Hải quan: Phát hiện thủ đoạn lợi dụng thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại nhằm che giấu hàng hóa vi phạm
Thông tin từ Cục Hải quan: Lực lượng Hải quan vừa phát hiện 01 vụ việc điển hình với phương thức, thủ đoạn lợi dụng thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại nhằm che giấu hàng hóa vi phạm vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện lực lượng Hải quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước đó, vào ngày 13 và 14/5/2025, Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 3, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một lô hàng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về sở hữu trí tuệ tại cảng container quốc tế SP-ITC (TP. Thủ Đức, TP.HCM). Lô hàng do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Khoảng Trời Đẹp (MST: 0316587411) đứng tên tờ khai xuất khẩu, được vận chuyển bằng tàu ZHONG GU KUN MING 02519W đi từ TP.HCM đến cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), sau đó tiếp tục vận chuyển đến Jebel Ali, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện hơn 10.000 sản phẩm bao gồm giày thể thao, túi xách, áo thun... mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: SKETCHER, PUMA, NEW BALANCE, THE NORTH FACE, CALVIN KLEIN, TOMMY HILFIGER, HUGO BOSS, MICHAEL KORS, VANS, MLB, v.v. Toàn bộ số hàng này không được khai báo hải quan và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Đặc biệt, phần lớn sản phẩm đều ghi xuất xứ "Made in Vietnam" hoặc "Made in Cambodia".
Hiện các sản phẩm đang được trưng cầu giám định quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nghệ An: Thu giữ trên 500kg bột ngọt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon
Sáng ngày 29/4/2025, Đội QLTT số 3, Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh hơn 500kg bột ngọt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Chi cục QLTT Nghệ An về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong Tháng vệ sinh ATTP; sáng ngày 29/4/2025, Đội QLTT số 3, Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Đ.T.H có địa chỉ tại khu vực Tây chợ Vinh, phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh đang bày bán 174 gói mì chính (bột ngọt loại 1kg/gói) nhãn hiệu MIWON và AJINOMOTO có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và 350 kg mì chính (bột ngọt) không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT số 3 đã tiến hành tạm giữ số hàng nói trên, tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Đội QLTT số 3 sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường trên địa bàn được giao quản lý, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; góp phần đảm bảo an toàn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh lành mạnh.
Bình Dương: Phát hiện 1.400kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 7-4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đã phối hợp Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh tiến hành kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, tại địa điểm kinh doanh thực phẩm có địa chỉ tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (khu phố 3, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) hoạt động kinh doanh thực phẩm tươi sống các loại, chủ cơ sở không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Những thùng hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Đoàn kiểm tra ghi nhận điểm kinh doanh này đang hoạt động với kho lạnh diện tích 30m2, chứa các loại thực phẩm gồm: Trứng gà non, vú heo, dồi trường heo… tổng trọng lượng khoảng hơn 1.400kg không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thực phẩm đông lạnh trôi nổi
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở cho biết số lượng thực phẩm trên được mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.
Quảng Ninh: Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cẩm Phả bắt giữ đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất nổ
Ngày 7/3, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cẩm Phả (BĐBP Quảng Ninh) cho biết, đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Quang về hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất nổ.
Cụ thể, lúc 9 giờ 30 phút ngày 5/3, tại khu vực Trạm thu phí BOT Biên Cương, thuộc khu 7, phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, tổ công tác của hai đơn vị trên bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1966, trú tại số nhà 3, tổ 48, khu Hải Sơn 2, phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đang tàng trữ, vận chuyển trái phép 10kg vật liệu nổ.
Đối tượng Nguyễn Văn Quang và tang vật.
Qua điều tra xác minh ban đầu, đối tượng Quang khai nhận trước đây, khi đi bắt ong ở mỏ đá trắng (xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), đối tượng tình cờ phát hiện một bao tải dứa, bên trong có chứa thuốc nổ, sau đó mang số thuốc nổ trên cất giấu ở gần đó. Đến sáng 5/3, Quang mang số thuốc nổ trên từ nhà ra đảo Đông Chén thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh để đi đánh cá. Khi đến Trạm thu phí BOT Biên Cương, thuộc khu 7, phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh thì bị tổ công tác kiểm tra, bắt giữ.
Hiện, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cẩm Phả đang hoàn tất hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Tuyên Quang: Phát hiện, xử lý vụ vận chuyển 206 gói xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đêm 13/1/2025, Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 và Công an huyện Hàm Yên tiến hành kiểm tra xe ô tô khách mang biển kiểm soát 23B 00.344 chạy hướng Hà Giang - Hà Nội và phát hiện trên xe chở 206 gói xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, trên khoang chứa hàng xe khách có 2 thùng các tông bên trong có chứa 206 gói xúc xích với tổng trọng lượng hơn 120 kg. Toàn bộ số hàng hóa này không có nhãn hàng hóa và tài liệu kèm theo hàng hóa; trên bao bì hàng hóa không có căn cứ để xác định được nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ.
Lực lượng chức năng kiểm kê số xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lái xe, kiêm chủ hàng là Nguyễn Văn S không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hoặc bất kỳ loại giấy tờ nào có liên quan đến số hàng hóa trên.
Ông S đã khai báo, toàn bộ số xúc xích được mua của một người tại Hà Giang đưa về Hà Nội để bán kiếm lời.
Vụ việc được bàn giao cho cơ quan Quản lý thị trường tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Hà Nôi: Liên tục phát hiện hàng lậu tại quận Tây Hồ
Ngày 28-12, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, lực lượng công an và quản lý thị trường trên địa bàn quận Tây Hồ đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm.
Cụ thể, vào 10h45 ngày 26-12, Tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Tây Hồ) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phát hiện trên địa bàn phường Nhật Tân có lượng hàng hóa nghi vấn.
Tổ công tác tiến hành làm việc, chủ hàng tên Đ.T.H (sinh năm 1971; ở phường Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, số hàng hóa là mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định. Lực lượng chức năng xử phạt hành chính 10,5 triệu đồng.
Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc được phát hiện trong dịp Tết.
Tiếp theo, vào 15h ngày 26-12, Tổ công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ, đại diện cơ sở là ông T.V.A (sinh năm 1997; ở xã Đồng Lạc, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), phát hiện 365 mặt hàng thực phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lực lượng chức năng xử phạt hành chính số tiền 3 triệu đồng.
Lực lượng chức năng thu giữ số hàng hóa vi phạm.
Trước đó, ngày 23-12, Công an phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) phối hợp Đội Quản lý thị trường số 9 kiểm tra cơ sở kinh doanh tạp hóa tại địa chỉ số 127D Thụy Khuê (quận Tây Hồ), do bà N.T.T (sinh năm 1985; ở 26 Đặng Dung, phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) là chủ cơ sở.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại cơ sở có 38 chiếc máy thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tổ công tác đã lập biên bản tịch thu toàn bộ số hàng hóa trên và xử lý về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu đối với bà T.
Cao Bằng: Thu giữ gần 10 tấn nguyên liệu thuốc lá lậu
Ngày 18/12, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, Công an huyện Trùng Khánh đã triệt phá 8 vụ, bắt giữ 8 đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là nguyên liệu thuốc lá; tang vật thu giữ 9.653kg nguyên liệu thuốc lá.
Cụ thể, ngày 15/12, Công an xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh phối hợp với Tổ công tác Đồn Biên phòng Ngọc Chung (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) thực hiện tuần tra, kiểm soát tại xóm Đà Bè, xã Phong Nặm, phát hiện 3 vụ vi phạm.
Lực lượng chức năng bắt 8 vụ, thu gần 10 tấn nguyên liệu thuốc lá lậu trong 1 ngày
Tại các nhà của Mã Thị Lưu (SN 1992), Hoàng Thúy Lường (SN 1987) và Nông Thị Yêm (SN 1982), lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng 462kg nguyên liệu thuốc lá.
Cùng ngày, Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, môi trường Công an huyện Trùng Khánh phối hợp với Đồn Biên phòng Ngọc Chung, Công an xã Phong Nặm và Trung Phúc phát hiện 3 vụ vi phạm.
Tại các nhà của Lục Văn Hội (SN 1994), Nông Thị Lan (SN 1989) và Hoàng Thị Xuân (SN 1970), lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng 7.704kg nguyên liệu thuốc lá.
Tiếp đó, Công an xã Khâm Thành trong quá trình tuần tra tại xóm Pác Chang, xã Khâm Thành phát hiện Hoàng Văn Hùng (SN 1982), trú tại xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh đang điều khiển phương tiện vận chuyển 3 bao tải nguyên liệu thuốc lá, với tổng khối lượng 72kg.
Trong quá trình tuần tra tại khu vực xóm Quỳnh Quản, xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh, Công an xã Trung Phúc đã phát hiện tại nhà của Đoàn Thị Thuyền (SN 1987) có 480kg nguyên liệu thuốc lá.
Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số nguyên liệu thuốc lá trên.
Hiện, các vụ việc hiện đang được Công an huyện Trùng Khánh tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đà Nẵng: Kiểm tra, phát hiện phương tiện vận chuyển 7.000 bao thuốc lá nhập lậu
Ngày 2/12/2024, Trạm Cảnh sát giao thông Cửa ô Hòa Nhơn thuộc Phòng Cảnh sát giao thông thông tin, đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng kiểm tra, phát hiện một xe tải vận chuyển khoảng 7.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu từ phía Bắc qua địa bàn thành phố.
Cụ thể, chiều 1-12, tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Trạm Cảnh sát giao thông Cửa ô Hòa Nhơn đã tiến hành dừng và kiểm tra xe tải biển kiểm soát 29K-062.94 do tài xế Trịnh Công Minh (sinh năm 1998, trú tỉnh Tuyên Quang) điều khiển và phụ lái là Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1987 tuổi, trú tại thành phố Hà Nội) đi từ Bắc vào Nam có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm.
Cơ quan Công an phát hiện nhiều thuốc lá không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc trên xe.
Lực lượng chức năng đã dừng xe theo quy trình và kiểm tra, phát hiện bên trong thùng xe có 10 kiện hàng hóa chứa 7.000 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu JET, nghi vấn nhập lậu. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc lá trên.
Số thuốc lá nghi nhập lậu bị tạm giữ
Qua làm việc, tài xế thừa nhận đã nhận vận chuyển 10 thùng thuốc lá từ một người không rõ lai lịch ở tỉnh Quảng Trị đem giao tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) để lấy tiền công vận chuyển. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Hà Nội: Phát hiện cơ sở kinh doanh có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm tại quận Hà Đông
Ngày 13/11/2024, thông tin từ Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục QLTT TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quận Hà Đông kiểm tra, phát hiện địa điểm kinh doanh thực phẩm thuộc quận Hà Đông có dấu hiệu sản xuất hàng giả.
Trước đó, ngày 8/11/2024 Đội Quản lý thị trường số 11 chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quận Hà Đông tiến hành kiểm tra đối với địa điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm là Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy, địa chỉ: LK 669, DV 16, khu đất dịch vụ Đìa Lão, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ hàng hóa là thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên liệu, tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm, công cụ sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, gồm:
1.470 tuýp thành phẩm có nhãn của của Công ty TNHH dược phẩm Korea – Green Life; 1.200 lọ kẹo dẻo hương trái cây Zoo Jelly, 50g/lọ, NSX: 1/10/2024, HSD: 1/10/2026; Số CB: 320/BBC/2021, trên nhãn ghi: sản xuất bởi Công ty cổ phần Bibica, địa chỉ: 443 Lý Thường Kiệt, Phường 8, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; phân phối bởi Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy;
Lô hàng hóa vi phạm bị thu giữ
1.480 lọ kẹo hương trái cây, 35g/lọ, NSX: 5/10/2024, HSD : 5/10/2026, Số CB : 03/737-2022, trên nhãn ghi: sản xuất tại Chi nhánh Công ty TNHH MTV kẹo Bảy Ba Bảy, địa chỉ: 12 Hoàng Lê Kha, Phường 9, Quận 6, TP Hồ Chí Minh; phân phối bởi Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy;
620 lọ kẹo, 58g/lọ, NSX : 10/10/2024, HSD: 10/10/2027, Số CB: 01/737-2019, trên nhãn ghi sản xuất bởi Công ty TNHH MTV kẹo Bảy Ba Bảy, địa chỉ: 50 Lê Tuấn Mậu, Phường 13, Quận 6, TP Hồ Chí Minh; phân phối bởi Công ty TNHH dược phẩm Korea – Green Life, địa chỉ: Nhân Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Lực lượng chức năng phát hiện 65 kg lọ nhựa, nắp lọ nhựa không có nhãn hàng hóa.
Ngoài ra còn có, hàng hóa bán thành phẩm, không có nhãn hàng hóa theo quy định bao gồm: 7.180 sản phẩm viên sủi và nguyên liệu, tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm, công cụ sản xuất: 500 kg kẹo hương trái cây, không có nhãn hàng hóa, 110 kg nhãn hàng hóa các loại của Công ty TNHH dược phẩm Korea – Green Life, 2.900 cái nhãn kẹo dẻo hương trái cây Zoo Jelly của Công ty cổ phần Bibica, 65 kg lọ nhựa, nắp lọ nhựa không có nhãn hàng hóa;
Công cụ sản xuất: 1 chiếc máy sil màng nhãn Induction Foil Cappong Machine, model: YDGF-500A; 1 chiếc máy khò nhiệt AnhGroup OR85A1, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 1 chiếc máy bắn hạn sử dụng QM-100 A01, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đoàn kiểm tra nhận thấy: Công ty Cổ phần dược phẩm DHT Pharmacy đã có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm của Công ty TNHH dược phẩm Korea – Green Life; Công ty cổ phần Bibica; Công ty TNHH MTV kẹo Bảy Ba Bảy và Chi nhánh Công ty TNHH MTV kẹo Bảy Ba Bảy.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh làm rõ.
Long An: Phát hiện 03 cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 21/10/2024 và 25/10/2024, Đội QLTT số 6, Cục QLTT Long An tạm giữ 127 sản phẩm quần áo thời trang nữ và trẻ em các loại, các sản phẩm nghi không rõ nguồn gốc xuất xứ kinh doanh trên nền tảng facebook tại thành phố Tân An, tỉnh Long An và kinh doanh mỹ phẩm trên website thương mại điện tử bán hàng trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Qua công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động kinh doanh online trên các trang mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm, ngày 21/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An kiểm tra 01 cơ sở kinh doanh quần áo thời trang trẻ em, cơ sở này hoạt động tại địa chỉ mới nhưng không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên trang facebook, tạm giữ 82 đơn vị sản phẩm quần áo các loại, trị giá hàng hóa vi phạm 9.655.000 đồng.
Tiếp tục vào ngày 25/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Long An kiểm tra, phát hiện 01 cơ sở kinh doanh quần áo thời trang nữ, sử dụng facebook kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Long An đã tạm giữ 45 sản phẩm quần áo các loại, hàng hóa có giá trị 7.840.000 đồng.
Tất cả hàng hóa vi phạm được tạm giữ và chuyển về Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường Long An để tiếp tục xử lý theo quy định.
Cùng ngày, 01 Công ty kinh doanh mỹ phẩm trên website thương mại điện tử bán hàng tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An thực hiện đóng phạt 30.000.000 đồng theo Quyết định xử phạt số 48060027/QĐ-XPHC ngày 18/10/2024 của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, xử phạt về hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng.
Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, Đội Quản lý thị trường số 6 đã kết hợp công tác tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở không thực hiện mua bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, tuân thủ các quy định về nhãn hàng hóa trước khi lưu thông hàng hóa trên thị trường, thực hiện thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đồng thời các tổ chức, cá nhân nếu phát hiện vi phạm kịp thời phản ánh về hotline của Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An để có biện pháp ngăn chặn và xử lý, hướng tới thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư tại tỉnh Long An./.