sửa kết quả, hoặc làm khống cả phiếu kết quả kiểm nghiệm.
Hà Nội: Thu ngân sách gần 36 tỷ đồng từ xử lý vi phạm hành chính
Quý I/2025, Chi cục Quản lý Thị trường TP. Hà Nội đã kiểm tra 953 vụ, xử lý 977 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách gần 36 tỷ đồng, đạt gần 50% chỉ tiêu năm 2025. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số tiền xử phạt tăng 48,6%.
Những tháng đầu năm 2025, với vai trò Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố, Chi cục Quản lý Thị trường TP. Hà Nội đã chủ động tổ chức các đợt kiểm tra cao điểm, đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng như Công an, Hải quan, Sở Y tế trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh trong quý I/2025.
Chi cục đã triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch công tác theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND TP. Hà Nội.
Trong đó, tập trung kiểm tra vào các lĩnh vực nhạy cảm như thương mại điện tử, rượu, thuốc lá, khí N2O, thực phẩm, mỹ phẩm và các mặt hàng có nguy cơ cao vi phạm an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ.
Thống kê cho thấy, chỉ trong quý I/2025, Chi cục Quản lý Thị trường TP. Hà Nội đã kiểm tra 953 vụ, xử lý 977 vụ vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách gần 36 tỷ đồng, đạt gần 50% chỉ tiêu năm 2025. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số tiền xử phạt tăng 48,6%.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Chi cục còn thực hiện tốt công tác tổ chức bộ máy theo mô hình mới trực thuộc Sở Công Thương, củng cố đội ngũ cán bộ, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, kiện toàn chức năng nhiệm vụ của các phòng, đội trực thuộc.
Trong quý II/2025, Chi cục Chi cục Quản lý Thị trường TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ vi phạm cao, tập trung vào hoạt động thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, hàng hóa nhập lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả tuyên truyền và xây dựng hình ảnh lực lượng Quản lý thị trường chuyên nghiệp, hiện đại.
Bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ hơn 0,5 kg ma tuý các loại
Ngày 13/1/2025, Công an TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, mới bắt giữ 2 đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 0,5 kg nghi là ma túy các loại.
Thông tin ban đầu, khoảng 21h50 ngày 7/1, tại đường Cách mạng tháng 8, khu phố 3, phường Phước Trung, TP Bà Rịa, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy, Công an TP Bà Rịa phối hợp với Công an phường Phước Trung bắt quả tang Nguyễn Đăng Thi (sinh năm 1995, trú tại xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) điều khiển xe ô tô mang theo một gói nylon chứa chất kết tinh không màu trong suốt cùng 2 viên nén hình tròn màu cam.
Đối tượng Trần Quốc Việt
Cơ quan công an xác định sản phẩm nghi ma tuý trên do Trần Quốc Việt (sinh năm 1998, trú tại xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) thuê Thi vận chuyển từ huyện Châu Đức đến các nhà hàng, quán bar để bán cho khách với tiền công 100-300 nghìn đồng mỗi lần.
Đối tượng Nguyễn Đăng Thi và xe ô tô chở ma túy.
Ngay trong đêm 7 và rạng sáng 8/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét chỗ ở của Trần Quốc Việt. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ tổng cộng hơn 0,5 kg nghi là ma túy, bao gồm: 3 gói nylon chứa chất kết tinh không màu, 1 gói nylon chứa khoảng 300 gam chất bột mịn màu trắng và 567 viên nén hình tròn màu cam.
Tang vật tại hiện trường.
Trần Quốc Việt khai nhận đã bắt đầu tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy từ khoảng tháng 10/2024. Ngày 3/1, sau khi liên hệ qua các hội nhóm trên mạng xã hội, Việt đã lên TP HCM để mua ma túy của một đối tượng chưa xác định, với tổng số tiền 120 triệu đồng, giao dịch qua trung gian. Việt đã tiến hành bán lại số ma tuý này để kiếm lời, thuê Nguyễn Đăng Thi vận chuyển.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Bà Rịa đã ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Quốc Việt và Nguyễn Đăng Thi về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Phú Thọ: Tạm giữ trên 300 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Trên 300 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại 2 hộ kinh doanh Đặng Kiều Giang và Vũ Văn Hợp vừa bị lực lượng chức năng Phú Thọ tạm giữ.
Cụ thể, ngày 26/12, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ cho biết, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Phú Thọ) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Đặng Kiều Giang (địa chỉ: Phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) và hộ kinh doanh Vũ Văn Hợp (địa chỉ: KDC Cao Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 310 sản phẩm mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc nêu trên để lấy căn cứ xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định.
Đồng Tháp: Xử phạt tiền gần 11 triệu về hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và kinh doanh hàng hóa nhập lậu
Ngày 16/12/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T.T.H.T, với số tiền phạt 10,5 triệu đồng về hành vi Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Trước đó, ngày 11/12/2024, qua công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng phụ kiện ĐK do bà T.T.H.T làm chủ, địa chỉ: phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; ngành nghề kinh doanh: mua bán phụ kiện điện thoại di động.
Đội QLTT số 3 kiểm tra tại Cửa hàng phụ kiện ĐK
Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện Cửa hàng Phụ Kiện ĐK đang hoạt động kinh doanh mặt hàng phụ kiện điện thoại di động dưới hình thức hộ kinh doanh mà không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định và kinh doanh phụ kiện điện thoại, xuất xứ: Trung Quốc, có giá trị 6.000.000 đồng nhưng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu gì kèm theo hàng hóa để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Qua xác minh, làm việc, bà T.T.H.T thừa nhận đang hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng chưa đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Ngày 16/12/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T.T.H.T về các hành vi vi phạm nêu trên, với tổng số tiền phạt 10,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định./.
Đắk Nông: Tạm giữ 300 kg đùi gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 10/11/2024, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Đắk Nông tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải mang tải biển kiểm soát 47A-28..5 do ông L.A.V điều khiển, phát hiện 300 kg đùi gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Kết quả khám phương tiện vận tải, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 300 kg đùi gà đông lạnh chưa qua chế biến không có thông tin, tài liệu, hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Ông L.A.V là người điều khiển phương tiện thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên được ông mua về để bán kiếm lời nhưng chưa kịp bán thì bị lực lượng QLTT phát hiện, bắt giữ.
Hình ảnh hàng hóa vi phạm
Đội QLTT số 3 đã tiến hành lập Biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình Dương: Bắt đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép
Ngày 27/10/2024, Công an huyện Phú Riềng cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Hải, sinh năm 1984, trú thôn 2, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép hàng cấm (pháo nổ).
Trước đó, tổ công tác gồm Công an xã Long Bình phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Phú Riềng phát hiện đối tượng Phạm Văn Hải điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 61G1-520.03 có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng Phạm Văn Hải không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy về nhà người quen tại thôn 2, xã Long Bình, huyện Phú Riềng để trốn.
Đối tượng Phạm Văn Hải và tang vật pháo nổ
Trong quá trình bỏ chạy, Hải đã tháo dây buộc để thùng nhựa chứa pháo nổ rơi xuống đường nhằm phi tang. Tuy nhiên, ngay sau đó, lực lượng công an đã bắt giữ Hải cùng toàn bộ tang vật pháo nổ đưa về trụ sở công an xã làm việc.
Quá trình bỏ chạy, đối tượng Phạm Văn Hải đã tháo dây buộc để thùng chứa pháo nổ rớt xuống đường nhằm phi tang
Tại cơ quan công an, bước đầu Hải khai nhận, trước đó đã đến khu vực biên giới huyện Bù Đốp - Campuchia mua 20 hộp pháo nổ có trọng lượng 22,8 kg bỏ vào bao tải đựng trong thùng nhựa chở về huyện Phú Riềng để bán kiếm lời. Khi đến xã Long Bình, huyện Phú Riềng thì bị tổ tuần tra phát hiện bắt giữ.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Riềng tiếp tục làm rõ.