Tạm dừng lưu hành 4 lô bột ngọt nhập từ nước ngoài của công ty TNHH Liên Sen
Theo thông báo từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra mới đây, 4 lô bột ngọt (Monosodium L – Glutamate) của công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8, TP.Hồ Chí Minh được đề nghị tạm dừng lưu thông và sử dụng do vi phạm quy định về ghi nhãn.
Các sản phẩm vi phạm bao gồm: Monosodium L - Glutamate Hanei Suru với số lô D2502060-13X, ngày sản xuất 26.2.2025 và hạn sử dụng đến 25.2.2028, số lượng 839 bao (25kg/bao); Monosodium L - Glutamate Hanei Suru với ngày sản xuất 26.2.2025 và hạn sử dụng 25.2.2027 (loại 1kg/túi). Bên cạnh đó là sản phẩm Monosodium L - Glutamate Hanei Suru với ngày sản xuất 26.2.2025 và hạn sử dụng 25.2.2027 (loại 300g/túi); và Monosodium L – Glutamate Kjmoto với ngày sản xuất 26.2.2025 và hạn sử dụng 25.2.2027 (loại 350g/túi).
Thông báo của Cục An toàn thực phẩm
Được biết, sản phẩm bột ngọt KJMOTO và HANEI SURU do Công ty TNHH Liên Sen nhập từ doanh nghiệp Công ty Trung Quốc là Hulunbeier NorthEast Fufeng Boitechnologies Co.LTD., sau đó san chia, đóng gói lại và bán ra thị trường. Tuy nhiên, bao bì của sản phẩm không có thông tin xuất xứ sản phẩm từ Trung Quốc, tên Công ty Trung Quốc sản xuất ra bột ngọt trước khi đóng gói cũng được ghi bằng tiếng Anh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Công ty TNHH Liên Sen có trách nhiệm liên hệ với người sản xuất để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục trong thời hạn 10 ngày. Và hàng hóa nêu trên chỉ được phép tiếp tục lưu thông nếu đã thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu và được cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Sản phẩm bột ngọt vừa bị yêu cầu tạm dừng tiêu dùng
Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, hiện nay trên thị trường có trên 30 nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại nhưng trên bao bì không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phần lớn các loại bột ngọt đóng gói lại này được nhập từ Trung Quốc, hoặc các loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là các sản phẩm bột ngọt san chia, đóng gọi lại này vẫn đang được bày bán tràn lan các tỉnh thành cả nước, từ chợ, tạp hóa đến các đại lí, siêu thị, dấy lên lo ngại về sức khỏe cho người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là liệu các cơ sở san chia, đóng gói lại này có đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm hay chưa; chất lượng bột ngọt dùng để san chia, đóng gói lại từ bột ngọt Trung Quốc hoặc các loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ liệu có đảm bảo các tiêu chuẩn quy định cho phụ gia thực phẩm hay không?
Do đó, người tiêu dùng nên ưu tiên sản phẩm từ những thương hiệu bột ngọt uy tín được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi mua để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe.
Đối với những sản phẩm bột ngọt được sản xuất tại Việt Nam, trên mặt sau của bao bì chỉ thể hiện một trong các nội dung sau: xuất xứ Việt Nam, sản xuất tại tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an tỉnh Đắk Lắk
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã gửi thư khen Công an tỉnh Đắk Lắk vì triệt phá các vụ án sản xuất giá đỗ ủ hóa chất, cà phê, phân bón giả.
Ngày 6-3, tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị vừa nhận được thư khen của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vì đạt được nhiều thành tích, chiến công.
Theo đó, Phó Thủ tướng vui mừng được biết thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, đấu tranh thành công 3 chuyên án.
Bà Nguyễn Thị Cẩm My, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại phân bón Nam Dương bị bắt giữ vì sản xuất phân bón giả
Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 10 bị can về hành vi sản xuất, buôn bán cà phê bột giả, phân bón giả, giá đỗ có ngâm hóa chất nguy hại cho sức khỏe con người với số lượng lớn, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm.
Thay mặt Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương thành tích xuất sắc của Công an tỉnh Đắk Lắk. Chiến công của Công an tỉnh Đắk Lắk là minh chứng rõ nét cho quyết tâm cao trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại sự bình yên và hạnh phúc cho Nhân dân.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Công an Đắk Lắk phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ủ hóa chất độc hại
Trước đó, cuối tháng 12-2024, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ủ hóa chất độc hại. Công an thu giữ 20.357 kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine cùng hàng trăm lít hóa chất. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận trung bình mỗi năm đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ủ hóa chất 6-Benzylaminopurine.
Hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Phụ gia dùng để sản xuất cà phê giả
Đến tháng 1-2025, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán phân bón giả quy mô lớn; bắt giữ Nguyễn Thị Cẩm My (41 tuổi - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại phân bón Nam Dương, tỉnh Bình Định), Bùi Minh Chánh (43 tuổi, chồng bà My - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn phân bón quốc tế Hoa Kỳ - VINA, tỉnh Long An) và các đồng phạm.
Cũng trong thời gian này, Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, xử lý 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả quy mô lớn. Thành phần của sản phẩm cà phê do các đối tượng sản xuất chủ yêu là vỏ cà phê, đậu nành các chất phụ gia.
Thái Nguyên: Bắt giữ 3 đối tượng buôn bán trái phép hơn 160kg pháo
Ngày 13/1/2025, Công an huyện Đại Từ (Thái Nguyên) cho biết, vừa bắt giữ 3 đối tượng là Hoàng Văn Vinh (SN 1970); Hoàng Văn Trung (SN 1996) và Hoàng Văn Vũ (SN 1994, cùng trú tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ) về hành vi buôn bán hàng cấm.
Trước đó, tại xóm 3, xã Phú Xuyên, Tổ công tác của Công an huyện Đại Từ bắt quả Hoàng Văn Vinh về hành vi buôn bán hàng cấm. Vật chứng thu được là 1 thùng cát tông, bên trong có 18 hộp hình vuông (14x14cm) nghi là pháo hoa nổ và 1 số vật chứng khác liên quan.
Các đối tượng cùng tang vật bị thu giữ.
Vinh khai nhận đây là pháo hoa giàn phun loại 36 quả do Trung Quốc sản xuất, mua về để bán kiếm lời. Cùng tham gia với Vinh còn có Hoàng Văn Trung (con trai của Vinh) và Hoàng Văn Vũ (cháu họ của Vinh).
Qua khám xét khẩn cấp nhà Hoàng Văn Vinh và Hoàng Văn Vũ, lực lượng Công an thu giữ thêm nhiều hộp pháo hoa nổ có khối lượng 160,6kg.
Vụ việc đang được cơ quan Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.