Nhà thuốc Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm của công ty sản xuất TPCN giả Herbitech
Hệ thống Nhà thuốc Pharmacity cho biết sau khi nhận được khuyến cáo từ các cơ quan chức năng liên quan đến hai sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech là Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 là hàng giả, doanh nghiệp đã thu hồi các sản phẩm liên quan đến Herbitech và công ty liên kết.
Pharmacity cho biết tạm dừng kinh doanh và thu hồi các sản phẩm PMC Hoạt huyết, PMC Ginkgo Biloba, PMC Joint Care, PMC Liver Support do Công ty Herbitech sản xuất. Đây là các sản phẩm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn đăng ký, công bố và phân phối.
Ngoài ra Pharmacity cũng chịu trách nhiệm thu hồi và hoàn tiền 100% cho tất cả khách hàng đã mua sản phẩm liên quan đến công ty Herbitech.
Một điểm bán của Hệ thống Nhà thuốc Pharmacity.
Trước và trong quá trình phân phối các sản phẩm này, Nhà thuốc Pharmacity đã kiểm tra chất lượng sản phẩm định kỳ tại Viện Kiểm định và Kiểm nghiệm chất lượng VNTest (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép) và cũng đã thu thập các báo cáo do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn cung cấp. Các báo cáo kiểm định độc lập và báo cáo kiểm định do Hoàng Giang Sài Gòn cung cấp cho Pharmacity cho thấy chất lượng của cả bốn sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn theo hồ sơ công bố được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép.
Một trong bốn sản phẩm do Công ty Herbitech sản xuất, phân phối tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity hiện đang được thu hồi.
Trước đó, ngày 28/4 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với lãnh đạo của công ty Herbitech về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", đồng thời thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã xác định hai sản phẩm bảo vệ sức là Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 là hàng giả.
Hà Nội tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu
Từ tháng 4 đến tháng 8/2025, Hà Nội sẽ siết chặt giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm OCOP, thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch chuyên đề về tăng cường giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP, thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu. Kế hoạch này sẽ được triển khai trên toàn thành phố từ tháng 4 đến tháng 8/2025, áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho lạnh và các đơn vị liên quan.
Mục tiêu là kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xử lý các sản phẩm không đảm bảo. Các hoạt động chính bao gồm lấy mẫu, giám sát, cảnh báo nguy cơ, thu hồi sản phẩm lỗi và tăng cường tuyên truyền.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì thực hiện kế hoạch, đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Lực lượng Quản lý thị trường Lào Cai xử lý 87 vụ vi phạm
Trong quý I/2025, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã thực hiện kiểm tra 104 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 87 vụ vi phạm, với tổng giá trị xử lý gần 1,4 tỷ đồng.
Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 772 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 627 triệu đồng (trị giá hàng hóa tịch thu hơn 26 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 601 triệu đồng).
Các lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước hơn 829 triệu đồng, trong đó tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 772 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu hơn 56 triệu đồng.
Tình hình thị trường ổn định, không có biến động bất thường.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; lĩnh vực giá, kinh doanh.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong quý I/2025, tình hình thị trường cơ bản ổn định, không có biến động bất thường...
Đắk Lắk: Tạm giữ hơn 6 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 20/2/2025, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã phát hiện và tạm giữ tổng cộng 35.034 sản phẩm, với tổng trọng lượng hơn 6 tấn mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Trước đó, vào ngày 17/2, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh nằm trên đường A11, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở do bà Đ.H.T làm chủ đang hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk làm việc với bà Đ.H.T.
Cụ thể, đoàn kiểm tra đã thu giữ tổng cộng 35.034 sản phẩm mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm với tổng trọng lượng khoảng hơn 6 tấn. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu bao gồm: kem dưỡng da, son môi, phấn, kem chống nắng, kem làm trắng răng, dầu gội, tinh dầu và nước hoa.
Đáng lưu ý, chủ cơ sở không cung cấp bất kỳ giấy tờ, hóa đơn hoặc chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Tổng cộng 35.034 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị Quản lý thị trường Đắk Lắk tạm giữ.
Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính lên tới hơn 800 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ số tang vật để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Hải Dương: Phát hiện hơn 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc ở TP Chí Linh
Lượng chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc bị phát hiện ở TP Chí Linh (Hải Dương) có tổng trị giá khoảng 370 triệu đồng.
Khoảng 9 giờ ngày 20/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương phối hợp Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện tại xưởng sơ chế thực phẩm do anh Vũ Anh Tuấn (sinh năm 1986) làm chủ, có địa chỉ tại phường Hoàng Tiến (TP Chí Linh) đang sơ chế, chế biến khoảng 7,1 tấn chân gà đông lạnh có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Số chân gà bị phát hiện ngay tại xưởng sơ chế ở TP Chí Linh
Qua kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá lô hàng khoảng 370 triệu đồng.
Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ nội dung vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nam Định: Bắt nam thanh niên bán thuốc nhỏ mắt giả, lừa hơn 10 nghìn người
Ngày 7/1, Công an tỉnh Nam Định thông tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Trực đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Vũ (SN 1995; trú ở xóm Nam Giao Cù Thượng, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra xác định, Nguyễn Văn Vũ, thông qua mạng xã hội đặt mua các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Trung Quốc với giá rẻ và đặt kèm theo vỏ hộp, tem, nhãn thương hiệu thuốc nhỏ mắt của Nhật Bản.
Thông qua mạng internet, mạng xã hội, Nguyễn Văn Vũ đăng tải các bài viết, quảng cáo các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Nhật Bản.
Khi các bị hại tin tưởng với các nội dung quảng cáo, giới thiệu, đặt mua, Vũ trực tiếp đóng hàng và gửi dịch vụ COD (nhận hàng, trả tiền) cho bị hại.
Bước đầu làm rõ, với phương thức, thủ đoạn như trên, Nguyễn Văn Vũ đã lừa bán các loại thuốc nhỏ mắt giả nhãn hiệu của Nhật Bản cho khoảng hơn 10 nghìn người trên địa bàn toàn quốc, chiếm đoạt tổng số tiền khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trực đang hoàn thiện hồ sơ, xử lý nghiêm đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Quảng Trị: Phát hiện gần 500 chai rượu nhập lậu chuẩn bị chuyển đi tiêu thụ
Ngày 20/12/2024, sau khi nhận được tin báo, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đội Phòng ngừa điều tra án buôn lậu sản xuất buôn bán hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ - Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành khám đồ vật.
Kết quả khám, tại địa điểm tập kết có 477 chai rượu do nước ngoài sản xuất (trị giá tang vật gần 90 triệu đồng) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; trên sản phẩm không được dán tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu theo quy định.
Chủ sở hữu của số hàng hóa nêu trên là ông N.Q.A, địa chỉ: khu phố 2, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Theo trình bày của ông N.Q.A thì số hàng hóa trên ông đang tập kết để chờ vận chuyển đi tiêu thụ.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm để tiếp tục xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Tây Ninh: Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển, tàng trữ hơn 180kg pháo nổ
Ngày 11/12, Phòng Phòng Chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Tây Ninh cho biết vừa triệt xóa thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng, cùng tang vật 181,5kg pháo các loại. 2 đối tượng bị bắt giữ là Mai Trí Hùng (SN 1962) và Phó Hậu (SN 1993, cùng ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
Chiều 10/12, Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát chủ trì, phối hợp Đội kiểm soát chống buôn lậu Chi cục Hải quan Xa Mát, Công an xã Tân Lập bắt quả tang Hùng đang dùng xe 3 bánh nhập cảnh vào biên giới.
Thời điểm bị bắt, Hùng đang vận chuyển 71 hộp pháo hoa nổ (loại 49 ống) có trọng lượng 119,5kg và 10 bịch pháo nổ, có trọng lượng 4,5kg. Từ lời khai của Hùng, Ban Chuyên án đã bắt giữ và khám xét nơi ở của Hậu, đồng thời thu giữ 18 hộp pháo hoa nổ với trọng lượng 47,5kg.
Triệt xóa đường dây buôn bán hàng cấm thu giữ trên 2.200kg pháo các loại
Ngày 22/11, tin từ Công an huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, vừa phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công Chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2.200kg pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.
Theo tài liệu điều tra, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tội phạm buôn bán pháo dịp Tết Nguyên đán, thời gian qua Ban giám đốc Công an Hà Tĩnh đã chỉ đạo các phòng chức năng, Công an các huyện, thành phố, thị xã triển khai lực lượng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời triển khai lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với loại tội phạm này.
Các đối tượng trong đường dây bị bắt giữ cùng tang vật
Tháng 9/2024, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Đức Thọ phát hiện một đường dây buôn bán pháo quy mô lớn. Các đối tượng móc nối mua pháo từ Campuchia rồi đưa về Việt Nam để tiêu thụ. Công an huyện Đức Thọ đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh để lập án đấu tranh.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Đức Thọ phối hợp với phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh chuyên án.
Ngày 18/11, Công an huyện Đức Thọ cùng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã thành lập 8 tổ công tác gồm 60 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành bắt giữ 6 đối tượng gồm: Hoàng Khắc Phi (SN 1993, trú tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), Trương Quang Thống (SN 1988, trú tại xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ), Lê Viết Thành (SN 2001, trú tại xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa), Đinh Quang Nhật (SN 1995, trú tại phường Chi Lăng, TP Pleiku) đều ở tỉnh Gia Lai; Hồ Nghĩa Tuấn Anh (SN 1996, trú tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’eo, tỉnh Đắk Lắk) và Kiều Xuân Sơn (SN 2008, trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội).
Lực lượng công an khám xét, thu giữ tang vật
Tiến hành khám xét, lực lượng chức năng thu giữ trên 2.200kg (2,2 tấn) pháo các loại, 4 xe ô tô, 15 điện thoại, 3 khẩu súng, 1 kiếm Nhật và nhiều tang vật khác có liên quan đến vụ án.
Tại Cơ quan điều tra, đối tượng Hoàng Khắc Phi khai nhận, khoảng đầu tháng 9/2024 do có quen biết một đối tượng ở Campuchia từ trước nên khi biết nhiều người ở Việt Nam có nhu cầu mua pháo, Phi đã liên hệ với đối tượng này để mua pháo đưa về Việt Nam bán.
Khi đưa pháo về Phi bán cho Đinh Quang Nhật, sau đó Nhật chỉ đạo phân công Trương Quang Thống, Lê Viết Thành, Hồ Nghĩa Tuấn Anh vận chuyển pháo về tập kết tại kho ở thành phố Pleiku đóng gói phân loại, sau đó mang pháo đi tiêu thụ.
Các đối tượng đã tham gia hội nhóm mua bán pháo trên không gian mạng, sử dụng Facebook, Telegram để tìm kiếm người mua pháo. Khi tìm được người mua pháo, các đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng không chính chủ.
Sau khi nhận được tiền các đối tượng chuyển pháo bằng hình thức xé lẻ cho pháo vào nhiều túi ni long, thùng cát tông bọc nhiều lớp rồi đem đi gửi xe khách, hoặc thuê Ship chuyển hàng; đối với những người mua với số lượng lớn thì các đối tượng trực tiếp dùng xe ô tô ngụy trang dưới nhiều vỏ bọc để vận chuyển đưa đi tiêu thụ nhằm “qua mặt” lực lượng chức năng.
Với phương thức thủ đoạn đó, từ tháng 9/2024 đến nay, các đối tượng đã cùng nhau mua bán hơn gần 3.000kg pháo các loại, số pháo trên được bán cho các đối tượng khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Hiện Công an huyện Đức Thọ đang tiếp tục điều tra mở rộng, hoàn tất hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Nghệ An: Bắt giữ 5 đối tượng vận chuyển trái phép 70kg ketamine
Ngày 6/11/2024, theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp Cục Cửa khẩu và Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An xác lập Chuyên án A424.5p đấu tranh thành công đối với đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An.
Các đối tượng cùng tang vật bị lực lượng Bộ đội Biên phòng bắt, thu giữ.
Cụ thể, vào hồi 14 giờ 30 ngày 4/11/2024, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, lực lượng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với Cục Cửa khẩu và Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và Hải quan cửa khẩu Nậm Cắn đã bắt quả tang 5 đối tượng người nước ngoài (2 nam, 3 nữ). Tang vật thu giữ là 70kg ketamine và 1 xe ô tô biển kiểm soát Lào.
Lực lượng chức năng kiểm đếm tang vật thu giữ.
Hiện, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đang phối hợp các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.