An Giang: Khởi tố nhóm đối tượng buôn bán hàng nghìn quả pháo nổ
Cơ quan Cảnh sát điều tra TP. Long Xuyên (An Giang) đã phát hiện và khởi tố vụ án buôn bán hàng nghìn quả pháo nổ, đồng thời tạm giữ 3 đối tượng liên quan, trong đó có Nguyễn Văn Thuận, Phạm Hữu Lợi, và Thị Hà.
Cơ quan Cảnh sát điều tra TP. Long Xuyên (An Giang) thông báo về việc khởi tố vụ án buôn bán hàng nghìn quả pháo nổ và ra quyết định lệnh bắt tạm giam đối với 3 đối tượng. Trong số này, có Nguyễn Văn Thuận (SN 1994, trú tại xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), Phạm Hữu Lợi (SN năm 2000, trú tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ), cùng với lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Thị Hà (SN 1999, vợ bị can Thuận).
Cơ quan Công an tống đạt các quyết định và lệnh đối với bị can Thuận và Lợi.
Sự việc bắt nguồn từ việc lực lượng Công an TP. Long Xuyên phát hiện và bắt quả tang Phạm Hữu Lợi vào ngày 22/12/2023, khi điều khiển xe môtô chở hơn 2.390 quả pháo nổ hình trái bóng, trọng lượng lên đến 9,7kg. Thông tin từ điều tra cho biết, Lợi đã mua số pháo này từ vợ chồng Nguyễn Văn Thuận để bán lại với mục đích kiếm lời.
Phạm Hữu Lợi cùng tang vật tại cơ quan công an.
Nhưng không dừng lại ở đó, vào chiều ngày 24/12/2023, Thuận tiếp tục vận chuyển hơn 3.300 quả pháo nổ đến khu vực khóm Bình Khánh 3, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên để bán. Tuy nhiên, trước khi giao hàng, Thuận bị Tổ công tác của Công an TP. Long Xuyên bắt giữ, và tang vật bị thu giữ là 3.300 quả pháo nổ.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Thuận, lực lượng Công an đã tiếp tục phát hiện và thu giữ thêm 950 quả pháo nổ, nâng tổng trọng lượng số pháo tạm giữ của Thuận lên đến 13kg.
Vụ án đang được tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lạng Sơn: Bắt giữ nhiều đối tượng ngụy trang pháo hoa nổ trên xe đầu kéo
Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng đã cất giấu pháo nổ một cách tinh vi trong các xe đầu kéo thông quan qua cửa khẩu.
Ngày 19/12, thông tin từ công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, cứ đến dịp cuối năm, tình trạng buôn lậu các mặt hàng cấm, trong đó có pháo nổ lại có chiều hướng gia tăng. Thời gian qua, lực lượng Công an Lạng Sơn liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển pháo, trong đó có vụ vận chuyển gần 900 kg pháo nổ do nước ngoài sản xuất được cất giấu một cách tinh vi trong các xe đầu kéo thông quan qua cửa khẩu.
Đối tượng Lương Ngọc Tùng cùng tang vật 458 hộp pháo và 980 quả pháo lựu đạn do Trung Quốc sản xuất.
Theo công an tỉnh Lạng Sơn, chiếc xe ô tô đầu kéo chở đầy hành khô, thế nhưng đây chỉ là lớp vỏ ngụy trang. Một khoang chứa bí mật nằm bên dưới những tấm sắt lót sàn xe, có chiều rộng 1 mét, dài 6 mét được lái xe tạo ra nhằm cất giấu hàng trăm hộp pháo mang từ bên kia biên giới về Việt Nam tiêu thụ.
Tuy nhiên khi di chuyển đến địa phận xã Mai Pha thì bị Công an thành phố Lạng Sơn phát hiện bắt giữ. Quá trình kiểm tra cho thấy 458 hộp pháo do nước ngoài sản xuất cùng 980 quả pháo trứng được chất đầy trong khoang chứa dưới sàn rơ mooc. Số hàng này lái xe Lương Ngọc Tùng (SN 1984, trú tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đã mua tại Trung Quốc với giá 30 triệu đồng rồi mang về Việt Nam bán kiếm lời.
Lực lượng chức năng phát hiện120 hộp pháo, có tổng trọng lượng 168 kg đối tượng Trần Văn Điệp dấu trong téc tự chế dưới gầm xe Sơ mi rơ moóc.
Chỉ ít thời gian ngắn sau, công an thành phố Lạng Sơn lại tiếp tục kiểm tra chiếc xe ô tô đầu kéo thứ 2 tại địa phận xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Cũng với thủ đoạn tương tự, bên dưới sàn rơ mooc là khoang bí mật, cất giấu 120 giàn pháo hoa nổ có tổng trọng lượng 168kg do nước ngoài sản xuất. Đối tượng Trần Văn Điệp (SN 1989, trú tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) khai nhận số pháo trên mua về để cả nhà đốt trong dịp tết Giáp Thìn 2024 và cho anh em, bạn bè chứ không kinh doanh buôn bán. Điều này cho thấy nhận thức của một số người dân về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc quản lý và sử dụng pháo còn hạn chế.
Trong năm 2023, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, bắt giữ 26 vụ, 35 đối tượng vi phạm về chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo, thu trên 2.200 kg pháo.
Đồng Nai: Bắt tạm giam 1 người mua bán 2 kg ma tuý
Công an tỉnh Đồng Nai bắt Dư Minh Hoàng (23 tuổi) để điều tra, làm rõ hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Ngày 9/12, thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối tượng Dư Minh Hoàng (23 tuổi, ngụ xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; tạm trú xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để điều tra làm rõ hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Liên quan đến vụ việc, Gín Lỷ Vòong (34 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán; tạm trú xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước đó, ngày 14/11/2023, qua các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì phối hợp với Phòng nghiệp vụ, Công an huyện Trảng Bom bắt quả tang Hoàng đang tàng trữ 2 kg ma túy tại xã Quảng Tiến.
Qua đấu tranh, Hoàng khai nhận từ Bình Dương theo sự chỉ đạo của một người tên Nô (chưa rõ lai lịch) để mang bán cho người nghiện.
Hoàng đã 4 lần đi nhận ma túy cho Nô, mỗi lần như vậy Hoàng đều được Nô trả tiền công.
Qua điều tra mở rộng, Công an bắt Gín Lỷ Vòong về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 1 cân tiểu ly, 1 kéo bằng kim loại, nhiều bịch nylon và 1 bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai điều tra mở rộng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ban Bí Thư yêu cầu xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng dịp Tết Nguyên đán 2024
Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới, động lực mới tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024.
Trong Chỉ thị Ban Bí thư yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Có các giải pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh… Tăng cường công tác dự báo, quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hoá, dịch vụ. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường để thu lợi bất chính. Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo và vật liệu nổ.
Theo dự báo của các bộ, ngành, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm hoạt động buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng buôn lậu sẽ lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận, giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa để trốn thuế, đánh lừa người tiêu dùng. Các mặt hàng trọng điểm các đối tượng buôn lậu hướng tới chủ yếu là hàng tiêu dùng, thiết yếu như xăng dầu, khoáng sản, phân bón, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư y tế, điện tử, điện thoại di động, vàng, ngoại tệ, rượu bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo... và các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, động vật hoang dã ...
Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường trong nước và phát triển xã hội; đồng thời để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng năm Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Thu hồi và đình chỉ lưu hành thuốc Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml do vi phạm chất lượng
Ngày 15/11, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ký quyết định thu hồi và đình chỉ lưu hành toàn quốc đối với thuốc Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml (số đăng ký: QLĐB-638-17) do Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định đăng ký. Quyết định được đưa ra do việc sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và vi phạm quy định về sử dụng mặt bằng.
Ngày 15 tháng 11 năm 2023 - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Nguyễn Thành Lâm, đã ký quyết định số 4161/QĐ-BYT về việc thu hồi và đình chỉ lưu hành toàn quốc đối với thuốc Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml (số đăng ký: QLĐB-638-17). Sản phẩm do Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định đăng ký và Chi nhánh Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định - Nhà máy công nghệ cao Nhơn Hội sản xuất.
Thuốc Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml được giới thiệu trên trang bidiphar.com.
Quyết định này được đưa ra do Công ty Bidiphar vi phạm nhiều quy định về chất lượng và sử dụng mặt bằng. Cụ thể, theo Cục Quản lý Dược, thuốc Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml bị thu hồi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng và vi phạm quy định tại Điều 58 Luật Dược, mức độ 1.
Đây không phải lần đầu tiên Công ty Bidiphar gặp vấn đề liên quan đến thuốc Methotrexat Bidiphar. Trước đó, tháng 12/2021, Cục Quản lý Dược đã thông báo thu hồi toàn quốc về thuốc dung dịch tiêm Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml sản xuất bởi công ty này vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đến tháng 7/2023, Bidiphar tiếp tục bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 100 triệu đồng và đình chỉ hoạt động dây chuyền sản xuất liên quan đến thuốc Methotrexat Bidiphar trong thời hạn 2 tháng.
Bidiphar cũng bị buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm chất lượng và phải gửi báo cáo về việc thu hồi và biện pháp khắc phục hậu quả trong vòng 30 ngày tới Cục Quản lý Dược.
Kiên Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh phân bón không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trị giá 220 triệu đồng
Cục QLTT Kiên Giang vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 13,75 triệu đồng, đồng thời buộc hộ kinh doanh vi phạm thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.
Đội QLTT số 2 trao quyết định xử phạt cho hộ kinh doanh vi phạm
Trước đó, ngày 05/10/2023, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra theo kế hoạch định kỳ đối với 01 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, qua kiểm tra phát hiện một trong những loại phân bón DAP đang được hộ kinh doanh bày bán là phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ lô hàng gồm 200 bao phân bón, có giá trị 220 triệu đồng để xác minh, làm rõ.
Qua làm việc với đại diện hộ kinh doanh, Đội QLTT số 2 đi đến kết luận và xác định hộ kinh doanh đã có hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Vụ việc đã được Đội QLTT số 2 trình Cục trưởng Cục QLTT Kiên Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 02/11/2023 với số tiền 13,75 triệu đồng, đồng thời buộc hộ kinh doanh vi phạm thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.
Đối với mặt hàng phân bón, ngoài việc tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm về chất lượng phân bón nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp vào vụ mùa đông xuân 2023 – 2024, Đội QLTT số 2 cũng tập trung lồng ghép hoạt động tuyên truyền cho thương nhân chấp hành đúng các quy định pháp luật trong kinh doanh với kiểm tra, xử lý các vi phạm khác về nhãn hàng hóa, điều kiện kinh doanh của các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Sản phẩm của Công ty CP Grandstar Quốc tế bị đình chỉ lưu hành và thu hồi
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã ra văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi đối với sản phẩm Nước tắm gội thảo dược Dr. Papie vì vi phạm về chất lượng sản phẩm.
Cục Quản lý dược căn cứ Công văn của Sở Y tế tỉnh Nghệ An gửi kèm Công văn của Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh Nghệ An, Phiếu kiểm nghiệm và hồ sơ liên quan báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm Nước tắm gội thảo dược Dr. Papie – Hộp 1 chai 230 ml (Số lô: 082021; NSX: 25/11/2021; HSD: 25/11/2024; Trên nhãn ghi thông tin: Số công bố 5088/19/CBMP-HN).
Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Starmed, địa chỉ: C12-TT6, Khu đô thị Văn Quán, Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Nhà sản xuất là Công ty cổ phần Grandstar Quốc tế, địa chỉ BT 1.1 Khu đô thị Tây Mỗ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm tỉnh Nghệ An lấy mẫu tại Nhà thuốc cơ sở 2 Toàn Nhung (Địa chỉ: Số 38, đường Hồ Tông Thốc, TP Vinh, tinh Nghệ An) để kiểm tra chất lượng. Mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Hình ảnh sản phẩm Nước tắm gọi thảo dược Dr.Papie - hộp 1 chai 230ml
Vì thế, Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Nước tắm gội thảo dược Dr. Papie – Hộp chai 230 ml như nói trên.
Lý do thu hồi là mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tinh, thành phố trực thuộc Trung ương thông bảo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Nước tắm gội thảo dược Dr. Papie – Hộp1 chai 230 ml nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm;
Tiến hành thu hồi lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Starmed, Công ty cổ phần Grandstar Quốc tế phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm Nước tắm gội thảo dược Dr. Papie – Hộp 1 chai 230 ml nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh, tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định.
Đề nghi Sở Y tế Hà Nội kiểm tra Công ty cố phần tập đoàn dược phẩm Starmed, Công ty cô phần Grandstar Quốc tế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.
Hải Dương: Phát hiện hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tại 2 cơ sở kinh doanh
Ngày 20/10 vừa qua, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành kiểm tra hai cơ sở kinh doanh tại địa phương này. Tại cả hai cơ sở, họ phát hiện hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc, gây ra nghi ngại về tính hợp pháp và chất lượng.
Ngày 23/10, thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho biết rằng vào ngày 20/10 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh giày dép Minh Mến. Cơ sở này, do anh Lê Ngô Minh làm chủ, có địa chỉ tại thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang bày bán 1.400 đôi giày thể thao giả da, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE. Chủ cửa hàng cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên. Tổng trị giá lô hàng khoảng 100 triệu đồng.
Trước đó, ngày 19/10, lực lượng này đã tiến hành kiểm tra cửa hàng nội thất phụ tùng ô tô Thao Hòa. Cửa hàng này có địa chỉ tại số 55 đường Lê Thanh Nghị, phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 5 mặt hàng gồm cần gạt mưa xe ô tô, vè che mưa xe ô tô, thảm táp-lô xe ô tô, bọc vô lăng xe ô tô, tay nắm cửa xe ô tô. Tuy nhiên, toàn bộ số hàng hóa trị giá khoảng 60 triệu đồng nói trên đều không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cả 2 vụ việc đã bị lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản, đồng thời tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Quảng Ninh: Xử phạt Lái xe 20 triệu đồng do buôn bán thuốc lá lậu
Ngày 09/10/2023, tại Huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, Đội Quản lý thị trường và lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải, tập trung vào chiếc ô tô có biển số 14B-038.00, do ông Lê Xuân Hồng điều khiển.
Trong quá trình thực hiện quyết định kiểm tra, Đội Quản lý thị trường phát hiện trên xe có tổng cộng 350 bao thuốc lá điếu được sản xuất tại Trung Quốc. Điều đáng chú ý là toàn bộ số thuốc lá này không có tem thuốc lá theo quy định và Lái xe Lê Xuân Hồng không thể xuất trình được hóa đơn hay chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Khi làm việc với lực lượng chức năng, Lái xe Hồng đã thừa nhận đã mua toàn bộ số thuốc lá trên mạng xã hội để buôn bán với mục tiêu kiếm lời. Sau khi được giải thích về hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật, ông Hồng đã đồng ý tiêu hủy toàn bộ tang vật và cam kết sẽ không tái phạm.
Đội Quản lý thị trường số 8 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Xuân Hồng về hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, và đã tạm giữ tang vật để trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Nam Định: Bắt giữ nam thanh niên vận chuyển 123kg pháo nổ trái phép
Công an huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vừa bắt quả tang một nam thanh niên đang vận chuyển trái phép 123kg pháo nổ, gồm giàn pháo hoa nổ 36 quả. Đối tượng này đã từng phạm tội tàng trữ pháo nổ và vừa hết thời hạn án treo nhưng tiếp tục vi phạm pháp luật bằng việc buôn bán hàng cấm.
Tối ngày 13/9/2023 tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Công an huyện đã bắt quả tang Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1982, đến từ thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đang vận chuyển trái phép 82 hộp pháo nổ loại giàn 36 quả với tổng trọng lượng lên đến 123kg.
Công an huyện Ý Yên kiểm tra tang vật.
Nguyễn Văn Trọng đã từng bị tòa án tuyên án treo 30 tháng về hành vi tàng trữ hàng cấm là pháo nổ vào tháng 4/2020, thời gian thử thách 5 năm. Mặc dù án treo đã hết hạn, nhưng Trọng không hối cải và tiếp tục vi phạm pháp luật bằng việc buôn bán hàng cấm.
Để thực hiện việc vận chuyển, Trọng đã sử dụng một chiếc ô tô và ngụy trang hàng hóa bằng cách cất giấu các hộp pháo vào bao bì màu đen, giấu chúng trong nhiều vị trí khác nhau trong xe.
Điều tra viên lấy lời khai của Nguyễn Văn Trọng.
Đến huyện Ý Yên, Trọng đã cố gắng tìm thời điểm an toàn để giao hàng, nhưng đã bị Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế, Ma túy, Môi trường - Công an huyện Ý Yên phối hợp với Công an xã và thị trấn bắt quả tang.
Khám xét nhanh chóng tại nhà của Nguyễn Văn Trọng ở tỉnh Bắc Giang đã dẫn đến phát hiện và thu giữ thêm 44 quả pháo với trọng lượng 8kg.
Hiện nay, Công an huyện Ý Yên đang hoàn thiện hồ sơ xử lý Nguyễn Văn Trọng theo quy định của pháp luật để đảm bảo trật tự và an ninh công cộng.