Phú Thọ: Tạm giữ trên 300 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Trên 300 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại 2 hộ kinh doanh Đặng Kiều Giang và Vũ Văn Hợp vừa bị lực lượng chức năng Phú Thọ tạm giữ.
Cụ thể, ngày 26/12, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ cho biết, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Phú Thọ) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Đặng Kiều Giang (địa chỉ: Phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) và hộ kinh doanh Vũ Văn Hợp (địa chỉ: KDC Cao Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 310 sản phẩm mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc nêu trên để lấy căn cứ xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định.
Đồng Tháp: Xử phạt tiền gần 11 triệu về hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và kinh doanh hàng hóa nhập lậu
Ngày 16/12/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T.T.H.T, với số tiền phạt 10,5 triệu đồng về hành vi Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Trước đó, ngày 11/12/2024, qua công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng phụ kiện ĐK do bà T.T.H.T làm chủ, địa chỉ: phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; ngành nghề kinh doanh: mua bán phụ kiện điện thoại di động.
Đội QLTT số 3 kiểm tra tại Cửa hàng phụ kiện ĐK
Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện Cửa hàng Phụ Kiện ĐK đang hoạt động kinh doanh mặt hàng phụ kiện điện thoại di động dưới hình thức hộ kinh doanh mà không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định và kinh doanh phụ kiện điện thoại, xuất xứ: Trung Quốc, có giá trị 6.000.000 đồng nhưng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ, tài liệu gì kèm theo hàng hóa để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Qua xác minh, làm việc, bà T.T.H.T thừa nhận đang hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng chưa đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Ngày 16/12/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T.T.H.T về các hành vi vi phạm nêu trên, với tổng số tiền phạt 10,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định./.
Đắk Nông: Tạm giữ 300 kg đùi gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 10/11/2024, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Đắk Nông tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô tải mang tải biển kiểm soát 47A-28..5 do ông L.A.V điều khiển, phát hiện 300 kg đùi gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Kết quả khám phương tiện vận tải, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 300 kg đùi gà đông lạnh chưa qua chế biến không có thông tin, tài liệu, hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Ông L.A.V là người điều khiển phương tiện thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên được ông mua về để bán kiếm lời nhưng chưa kịp bán thì bị lực lượng QLTT phát hiện, bắt giữ.
Hình ảnh hàng hóa vi phạm
Đội QLTT số 3 đã tiến hành lập Biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình Dương: Bắt đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép
Ngày 27/10/2024, Công an huyện Phú Riềng cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Hải, sinh năm 1984, trú thôn 2, xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước để điều tra về hành vi vận chuyển trái phép hàng cấm (pháo nổ).
Trước đó, tổ công tác gồm Công an xã Long Bình phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy, Công an huyện Phú Riềng phát hiện đối tượng Phạm Văn Hải điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 61G1-520.03 có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng Phạm Văn Hải không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy về nhà người quen tại thôn 2, xã Long Bình, huyện Phú Riềng để trốn.
Đối tượng Phạm Văn Hải và tang vật pháo nổ
Trong quá trình bỏ chạy, Hải đã tháo dây buộc để thùng nhựa chứa pháo nổ rơi xuống đường nhằm phi tang. Tuy nhiên, ngay sau đó, lực lượng công an đã bắt giữ Hải cùng toàn bộ tang vật pháo nổ đưa về trụ sở công an xã làm việc.
Quá trình bỏ chạy, đối tượng Phạm Văn Hải đã tháo dây buộc để thùng chứa pháo nổ rớt xuống đường nhằm phi tang
Tại cơ quan công an, bước đầu Hải khai nhận, trước đó đã đến khu vực biên giới huyện Bù Đốp - Campuchia mua 20 hộp pháo nổ có trọng lượng 22,8 kg bỏ vào bao tải đựng trong thùng nhựa chở về huyện Phú Riềng để bán kiếm lời. Khi đến xã Long Bình, huyện Phú Riềng thì bị tổ tuần tra phát hiện bắt giữ.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Riềng tiếp tục làm rõ.
Hải Dương tiêu huỷ hơn 1.800 kg mỡ lợn, xương gà không rõ nguồn gốc
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hơp phát hiện, tiêu huỷ 10.000 con vịt, 800 kg mỡ lợn và 1.010 kg xương gà không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, 10.000 con vịt không rõ nguồn gốc xuất xứ buộc phải tiêu huỷ là của gia đình bà Đào Thị Hảo ở xã Tân Hương (Ninh Giang); 800 kg mỡ lợn phải tiêu huỷ của hộ ông Nguyễn Phú Điều (Thanh Hà😉 và 1.010 kg xương gà của hộ ông Đinh Nguyên Thiệu (Kinh Môn).
Trong Tháng hàng động, toàn tỉnh thành lập 254 đoàn kiểm tra 4.708 cơ sở, phát hiện 399 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm (chiếm 8,47%).
Các đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý 51 cơ sở vi phạm. Đến nay, đã có 47 cơ sở vi phạm bị phạt gần 118 triệu đồng, 4 cơ sở vi phạm đang chờ xác minh để xử lý. Ngoài ra, có 348 cơ sở khác bị nhắc nhở do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn đã lấy 53 mẫu thực phẩm để xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật và hóa lý. Kết quả có 4/26 mẫu không đạt về chỉ tiêu hóa lý, 1/27 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật. Thực hiện 411 mẫu test nhanh hàn the, formol, tinh bột, axit vô cơ, phẩm màu… Kết quả, 19 mẫu không đạt yêu cầu.
Trong Tháng hành động năm nay, Hải Dương không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào.