Đăng nhập

Chuyển giao Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về địa phương

Chiều 17-3, Bộ Công Thương tổ chức Lễ chuyển giao Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về địa phương

Theo Nghị định 40 năm 2025 của Chính phủ, Bộ Công Thương còn 22 đơn vị, giảm 6 đầu mối, trong đó mô hình Tổng cục Quản lý thị trường sẽ không còn, thay vào đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, bộ máy của Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước.

Ngoài ra, Nghị định 40 cũng yêu cầu Bộ Công Thương chuyển giao nguyên trạng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh thuộc Tổng cục Quản lý thị trường về UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thành lập Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương trước ngày 1-6-2025.

Lễ chuyển giao Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về địa phương

Trong khi đó, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn cả nước.

Đối với cấp địa phương, theo cơ cấu tổ chức mới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước không quản lý về mặt con người, tuy nhiên sẽ phụ trách kiểm tra về mặt thực thi pháp luật, triển khai các biện pháp nghiệp vụ trong phòng chống gian lận thương mại, xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề...

Và việc kiểm tra vẫn sẽ duy trì ở cả 2 cấp: Địa phương và cấp kiểm tra thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước.

Đối với các vụ việc ở địa phương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ quản lý về hồ sơ kiểm tra, bao gồm: Biên bản kiểm tra, quyết định kiểm tra, đối tượng kiểm tra và người thực hiện cuộc kiểm tra…

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, sự thay đổi cơ chế vận hành sẽ không làm thay đổi tính chất, chức năng nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, chia sẻ các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng. Bên cạnh các hành vi diễn ra trên môi trường truyền thống, thương mại điện tử cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng.

Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, thẩm quyền thanh tra chuyên ngành có thể thay đổi, nhưng Quản lý thị trường tiếp tục là lực lượng chủ công trong công tác phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại.

"Có sự thay đổi về mô hình tổ chức nhưng màu áo, trách nhiệm của Quản lý thị trường không thay đổi, cần sự phối hợp sâu sát, chặt chẽ hơn giữa UBND các tỉnh với Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng như Bộ Công Thương" - ông Trần Hữu Linh cho biết.

Thống kê sơ bộ từ lực lượng cho thấy từ tháng 10-2018 đến 28-2-2025 (sau hơn 6 năm hoạt động), toàn lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 665.168 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 417.604 vụ vi phạm, chuyển cơ quan tiến hành tố tụng 911 vụ để xem xét, khởi tố hình sự.

Tổng số tiền xử lý vi phạm 5.542 tỉ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước 3.376 tỉ đồng; trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, chuyển giao trị giá lên tới hơn 2.166 tỉ đồng.

Thái Tom: tinh giảm lần này làm căng quá

Vĩnh Phúc: Xử phạt 90 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh gạch men nhập lậu

Ngày 10/02, Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phúc Đạt CERAMIC, địa chỉ trụ sở chính: TDP Nam Cường, thị Trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 90 triệu đồng, đồng thời tịch thu hàng hóa là gạch men trị giá 107 triệu đồng.

Trước đó, ngày 13/01/2025 Đội Quản lý thị trường số 5 – Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Phúc Đạt CERAMIC.

Tại thời điểm kiểm tra doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hàng hóa gồm 368 hộp (tổng số là 828m2) Gạch men nhãn hiệu SOFNA CERAMICS, kích thước 750 mm x 1500 mm, toàn bộ hàng hóa do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, trị giá hàng hóa 107 triệu đồng.

Đội QLTT số 5 đã tiến hành tạm giữ hàng hóa vi phạm, hoàn thiện hồ sơ vụ việc trình Cục trưởng cục quản lý thị trường để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nghệ An: Tiêu hủy 600 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc

Ngày 20/1/2025, thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nghệ An, đơn vị này vừa tổ chức tiêu hủy 600 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, bị biến chất, có bốc mùi hôi thối.

Cụ thể, vào ngày 14/1/2025, đội QLTT số 11 đã phối hợp với đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 4, Phòng 6 - Cục CSGT, dừng và kiểm tra một phương tiện mang biển kiểm soát 76B-003.XX.

Tại thời điểm trên, phương tiện này đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng theo tuyến cao tốc CT01 từ Bắc vào Nam do tài xế V.N.H. (trú tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 600 kg nội tạng động vật đã bị biến chất, bốc mùi hôi thối, được chứa trong các thùng xốp. Số hàng này không mang bất kỳ thông tin nào để xác minh nguồn gốc, không có hoá đơn, chứng từ kèm theo.

Tại hiện trường, tài xế V.N.H. khai nhận mua số hàng tại Hà Nội với giá rẻ, sau đó vận chuyển vào TP. HCM để bán kiếm lời. Trị giá tổng số tang vật ước tính khoảng 18 triệu đồng.

Đội QLTT số 11 đã ra quyết định xử phạt hành chính ông V.N.H. với số tiền 12 triệu đồng do vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ tang vật vi phạm đã bị tiêu hủy theo quy định.

Hà Nội: Phát hiện cơ sở sản xuất tất chân giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng với quy mô lớn

Lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ vụ việc, hơn 21.000 sản phẩm tất chân giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Yonex, và Uniqlo tại một cơ sở sản xuất ở huyện Quốc Oai.

Chiều ngày 3/1/2025, Đội Quản lý thị trường số 19 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an xã Liệp Nghĩa (Công an huyện Quốc Oai) kiểm tra một cơ sở sản xuất hàng dệt may trên địa bàn.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Cơ sở này, do ông Nguyễn Văn Thiện làm chủ, bị phát hiện có hành vi sản xuất và kinh doanh tất chân giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm Nike, Adidas, Yonex, và Uniqlo. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận số lượng lớn sản phẩm giả mạo lên tới hơn 21.000 đơn vị.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng tiến hành kiểm đếm thực tế các nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, và phương tiện phục vụ cho hoạt động sản xuất của cơ sở này. Đây được xem là vụ việc vi phạm quy mô lớn, với số lượng hàng hóa sai phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các thương hiệu chính hãng và người tiêu dùng.

Theo cơ quan chức năng, việc làm giả và tiêu thụ hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chân chính mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng.

Hiện toàn bộ số hàng hóa và máy móc liên quan đã được lực lượng chức năng tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển đến Công an huyện Quốc Oai để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. 

Hiện lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và máy móc liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như các thương hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.