Đăng nhập

Hà Nội: Khởi tố vụ án xả gần 7 tấn dầu thải gây ô nhiễm môi trường

Ngày 5/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Bùi Quốc Giang.

Trước đó, vào 22h ngày 14/4, Đội Phòng ngừa, đấu tranh các vụ án kinh tế trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra khu vực bãi 42, thôn Hạ, xã Thiên Đức, huyện Gia Lâm.

Cơ quan công an làm việc với chủ cơ sở.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở tái chế dầu thải do Bùi Quốc Giang (SN 1989, trú tại xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) làm chủ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi xả chất thải nguy hại ra môi trường.

Công an phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội và Công an xã Thiên Đức tiến hành khám nghiệm hiện trường, tạm giữ hơn 1.495 kg nước thải từ quá trình xử lý hóa chất và 6.950 kg bã dầu khô sau quá trình tái chế.

Các phuy đựng dầu thải tại cơ sở.

Số chất thải trên được Giang chỉ đạo nhân viên đổ vào một hố đào dài 14m, nằm ngay bên ngoài xưởng tái chế. 

Tại cơ quan công an, Bùi Quốc Giang khai, trong quá trình bán dầu thải, nhận thấy một số người làm nghề tái chế dầu có thu nhập cao nên từ cuối năm 2018, Giang đã xây dựng cơ sở tái chế dầu thải tại tỉnh Nam Định để kiếm lời.

Trung bình mỗi ngày tái chế khoảng 3.000 đến 4.000 lít dầu thải. 

Sau đó, do hoạt động tái chế gây ô nhiễm môi trường, gặp phải sự phản đối của người dân cùng chính quyền địa phương, Giang đã nhiều lần di chuyển thiết bị, phương tiện tái chế sang các địa phương khác.

Đến tháng 10/2024, Giang xây dựng cơ sở tái chế tại khu vực bãi 42, xã Thiên Đức, đưa vào hoạt động từ giữa tháng 12/2024. Mỗi ngày, cơ sở này tái chế khoảng 3.000 - 4.000 lít dầu thải, thu được 2.000 - 2.500 lít dầu thành phẩm.

Hố đào chứa chất thải của cơ sở tái chế dầu thải.

Phần còn lại là bã dầu thải và cặn hóa chất như axit, ôxy già. Theo tỷ lệ, từ 100% dầu thải đầu vào, chỉ thu được khoảng 70% dầu thành phẩm, còn lại 30% là cặn thải.

Theo kết quả phân tích mẫu thử nghiệm của các cơ quan chức năng, 6.950 kg bã dầu khô bị tạm giữ của Bùi Quốc Giang được xác định là chất thải nguy hại.

Lạng Sơn: Phát hiện và tiêu hủy hơn 4.000 sản phẩm thực phẩm nhập lậu

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện và xử lý một vụ vận chuyển trái phép số lượng lớn thực phẩm nhập lậu, với tổng cộng 4.100 đơn vị sản phẩm.

Ngày 10 tháng 4 năm 2025, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp cùng Đội 389 tỉnh Lạng Sơn và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 12A-005.09. Người điều khiển phương tiện là ông N.V.T, trú tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe vận chuyển 4.100 đơn vị sản phẩm là xúc xích các loại. Điều đáng chú ý là trên bao bì của toàn bộ số hàng hóa này đều in chữ nước ngoài, và ước tính trị giá lô hàng gần 10.000.000 đồng. Tại thời điểm kiểm tra, ông N.V.T đã không thể xuất trình bất kỳ hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của số thực phẩm trên.

Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông N.V.T về hành vi "Kinh doanh hàng hóa nhập lậu". Quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật đã được ban hành, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm do tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Tăng cường kiểm tra mặt hàng đồ chơi có hình ảnh, nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước Nguyễn Thanh Bình vừa ký ban hành Công văn số 44/TTTN-NV ngày 12 tháng 3 năm 2025 gửi Chi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra mặt hàng đồ chơi có hình ảnh, nội dung liên quan đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Sản phẩm đồ chơi trẻ em Baby Three có in hình giống “Đường lưỡi bò” được kinh doanh theo hình thức truyền thống và trên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiktokshop, mạng xã hội Facebook

Trong Công văn gửi Chi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nêu rõ, thời gian qua, phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trên thị trường đang có một số sản phẩm đồ chơi trẻ em như Baby Three có in hình giống “Đường lưỡi bò” được kinh doanh theo hình thức truyền thống và trên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiktokshop, mạng xã hội Facebook.

Trước tình hình trên, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phối hợp với các sàn thương mại điện tử và nắm bắt tình hình trên địa bàn, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hà Nội bắt giữ 2.775 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Ngày 5/2, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội thông tin, trong tháng 1/2025 các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 2.775 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã xử lý 2.567 vụ vi phạm (trong đó xử lý hành chính 2.496 vụ; khởi tố 71 vụ đối với 92 bị can), thu nộp ngân sách 166 tỷ 291 triệu đồng. Cụ thể, xử phạt hành chính với số tiền 72 tỷ 182 triệu đồng, truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 93 tỷ 942 triệu đồng.

Lực lượng chức năng Hà Nội bắt giữ thực phẩm nhập lậu tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Chu Xuân Kiên thông tin, trong tháng 1/2025, là thời điểm sắp diễn ra Tết Ất Tỵ, tình hình kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm trên môi trường thương mại điện tử, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn ra, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: quần áo may sẵn, giày dép, mỹ phẩm, bánh kẹo, thực phẩm các loại. "Điển hình, ngày 8/1/2025, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra Cơ sở kinh doanh thực phẩm ở ngõ 21 đường Tựu Liệt, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì phát hiện và tạm giữ 2.148 kg thực phẩm đông lạnh nhập lậu"- ông Chu Xuân Kiên nêu ví dụ.

Để ngăn chặn hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng đầu năm 2025 lực lượng chức năng TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động  kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt chú trọng vào hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, an toàn thực phẩm và thương mại điện tử.

Đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bao che cho đối tượng có hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

Đồng thời trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua Sân bay quốc tế Nội Bài; hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả trong thị trường nội địa, hoạt động thương mại điện tử, thuế.

Thu giữ gần 1.000 lít rượu không rõ nguồn gốc tại Hà Giang

Ngày 16/1/2025, Đội Quản lý thị trường số 1, tỉnh Hà Giang cho biết vừa phát hiện và thu giữ 41 can nhựa loại 20 lít chứa đầy rượu, không nhãn mác.

Cụ thể, vào khoáng 21 giờ ngày 15/1/2025, tại km5+500 Quốc lộ 2 đường Hà Giang - Tuyên Quang thuộc thôn Cầu Mè, xã Phương Thiên, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã tiến hành kiểm tra xe tải hiệu TERACO loại xe có trọng tải 3,5 tấn do anh Nguyễn Hữu Huynh sinh năm 1985 trú tại phường Quang Trung, TP. Hà Giang, tỉnh Hà giang điều khiển.

Lực lượng chức năng Hà Giang tiến hành khám xét phương tiện.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 41 can nhựa chứa gần 1.000 lít rượu xếp trên thùng xe tải. Đáng chú ý, những can rượu này được đóng thủ công có vặn nắp và không có dán nhãn về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.

Ngoài ra, trên chở còn chở 56 gói mận khô loại 5kg/gói, cùng 240 gói đùi gà ăn liền loại 35g/gói, có chữ nước ngoài.

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Hữu Huynh kiêm áp tải hàng đã không xuất trình được giấy tờ xuất xứ nguồn gốc của các mặt hàng trên.

Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã tiến hành lập biên bản và thu giữ toàn bộ số rượu không rõ nguồn gốc nói trên để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thái Nguyên: Phát hiện, thu giữ 250 sản phẩm mỹ phẩm được đăng bán trên môi trường thương mại điện tử.

Ngày 29/12/2024, Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Ng.V.C tại xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; phát hiện, thu giữ 250 sản phẩm gel chấm nốt ruồi không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá hàng hoá là 19 triệu đồng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 4 phát hiện trên mạng xã hội Facebook “CĐ” có hoạt động đăng bài giới thiệu để bán sản phẩm mỹ phẩm. Sau khi thẩm tra xác minh, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Ng.V.C do ông Ng.V.C làm chủ,  tại xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Đoàn kiểm tra thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở có bày bán 250 sản phẩm mỹ phẩm là gel chấm nốt ruồi đúng theo hình ảnh trên tài khoản Facebook đã đăng tải. Trên sản phẩm, bao bì sản phẩm và tài liệu kèm theo của sản phẩm gel chấm nốt ruồi không có bất cứ thông tin nào để xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; không có thông tin về tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hoá. Tổng trị giá tang vật vi phạm hành chính gần 19 triệu đồng.

Tang vật vi phạm hành chính

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hoá nêu trên để tiếp tục xử lý theo quy định.

Điện Biên: Bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép gần 1.000 viên ma túy tổng hợp

Ngày 19/12/2024, Công an TP Điện Biên Phủ cho biết, phát hiện 1 đối tượng về hành vi tàng trữ trái phép gần 1.000 viên ma túy tổng hợp .

Trước đó, vào hồi 15h ngày 18/12/2024, tại Tổ dân phố 10, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, Công an TP Điện Biên Phủ phát hiện Lò Văn Tướng (SN 1985), trú tại Tổ dân phố 10, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra và phát hiện Tướng cất giấu trong người 652 viên ma túy tổng hợp. 

Đối tượng Lò Văn Tướng cùng tang vật.

Khám xét chỗ ở của đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 272 viên ma túy tổng hợp được đối tượng cất giấu trong tủ quần áo cùng nhiều vật dụng liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Điện Biên Phủ đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Bắc Giang: Xử phạt một hộ kinh doanh 148,05 triệu đồng về vi phạm trong lĩnh vực y tế

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ thẩm mỹ JW tổng số tiền 148,05 triệu đồng về vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Trước đó, ngày 21/11, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Bắc Giang, Phòng Y tế thành phố Bắc Giang tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ thẩm mỹ JW, có địa chỉ tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Đội QLTT số 1 phối hợp kiểm tra cơ sở dịch vụ thẩm mỹ JONGWON

Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ thẩm mỹ JW có các hành vi vi phạm: Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược; bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

Đội QLTT số 1 đã thiết lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ra ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh cơ sở dịch vụ thẩm mỹ JW về 04 hành vi vi phạm nêu trên với số tiền 137,5 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi vi phạm hành chính với số tiền 10,55 triệu đồng; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và thu số lợi bất hợp pháp là 148,05 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 24 tháng./.

Đồng Tháp: Phát hiện 01 cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên môi trường online

Ngày 13/11/2024, Đội QLTT số 2 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Công an xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh D.T.T39 do bà D.T.T làm chủ hộ; ngành nghề kinh doanh: mua bán thức ăn cho gà, dụng cụ nuôi gà; địa chỉ: Xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 2 phát hiện hộ kinh doanh D.T.T39 thực hiện các hành vi vi phạm hành chính: thay đổi ngành, nghề kinh doanh (kinh doanh thuốc thú y) nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính; người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y không có Chứng chỉ hành nghề thú y; không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gồm 100 chai (loại 05ml/chai) thuốc thú y Inflame và 60 chai (loại 60ml/chai 60 chai thuốc thú y Vitamin B12 5000 Theking Rooster, trị giá tang vật gần 2 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh D.T.T39 về các hành vi vi phạm nêu trên và trình Đội trưởng xem xét, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 24,5 triệu đồng, buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện theo quy định và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm./.

TP. Hồ Chí Minh: Xử phạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Hộ kinh doanh Trần Thị Ngọc Huyền vừa bị xử phạt vi phạm hành chính 9 triệu đồng về hành vi kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.

Vừa qua, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 19, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định xử phạt đối với Hộ kinh doanh Trần Thị Ngọc Huyền (địa chỉ: số 227 đường Liêu Bình Hương, ấp Tân Thành, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) với số tiền 9.000.000 đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại cơ sở 

Cụ thể, Hộ kinh doanh này đã vi phạm: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là mỹ phẩm có giá trị 1.596.000 đồng và Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.

Trước đó, kiểm tra thực tế tại Hộ kinh doanh, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 19 phát hiện và tạm giữ hàng hóa gồm: 32 cây son kem lỳ không nhãn hiệu, không ghi trọng lượng, không ghi NSX, không ghi HSD, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giá niêm yết: 39.000 đồng/cây; 12 cục sáp xà bông nghệ không nhãn hiệu, không ghi trọng lượng, không ghi NSX, không ghi HSD, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giá niêm yết: 29.000 đồng/cục. Tổng cộng 44 đơn vị sản phẩm son có tổng giá trị theo giá niêm yết là 1.596.000 đồng.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 19 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Trần Thị Ngọc Huyền về hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là mỹ phẩm có giá trị 1.596.000 đồng và Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nêu trên.