Hà Nội: Kiểm tra đột xuất quán "Lòng xe điếu" sau video gây xôn xao mạng xã hội
Sáng 8/5, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở “Lòng chát quán” tại địa chỉ số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, sau khi mạng xã hội lan truyền video về bộ lòng xe điếu dài bất thường.
Buổi kiểm tra được thực hiện trong bối cảnh dư luận xôn xao trước video lan truyền trên Facebook và TikTok, ghi lại hình ảnh một bộ lòng xe điếu dài tới 40 mét, nặng 5,8 kg – được cho là lấy từ một con heo cái nặng hơn 100 kg tại quán ăn này.
Đoàn kiểm tra khu vực sơ chế thực phẩm lòng xe điếu sáng 8/5.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là ông Ngô Quyền Thế cho biết quán không chỉ bán món “lòng xe điếu” mà chuyên phục vụ nhiều món ăn chế biến từ nội tạng lợn. Về bộ lòng gây chú ý, ông Thế xác nhận hình ảnh được đăng tải từ năm 2024 và thừa nhận: “Thực ra bộ lòng chỉ dài hơn 20 mét”. Ông đồng thời gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng vì thông tin chưa chính xác đã lan truyền trên mạng xã hội.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở “Lòng chát quán” sáng 8/5.
Trước đó, ngày 7/5, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP. Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND quận Cầu Giấy, đề nghị quận tăng cường rà soát các cơ sở kinh doanh thực phẩm có liên quan, đặc biệt là các nhà hàng chuyên phục vụ món “lòng xe điếu”.
Cơ sở “Lòng chát quán” tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu.
Việc xác minh nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát an toàn thực phẩm với các sản phẩm nội tạng động vật được xem là hết sức cần thiết trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng lo ngại về độ an toàn, vệ sinh trong chế biến và bảo quản thực phẩm.
Đại diện đoàn kiểm tra cho biết sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của cơ sở, kiểm tra điều kiện vệ sinh, hồ sơ nguồn gốc thực phẩm, đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan để có hướng xử lý phù hợp nếu phát hiện vi phạm.
Triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, thu lợi gần 500 tỷ đồng
Cơ quan công an xác định đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá.
Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Kho sản xuất sữa bột giả bị công an phát hiện, triệt phá
Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột.
Cận cảnh công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ.
Đến nay đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Mẫu sản phẩm - Tang vật vụ án bị CQĐT thu giữ
Các thành phần được công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... hoàn toàn không có trong sản phẩm. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV 120 Armephaco bị xử phạt 215 triệu đồng
Ngày 17/3, Thanh tra Bộ Y tế ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH MTV 120 Armephaco với số tiền phạt lên tới 215 triệu đồng.
Theo quyết định xử phạt, Công ty TNHH MTV 120 Armephaco có trụ sở chính tại quận Long Biên, TP Hà Nội do bà Nguyễn Thị Hương làm Giám đốc đã thực hiện 3 hành vi vi phạm, cụ thể:
Hành vi số 1, đơn vị này đã sản xuất thuốc viên nén bao phim Erythromycin 500mg, số GĐKLH: VD- 31437-19, số lô: 022024, NSX: 15/6/2024, HSD: 15/6/2028 vi phạm chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật.
Công ty TNHH MTV 120 Armephaco bị xử phạt 215 triệu đồng do vi phạm lĩnh vực y tế
Hành vi số 2, Công ty TNHH MTV 120 Armephaco không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được phê duyệt trước khi lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các thay đổi lớn, thay đổi nhỏ cần phê duyệt trước khi thực hiện đối với 5 thuốc: Viên nén Metronidazol, số GĐKLH: VD-26591-17; Viên nén Enalapril, số GĐKLH: VD-28725-18; Viên nén Cotrimoxazol, số GĐKLH VD-29516-18; Viên nén Rotundin, số GĐKLH VD-30855-18; Viên nang cứng Cloramphenicol, số GĐKLH VD-32424-19.
Hành vi số 3, đơn vị này không cập nhật tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định của pháp luật đối với 3 thuốc: Viên nén Cotrimoxazol, số GĐKLH VD- 29516-18; Metronidazol, số GĐKLH: VD-26591-17; Viên nén Rotundin, số GDKLH VD-30855-18.
Với các hành vi vi phạm trên, Công ty TNHH MTV 120 Armephaco bị Thanh tra Bộ Y tế ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền 215 triệu đồng.
Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu Công ty TNHH MTV 120 Armephaco phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn mà Công ty TNHH MTV 120 Armephaco không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Phát hiện hơn 1.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm sau một tháng ra quân kiểm tra
Tính từ ngày 15-12-2024 đến 10-1-2025, sau gần 1 tháng ra quân kiểm tra thực phẩm Tết, các đoàn đã kiểm tra của Hà Nội đã phát hiện 1.001 cơ sở vi phạm và xử phạt 954 cơ sở…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội, trong dịp Tết năm nay, toàn thành phố đã thành lập 681 đoàn kiểm tra về ATTP ở các cấp.
Tính từ ngày 15-12-2024 đến 10-1-2025, các đoàn đã kiểm tra được 6.829 cơ sở, qua đó phát hiện 1.001 cơ sở vi phạm và xử phạt 954 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 4,8 tỷ đồng. Đồng thời, nhắc nhở 30 cơ sở và đang tiếp tục xử lý vi phạm với 17 cơ sở.
Một đoàn liên ngành ATVSTP thành phố kiểm tra tại huyện Mỹ Đức
Riêng tuyến thành phố, trong số 518 cơ sở được kiểm tra, 407 cơ sở vi phạm đã bị xử phạt hơn 2,7 tỷ đồng. Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã tiêu hủy hàng hoá vi phạm, bao gồm xúc xích, bánh kẹo, rượu thủ công và các sản phẩm từ thịt động vật,…với tổng giá trị lên đến gần 3,2 tỷ đồng.
Đồng thời, 4 vụ vi phạm đã được chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định.
Cũng qua kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã lấy tổng số 13.225 mẫu xét nghiệm nhanh, chủ yếu là mẫu tinh bột, phẩm màu kiềm, dấm vô cơ, foocmon, hàn the, ôi khét, methanol (cồn công nghiệp); trong đó số mẫu không đạt là 1.005 mẫu (chiếm tỷ lệ 7,6 %).
Đà Lạt: Thu giữ hơn 2 tấn mứt, hạt khô không rõ nguồn gốc
Ngày 3/1/2025, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang tạm giữ hơn 2 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc đang trên quá trình đi tiêu thụ.
Trước đó, qua kiểm tra tại 1 địa chỉ trên đường Nguyễn Trung Trực (phường 4, TP Đà Lạt), lực lượng thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt quả tang Nguyễn Hữu Bình (sinh năm 1978, thường trú tại phường 4, TP Đà Lạt) đang có hành vi vận chuyển mứt, các loại hạt khô… từ xe ô tô tải vào kho hàng.
Số hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vừa bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ khi chuẩn bị nhập kho ở Đà Lạt
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên bao bì sản phẩm không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, không có hóa đơn chứng từ kèm theo.
Làm việc với cơ quan chức năng, Bình khai nhận số hàng hóa trên là của ông Lý Phan Minh Đức (sinh năm 1975, thường trú tại đường Nguyễn Trung Trực, phường 4, TP Đà Lạt).
Tại hiện trường, lực lượng Công an phát hiện 110 thùng carton in chữ nước ngoài với tổng trọng lượng 2.165kg chứa các loại mứt không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Đức không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên. Người này khai nhận mua số hàng trên từ các trang mạng xã hội về để bán để kiếm lời.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tạm giữ trên 2 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ để củng cố hồ sơ, tài liệu xử lý theo quy định.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.