Liên tiếp phát hiện các vụ sản xuất, mua bán pháo nổ tại Ninh Bình
Ngày 15-12, thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết các đơn vị nghiệp vụ của công an tỉnh liên tiếp phát hiện, bắt giữ các vụ sản xuất, mua bán trái phép pháo nổ.
Các tang vật bị thu giữ
Thực hiện cao điểm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Ninh Bình vừa bắt giữ 2 vụ sản xuất, mua bán pháo nổ.
Rạng sáng 15-12, tại tuyến đường Quốc lộ 1T, thuộc địa bàn xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tổ công tác Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Bình đã phát hiện, bắt quả tang Bùi Văn Điệu (SN 1984, trú tại xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) tàng trữ trái phép 19 hộp pháo hoa nổ, có khối lượng 32,3kg.
Bước đầu, Điệu khai do bản thân làm nghề lái xe tải chở hàng đường dài, thường xuyên chạy tuyến Bắc - Nam, nên đã tìm mua số pháo trên ở địa bàn tỉnh Quảng Trị, sau đó cất giấu trên xe ô tô BKS 29C - 729.69 mang về Ninh Bình để sử dụng và bán kiếm lời.
Các tang vật bị thu giữ
Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Bùi Văn Điệu, Cơ quan Công an tiếp tục thu giữ 3 hộp pháo hoa nổ có khối lượng 5,1kg và 2 túi bột màu có khối lượng 0,8kg, là tiền chất sử dụng làm thuốc pháo nổ.
Trước đó, vào chiều 14-12, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự tiến hành kiểm tra, phát hiện cháu T.V (SN 2009, ở huyện Kim Sơn) tàng trữ trái phép pháo nổ, thu giữ 13 quả pháo các loại, có khối lượng 8,144kg.
Cơ quan Công an làm rõ tháng 11-2023, V lên mạng xã hội thấy có video hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ, nên đã nảy sinh ý định sản xuất pháo để sử dụng và bán cho người có nhu cầu. V đặt mua lưu huỳnh, than gỗ … mang về nhà chế tạo pháo thì bị Cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ.
An Giang: Tạm giữ 1.000 bao thuốc lá lậu
Chiều 13/11, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) cho biết, đơn vị đã bắt quả tang Trần Trung Kim Phụng (sinh năm 1977, ngụ khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) đang vận chuyển thuốc lá lậu.
Cụ thể, khoảng 11 giờ cùng ngày, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Long Xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trên địa bàn thành phố Long Xuyên. Khi đến khu vực thuộc phường Mỹ Thạnh, thì phát hiện Trần Trung Kim Phụng đang điều khiển môtô BKS: 94H3-6110, chở 2 giỏ xách lớn, nghi vấn vận chuyển thuốc lá nhập lậu, nên lực lượng làm nhiệm vụ yêu cầu dừng xe, kiểm tra.
Đối tượng Trần Trung Kim Phụng cùng tang vật bị bắt giữ
Qua đó, phát hiện bên trong 2 giỏ xách có 1.000 bao thuốc lá nhập lậu các loại, nên đưa Phụng, cùng tang vật về trụ sở làm việc. Phụng khai nhận, đã mua số thuốc lá trên mang về bán lại kiếm lời.
Hiện, Đội Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Long Xuyên đã thu giữ 1.000 bao thuốc lá nhập lậu. Đồng thời, tổ công táclập biên bản vi phạm hành chính đối với Phụng về hành vi “Buôn bán hàng cấm”.
Bắt giữ xe ô tô chở 10.000 bao thuốc lá lậu
Thông tin từ báo Long An, lực lượng chức năng huyện Đức Huệ, Long An đã phát hiện, tạm giữ đối tượng Cao Hoan Xuồng dùng xe ô tô vận chuyển 10.000 gói thuốc lá lậu.
Đối tượng Cao Hoan Xuồng và tang vật
Theo đó, chiều ngày 20/10, Công an xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã bàn giao Cao Hoan Xuồng, 23 tuổi, ngụ xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, Long An cho Công an huyện Đức Huệ thụ lý điều tra về hành vi vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu.
Cụ thể, tối 19/10, Tổ tuần tra Công an xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 62LD-020.26 do Cao Hoan Xuồng điều khiển có dấu hiệu khả nghi nên ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra.
Tiến hành kiểm tra bên trong xe, tổ tuần tra phát hiện có 10.000 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.
Hiện, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, thu giữ toàn bộ tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình Phước: bắt nhóm đối tượng mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng hơn 200 tỷ đồng
Công an tỉnh Bình Phước đã tiến hành bắt giữ một nhóm đối tượng liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) có tổng giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng. Các đối tượng đã sử dụng công ty giả để thực hiện việc này và thu lợi bất chính.
Cơ quan Cảnh sát Kinh tế của Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến việc lập công ty để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cơ quan này đã tiến hành xác minh và điều tra để làm rõ sự việc.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước thi hành Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy rằng từ năm 2018 đến 2022, một nhóm đối tượng, gồm Huỳnh Nhất Giang và Chu Văn Kiên, đã thành lập các công ty giả như Công ty TNHH MTV SX TM DV Phú Đạt (Công ty Phú Đạt), Công ty TNHH MTV TM DV VT Thái Xuân Hương (Công ty Thái Xuân Hương), và Công ty TNHH TM DV Quang Mạnh (Công ty Quang Mạnh) tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Mặc dù các công ty này không có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa hay dịch vụ nào, nhưng các đối tượng đã sử dụng chúng để xuất khẩu hóa đơn giá trị gia tăng giả mạo hoặc thông qua các đối tượng khác. Tổng giá trị của các hóa đơn này lên đến 217 tỷ đồng với mục đích thu lợi bất chính.
Để thực hiện việc này, các đối tượng đã sử dụng kế toán dịch vụ và các đối tượng trung gian khác để bán 680 tờ hóa đơn VAT giả mạo cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Bình Phước.
Dựa trên tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự và ra lệnh bắt tạm giam đối với 4 bị can trong số họ, bao gồm Giám đốc và kế toán của các công ty có liên quan. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất bánh Trung thu ở Tiền Giang
Đội Quản lý Thị trường số 1, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Tiền Giang đã tiến hành kiểm tra đối với 02 cơ sở sản xuất bánh trung thu tại thành phố Mỹ Tho và phát hiện rằng họ vi phạm các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm. Các cơ sở này đã bị xử phạt tổng cộng 8.000.000 đồng.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề cho Tết Trung thu năm 2023, vào ngày 8/9/2023, Đội Quản lý Thị trường số 1 tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Mỹ Tho tiến hành kiểm tra đối với 02 cơ sở sản xuất bánh trung thu tại thành phố Mỹ Tho.
Đoàn công tác kiểm tra hoạt động sản xuất bánh trung thu
Kết quả kiểm tra cho thấy các cơ sở này có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn cho nguyên liệu sử dụng trong việc sản xuất bánh trung thu. Họ cũng đã có hồ sơ và trình tự tự công bố sản phẩm và nhãn hàng hóa theo quy định. Tuy nhiên, họ đã vi phạm về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm bằng việc không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm.
Hoạt động kiểm tra thông tin trên nhãn bánh trung thu
Sau khi lập biên bản vi phạm, vào ngày 11/9/2023, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở với tổng số tiền 8.000.000 đồng.
Đà Nẵng: Bắt giữ thanh niên dùng súng để đòi nợ thuê, buôn ma túy
Ngày 26/7, Công an quận Hải Châu cho biết, vừa bắt giữ nhóm tàng trữ súng đạn để sử dụng đi đòi nợ thuê và buôn bán ma túy.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 22h15 ngày 25/7, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an quận bắt quả tang Nguyễn Phường (24 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”, thu giữ thuốc lắc và Ketamine.
Phạm Thanh (trái) cùng Nguyễn Phường và Phạm Hà Thanh Thiện.
Tiếp tục điều tra mở rộng, chỉ ít giờ sau, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Hải Châu và Công an phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bắt quả tang Phạm Thanh (27 tuổi, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) tàng trữ thuốc lắc và 1 khẩu súng.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Thanh (căn nhà thuộc phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), lực lượng công an thu giữ hơn 300 viên thuốc lắc, 7 gói ma túy và 19 viên đạn.
Đến 0h15 ngày 26/7, tại gần nhà của Thanh, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Hải Châu tiếp tục bắt quả tang Phạm Hà Thanh Thiện (26 tuổi, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê😉, thu giữ ma túy loại ketamine.
Theo điều tra, Phạm Thanh là đối tượng mang nhiều tiền án, tiền sự. Ngoài mua bán trái phép chất ma túy, Thanh còn hoạt động đòi nợ thuê.
Súng, đạn và ma túy được lực lượng công an thu giữ.
Để phục vụ cho công việc bất chính, Thanh đặt mua khẩu súng cùng hàng chục viên đạn và luôn thủ sẵn trong người khi thực hiện các phi vụ buôn ma túy và đi đòi nợ thuê.
Hiện Công an quận Hải Châu tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
Bắc Giang: Ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại trong vụ vải thiều
UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa thành lập 2 tổ liên ngành hỗ trợ, kiểm tra, xử lý vi phạm về an ninh trật tự (ANTT), trật tự an toàn giao thông (ATGT) và gian lận thương mại trong vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều năm 2023.
Theo đó, 2 tổ công tác gồm 14 thành viên (mỗi tổ 7 người) là cán bộ thuộc: Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường huyện; Đội Quản lý thị trường số 5; Công an huyện; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện.
Tổ công tác nhắc nhở người dân xã Hồng Giang không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Các tổ công tác xây dựng kế hoạch, chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về ANTT, ATGT và gian lận thương mại trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Theo ông Hoàng Văn Khiển, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Tổ trưởng tổ liên ngành số 2, ngay sau khi được thành lập, các tổ đã phối hợp với đơn vị liên quan, tiến hành nhắc nhở hàng chục lượt vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè; tuyên truyền, nhắc nhở chủ các điểm cân hàng không trừ lùi cân và không gian lận thương mại.
Qua kiểm tra cho thấy, các điểm thu mua vải thiều trên địa bàn đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đo lường, hiện chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, các tổ cũng đã tuyên truyền người dân khi bó vải phải được xử lý hoàn toàn sạch lá, cắt cuống các bó vải với chiều dài cuống không quá 10 cm. Các tổ tập trung hoạt động tại những địa bàn trọng điểm có nhiều tiểu thương và người dân đến mua bán vải thiều như: Cầu Cát, thị trấn Chũ; phố Kim, xã Phượng Sơn; phố Lim, xã Giáp Sơn; phố Kép, xã Hồng Giang; ngã ba Đồng Cốc, xã Đồng Cốc; chợ xã Phì Điền...
Được biết, các tổ công tác sẽ hoạt động liên tục từ ngày 6/6 đến hết ngày 31/7/2023 nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại và bảo đảm trật tự ATGT trong vụ tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện.
Lạng Sơn thu phạt vi phạm hành chính trên 500 triệu đồng với 10.000 loại thực phẩm vi phạm trong một tháng
Trong khuôn khổ chương trình "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra và xử lý 160 vụ vi phạm hành chính với số tiền phạt vượt quá 500 triệu đồng và liên quan đến hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Theo kế hoạch số 396/KH-QLTTLS ban hành ngày 13/4/2023, các Đội Quản lý thị trường đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do cơ quan Quản lý thị trường chủ trì. Các đoàn này đã kiểm tra các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm, tập trung vào nhóm hàng hóa mà người tiêu dùng quan tâm và tiêu dùng như bánh phở, rượu thủ công, chân gà qua sơ chế, vv.
https://dms.gov.vn/documents/35600/44521166/NVTH-2023-7.jpg/9b0ccab3-98b5-40a5-b38d-6f606ba10648" alt="enter image description here" />
Trong tháng thực hiện "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" từ ngày 15/4/2023 đến ngày 15/5/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra và xử lý 160 vụ vi phạm hành chính, vượt qua 139,1% so với kết quả kiểm tra năm 2022. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính đạt 504.350.000 đồng, tăng 199,5% so với năm trước. Ngoài ra, đã tịch thu hoặc buộc tiêu hủy các loại hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm trị giá 160.145.000 đồng và tịch thu hoặc buộc tiêu hủy trên 10.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa thực phẩm.
Các hành vi vi phạm hành chính chủ yếu bao gồm kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và không có nhãn hàng hóa, sản xuất thực phẩm tại nơi không đảm bảo an toàn thực phẩm, vv.
Ngoài việc kiểm tra và xử lý, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường công tác tuyên truyền. Cụ thể, việc tuyên truyền được thực hiện thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, bao gồm việc đăng tin bài trên các phương tiện thông tin: 52 lượt; phát tờ rơi khuyến cáo và kêu gọi ký cam kết từ các cơ sở kinh doanh: 285 lượt; tuyên truyền trực tiếp thông qua quản lý địa bàn, giải thích và hướng dẫn trong quá trình kiểm tra và kiểm soát: 154 lượt; cũng như thông qua việc phối hợp tuyên truyền qua loa lưu động. Cục cũng duy trì hoạt động số điện thoại đường dây nóng trên tất cả các cửa hàng, trung tâm thương mại và khu du lịch trên địa bàn quản lý.
Trong quá trình thực hiện, Cục Quản lý thị trường đã tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra và kiểm tra đối với doanh nghiệp. Cục đã chặt chẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác định đối tượng kiểm tra thuộc lĩnh vực và nhóm mặt hàng do ngành Công Thương quản lý. Một số trường hợp điển hình gồm:
(1) Ngày 28/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 3 phụ trách liên huyện Lộc Bình và Đình Lập đã kiểm tra và phát hiện 230,4 kg chân gà tẩm ướp gia vị ăn liền sản xuất ngoài Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Giá trị của chân gà này là 28.800.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 3 đã xử phạt bà Đặng Thị Thanh Nga, chủ hàng, với số tiền 16.000.000 đồng và buộc tiêu hủy số hàng bị vi phạm theo quy định.
(2) Ngày 18/5/2023 Đội Quản lý thị trường số 3 (phụ trách địa bàn liên huyện Lộc Bình – huyện Đình Lập) tiến hành kiểm tra, xử lý ông Nguyễn Văn Huấn chủ cơ sở sản xuất bánh phở (địa chỉ số 169, khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi khu vực trần nhà, tường nhà nơi sản xuất bánh phở ẩm mốc, với số tiền xử phạt là: 12.000.000 đồng, hướng dẫn chủ cơ sở khắc phục điều kiện sản xuất kinh doanh đảm bảo theo quy định của pháp luật.
(3) Ngày 19/4/2023, Ðội Quản lý thị trường số 4 (phụ trách địa bàn liên huyện Chi Lăng – huyện Hữu Lũng) phát hiện 550 kg xúc xích đóng túi loại 2,5 kg/túi sản xuất ngoài Việt Nam nhập lậu cùng một số loại hàng hóa khác. Đội Quản lý thị trường số 4 đã trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn xử phạt VPHC đối với ông Hà Quang V. (Số 210, đường Bà Triệu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) về hành vi vi phạm hành chính nêu trên với số tiền là 35.000.000 đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá: 11.100.000 đồng và buộc ông Hà Quang V. tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá 46.750.000 đồng theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các biện pháp tích cực hơn nữa để có hiệu quả lan tỏa sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý địa bàn; kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo quy định, chú trọng nắm tình hình để kịp thời kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Thu hồi toàn quốc viên nén Duo Hexin Tab với vi phạm mức độ 2
Ngày 1/6, Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế đã phát hành Công văn số 5834/QLD-CL để thông báo về quyết định thu hồi thuốc Duo Hexin Tab vì vi phạm mức độ 2.
Theo Cục Quản lý thị trường, Viên nén Duo Hexin Tab (Bromhexinhydrochlorid 8mg) bị thu hồi có Số GĐKLH: VN-22615-20, số lô: BHX003, NSX: 08/6/2020, BM.CL.10.05/02 HD: 07/6/2023 do Công ty Fu yuan Chemical & Pharmaceutical Co., Ltd. (Taiwan) sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu.
Ảnh minh họa
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các ngành, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị này thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên; công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên trang thông tin điện tử của Sở; kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.
Riêng Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, Cục Quản lý Dược đề nghị kiểm tra và giám sát Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.
Quảng Ninh: Kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke thu giữ hơn 50 bình khí cười
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tiến hành kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh karaoke tại thành phố Uông Bí và phát hiện bất ngờ hơn 50 bình khí nén bằng kim loại, nghi chứa khí N2O - một loại chất gây nên hiệu ứng "khí cười".
Đội Quản lý thị trường số 6 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, phối hợp với Công an thành phố Uông Bí, đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke mang tên "Thanh Khương". Địa điểm này do bà Phạm Thị Thanh là chủ cơ sở, nằm tại tổ 10, khu 1, phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí. Kiểm tra diễn ra vào ngày 18/5/2023 và đã mang lại kết quả bất ngờ.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện và thu giữ 53 bình khí nén bằng kim loại, bên trong được nghi ngờ chứa khí N2O, thường được gọi là "khí cười". Số lượng bình này đa dạng về kích thước và trọng lượng, từ 10-14 kg, tổng trọng lượng lên đến hơn 600 kg.
Đáng chú ý là toàn bộ số bình không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, và bà Thanh - chủ cơ sở, cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất theo quy định. Cơ sở này đã sử dụng bình khí N2O để bơm vào các quả bóng bay, sau đó bán lại cho khách hàng có nhu cầu.
Các cơ quan chức năng đã lập biên bản và thu giữ toàn bộ số bình khí này. Đồng thời, họ đang hoàn thiện hồ sơ để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.