Xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc
Theo Bộ Y tế, các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, sản xuất chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền...
Ngày 21/5, theo thông tin từ Bộ Y tế, Cục Quản lý Y-Dược cổ truyền đã thành lập 2 đoàn kiểm tra đột xuất thực hiện các Công điện và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến mặt hàng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu.
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền tại các cơ sở kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền theo nội dung tại Kế hoạch số 58/KH-YDCT ngày 20/5/2025; Kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, sản xuất chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc truyền tại cơ sở sản xuất kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Cùng đó, Cục Quản lý Y-Dược cổ truyền đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khám chữa bệnh và thông tin, quảng cáo trong lĩnh vực y, dược cổ truyền…
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát, quản lý hoạt động thông tin, quảng cáo; Rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thông tin, quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền...
Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu các nhà khoa học, người hành nghề lĩnh vực y học cổ truyền ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối./.
Nghệ An: Bắt giữ đối tượng mua bán trái phép 800 viên ma túy tổng hợp
Ngày 30-4, Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã bắt giữ Hà Thị Đào (58 tuổi) để điều tra về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trước đó, khoảng 22 giờ đêm 26-4, Tổ CSGT địa bàn Quế Phong, thuộc Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đường tỉnh 544B (thuộc địa phận xã Mường Nọc, huyện Quế Phong) thì nhận được tin báo của người dân “có người nghi đi rao bán ma túy”.
Lực lượng Công an đã bắt giữ đối tượng cùng tang vật.
Tổ công tác đã chủ trì, phối hợp với Công an xã Mường Nọc bố trí lực lượng để chốt chặn hai đầu đường. Đến khoảng 22 giờ 30 phút đêm 26-4, tổ công tác phát hiện bà Đào biểu hiện bất thường. Thấy công an, Đào quay đầu bỏ chạy về phía cánh đồng nhằm thoát thân.
Tuy nhiên tổ công tác đã kịp đuổi theo bắt giữ người phụ nữ này cùng tang vật 800 viên ma túy tổng hợp (trọng lượng 75,91 gam). Đào khai nhận, số ma túy trên mua của một người không quen biết để đi bán kiếm lời.
Phòng CSGT đã bàn giao bà Đào và tang vật cho Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An để tiếp tục điều tra.
Bình Dương: Bắt giữ đối tượng mua bán trái phép gần 16kg ma túy tổng hợp
Ngày 7-4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công an TP Hà Nội, Hải quan Hà Nội và Công an phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một bắt giữ nhóm đối tượng mua bán ma túy, thu giữ hơn 15,8kg ma túy (thuốc lắc).
Liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra đã tạm giữ đối tượng Đoàn Vũ Anh Hoàng (sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú tỉnh Bình Phước, chỗ ở hiện nay: Phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Đối tượng Đoàn Vũ Anh Hoàng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Đoàn Vũ Anh Hoàng đang vận chuyển thùng hàng chứa ma túy (thuốc lắc) được ngụy trang trong các túi bánh kẹo, chai đựng mỹ phẩm.
Tiến hành kiểm tra các gói hàng, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 15,8kg ma túy dạng viên nén (thuốc lắc).
Số thuốc lắc là tang vật của vụ án.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Đoàn Vũ Anh Hoàng tại địa chỉ số 26, đường số 5, khu dân cư Hiệp Thành I, khu phố 5, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng thu giữ 1 hũ nhựa màu trắng, bên trong đựng tinh thể màu trắng và một số dụng cụ có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy.
Qua làm việc, đối tượng Đoàn Vũ Anh Hoàng khai nhận, số ma túy trên được đặt mua từ Hà Nội với giá 400 triệu đồng, nhằm mục đích bán lại cho các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước...
Sửa nhiều quy định về quản lý thực phẩm chức năng
Tăng cường hậu kiểm để nâng cao chất lượng thực phẩm chức năng là một trong những nội dung đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung
Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15-2018, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (dự thảo sửa đổi Nghị định 15) trong đó có quy định về thực phẩm chức năng.
Cụ thể, dự thảo đề xuất bỏ quy định dịch công chứng tài liệu pháp lý tiếng Anh nếu đã hợp pháp hóa lãnh sự, đồng thời chấp nhận bản điện tử của giấy tờ pháp lý. Cho phép sử dụng kết quả kiểm nghiệm của cơ sở sản xuất đạt chuẩn GMP hoặc tương đương, mà không cần phải gửi mẫu kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận.
Dự thảo này cũng quy định giới hạn số lần và thời hạn bổ sung hồ sơ công bố sản phẩm. Theo đó, thời hạn nộp bổ sung sau khi tổ chức, cá nhân nhận được công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ của cơ quan quản lý là 30 ngày và quá thời hạn hồ sơ không còn giá trị và số lần nộp bổ sung tối đa là 3 lần.
Hiện nay, số ngày doanh nghiệp được bổ sung sau khi nhận được công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ là 90 ngày và không quy định số lần bổ sung.
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng ngày càng tăng
Việc sửa đổi lần này nhằm giúp rút ngắn thời gian theo dõi, giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp, tránh tình trạng thời gian giải quyết hồ sơ dài gây tốn thời gian và nhân lực của cơ quan quản lý trong quá trình giải quyết hồ sơ.
Dự thảo đề xuất bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ đăng ký quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; bỏ yêu cầu giấy chứng nhận GMP với thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước; xây dựng phần mềm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, yêu cầu công bố lại khi thay đổi các yếu tố quan trọng của sản phẩm (tổ chức cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở sản xuất; xuất xứ; tên sản phẩm; thành phần, khối lượng thành phần) và tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm sau công bố.
Cá nhân, doanh nghiệp cần công bố sản phẩm trước khi đưa sản phẩm lưu hành trên thị trường
Dự thảo quy định kiểm soát chặt chẽ tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm; bổ sung mục thuyết minh công thức sản phẩm để kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chức năng.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sửa đổi Nghị định 15 tập trung vào cải cách hành chính và nâng cao hơn nữa chất lượng thực phẩm chức năng, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thông qua việc hậu kiểm.
Thống kê trong 4 năm (từ 2021-2024), có tới 55.000 sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp đưa ra thị trường.
Đáng chú ý trong số gần 30.000 sản phẩm bảo vệ sức khỏe được đăng ký bản công bố, thì có tới 25.000 thương nhân đứng tên đăng ký. Qua quá trình thanh kiểm tra, cơ quan chức năng không tìm thấy chủ sản phẩm vì đứng tên đều là nhà thương mại.
Ninh Thuận: Phát hiện một hộ kinh doanh và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đội QLTT số 1, Cục QLTT Ninh Thuận xử phạt 11,5 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi đăng ký nhiều hơn một hộ kinh doanh và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 04/10/2024 Đội QLTT số 1 kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh T.T.T trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Qua kiểm tra phát hiện Bà T.T.T, cùng lúc, đang làm đại diện của 02 hộ kinh doanh tại 02 địa điểm khác nhau.Ngoài ra, qua kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh T.T.T đang kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trị giá hàng hóa vi phạm : 3.255.000 đồng.
Với 2 hành vi vi phạm nêu trên Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính; xử phạt 11,5 triệu đồng đối với hành vi đăng ký nhiều hơn một hộ kinh doanh và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính.
Lạng Sơn: Xử phạt 1 đối tượng vận chuyển 250 kg chân lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc
Ngày 15/8/2024, Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn vừa phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 1 đối tượng vận chuyển 250 kg chân lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, vào hồi 19h ngày 13/8/2024, trên tuyến đường từ thị trấn Lộc Bình đi cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, tổ công tác liên ngành đã phát hiện một chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát 12C-05912 có nhiều dấu hiệu khả nghi. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã tiến hành dừng xe để kiểm tra.
Số chân lợn đông lạnh được các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ, xử lý theo quy định của pháp luật
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe ô tô đang chở 20 bao tải màu xanh, bên trong chứa đầy chân lợn đông lạnh với tổng trọng lượng lên đến 250kg. Tuy nhiên, người lái xe không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa này.
Tại cơ quan chức năng, người lái xe khai nhận tên là Hứa Anh Tuấn, trú tại thị trấn Lộc Bình. Tuấn cho biết, anh ta được một người đàn ông lạ mặt thuê vận chuyển số hàng hóa trên từ thị trấn Lộc Bình đến Bản Thín, xã Tú Mịch để lấy tiền công 400 nghìn đồng.
Trước những bằng chứng rõ ràng, lực lượng chức năng đã quyết định xử phạt hành chính đối với Hứa Anh Tuấn với số tiền 7,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số chân lợn đông lạnh để tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Việc phát hiện và xử lý vụ việc trên đã thể hiện sự quyết tâm của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép, bảo vệ sức khỏe và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thái Nguyên: Thu giữ 700 sản phẩm hàng hóa không nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 2/8/2024, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên, Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 16 triệu đồng và tịch thu toàn bộ 700 sản phẩm hàng hóa không nguồn gốc, xuất xứ đối với hộ kinh doanh của bà P.T.H (địa chỉ tại Xóm Chợ, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Cụ thể, ngày 29/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 đã nhận được tin báo của người dân về hoạt động kinh doanh khả nghi tại địa chỉ trên. Ngay lập tức, đội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều bất hợp lý.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh này không hề có giấy phép kinh doanh hợp lệ. Ngoài ra, toàn bộ 700 chiếc ba lô được phát hiện đều không có nhãn mác, hóa đơn chứng từ, và không thể xác định được nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa ước tính khoảng 21 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 2 thu giữ hàng hóa vi phạm.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã quyết định xử phạt hành chính chủ cơ sở với 2 hành vi vi phạm: không đăng ký kinh doanh và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị tịch thu để xử lý theo quy định.
Yên Bái: Giám sát, tiêu hủy 1.150 bao thuốc lá điếu nhập lậu
Ngày 20/6, Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái cho biết, Đội Quản lý thị trường số 2, vừa tổ chức giám sát việc thực hiện tiêu hủy 1.150 bao thuốc lá điếu các loại nhập lậu.
Đây là hàng hóa vi phạm bị Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp các lực lượng chức năng liên quan trên địa bàn kiểm tra phương tiện xe ô tô con nhãn hiệu Volkswagen, do ông Phùng Văn N, địa chỉ thôn Tiền Phong, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái điều khiển.
Hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có chứa đựng 1.150 báo thuốc lá điếu các loại, do nước ngoài sản xuất.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Phùng Văn N không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phùng Văn N số tiền 60 triệu đồng và buộc tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm.
Việc tiêu hủy được thực hiện tại bãi rác thôn Yên Nghĩa, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, bằng hình thức đốt toàn bộ tang vật vi phạm, dưới sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng liên quan, theo đúng quy định của pháp luật.
Hà Nội: Thu giữ hơn 1,5 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) vừa phối hợp lực lượng chức năng, phát hiện, xử lý trường hợp tài xế xe tải vận chuyển 1,5 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc.
Sáng 10/5, Tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hà Đông phối hợp Đội Cảnh sát giao thông số 10 - Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội và Đội Quản lý thị trường số 11 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội, phát hiện nghi vấn, kiểm tra xe tải BKS: 89H-017.XX
Số thực phẩm Tổ công tác kiểm tra, phát hiện, thu giữ.
Đúng như nhận định, trên chiếc xe tải thùng kín mít này vận chuyển một số lượng lớn nội tạng động vật gồm lòng, mỡ, bì động vật… lên đến 1,5 tấn. Thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hoá trên.
Lực lượng liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hoá là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; tạm giữ và buộc tiêu huỷ toàn bộ 1,5 tấn thực phẩm trên; đồng thời hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Phát hiện và xử phạt 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm lậu
Đội Cảnh Sát Kinh Tế - Công An Quận Tây Hồ phối hợp với Đội Quản Lý Thị Trường số 9 phát hiện và xử phạt 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Tây Hồ năm 2024, Đội Cảnh Sát Kinh Tế - Công An Quận Tây Hồ đã phối hợp với Đội Quản Lý Thị Trường số 9 để tiến hành kiểm tra hành chính đối với 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm tại phường Phú Thượng, Xuân La, Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội vào các ngày 20, 21, 22/3/2024.
Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa thực phẩm đông lạnh không có giấy tờ xuất xứ.
Trong quá trình kiểm tra, đã phát hiện một số mặt hàng như lạp xưởng đông lạnh và mỹ phẩm (mặt nạ dưỡng da) có nhãn mác nước ngoài. Tuy nhiên, chủ các cơ sở kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá trên.
Tổ công tác đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ hàng hóa, đồng thời lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở kinh doanh về hành vi “Kinh Doanh Hàng Hóa Nhập Lậu”. Tổng mức phạt tiền đối với 4 cơ sở này là 50.000.000 đồng.