Đăng nhập

Thanh Hóa: Xử phạt một doanh nghiệp gần 800 triệu đồng bán vàng giả mạo nhãn hiệu

Chiều 17/10, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định, áp dụng các hình thức, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng khi trưng bày, bán hàng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương ở thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định với tổng gần 800 triệu đồng.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương, tại địa chỉ số 240 đường 10/6, khu 5, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Lực lượng chức năng còn tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 184,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá 205 triệu đồng.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty Tuấn Hương đang trưng bày để bán hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Thanh Hóa giám sát thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương do đã có các hành vi vi phạm hành chính.

Các hành vi vi phạm của Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương được xác định gồm: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bị phạt tiền 385 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu tang vật là vàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trị giá 205 triệu đồng, buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa trị giá 184,5 triệu đồng.

Hà Nội: Phát hiện, thu giữ số lượng lớn chân giò lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 16/10/2024, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) thông tin về việc ngăn chặn tuồn ra thị trường 1.610kg chân giò không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó khoảng 9h30 ngày 11/10/2024, Công an quận Tây Hồ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng tại ngõ 464 Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 29Z-6708 đang dừng đỗ có biểu hiện nghi vấn.

Thời điểm kiểm tra ô tô.

Ngay sau đó, tổ công tác kiểm tra hành chính, lái xe là anh P.H.C (sinh năm 1974, ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), chủ hàng.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 161 túi nilon chứa 1.610kg chân giò lợn của anh P.H.C đang đưa đi tiêu thụ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa.

Lực lượng chức năng kiểm đếm lô hàng

Tổ công tác đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số thực phẩm trên để tiêu hủy và xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng Tháp: Xử phạt 01 hộ kinh doanh về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, ngày 27/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 4 tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh T.T.V do bà L.T.R làm chủ; địa chỉ: Phường 1, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp; ngành nghề kinh doanh: Quần áo may sẵn.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 4 phát hiện Hộ kinh doanh T.T.V đang kinh doanh quần áo may sẵn trên nhãn hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; tang vật gồm 80 sản phẩm quần áo may sẵn; trị giá tang vật gần 30 triệu đồng.

Qua làm việc, chủ hộ kinh doanh khai nhận, toàn bộ sản phẩm quần áo nêu trên được chủ hộ mua trôi nổi trên thị trường, giá rẻ nên mua để bán lại kiếm thêm lợi nhuận.

Đội Quản lý thị trường số 4 đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên và đang hoàn tất hồ sơ vụ việc, trình Đội trưởng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với hộ kinh doanh T.T.V, với số tiền xử phạt 8,5 triệu, đồng thời tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm theo đúng quy định./.

Tây Ninh: Bắt giữ người nước ngoài vận chuyển 2kg ma túy đá qua biên giới

Đêm 17/9/2024, tại khu vực biên giới thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, một tổ công tác liên ngành đã phát hiện và bắt giữ một nam thanh niên người nước ngoài đang có hành vi nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong hành lý của đối tượng có chứa 2 gói hàng khả nghi. Sau khi tiến hành giám định, các gói hàng này được xác định chứa tổng cộng khoảng 2kg ma túy đá.

Đối tượng bị bắt giữ cùng tang vật.

Đối tượng khai nhận tên là Chen Wei Cheng (Trần Ủy Thành), quốc tịch Đài Loan. Theo lời khai của Chen, số ma túy trên được một người bạn ở Campuchia thuê vận chuyển vào Việt Nam và sẽ có người đến nhận tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đối tượng đã bị bắt giữ ngay khi vừa đặt chân vào lãnh thổ Việt Nam.

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, nhằm truy bắt toàn bộ đường dây mua bán ma túy này.

TP.HCM: Tạm giữ gần nửa tấn đường cát trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 21/8/2021, Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh thông tin cho biết, vừa kiểm tra, tạm giữ gần nửa tấn đường cát trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 15 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 14/8, Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện một lượng lớn đường cát trắng không rõ nguồn gốc tại các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn quận Tân Phú.

Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ gần nửa tấn đường cát trắng được đựng trong các bao 12kg. Đáng chú ý, toàn bộ số hàng hóa này đều không có nhãn mác, không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm 

Theo thông tin ban đầu, các chủ cơ sở kinh doanh trên đã bày bán số đường cát trên với giá 22.000 đồng/kg. Tổng giá trị số hàng hóa vi phạm ước tính lên đến gần 10 triệu đồng.

Trước những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, Đội Quản lý thị trường số 14 đã quyết định xử phạt hành chính các chủ cơ sở kinh doanh với số tiền 15 triệu đồng. Đồng thời, toàn bộ số đường cát không rõ nguồn gốc đã bị tịch thu và tiêu hủy ngay tại chỗ.

Việc phát hiện và xử lý kịp thời vụ việc trên đã góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời răn đe các hành vi kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gần 1.000 viên ma túy ở Quảng Bình

Ngày 7/8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Quảng Ninh và Công an xã Võ Ninh triệt phá thành công một đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy.  

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16 giờ ngày 6/8, trong quá trình tuần tra kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã Võ Ninh, tổ công tác phát hiện một đối tượng có biểu hiện nghi vấn đang đứng cạnh một chiếc xe ô tô bán tải màu đen tại tuyến đường tránh lũ thuộc thôn Hà Thiệp. Đáng chú ý, đối tượng này đang ôm một thùng xốp.

Đối tượng Nguyễn Đức Nam tại cơ quan Công an.

Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và bắt giữ đối tượng. Tại hiện trường, qua quá trình khám xét, lực lượng chức năng thu giữ gần 1.000 viên ma túy tổng hợp dạng hồng phiến được cất giấu tinh vi trong thùng xốp.

Tang vật thu giữ

Đối tượng bị bắt giữ được xác định là Nguyễn Đức Nam (SN 1996, trú tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh). Tại cơ quan công an, Nam đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiền Giang:Xử phạt 01 công ty vi phạm quy định về thương mại điện tử

Một công ty tại Tiền Giang vừa bị xử phạt 30 triệu đồng do không tuân thủ quy định về việc thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương.

Cụ thể, qua quá trình kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã phát hiện một công ty trên địa bàn huyện Cái Bè đang kinh doanh phân bón trực tuyến trên website mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vào ngày 03/7/2024, Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra đột xuất và xác minh thông tin. Kết quả cho thấy, công ty này đã vi phạm quy định về thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.

Ngày 11/7/2024, quyết định xử phạt hành chính với số tiền 30 triệu đồng đã được ban hành đối với doanh nghiệp vi phạm. Đến nay, công ty này đã hoàn tất việc nộp phạt.

Hình ảnh được chụp từ website bán hàng của Công ty

Theo báo cáo của Đội QLTT số 5, trong 7 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thu phạt gần 157 triệu đồng. Những hoạt động này nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên thị trường thương mại điện tử.

Hà Nội: Phá kho chứa gần 100 bình khí "bóng cười" từ tin báo mạng xã hội

Ngày 13/7, Công an Hà Nội cho biết, từ tin báo qua mạng xã hội, lực lượng công an đã phối hợp các đơn vị chức năng triệt phá kho khí “bóng cười” thu giữ gần 100 bình N2O.

Trước đó, trang Facebook Công an thành phố Hà Nội nhận được phản ánh của người dân về một kho chứa khí "bóng cười" tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Ngay lập tức, vào ngày 2/7/2024, Công an quận Thanh Xuân đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 12 và Công an phường Khương Đình tiến hành kiểm tra địa điểm được báo cáo. Lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 98 bình kim loại chứa khí "bóng cười" N2O cùng với 1.000 vỏ bóng. Chủ kho hàng khai nhận đã mua số bình khí trên để bán kiếm lời.

Số tang vật lực lượng chức năng thu giữ.

Việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt đối với chủ kho hàng.

Vụ việc trên là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng và người dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo cho những hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, đặc biệt là những mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng như "bóng cười".

Công an Hà Nội khuyến khích người dân tiếp tục nâng cao ý thức, đồng hành cùng lực lượng chức năng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ môi trường sống an toàn, lành mạnh cho cộng đồng.

Long An: Phát hiện, bắt giữ gần 12.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu

Lực lượng chức năng tỉnh Long An mật phục triệt xóa nhóm vận chuyển hàng cấm tại ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, tang vật thu giữ 11.900 gói thuốc lá ngoại, 5 xe mô tô.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 19 giờ 40 phút, ngày 26/6, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy, Công an thị xã Kiến Tường phối hợp Phòng PC03, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh mật phục trên địa bàn ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp phát hiện 3 xe mô tô đang lưu thông trên đường bờ kênh mương máng (cách đường tuần tra biên giới khoản 100m), tổ công tác tiến hành ngăn chặn, bắt giữ.

Hàng hóa thu giữ

Trong đó, đối tượng Tô Văn Chương (SN 1976, ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp) điều khiển xe mô tô mang biển kiểm soát 62N1-7469 vận chuyển 10 bọc nylon màu đen, bên trong chứa 2.400 gói thuốc lá ngoại (1.200 gói hiệu Hero, 900 gói hiệu Jet, 300 gói hiệu Scott); đối tượng Lê Hải Đăng (SN 1975, ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp) điều khiển xe mô tô không có biển kiểm soát, vận chuyển 1 bao tải màu đỏ, 6 bọc nylon màu đen, chứa tổng cộng 2.400 gói thuốc lá ngoại (900 gói hiệu Hero, 1.400 gói hiệu Jet, 100 gói hiệu Scott); đối tượng Võ Văn Tiển (SN 1990, ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp) điều khiển xe mô tô mang biển kiểm soát 62T1-08534 vận chuyển 2.400 gói thuốc lá ngoại (1.500 gói hiệu Hero, 300 gói hiệu Jet, 600 gói hiệu Scott).

Tại thời điểm điểm phát hiện bắt giữ đối tượng Tô Văn Chương, đối tượng Nguyễn Văn Tha (SN 1988, ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp) đến hiện trường giành giật, giải thoát cho Tô Văn Chương nên tổ công tác khống chế bắt giữ.

Mở rộng hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện thêm 2 xe mô tô không có người quản lý, trên xe đang chất hàng hóa gồm 4.700 gói thuốc lá ngoại (1.700 gói hiệu Hero, 1.200 gói hiệu Jet, 1.800 gói hiệu Scott). Tổng hàng hóa thu giữ gồm 11.900 gói thuốc lá ngoại, 5 xe mô tô.

Hiện lực lượng chức năng đang làm việc với 4 đối tượng liên quan trực tiếp vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật./.

Thanh Hóa: 3 tiệm vàng bị phạt gần 400 triệu đồng vì bán hàng giả mạo nhãn hiệu

Ngày 14/6/2024 - Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ trên địa bàn với tổng số tiền 377,5 triệu đồng vì vi phạm hành vi "Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu".

Cán bộ Cục quản lý thị trường Thanh Hoá kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh vàng bạc.

Cụ thể, 3 cơ sở bị xử phạt bao gồm:Công ty TNHH thương mại vàng bạc Kim Chung (địa chỉ: 219 Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) bị phạt 205 triệu đồng. Hộ kinh doanh Đỗ Thị Chi (địa chỉ: tổ dân phố Tân Hải, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) bị phạt 115 triệu đồng. Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hưng (địa chỉ: tiểu khu 4, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung) bị phạt 57,5 triệu đồng.

Cục quản lý thị trường Thanh Hoá phát hiện nhiều chủ tiệm vàng làm giả các thương hiệu nổi tiếng để kinh doanh.

Ngoài mức phạt tiền, các cơ sở này còn bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là "Buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hóa".

Việc xử phạt này nhằm mục đích răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Đây là một vụ việc cảnh báo cho các cơ sở kinh doanh vàng, trang sức cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về nhãn hiệu hàng hóa, tránh vi phạm dẫn đến hậu quả bị xử phạt nặng.