Đăng nhập

Ninh Bình: Phát hiện 100kg ruốc gà không rõ nguồn gốc 

Ngày 09/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình) đã tiến hành kiểm tra Cửa hàng H.M - Hộ kinh doanh B.T.T.H, có địa chỉ tại phố Tân Lập, thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 100kg ruốc gà được đựng trong các túi nilon trắng, không có thông tin về nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Tổng giá trị lô hàng ước tính khoảng 13 triệu đồng.

Đáng chú ý, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên như hợp đồng mua bán, hóa đơn, tờ khai hải quan...

Để xử lý vi phạm, Đội trưởng Đội QLTT số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt Hộ kinh doanh B.T.T.H số tiền 12.000.000 đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, toàn bộ 100kg ruốc gà vi phạm đã bị buộc tiêu hủy theo quy định.

Điện Biên: Bắt giữ hai đối tượng cùng lượng lớn ma túy

Ngày 16/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên thông tin, Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Điện Biên vừa phối hợp với các lực lượng bắt quả tang 2 đối tượng cùng 66 nghìn viên ma túy tổng hợp và 2 bánh heroin.

Theo đó, vào lúc 14 giờ ngày 15/4, khi làm nhiệm vụ tại khu vực Đèo Hoa, thuộc địa phận xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) tổ công tác của Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Điện Biên phát hiện một xe ô tô di chuyển theo hướng Điện Biên đi Hà Nội có biểu hiện nghi vấn, nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.  

Hai đối tượng cùng tang vật.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kiện hàng là ghế gỗ hai đối tượng mang lên xe có các gói nilon màu xanh chứa 66 nghìn viên nén màu hồng mang ký hiệu WY (nghi là ma túy tổng hợp) và 2 bánh hình hộp chữ nhật chứa chất bột màu trắng đục (nghi là heroin) có trọng lượng khoảng 700 gram. Tổ công tác đã lập biên bản, đưa các đối tượng về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên để điều tra làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng được xác định là Mùa A Nhà (sinh năm 1994, trú tại bản Suối Thín, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) và Mùa A Pha (sinh năm 1997, trú tại bản Huổi Hiêng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào). Qua đấu tranh, hai đối tượng khai nhận các viên nén là ma túy tổng hợp, bánh chứa bột màu trắng là heroin vận chuyển từ Lào về Điện Biên và đem đi Hà Nội tiêu thụ.

Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

An Giang: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 2.400 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu

Ngày 21/3/2025, thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh An Giang cho biết, Đội Cảnh sát Giao thông đường bộ số 2 (tổ phụ trách thị xã Tân Châu) đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, thu giữ hơn 2.400 bao thuốc lá cùng 1 xe gắn máy.

Cụ thể, vào lúc 11 giờ 30 ngày 20/3/2025, trong lúc tuần tra kiểm soát trên tuyến quốc lộ 80B (thuộc ấp 3, tổ 13, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), tổ công tác phát hiện Châu Hoàng Minh (SN 1979, ngụ phường Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) điều khiển xe máy biển số 67H1-26341 chở theo nhiều gói bánh kẹo, bim bim cồng kềnh có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng lại để kiểm tra.

Thuốc lá lậu thu giữ tại hiện trường

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện sau lớp bánh kẹo, bim bim là hơn 2.400 gói thuốc lá ngoại các loại được cất giấu, nguỵ trang nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Ông Minh khai nhận vận chuyển số thuốc lá ngoại nhập lậu nói trên từ khu vực biên giới thuộc xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) về khu vực nội ô thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân rồi bán lại cho các điểm bán lẻ thuốc lá để kiếm lời.

Hiện, tổ công tác xã lập biên bản tạm giữ người, xe gắn máy cùng tang vật và bàn giao cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Công an tỉnh An Giang điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Hải đoàn Biên phòng 28 bắt giữ tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

Ngày 16/2, Hải đoàn Biên phòng 28 tiến hành điều tra, làm rõ về hành vi vận chuyển dầu DO không rõ nguồn gốc, đối với thuyền trưởng tàu KG 95548TS.

Trước đó, khoảng 6 giờ 30 phút ngày 15/2, Biên đội A25 - Hải đoàn Biên phòng 28 tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện tàu cá KG 95548TS do ông Trần Dương Dủ (sinh năm 1991, trú tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng có dấu hiệu nghi vấn, nên đã yêu cầu dừng lại để kiểm tra.

Cán bộ Hải đoàn Biên phòng 28 kiểm tra tàu cá KG 95548TS.

Tại thời điểm kiểm tra, tàu cá KG 95548TS chở khoảng 24.000 lít chất lỏng nghi là dầu; thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số chất lỏng trên.

Sáng 16/2, lực lượng chức năng đã lai dắt tàu cá KG 95548TS về cảng Hải đoàn Biên phòng 28 để tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm về người và phương tiện, hàng hóa trên tàu theo quy định.

Nẵng Vỡ Mơ Tan: chót lọt vài chuyến la ăn chơi cả năm

Thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash không đạt chất lượng

Mỹ phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash loại chai 200ml do Công ty TNHH Elite Beauty Asia (Vietnam) đưa ra thị trường không đạt tiêu chuẩn chất lượng, Bộ Y tế đã quyết định thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc loại mỹ phẩm trên.

Ngày 22/1/2025, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay đã ra quyết định thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc đối với mỹ phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash, chai 200ml. Trên nhãn ghi số lô: 24062631; NSX: 26.6.24; HSD: 25.6.27; số tiếp nhận phiếu công bố: 210657/23/CBMP-QLD.

Đây là mỹ phẩm nước ngoài do OTC Cosmetic Industries Sdn. Bhd (No.3, Jalan Industri Bukit Badong 3, Taman Industri Bukit Badong, Ijok 45620 Selangor, Malaysia) sản xuất và Công ty TNHH Elite Beauty Asia (tầng 3, Business Center, 258 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường Việt Nam.

Mỹ phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash, chai 200ml đã bị Bộ Y tế yêu cầu thu hồi và tiêu hủy do không đạt chất lượng 

Mỹ phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash, chai 200ml là sữa tắm gội em bé toàn thân được quảng cáo không gây dị ứng, được làm từ chiết xuất yến mạch và chiết xuất betaine tự nhiên từ củ dền. Sản phẩm nhẹ nhàng làm sạch làn da của bé mà không làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da, đảm bảo làn da của bé được làm sạch, thoải mái và được nuôi dưỡng suốt cả ngày.

Theo Cục Quản lý dược, mỹ phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash chai 200ml không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa 2- phenoxyethanol không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash, chai 200ml nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; tiến hành thu hồi lô và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Công ty TNHH Elite Beauty Asia (Vietnam) có trách nhiệm gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash, chai 200ml nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy lô sản Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash, chai 200ml nêu trên về Cục Quản lý dược trước ngày 28.2.2025.

Đối với Sở Y tế TP.HCM, Cục Quản lý dược đề nghị đơn vị này giám sát Công ty TNHH Elite Beauty Asia (Vietnam) trong việc thực hiện thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash, chai 200ml vi phạm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; kiểm tra đơn vị này trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.

Trước đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM lấy mẫu mỹ phẩm Bzu Bzu Head-to-Toe Baby Wash, chai 200ml. Trên nhãn ghi: số lô: 24062631; NSX: 26.6.24; HSD: 25.6.27; số tiếp nhận phiếu công bố: 210657/23/CBMP-QLD, tại cửa hàng Medicare (254 Bis Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1,TP.HCM) để kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy, mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa 2-phenoxyethanol không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Thu hồi, tiêu hủy 3 lô mỹ phẩm không đạt chất lượng

Ngày 6-1, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành 3 công văn thông báo đình chỉ lưu hành và tiêu hủy trên toàn quốc 3 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do có chứa hợp chất không có trong thành phần công thức.

Cụ thể, Công văn số 9/QLD-MP đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem dưỡng trắng da, chống nắng SPF 30 (nhãn hàng: SH Today Hải Dương Cosmetics)-hộp 1 lọ 10g, số tiếp nhận Phiếu công bố: 000046/20/CBMP-HCM; số lô: 0503024; NSX: 4-3-2024; HSD: 3 năm kể từ ngày sản xuất. Sản phẩm của Công ty TNHH sản xuất thương mại mỹ phẩm Hải Dương (địa chỉ: 38/13 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) sản xuất và đưa ra thị trường. Lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Methylparaben, Propylparaben, không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Công văn số 20/QLD-MP đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem nám 3 in 1 (nhãn hàng: SH Today Hai Duong Cosmetics)-hộp 1 lọ 15g, số tiếp nhận Phiếu công bố: 005217/19/CBMP-HCM; số lô: 0411023; NSX: 2211-2023; HSD: 3 năm kể từ ngày sản xuất. Sản phẩm do Công ty TNHH sản xuất thương mại mỹ phẩm Hải Dương (địa chỉ: 38/13 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) sản xuất và đưa ra thị trường. Lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Propylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Công văn số 21/QLD-MP đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem dưỡng trắng da ngăn ngừa nám (nhãn hàng: Bảo Xinh)-hộp 1 lọ 12g, trên nhãn ghi: Số lô: HP.0011; NSX: 1-11-2024; HSD: 3 năm kể từ ngày sản xuất. Sản phẩm do Công ty cổ phẩn mỹ phẩm Bảo Xinh (địa chỉ: ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) sản xuất; Cơ sở Ngân Anh (địa chỉ: ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đưa ra thị trường. Lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Phenoxyethanol không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Cục Quản lý Dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng các sản phẩm nêu trên; tiến hành thu hồi, tiêu hủy; kiểm tra, giám sát và xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Nghệ An: Triệt xóa đường dây vận chuyển 250kg pháo nổ xuyên quốc gia

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa triệt phá thành công đường dây vận chuyển, buôn bán trái phép hàng cấm xuyên quốc gia, thu giữ 250 kg pháo nổ.

Trước đó, lúc 16 giờ 30 chiều 19/12, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu chủ trì, phối hợp với Công an H.Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) đã mai phục, bắt giữ thành công Lưu Đình Tuấn (SN 1985, trú xã Nghi Trung, H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) khi đang có hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ 250kg pháo nổ được ngụy trang dưới thùng xe tải chở sắn.

Đối tượng Lưu Đình Tuấn cùng tang vật tại Cơ quan Công an

Tại cơ quan điều tra, Lưu Đình Tuấn đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình. Tuấn khai, dưới vỏ bọc là lái xe chuyên chở hàng hóa qua biên giới, đối tượng đã móc nối với những người khác mua pháo từ Lào đưa về Việt Nam bán lại kiếm lời.

Đối tượng Lưu Đình Tuấn tại Cơ quan Công an

Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, Tuấn thường cất giấu pháo dưới thùng xe hàng chở sắn rồi đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, hành vi của đối tượng đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, xác lập chuyên án đấu tranh bắt giữ.

Hiện chuyên án đang được tiếp tục đấu tranh mở rộng.

Phú Yên: Tạm giữ 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo

Lực lượng chức năng vừa kiểm tra lưu thông phát hiện phương tiện vận tải mang biển kiểm soát: 49H-XX.XXX đang vận chuyển 35 tấn đường kính không hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo.

Từ nguồn tin đã được thẩm tra xác minh, vào lúc 08h00’ ngày 20/11/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục QLTT Phú Yên phối hợp với Đội 3 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Tỉnh Phú Yên tiến hành khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 49H-XX.XXX, lưu hành theo hướng Bắc - Nam, do ông L. H. P, sinh ngày 28/8/2000, địa chỉ: xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận là người trực tiếp điều khiển phương tiện cũng là người quản lý hàng hóa.

Kết quả khám phương tiện phát hiện trên xe đang vận chuyển 30 tấn đường kính trắng hiệu ERAWAN SUGAR,PRODUCT OF THAILAND và 05 tấn đường kính vàng, hiệu GOLDEN CANE SUGAR, PRODUCT OF THAILAND, tại thời điểm kiểm tra, lái xe (người quản lý hàng hóa) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Đội QLTT số 3 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật./.

Đồng Nai: Phát hiện cơ sở chế biến heo chết, heo bệnh ở Biên Hòa

Ngày 4/11/2024, Công an thành phố Biên Hòa phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành 389 thành phố Biên Hòa tiến hành kiểm tra tại cơ sở giết mổ gia súc của ông Vũ Anh Đức (khu phố 6, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) phát hiện có nhiều heo bệnh, heo chết đang chuẩn bị chế biến mang ra thị trường tiêu thụ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định, cơ sở này có 2 nhân viên đang thực hiện việc sơ chế, phân loại thịt heo. Tại đây, phát hiện 6 con heo chết đang chờ giết mổ có tổng trọng lượng khoảng gần 300kg nằm trên sàn nhà có dấu hiệu da tím tái, đang chờ mổ thịt.

Số heo chết được phát hiện tại cơ sở của ông Đức. 

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Đức khai nhận toàn bộ số thịt heo trên do các hộ chăn nuôi đem đến bán; không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, sau đó chế biến, phân loại bán ra thị trường.

Hiện Công an thành phố đã bàn giao toàn bộ hơn 1,4 tấn thịt heo thu giữ tại cơ sở này cho đoàn kiểm tra để tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Thanh Hóa: Xử phạt một doanh nghiệp gần 800 triệu đồng bán vàng giả mạo nhãn hiệu

Chiều 17/10, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định, áp dụng các hình thức, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng khi trưng bày, bán hàng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương ở thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định với tổng gần 800 triệu đồng.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương, tại địa chỉ số 240 đường 10/6, khu 5, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Lực lượng chức năng còn tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 184,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá 205 triệu đồng.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Tuấn Hương đang trưng bày để bán hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa giám sát thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương do đã có các hành vi vi phạm hành chính.

Các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương được xác định gồm: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bị phạt tiền 385 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật là vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá 205 triệu đồng, buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa trị giá 184,5 triệu đồng.