Cần Thơ: Thu giữ hơn 6.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
Ngày 1/10/2024, Lực lượng Quản lý thị trường TP. Cần Thơ thông tin cho biết, vừa bắt giữ hơn 6.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại địa bàn huyện Phong Điền.
Cụ thể, sáng ngày 30/9/2024, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP. Cần Thơ phát hiện phương tiện xe ô tô nhãn hiệu Toyota Innova có gắn biển số 70A-413.65 đang dừng trước nhà không số, địa chỉ: ấp Bình Thạnh, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ có dấu hiệu vận chuyển hàng cầm là thuốc lá điếu nhập lậu.
Khi phát hiện có lực lượng chức năng, đối tượng lái xe tông thẳng vào mô tô nhãn hiệu Honda Air Blade, biển kiểm soát số: 65C1-028.09 của một đồng chí Phó Đội trưởng Đội QLTT số 1 đang thi hành nhiệm vụ, sau đó mở cửa xe bỏ trốn.
Qua khám xe phát hiện có 19 túi ni lông màu đen bên trong có chứa đựng 6.280 bao thuốc lá điếu nhập lậu nhãn hiệu Hero và Jet. Bên cạnh đó, trên xe còn có 10 biển số xe giả.
Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội trưởng Đội QLTT số 1 tiến hành chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu, tang vật vi phạm có liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Điền (Công an TP Cần Thơ) để xem xét tiếp nhận truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Lai Châu: Xử phạt cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập lậu
Cục Quản lý thị trường Lai Châu thông tin về việc phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử phạt vi phạm chủ hàng kinh doanh thực phẩm nhập lậu tại chợ Đoàn Kết.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Lai Châu, ngày 28/8, Quản lý thị trường Lai Châu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Duyên (tại Chợ Đoàn Kết, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) hành vi Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm.
Cụ thể, vào hồi 19h00 phút, ngày 27 tháng 8 năm 2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Lai Châu) phối hợp cùng Đội Chống buôn lậu Phòng PC03 Công an tỉnh Lai Châu tiến hành khám đồ vật theo thủ tục hành chính và phát hiện bà Nguyễn Thị Duyên (tại Chợ Đoàn Kết, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) phát hiện hành vi vi phạm hành chính kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm.
Hàng hóa vi phạm là thực phẩm phát hiện tại Chợ Đoàn Kết.
Hàng hóa vi phạm gồm: Kẹo do nước ngoài sản xuất nhãn hiệu Mixed Candy, số lượng: 60 hộp, 15.000 đồng/hộp; Bánh mềm do nước ngoài sản xuất, số lượng: 700 cái, 1.000 đồng/cái; Đậu phộng do nước ngoài sản xuất, nhãn Colorful Peanut số lượng: 16 gói loại 2,5kg/gói, 120.000 đ/gói; Bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, số lượng: 12 cái, 35.000 đồng/cái. Tổng trị giá hàng hóa tính theo giá niêm yết trên từng sản phẩm hàng hóa 3.940.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất.
Chủ sở hữu hàng hóa bà Nguyễn Thị Duyên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo quy định của pháp luật. Số hàng trên đã bị ẩm, có dấu hiệu mốc trắng.
Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt số tiền 3.000.000 đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng theo quy định.
Nghệ An: Bắt giữ 02 đối tượng cầm đầu đường dây nhập pháo lậu để tiêu thụ
Ngày 6/8/2024, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Công an huyện Quỳnh Lưu đã khởi tố 02 đối tượng cầm đầu đường dây chuyên nhập pháo lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, thu giữ hơn 200kg pháo các loại.
Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phát hiện đối tượng Trần Vĩnh An, sinh năm 2002, trú tại thôn Hồng Phú, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An có hành vi buôn bán hàng cấm.
Các đối tượng Hồ Trần Xuân Nam và Nguyễn Minh Hải cùng tang vật.
Đấu tranh mở rộng, Cơ quan Công an huyện Quỳnh Lưu nhận định, đây là đường dây buôn bán pháo lớn liên quan đến địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, với thủ đoạn hoạt động tinh vi và phức tạp. Các đối tượng thực hiện việc liên lạc, thỏa thuận giá cả qua không gian mạng; vận chuyển và giao nhận hàng thông qua nhiều loại hình dịch vụ vận tải khác nhau ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Mới đây, Cơ quan Công an huyện Quỳnh Lưu phối hợp với lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ 2 đối tượng cầm đầu đường dây này, gồm: Nguyễn Minh Hải, sinh năm 2002, trú tại xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh và Hồ Trần Xuân Nam, sinh năm 1979, trú tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, thu giữ 213 kg pháo nổ các loại.
Được biết, Hồ Trần Xuân Nam là đối tượng đang được hưởng án treo về tội tàng trữ hàng cấm.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận nhập pháo lậu từ Campuchia về Việt Nam qua khu vực huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và sử dụng mạng xã hội zalo cấu kết với các đối tượng để tiêu thụ trên nhiều tỉnh, thành phố.
Lạng Sơn: Kiểm tra, xử lý 265 vụ việc, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1 tỷ đồng trong tháng 7 năm 2024
Trong tháng 07 năm 2024, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra 265 vụ; xử phạt 162 vụ; Số tiền phạt VPHC: 938.550.000 đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm 494.762.000 đồng.
Theo đó, các Đội Quản lý thị trường chủ động trong công tác nắm tình hình địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền qua nhiều hình thức; Kết quả các đơn vị đã nỗ lực tổ chức ký cam kết đến 132 lượt tổ chức, cá nhân; tuyên truyền thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường 251 lượt tổ chức, cá nhân; thông qua phương tiện thông tin đại chúng 22 lượt, tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử của Cục được 54 tin, bài;. Tiếp tục duy trì các số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu.
Về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính: Tổng số vụ kiểm tra 265 vụ ; Số vụ vi phạm 162 vụ; Số tiền phạt VPHC: 938.550.000 đồng; Trị giá hàng hóa vi phạm 494.762.000 đồng. Thông qua kiểm tra thị trường, đã xử lý vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước 964.750.000 đồng. Trong đó, số tiền phạt VPHC: 938.550.000 đồng, tiền bán hàng hoá tịch thu là 26.200.000 đồng
Thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường đã góp phần ổn định tình hình thị trường, đảm bảo cung cầu và kiểm soát hàng hoá, không phát hiện biểu hiện bất thường về lưu thông hàng hóa trên địa bàn; đảm bảo cung ứng những mặt hàng thiết yếu; không phát hiện vi phạm lớn về an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện Kết luận số 503-KL/TU, ngày 28/3/2022 của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, nắm diễn biến tư tưởng của công chức; chú trọng thực hiện giám sát, kiểm tra nội bộ, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các hành vi sai phạm trong nội bộ lực lượng.
Triển khai các phương án phối hợp lực lượng chức năng khu vực biên giới thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại qua hoạt động xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng trong nội địa trong việc kiểm tra, kiểm soát công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng lậu trên thương mại điện tử và thương mại truyền thống.
Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo 389 các cấp; kịp thời tham mưu, đề xuất về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, chú trọng công tác chống buôn lậu đối với các nhóm hàng hoá về thực phẩm, vật tư nông nghiệp, con giống gia cầm, gian lận thương mại qua hoạt động XNK.
Yên Bái: Xử phạt hơn 100 triệu đồng đối với 8 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Yên Bái đã kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trên địa bàn và xử phạt 8 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra được thành lập theo Quyết định số 968/QĐ-UBND ngày 22/5/2024 của UBND tỉnh Yên Bái, do Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan.
Mục tiêu của đợt kiểm tra nhằm tăng cường quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Yên Bái quan tâm kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng.
Kết quả kiểm tra tại 29 doanh nghiệp trong một tháng qua, Đoàn đã phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm, với các hành vi như: Sử dụng phương tiện đo nhóm 2 có chứng chỉ kiểm định hết hạn, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quy định về biển hiệu (không đầy đủ thông tin trên biển hiệu theo quy định).
Đoàn kiểm tra liên ngành triển khai nhiệm vụ.
Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính cho các hành vi trên là 100.500.000 đồng. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra cũng đã buộc các cơ sở vi phạm phải tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có trị giá 8.251.600 đồng và tháo dỡ biển hiệu vi phạm.
Đây là đợt kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an ninh trật tự.
Phát hiện đường dây buôn bán mỹ phẩm giả số lượng lớn tại Hà Nội
Ngày 26/6, Công an TP. Hà Nội cho biết vừa triệt phá một đường dây buôn bán mỹ phẩm giả với số lượng lớn, thu giữ hàng chục tấn sản phẩm và bắt giữ 3 đối tượng liên quan.
Vào ngày 17/6/2024, Tổ công tác đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển hơn 400 sản phẩm dầu gội, dầu xả, ủ tóc, dầu dưỡng tóc nhãn hiệu OLEXRS giả tại khu vực ga Giáp Bát, quận Hoàng Mai.
Gần 1.250 thùng carton bên trong có chứa các sản phẩm dầu gội đầu, dầu xả, ủ tóc, dầu dưỡng tóc nhãn hiệu OLEXRS, TIGI, VOUDIOTY, BATIUS.
Từ lời khai của các đối tượng, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp nhiều địa điểm và thu giữ thêm gần 1.250 thùng carton chứa các sản phẩm nghi là hàng giả, tương đương khoảng 30 tấn hàng hóa. Tổng giá trị số hàng giả thu giữ ước tính lên đến 575 triệu đồng.
Tem nhãn mác, sổ sách, tài liệu liên quan đến việc mua bán hàng giả.
Theo điều tra, các đối tượng trong đường dây buôn bán mỹ phẩm giả này đã nhập hàng từ Trung Quốc, sau đó chia nhỏ hàng hóa cất giấu ở nhiều địa điểm khác nhau và thường xuyên sử dụng mạng xã hội để quảng cáo và bán hàng.
Hiện, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về tội "Buôn bán hàng giả" theo quy định của pháp luật.
Bắc Giang: Xử phạt doanh nghiệp không thông báo website thương mại điện tử
Ngày 12/6, Đội Quản lý Thị trường số 3, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH cơ điện lạnh Ninh Hiếu với số tiền 30 triệu đồng do không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ngày 12/6/2024, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý Thị trường tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH cơ điện lạnh Ninh Hiếu. Công ty này có địa chỉ tại xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Công ty TNHH cơ điện lạnh Ninh Hiếu đã bị phạt 30 triệu đồng do vi phạm hành chính: không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi tiến hành bán hàng.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Thị trường tỉnh Bắc Giang về việc kiểm tra, xử lý các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 05/6/2024, Đội Quản lý Thị trường số 3 đã phối hợp với Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp và Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH cơ điện lạnh Ninh Hiếu.
Tại thời điểm kiểm tra, ông N.V.H, Giám đốc Công ty, xác nhận rằng công ty có một website thương mại điện tử bán hàng tại địa chỉ https://www.dienlanhninhhieu.com. Tuy nhiên, qua tra cứu trên Hệ thống quản lý thương mại điện tử (http://online.gov.vn) của Bộ Công Thương, đoàn kiểm tra phát hiện rằng doanh nghiệp không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH cơ điện lạnh Ninh Hiếu để tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Việc xử phạt này nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì sự công bằng trong kinh doanh trực tuyến.
Quảng Bình: Xử phạt hơn 200 triệu đồng đối với một doanh nghiệp kinh doanh vàng
Ngày 15/5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Số tiền xử phạt là 205.000.000 đồng.
Trước đó, vào ngày 03/5/2024, Đội Quản lý Thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng bạc tại phố Đồng Hới. Trong quá trình kiểm tra, Đội Quản lý Thị trường số 1 phát hiện doanh nghiệp này đang trưng bày để bán 45 đơn vị sản phẩm trang sức bao gồm: 26 cái nhẫn, 10 cái mặt dây chuyền, 4 cái vòng tay, 4 đôi bông tai, và 1 cái lắc tay. Toàn bộ số trang sức này không rõ xuất xứ và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu CHANEL đang được bảo hộ tại Việt Nam, với tổng giá trị 195.900.000 đồng.
Đội Quản lý thị trường số 1 triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa
Sau khi tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xác minh, Đội Quản lý Thị trường số 1 xác nhận toàn bộ số trang sức nêu trên là hàng giả mạo nhãn hiệu CHANEL. Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 1 đã thiết lập và chuyển hồ sơ vụ việc lên Cục Quản lý Thị trường tỉnh Quảng Bình để trình Chủ tịch UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền.
45 đơn vị sản phẩm trang sức các loại bị thu giữ
Ngày 15/5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính doanh nghiệp này vì hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Bên cạnh mức phạt tiền 205.000.000 đồng, doanh nghiệp còn bị đình chỉ một phần hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm trong thời gian 2 tháng.
Sóc Trăng: Phát hiện container chở 32 tấn đường không có hóa đơn chứng từ
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sóc Trăng phát hiện 1 xe container chở 640 bao đường cát trắng loại 50kg/bao nhãn hiệu nước ngoài, tổng khối lượng 32 tấn, tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra container.
Cụ thể, vào khoảng 5 giờ, ngày 17/5, trên tuyến Quốc lộ 60 thuộc ấp Ngãi Phước, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sóc Trăng phát hiện và dừng kiểm tra xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 77H-016.80 kéo theo sơ mi rơ móc tải (container) mang biển kiểm soát 60RM-000.58 do tài xế Nguyễn Xuân Hùng, sinh năm 1979, trú tại thị xã An Nhơn (Bình Định) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 640 bao loại 50kg/bao đường cát trắng, tổng khối lương 32 tấn ghi chữ nước ngoài trên bao bì nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tổ tuần tra thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã lập biên bản và bàn giao vụ việc cho Công an huyện Long Phú để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng Tháp: Xử phạt hộ kinh doanh online 102,5 triệu đồng về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa ra Quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh S về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, mức phạt là 102,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh trong 02 tháng.
Vụ việc được phát hiện qua công tác theo dõi hoạt động livestream bán hàng trên Facebook vào ngày 22 tháng 3 năm 2024. Đội Quản Lý Thị Trường số 2, Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Đồng Tháp đã chủ trì phối hợp kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh S tại Khóm 3, Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, do bà N.T.H.Y làm chủ hộ kinh doanh.
Đội QLTT số 2 và số 4 kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu giả mạo
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 550 sản phẩm quần áo may sẵn đính nhãn hiệu LACOSTE và nhãn hiệu POLO RALPH LAUREN. Kết quả kiểm tra hàng hóa cho thấy chúng là hàng giả mạo nhãn hiệu, tổng trị giá gần 150 triệu đồng.
Đội QLTT số 2 đang thực hiện quy trình thiết lập hồ sơ tại cơ sở kinh doanh
Dựa trên kết quả kiểm tra, Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Đồng Tháp đã đề xuất và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ra Quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh S với số tiền phạt là 102,5 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm trong 02 tháng.