Đăng nhập

Vĩnh Long: Xử phạt hộ kinh doanh buôn bán 450 bao thuốc lá điếu nhập lậu

Ngày 13/11/2024, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 20 triệu đồng và buộc tiêu hủy 450 bao thuốc lá điếu nhập lậu đối với hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Vũng Liêm

Cụ thể, ngày 05/11/2024 Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 đột xuất kiểm tra hộ kinh doanh P.T.H.T (huyện Vũng Liêm). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng 450 bao các loại (180 bao hiệu Jet, 180 bao hiệu Hero, 90 bao hiệu Scott).

Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh P.T.H.T về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu và trình cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định.

Ngày 13/11/2024, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh P.T.H.T số tiền 20.000.000 đồng về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định pháp luật.

Tiền Giang: Xử phạt cá nhân kinh doanh mỹ phẩm trái phép trên mạng xã hội

Thực hiện Kế hoạch công tác về thương mại điện tử năm 2024 của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, Đội QLTT số 3 tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc thống kê, cập nhật đối tượng hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử; theo dõi, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin liên quan…

Cụ thể, ngày 29/10/2024, Đội QLTT số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm L.H tại xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cơ sở này đang mua bán mỹ phẩm các loại nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định; cụ thể, không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Qua xác minh, cá nhân này vi phạm lần đầu.Trên cơ sở đó, Đội QLTT số 3 lập Biên bản vi phạm hành chính ngay trong ngày 29/10/2024.

Đội QLTT số 3 kiểm tra tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm

Đến ngày 30/10/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 3 đã xử phạt cá nhân vi phạm số tiền 7.500.000 đồng; buộc trường hợp này đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Hiện tại, đối tượng vi phạm đã thực hiện xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thái Nguyên: Tiêu hủy trên 1,3 tấn lá cây thuốc lá

Công an TP. Thái Nguyên vừa tổ chức tiêu hủy trên 1.374kg lá cây thuốc lá (nguyên liệu sản xuất thuốc lá tại Nhà máy xử lý rác thải Đá Mài, xã Tân Cương.

Số hàng hóa của anh Lương Sơn H. không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đây là số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phát hiện vào ngày 30/9/2024. Toàn bộ số lá cây thuốc lá này là của anh Lương Sơn H., sinh năm 1975, ở xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, anh H. không cung cấp được chứng từ gì liên quan đến nguồn gốc hàng hóa cũng như giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh lá thuốc lá.

Nghệ An: Tiêu hủy hàng hóa gần 30.000 đơn vị sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu

Ngày 27/9/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An phối hợp với các cơ quan chức năng: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông…tiến hành tiêu hủy gần 30.000 đơn vị sản phẩm với tổng giá trị hơn 180 triệu đồng.

Trong đợt tiêu hủy này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An tiến hành tiêu hủy gần 30.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa với tổng trị giá hơn 180 triệu đồng. Hàng hóa bị tịch thu tiêu hủy bao gồm: Hàng điện tử; bình ắc quy các loại; quần áo; đồ chơi trẻ em; sữa bột trẻ em. Đây là các loại hàng nhập lậu; hàng không đủ điều kiện lưu thông, hàng không thỏa mãn các yêu cầu của quy chuẩn Việt Nam, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Hàng hóa được tiêu hủy theo hình thức cơ học, dưới dự giám sát của các thành viên Hội đồng tiêu hủy và đại diện các đơn vị liên quan. Hàng hóa sau khi phá dỡ hình dạng ban đầu được đơn vị chuyên dụng về xử lý rác thải phân loại và đưa về xử lý theo từng chủng loại hàng hóa, đảm bảo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường

Quảng Ninh: Bắt giữ gần 7.000 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 16/9/2024, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái (BĐBP Quảng Ninh) cho biết, vừa phối hợp với lực lượng chức năng bắt vụ vận chuyển bánh Trung thu trái phép với số lượng lớn.

Cụ thể, lúc 6 giờ 30 phút ngày 14/9, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái và phối hợp với Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại khu vực biên giới phường Ka Long (thành phố Móng Cái) đã phát hiện một xe ô tô đang di chuyển đến khu vực chợ Ka Long, phường Ka Long có dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác phối hợp đã yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật.

Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện khai nhận là P.V.D, sinh năm 1993, thường trú tại thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Kiểm tra số hàng hóa trên xe, tổ công tác phát hiện có 32 thùng catton trong đó có khoảng gần 7.000 chiếc (trọng lượng trên 700 kg) bánh trung thu được bọc trong các túi nilon mặt trước có ghi chữ nước ngoài. P.V.D không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì có liên quan đến toàn bộ số hàng hóa trên.

Hiện, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đang chủ trì, phối hợp với Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hưng Yên: Phát hiện, tạm giữ 2.760 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc

Ngày 28/8, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phối hợp Đội 3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ thôn Hoan Ái, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, do bà Nguyễn Thị Ngọc là chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang bày bán 2.760 chiếc bánh trung thu, có nhãn mác ghi bằng chữ nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, không xác định được ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Tổ công tác kiểm tra, phát hiện số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Ngọc không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số bánh trung thu trên. 

Tổ công tác làm việc với chủ cơ sở.

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Ngọc về các hành vi: kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; đồng thời, lực lượng chức năng cũng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính chủ cơ sở trên số tiền 13,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên. 

Gia Lai: Xử phat 01 cá nhân vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu

Ngày 28/8/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông P.V.N với số tiền 25.000.000 đồng. Ông N. đã có hành vi cố ý vận chuyển trái phép 3.700 cái bóng đèn LED có xuất xứ từ Trung Quốc mà không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Theo đó, sáng ngày 01/8/2024, Đoàn kiểm tra thuộc Đội QLTT số 6 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai tiến hành khám xe ô tô đầu kéo (chở container), biển kiểm soát 89H-021.28 kèm rơ móc mang biển kiểm soát 89R-016.35 đang dừng đổ tại đường Hoàng Văn Thụ, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai do ông P.V.N là điều khiển phương tiện.

Quá trình khám, đoàn kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển hàng hóa gồm 3.700 cái bóng đèn đi-ốt phát sáng có xuất xứ Trung Quốc. Tại thời điểm nhận hàng, ông P.V.N cho biết hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ tài liệu kèm theo nhưng ông vẫn chấp nhận vận chuyển về Gia Lai, để kiếm lời.

Đội QLTT số 6 đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Gia Lai ban hành quyết định xử phạt đối với ông P.V.N với tổng số tiền là 25.000.000 đồng với hành vi vi phạm trên. Đồng thời, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo đúng quy định.

Đà Nẵng: Bắt quả tang cơ sở kinh doanh quần áo nhập lậu

Ngaỳ 16/8/2024, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa tiến hành kiểm tra đột xuất đối với kho hàng trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng; phát hiện 860 đơn vị sản phẩm áo quần may sẵn là hàng hóa nhập lậu.

Đội Quản lý thị trường số 6 đã phát hiện một kho hàng tại đường Nhơn Hòa 5, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ đang kinh doanh số lượng lớn quần áo may sẵn không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định đây là hàng hóa nhập lậu và chủ cơ sở, ông N.N.L, còn vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh.

Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra tại Hộ kinh doanh N.N. L

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh này đang lưu trữ 860 sản phẩm quần áo các loại, chủ yếu là áo đầm và áo thun nữ. Tuy nhiên, chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa này. Đồng thời, ông N.N.L cũng chưa tiến hành đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đội Quản lý thị trường số 6 đã quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và lập biên bản xử lý. Sau khi xem xét hồ sơ vụ việc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông N.N.L với tổng số tiền 52,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm có trị giá 153,6 triệu đồng.

Bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép 2 bánh heroin tại Sơn La

Ngày 5/8, lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đã bất ngờ phát hiện và bắt giữ một đối tượng đang vận chuyển trái phép số lượng lớn ma túy từ biên giới về nội địa.

Đối tượng Phàng A Lử cùng tang vật.

Đối tượng bị bắt là Phàng A Lử, SN 1984, trú tại bản Láy, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ.

Tang vật thu giữ gồm 2 bánh heroin có khối lượng 696,51 gram; 404 viên ma túy tổng hợp cùng một số vật chứng liên quan khác.

Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận lấy số ma túy ở khu vực biên giới rồi vận chuyển về xuôi để tiêu thụ, khi đi đến khu vực huyện Mai Sơn thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông bị phạt hơn 1,3 tỷ đồng vì sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng

Ngày 21/7, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Cục CSMT) cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (tỉnh Thanh Hóa) số tiền hơn 1,3 tỷ đồng vì hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón không đảm bảo chất lượng.

Kết quả kiểm tra, thử nghiệm, giám định chất lượng của Cục CSMT cho thấy 14 mẫu phân bón NPK do Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông sản xuất có hàm lượng Silic hữu hiệu không đạt yêu cầu quy chuẩn. Lô hàng này có khối lượng hơn 525 tấn, vi phạm hành vi sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng theo quy định tại Nghị định số 105/2018/NĐ-CP. Cục CSMT đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Số phân bón không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, Cục CSMT còn phát hiện 3 lô phân bón hỗn hợp NPK do Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông tiêu thụ từ Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Nam Hằng cũng vi phạm về hàm lượng Silic hữu hiệu. Cục CSMT đã xử phạt công ty số tiền hơn 157 triệu đồng cho hành vi này.

Cùng với việc xử phạt vi phạm hành chính, Cục CSMT còn buộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm như: Thay đổi mục đích sử dụng đối với 14 lô phân bón hỗn hợp NPK đã sản xuất, thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng 9,6 tấn phân bón đang lưu giữ tại Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Nam Hằng.

Cục CSMT cũng xác định Công ty TNHH Giám định Viancontrol TP Hồ Chí Minh đã vi phạm quy định trong việc cấp Chứng nhận hợp quy cho Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông. Cụ thể, đơn vị này đã không áp dụng phương pháp thử đối với chỉ tiêu Silic hữu hiệu theo quy định, dẫn đến việc cấp chứng nhận không đúng với quy định pháp luật.

Cục CSMT đã có kiến nghị xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH Giám định Viancontrol TP Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.