Đăng nhập

Lào Cai: Tạm giữ lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 19/5/2025 của UBND tỉnh Lào Cai mở cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai mở đợt cao điểm đấu tranh, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuốc, sữa, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2025.

Ngày 21/5/2025, tại khu vực đường Phạm Văn Xảo, thôn Hồng Sơn, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; Đội Quản lý thị trường số 01 chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm soát liên ngành 389 tỉnh Lào Cai thực hiện kiểm tra, phát hiện lô hàng gồm 126 hộp cát tông, trong đó: 76 hộp cát tông chứa 9.120 cái thạch thìa hoa quả (120 cái/hộp); 50 hộp cát tông chứa 2.400 chai sữa chua hoa quả (48 chai/hộp). 

Chủ sở hữu hàng hoá là bà Nguyễn Thị Thanh Nga; địa chỉ thường trú tại tổ 11, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nga không xuất trình được hóa đơn chứng từ, giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đội Quản lý thị trường số 01 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hoá và tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát hiện hơn 4,2kg ma túy giấu trong 26 hộp thực phẩm chức năng

Ngày 2/5/2025, Cục Hải quan vừa thông tin về việc phát hiện hơn 4,2kg ma túy giấu trong 26 hộp thực phẩm chức năng.

Theo đó, vào ngày 14/4/2025, tại Kho hàng hóa nhập NCTS, Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài - Chi cục Hải quan Khu vực I chủ trì; Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (PC04) - Công an TP. Hà Nội phối hợp, thông qua các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra thực tế hàng hóa phát hiện đối tượng Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 1989, trú tại Dốc Cao - Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, Nghệ An, vận chuyển trái phép hơn 4,2 kg ma tuý loại MDMA qua đường hàng không.

Đối tượng giấu ma túy dưới dạng các viên nén màu xanh bên trong 26 hộp nhựa.

Đối tượng Nguyễn Tiến Đạt đã giấu số lượng ma túy là các viên nén màu xanh bên trong 26 hộp nhựa hình trụ tròn màu trắng bên ngoài dán nhãn có ghi chữ “altapharma”.

Hải quan Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài đã bàn giao đối tượng và toàn bộ tang vật, hồ sơ, tài liệu cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) - Công an TP. Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tạm dừng lưu hành 4 lô bột ngọt nhập từ nước ngoài của công ty TNHH Liên Sen

Theo thông báo từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra mới đây, 4 lô bột ngọt (Monosodium L – Glutamate) của công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8, TP.Hồ Chí Minh được đề nghị tạm dừng lưu thông và sử dụng do vi phạm quy định về ghi nhãn.

Các sản phẩm vi phạm bao gồm: Monosodium L - Glutamate Hanei Suru với số lô D2502060-13X, ngày sản xuất 26.2.2025 và hạn sử dụng đến 25.2.2028, số lượng 839 bao (25kg/bao); Monosodium L - Glutamate Hanei Suru với ngày sản xuất 26.2.2025 và hạn sử dụng 25.2.2027 (loại 1kg/túi). Bên cạnh đó là sản phẩm Monosodium L - Glutamate Hanei Suru với ngày sản xuất 26.2.2025 và hạn sử dụng 25.2.2027 (loại 300g/túi); và Monosodium L – Glutamate Kjmoto với ngày sản xuất 26.2.2025 và hạn sử dụng 25.2.2027 (loại 350g/túi).

Thông báo của Cục An toàn thực phẩm

Được biết, sản phẩm bột ngọt KJMOTO và HANEI SURU do Công ty TNHH Liên Sen nhập từ doanh nghiệp Công ty Trung Quốc là Hulunbeier NorthEast Fufeng Boitechnologies Co.LTD., sau đó san chia, đóng gói lại và bán ra thị trường. Tuy nhiên, bao bì của sản phẩm không có thông tin xuất xứ sản phẩm từ Trung Quốc, tên Công ty Trung Quốc sản xuất ra bột ngọt trước khi đóng gói cũng được ghi bằng tiếng Anh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Công ty TNHH Liên Sen có trách nhiệm liên hệ với người sản xuất để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục trong thời hạn 10 ngày. Và hàng hóa nêu trên chỉ được phép tiếp tục lưu thông nếu đã thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu và được cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Sản phẩm bột ngọt vừa bị yêu cầu tạm dừng tiêu dùng

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, hiện nay trên thị trường có trên 30 nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại nhưng trên bao bì không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phần lớn các loại bột ngọt đóng gói lại này được nhập từ Trung Quốc, hoặc các loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tuy nhiên, đáng lo ngại là các sản phẩm bột ngọt san chia, đóng gọi lại này vẫn đang được bày bán tràn lan các tỉnh thành cả nước, từ chợ, tạp hóa đến các đại lí, siêu thị, dấy lên lo ngại về sức khỏe cho người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là liệu các cơ sở san chia, đóng gói lại này có đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm hay chưa; chất lượng bột ngọt dùng để san chia, đóng gói lại từ bột ngọt Trung Quốc hoặc các loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ liệu có đảm bảo các tiêu chuẩn quy định cho phụ gia thực phẩm hay không?

Do đó, người tiêu dùng nên ưu tiên sản phẩm từ những thương hiệu bột ngọt uy tín được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi mua để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe.

Đối với những sản phẩm bột ngọt được sản xuất tại Việt Nam, trên mặt sau của bao bì chỉ thể hiện một trong các nội dung sau: xuất xứ Việt Nam, sản xuất tại tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an tỉnh Đắk Lắk

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã gửi thư khen Công an tỉnh Đắk Lắk vì triệt phá các vụ án sản xuất giá đỗ ủ hóa chất, cà phê, phân bón giả.

Ngày 6-3, tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị vừa nhận được thư khen của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vì đạt được nhiều thành tích, chiến công.

Theo đó, Phó Thủ tướng vui mừng được biết thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, đấu tranh thành công 3 chuyên án.

Bà Nguyễn Thị Cẩm My, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại phân bón Nam Dương bị bắt giữ vì sản xuất phân bón giả

Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 10 bị can về hành vi sản xuất, buôn bán cà phê bột giả, phân bón giả, giá đỗ có ngâm hóa chất nguy hại cho sức khỏe con người với số lượng lớn, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm.

Thay mặt Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương thành tích xuất sắc của Công an tỉnh Đắk Lắk. Chiến công của Công an tỉnh Đắk Lắk là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cao trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Công an Đắk Lắk phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ủ hóa chất độc hại

Trước đó, cuối tháng 12-2024, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ủ hóa chất độc hại. Công an thu giữ 20.357 kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine cùng hàng trăm lít hóa chất. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận trung bình mỗi năm đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ủ hóa chất 6-Benzylaminopurine.

Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Phụ gia dùng để sản xuất cà phê giả

Đến tháng 1-2025, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán phân bón giả quy mô lớn; bắt giữ Nguyễn Thị Cẩm My (41 tuổi - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại phân bón Nam Dương, tỉnh Bình Định), Bùi Minh Chánh (43 tuổi, chồng bà My - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn phân bón quốc tế Hoa Kỳ - VINA, tỉnh Long An) và các đồng phạm.

Cũng trong thời gian này, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, xử lý 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả quy mô lớn. Thành phần của sản phẩm cà phê do các đối tượng sản xuất chủ yêu là vỏ cà phê, đậu nành các chất phụ gia.

Thái Nguyên: Bắt giữ 3 đối tượng buôn bán trái phép hơn 160kg pháo

Ngày 13/1/2025, Công an huyện Đại Từ (Thái Nguyên) cho biết, vừa bắt giữ 3 đối tượng là Hoàng Văn Vinh (SN 1970); Hoàng Văn Trung (SN 1996) và Hoàng Văn Vũ (SN 1994, cùng trú tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ) về hành vi buôn bán hàng cấm.

Trước đó, tại xóm 3, xã Phú Xuyên, Tổ công tác của Công an huyện Đại Từ bắt quả Hoàng Văn Vinh về hành vi buôn bán hàng cấm. Vật chứng thu được là 1 thùng cát tông, bên trong có 18 hộp hình vuông (14x14cm) nghi là pháo hoa nổ và 1 số vật chứng khác liên quan.

Các đối tượng cùng tang vật bị thu giữ.

Vinh khai nhận đây là pháo hoa giàn phun loại 36 quả do Trung Quốc sản xuất, mua về để bán kiếm lời. Cùng tham gia với Vinh còn có Hoàng Văn Trung (con trai của Vinh) và Hoàng Văn Vũ (cháu họ của Vinh).

Qua khám xét khẩn cấp nhà Hoàng Văn Vinh và Hoàng Văn Vũ, lực lượng Công an thu giữ thêm nhiều hộp pháo hoa nổ có khối lượng 160,6kg.

Vụ việc đang được cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đắk Lắk: Phát hiện ô tô chở gần 70kg pháo lậu

CSGT Đắk Lắk kịp thời phát hiện, xử lý xe ô tô do một người phụ nữ điều khiển chở hàng chục kg pháo lậu.

Tối 17/12, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đơn vị vừa bàn giao đối tượng Đinh Thị Hoa (25 tuổi, trú tại thôn Bình Hoà, xã Ea Mnang, huyện Cư Mgar) cùng tang vật gần 70kg pháo lậu cho Công an huyện Ea HLeo tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào khoảng 17h45 ngày 16/12, tại Km 1668 + 400, đường Hồ Chí Minh (thuộc thôn 1, xã Ea HLeo, huyện Ea HLeo), tổ công tác của Trạm CSGT Krông Búk (thuộc Phòng CSGT) đã dừng kiểm tra ô tô BKS 47A-773.87 do tài xế Đinh Thị Hoa điều khiển chạy theo hướng Gia Lai về tỉnh Đắk Lắk. Lúc này, trên ô tô còn chở theo hai thanh niên là Trần Hưng Sang (23 tuổi) và Lê Văn Bằng (24 tuổi, cùng trú tại huyện Cư Mgar).

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong cốp sau xe có 3 thùng giấy, bên trong chứa 42 hộp pháo nổ với tổng khối lượng 69kg. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Hoa không xuất trình được giấy tờ liên quan đến số pháo trên.

Qua đấu tranh nhanh, hai đối tượng Sang và Bằng đã khai nhận cùng góp tiền để mua số pháo trên từ tỉnh Gia Lai đưa về Đắk Lắk bán kiếm lời.

Nghệ An: Khởi tố đối tượng mua bán 100 kg pháo

Ngày 29/10/2024, Công an huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Trần Duy Khánh (sinh năm 1990), trú tại thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an huyện Đô Lương phát hiện đối tượng Trần Duy Khánh có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội mua bán trái phép pháo nổ các loại.

Đối tương Trần Duy Khánh cùng tang vật

Khoảng 9h ngày 13/10, tại khối 4, thị trấn Đô Lương, Tổ công tác của 2 đơn vị đồng chủ trì tiến hành bắt giữ Trần Duy Khánh về hành vi tàng trữ hàng cấm; thu giữ 60 cối pháo có tổng trọng lượng 100 kg. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang và đưa đối tượng về tại trụ sở Công an huyện để làm việc.

Quá trình đấu tranh, Khánh khai nhận mua 60 cối pháo trên mạng với mục đích để bán kiếm lời. Sau khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đô Lương đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Duy Khánh về tội “Buôn bán hàng cấm”.

Long An: Tiêu hủy 1,9 tấn đường cát ngoại nhập lậu  

Ngày 09/10/2024, tại khu vực bãi rác huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, lực lượng chức năng tiêu hủy 1,9 tấn đường cát ngoại nhập lậu.

Theo đó, số đường cát ngoại nhập lậu (1,9 tấn đường cát) do ông Dịp Phú Quý (ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) vận chuyển trái phép từ Campuchia về Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ và được lực lượng chức năng phát hiện thu giữ thời gian qua.

Lực lượng chức năng tiêu hủy đường cát

Hội đồng tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu huyện Tân Hưng đã tiêu hủy toàn bộ tang vật nêu trên bằng hình thức đổ tang vật ra ngoài và tưới nước.

Việc tiêu hủy tang vật bị tịch thu được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật./.

Long An: Xử phạt hơn 110 triệu đồng do kinh doanh đường cát không rõ nguồn gốc

Ngày 25/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Long An vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 110 triệu đồng đối với một hộ kinh doanh trên địa bàn thị xã Kiến Tường với do có hành vi kinh doanh đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 16/8 Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Long An phối hợp với Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường kiểm tra trên địa bàn thị xã Kiến Tường phát hiện hộ kinh doanh Hoàng Phát đang chứa 98 bao đường cát (50kg/bao), trên bao bì không thể hiện tên, nhãn hiệu, nơi sản xuất và có hạn sử dụng đến ngày 15/8/2025. Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng này.

Lực lượng chức năng kiểm tra đường cát tại hộ kinh doanh. 

Ngoài ra, tại khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm có côn trùng gây hại, không có thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm. Đặc biệt, chủ kinh doanh không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ…

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ hộ kinh doanh thừa nhận kinh doanh đường cát không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết hơn 105 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã kiến nghị Cục Quản lý thị trường trình Chủ tịch UBND ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền với số tiền hơn 110 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy 98 bao đường cát vi phạm.

Hưng Yên: Tịch thu 230 chiếc xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Ngày 11/9, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã quyết định xử phạt hành chính và tịch thu hơn 200 chiếc xe đạp điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại một kho hàng ở huyện Yên Mỹ.

Theo thông tin ban đầu, qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại kho hàng của ông L.H.B có chứa đến 230 chiếc xe đạp điện các loại, trong tình trạng không có ắc quy, chưa lắp bàn đạp và không có nhãn mác. Đặc biệt, ông L.H.B không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa này.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, ông L.H.B đã mua số xe đạp điện trên từ nguồn không rõ ràng với mục đích vận chuyển đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật về kinh doanh mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Với hành vi vi phạm trên, ông L.H.B đã bị phạt hành chính số tiền 52.500.000 đồng và bị tịch thu toàn bộ số xe đạp điện làm tang vật.