Nhà thuốc Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm của công ty sản xuất TPCN giả Herbitech
Hệ thống Nhà thuốc Pharmacity cho biết sau khi nhận được khuyến cáo từ các cơ quan chức năng liên quan đến hai sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ Herbitech là Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 là hàng giả, doanh nghiệp đã thu hồi các sản phẩm liên quan đến Herbitech và công ty liên kết.
Pharmacity cho biết tạm dừng kinh doanh và thu hồi các sản phẩm PMC Hoạt huyết, PMC Ginkgo Biloba, PMC Joint Care, PMC Liver Support do Công ty Herbitech sản xuất. Đây là các sản phẩm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn đăng ký, công bố và phân phối.
Ngoài ra Pharmacity cũng chịu trách nhiệm thu hồi và hoàn tiền 100% cho tất cả khách hàng đã mua sản phẩm liên quan đến công ty Herbitech.
Một điểm bán của Hệ thống Nhà thuốc Pharmacity.
Trước và trong quá trình phân phối các sản phẩm này, Nhà thuốc Pharmacity đã kiểm tra chất lượng sản phẩm định kỳ tại Viện Kiểm định và Kiểm nghiệm chất lượng VNTest (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép) và cũng đã thu thập các báo cáo do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn cung cấp. Các báo cáo kiểm định độc lập và báo cáo kiểm định do Hoàng Giang Sài Gòn cung cấp cho Pharmacity cho thấy chất lượng của cả bốn sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn theo hồ sơ công bố được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép.
Một trong bốn sản phẩm do Công ty Herbitech sản xuất, phân phối tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity hiện đang được thu hồi.
Trước đó, ngày 28/4 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với lãnh đạo của công ty Herbitech về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", đồng thời thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã xác định hai sản phẩm bảo vệ sức là Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 là hàng giả.
Hà Nội tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu
Từ tháng 4 đến tháng 8/2025, Hà Nội sẽ siết chặt giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm OCOP, thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu trên địa bàn thành phố.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch chuyên đề về tăng cường giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP, thực phẩm đông lạnh và trái cây nhập khẩu. Kế hoạch này sẽ được triển khai trên toàn thành phố từ tháng 4 đến tháng 8/2025, áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho lạnh và các đơn vị liên quan.
Mục tiêu là kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xử lý các sản phẩm không đảm bảo. Các hoạt động chính bao gồm lấy mẫu, giám sát, cảnh báo nguy cơ, thu hồi sản phẩm lỗi và tăng cường tuyên truyền.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì thực hiện kế hoạch, đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Lực lượng Quản lý thị trường Lào Cai xử lý 87 vụ vi phạm
Trong quý I/2025, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã thực hiện kiểm tra 104 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 87 vụ vi phạm, với tổng giá trị xử lý gần 1,4 tỷ đồng.
Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 772 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 627 triệu đồng (trị giá hàng hóa tịch thu hơn 26 triệu đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 601 triệu đồng).
Các lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước hơn 829 triệu đồng, trong đó tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 772 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu hơn 56 triệu đồng.
Tình hình thị trường ổn định, không có biến động bất thường.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; lĩnh vực giá, kinh doanh.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong quý I/2025, tình hình thị trường cơ bản ổn định, không có biến động bất thường...
Đắk Lắk: Tạm giữ hơn 6 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 20/2/2025, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã phát hiện và tạm giữ tổng cộng 35.034 sản phẩm, với tổng trọng lượng hơn 6 tấn mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Trước đó, vào ngày 17/2, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh nằm trên đường A11, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cơ sở do bà Đ.H.T làm chủ đang hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk làm việc với bà Đ.H.T.
Cụ thể, đoàn kiểm tra đã thu giữ tổng cộng 35.034 sản phẩm mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm với tổng trọng lượng khoảng hơn 6 tấn. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu bao gồm: kem dưỡng da, son môi, phấn, kem chống nắng, kem làm trắng răng, dầu gội, tinh dầu và nước hoa.
Đáng lưu ý, chủ cơ sở không cung cấp bất kỳ giấy tờ, hóa đơn hoặc chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Tổng cộng 35.034 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bị Quản lý thị trường Đắk Lắk tạm giữ.
Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính lên tới hơn 800 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ số tang vật để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Hải Dương: Phát hiện hơn 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc ở TP Chí Linh
Lượng chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc bị phát hiện ở TP Chí Linh (Hải Dương) có tổng trị giá khoảng 370 triệu đồng.
Khoảng 9 giờ ngày 20/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương phối hợp Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện tại xưởng sơ chế thực phẩm do anh Vũ Anh Tuấn (sinh năm 1986) làm chủ, có địa chỉ tại phường Hoàng Tiến (TP Chí Linh) đang sơ chế, chế biến khoảng 7,1 tấn chân gà đông lạnh có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Số chân gà bị phát hiện ngay tại xưởng sơ chế ở TP Chí Linh
Qua kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá lô hàng khoảng 370 triệu đồng.
Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ nội dung vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nam Định: Bắt nam thanh niên bán thuốc nhỏ mắt giả, lừa hơn 10 nghìn người
Ngày 7/1, Công an tỉnh Nam Định thông tin, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Trực đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Vũ (SN 1995; trú ở xóm Nam Giao Cù Thượng, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra xác định, Nguyễn Văn Vũ, thông qua mạng xã hội đặt mua các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Trung Quốc với giá rẻ và đặt kèm theo vỏ hộp, tem, nhãn thương hiệu thuốc nhỏ mắt của Nhật Bản.
Thông qua mạng internet, mạng xã hội, Nguyễn Văn Vũ đăng tải các bài viết, quảng cáo các sản phẩm thuốc nhỏ mắt nhãn hiệu Nhật Bản.
Khi các bị hại tin tưởng với các nội dung quảng cáo, giới thiệu, đặt mua, Vũ trực tiếp đóng hàng và gửi dịch vụ COD (nhận hàng, trả tiền) cho bị hại.
Bước đầu làm rõ, với phương thức, thủ đoạn như trên, Nguyễn Văn Vũ đã lừa bán các loại thuốc nhỏ mắt giả nhãn hiệu của Nhật Bản cho khoảng hơn 10 nghìn người trên địa bàn toàn quốc, chiếm đoạt tổng số tiền khoảng hơn 3 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Trực đang hoàn thiện hồ sơ, xử lý nghiêm đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.