Hộ kinh doanh tại Saigon Square tiếp tục bị kiểm tra vì bán hàng giả
Quá trình giám sát hoạt động kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square, Tổ công tác Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT), Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tiếp tục phát hiện và xử phạt 02 Hộ kinh doanh túi, ví, sản phẩm thời trang giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Gần 400 sản phẩm đã bị thu giữ tại 02 hộ kinh doanh này.
Với quyết tâm đẩy lùi hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Trung tâm mua sắm bậc nhất TP.HCM, trong 02 tuần qua, các Tổ công tác Phòng Nghiệp vụ QLTT thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước liên tục giám sát hoạt động kinh doanh tại địa điểm này nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Trong quá trình giám sát ngày 13/6, Tổ công tác phát hiện 02 hộ kinh doanh tại Kiot 47T-49T và Kiot 3B+9D trà trộn bán các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể, tại kiot 47T-49T do bà Ngô Thị Hằng Nga làm chủ, một chiếc ví da nhãn hiệu Hermes xuất xứ từ Pháp được niêm yết với mức giá 150.000 đồng/sản phẩm. Ở dòng túi xách các nhãn hiệu Chanel, Gucci hay Louis Vuiton tại Hộ kinh doanh này có mức giá dao động từ 280.000 – 380.000 đồng/sản phẩm…. thấp hơn rất nhiều so với giá bán trên trang web của hãng.
Tương tự, tại kiot 3B+9D do bà Võ Thị Kiều Oanh làm chủ, các sản phẩm là áo thun nhãn hiệu Lacoste, Boss hay Polo chỉ có giá niêm yết từ 100.000-150.000/sản phẩm?
Quá trình kiểm tra, các Tổ công tác đã lập biên bản và tạm giữ tổng cộng gần 400 sản phẩm là hàng giả tại hai địa điểm kinh doanh trên.
Trước đó, ngày 29.5, 6 tổ công tác của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã triển khai kiểm tra hàng loạt các gian hàng tại Trung tâm Thương mại Saigon Square. Bất chấp nỗ lực đóng sập cửa gian hàng nhằm né tránh, hàng nghìn sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như đồng hồ, túi xách, ví và kính mắt vẫn bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ.
Trong suốt hai tuần qua, các Tổ công tác của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thường xuyên túc trực, giám sát hoạt động kinh doanh tại các kiot. Trước động thái này, nhiều gian hàng chọn cách đóng cửa, thậm chí đóng gói, vận chuyển hàng hóa ra khỏi địa điểm kinh doanh để né tránh sự kiểm tra.
Theo đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, việc kiểm tra các tụ điểm nổi tiếng về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục được đơn vị triển khai. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt và lâu dài. Song song với quá trình kiểm tra, các tổ công tác đã kết hợp tuyên truyền, vận động tiểu thương chuyển đổi mặt hàng kinh doanh đúng quy định, nhằm đẩy mạnh và phát triển thị trường nội địa, mang lại niềm tin và ấn tượng tích cực cho du khách khi mua sắm tại TP.HCM.
Đợt kiểm tra này nằm trong kế hoạch Công tác triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15.5.2025 và Chỉ thị số13/CT-TTg ngày 17.5.2025 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước.
Phú Thọ: Tiêu hủy 112 kg sản phẩm nội tạng động vật không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Phú Thọ, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Sở Công Thương về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Đội Quản lý thị trường số 3 - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Ngày 30/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 3 - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ phối hợp với cơ quan chức năng như: Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Phú Thọ; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đoan Hùng dừng và khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát 98C-028.11 do ông Nguyễn Văn Minh (địa chỉ thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) điều khiển. Qua khám phương tiện phát hiện trên xe ô tô đang vận chuyển 112 kg nội tạng động vật (nội tạng trâu, bò đang rỉ nước, có mùi hôi thối, biến đổi về màu sắc, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.
Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đoan Hùng khám phương tiện vận tải và kiểm tra hàng hóa
Lái xe kiêm chủ hàng khai nhận toàn bộ số nội tạng động vật trên được mua trôi nổi trên thị trường, không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.
Giám sát tiêu hủy tang vật
Sau khi thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định pháp luật, Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 10.000.000 đồng; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám sát buộc tiêu hủy 112 kg nội tạng động vật theo quy định.
Ninh Bình: Trên 5.000 đồ chơi trẻ em có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ
Ngày 22/5/2025, Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình cho biết, Đội QLTT số 1 phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra và xử lý cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em có hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu và kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, ngày 19/5/2025 và ngày 20/5/2025 Đội Quản thị trường số 1 – Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với phối hợp với cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Vũ Tiến Đạt có địa chỉ tại Ngõ 966, đường Nguyễn Công Trứ, tổ dân phố Vườn Hoa, phường Ninh Phúc, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 5000 sản phẩm là đồ chơi trẻ em các các loại có dấu hiệu hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trị giá hàng hóa hơn 300 triệu đồng. Chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp của số hàng hóa kể trên.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Công thương thu hồi 10 giấy phép xuất khẩu gạo
Bộ Công thương cho biết mới thu hồi 10 giấy phép xuất khẩu gạo do các thương nhân không tuân thủ quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo Bộ Công thương, trong tháng 4/2025, cơ quan này đã ban hành 10 quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân không tuân thủ quy định tại Nghị định số 107/2018 và Nghị định số 01/2025.
"Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với UBND các địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan xác minh, làm rõ và cung cấp thêm các thông tin đối với 10 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trước khi có phương án xử lý theo quy định của pháp luật", cơ quan này cho biết.
10 thương nhân vừa bị thu hồi Giấy chứng nhận kinh doanh xuát khẩu gạo
Cũng theo Bộ Công thương, trước đó, bộ này đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Hiệp hội Lương thực...) kiểm tra việc kinh doanh xuất khẩu gạo của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ 25 - 28/3/2025, đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc, kiểm tra 44 thương nhân kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn 6 tỉnh/thành phố (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang) thuộc 2 khu vực sản xuất lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước - Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Trên cơ sở kết quả của cuộc thanh, kiểm tra này, Bộ Công thương đã thu hồi 1 giấy phép xuất khẩu gạo.
Đồng thời, trên cơ sở số liệu do Bộ Tài chính (Cục Hải quan) cung cấp và báo cáo của các Sở Công thương, các thương nhân, Bộ Công thương đã ban hành 9 quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Lý do là thương nhân không xuất khẩu gạo trong 18 tháng liên tục theo quy định tại điểm d Khoản 1 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Thu hồi mẫu thuốc viên nén bao phim Phazandol không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế thành phố Huế về việc công bố mẫu thuốc viên nén bao phim Phazandol không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Căn cứ Công văn số 169 ngày 20/3/2025 của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thành phố Huế gửi kèm phiếu kiểm nghiệm về viên nén bao phim Phazandol (Paracetamol 500mg), số lô: 050424, ngày sản xuất: 190424; hạn dùng: 180427 do Công ty CP dược Phúc Vinh sản xuất; mẫu thuốc do Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thành phố Huế lấy tại Công ty TNHH MTV Q.M.K. (quận Thuận Hóa) không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Độ hòa tan (vi phạm mức độ 2), Cục Quản lý Dược thông báo thu hồi thuốc viên nén bao phim Phazandol (Paracetamol 500mg) tại các cơ sở kinh doanh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Huế.
Viên nén bao phim Phazandol (Paracetamol 500mg)
Các cơ sở kinh doanh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không nằm trên địa bàn thành phố Huế đã mua lô thuốc trên do Công ty TNHH MTV Q.M.K. cũng phải thu hồi.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty CP dược Phúc Vinh phối hợp với các cơ sở phân phối thuốc trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ký công văn này, gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng viên nén bao phim Phazandol (Paracetamol 500mg) và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên trên địa bàn thành phố Huế cũng như các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc do Công ty TNHH MTV Q.M.K. cung cấp.
Công ty TNHH MTV Q.M.K. tiến hành thu hồi toàn bộ số thuốc viên nén bao phim Phazandol không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên tại công ty và các cơ sở kinh doanh, sử dụng đã được công ty phân phối (bao gồm cả các cơ sở không thuộc địa bàn thành phố Huế), đồng thời đề nghị Sở Y tế thành phố Huế kiểm tra và giám sát Công ty CP dược Phúc Vinh và Công ty TNHH MTV Q.M.K. thực hiện việc thu hồi trên địa bàn lô thuốc theo quy định.
Cà Mau: Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển trái phép 2,4kg ma túy đá
Hai đối tượng mua 2,4 kg ma tuý đá ở TP Hồ Chí Minh, dùng ô tô vận chuyển về Cà Mau để bán lại cho con nghiện thì bị bắt quả tang.
Chiều 5/3, Thượng tá Đặng Văn Hữu, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cà Mau cho biết đang tạm giữ hình sự Phạm Quốc Việt (SN 1985) và Phạm Minh Thịnh (SN 1968, cùng ngụ phường 7, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) để điều tra về hành vi vận chuyển ma tuý số lượng lớn trên địa bàn TP Cà Mau.
Hai đối tượng Thịnh và Việt tại cơ quan Công an.
Lúc 2h45 cùng ngày, từ tin báo của người dân, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cà Mau phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tiến hành dừng kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 93A-420.15, lưu thông trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, hướng từ tỉnh Bạc Liêu đến Cà Mau, đoạn qua Khóm 1, phường Tân Thành, TP Cà Mau. Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện, thu giữ 2 bọc ni-lon màu trắng chứa ma túy đá khối lượng khoảng 2,4kg.
Tang vật công an thu giữ được từ xe của các đối tượng.
Tại cơ quan Công an, Việt và Thịnh khai nhận mua số ma túy đá trên của một người (không rõ họ tên) ở TP Hồ Chí Minh rồi vận chuyển về TP Cà Mau bán lại cho các con nghiện thì bị bắt.
Vĩnh Phúc: Kiểm tra, tạm giữ gần 10.000 sản phẩm thực phẩm nhập lậu
Ngày 13/1/2025, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, Đội Quản lý thị trường số 5 vừa phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, tạm giữ gần 10.000 sản phẩm là thực phẩm nhập lậu.
Cụ thể, ngày 10/1, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 2 và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Hải (Luân), địa chỉ tổ dân phố Lá Sen, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Hải (Luân) đang hoạt động bán lẻ sản phẩm rượu vang nho; rượu vang nổ hàng hóa thuộc danh mục kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không có giấy phép kinh doanh theo quy định vi phạm theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu; Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, tại Hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Hải (Luân) đang kinh doanh hàng hóa gồm 3.000 sản phẩm xúc xích (Made in China); 1.980 sản phẩm xúc xích trên nhãn hiệu Pinaung Sausage (Made in China); 3.780 túi thịt lợn cay (Made in China)...
Toàn bộ số hàng hóa trên là thực phẩm do nước ngoài sản xuất (Made in China), có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa vi phạm theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 5, đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.
Long An: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển pháo nhập lậu
Đối tượng đang vận chuyển pháo nhập lậu đi tiêu thụ thì bị Công an huyện Bến Lức, tỉnh Long An phát hiện, bắt quả tang.
Đối tượng Hồ Minh Đô cùng tang vật
vào lúc 19 giờ 30 phút, ngày 17/12/2024, Công an huyện Bến Lức phối hợp Công an xã Phước Lợi tuần tra phòng, chống tội phạm khu vực khu dân cư Gò Đen. Khi đến khu vực rạch Bà Cua thuộc ấp 4, xã Phước Lợi, tổ công tác phát hiện 1 nam thanh niên điều khiển xe môtô biển kiểm soát 59G1-707.36 chở 1 thùng carton phía sau có biểu hiện nghi vấn, lực lượng công an tiến hành dừng xe kiểm tra.
Tang vật bị thu giữ
Qua đó, phát hiện thùng hàng chứa 9 dàn pháo hoa nhập lậu và 3 bịch pháo. Tại cơ quan công an, đối tượng khai tên Hồ Minh Đô (27 tuổi), thường trú thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức.
Công an huyện Bến Lức tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và tạm giữ Đô để tiếp tục điều tra làm rõ./.
Nghệ An: Phát hiện đối tượng vận chuyển trái phép 16,2kg pháo hoa nổ
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện 12 hộp pháo các loại do nước ngoài sản xuất, tổng trọng lượng 16,2 kg.
Trước đó,vào ngày 11/11, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tang vật là 01 thùng cát tông tại khu vực Nghĩa trang, xóm Trung Tiến, xã Hưng Đông, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
16,2 kg pháo lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.
Chủ sở hữu tang vật nói trên là ông Đặng Quốc Khánh có địa chỉ tại xóm Trung Tiến, xã Hưng Đông, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện bên trong thùng cát tông có 12 hộp pháo các loại do nước ngoài sản xuất, bên ngoài có hình ảnh pháo hoa nổ với tổng trọng lượng 16,2 kg.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Đặng Quốc Khánh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp số hàng nói trên.
Đội QLTT số 3 đã tiến hành lập biên bản chuyển giao toàn bộ tang vật và đối tượng cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghệ An: Bắt đối tượng tàng trữ 5.300 viên ma túy tổng hợp
Ngày 29/10/2024, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vừa bắt giữ một đối tượng tàng trữ, mua bán 5.300 viên ma túy tổng hợp.
Cụ thể, chiều 27/10/2024, tổ công tác Công an huyện Yên Thành (Công an tỉnh Nghệ An) đã bắt giữ đối tượng Trương Thị Quyên, sinh năm 1986 trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp khi đang thực hiện hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.
Tại đây, lực lượng Công an đã thu giữ 5.300 viên ma túy tổng hợp; 1,5 gram ma túy đá, 3 gram heroin, 1 xe ô tô, 1 điện thoại di động.
Trương Thị Quyên cùng tang vật vụ án.
Trước đó, qua xác minh nhiều nguồn thông tin, lực lượng Công an xác định Trương Thị Quyên mua ma túy từ các địa bàn phía Bắc về bán lẻ trên địa bàn huyện Yên Thành và một số địa bàn khác trong, ngoài tỉnh.
Theo thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An, Trương Thị Quyên là một đối tượng có thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi di biến động nên tổ công tác gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vây bắt.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.