Thuốc Pyfaclor Kid bị thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành Công văn số 841/QLD-CL về việc thu hồi đối với hai lô thuốc Cốm pha hỗn dịch uống Pyfaclor Kid (Cefaclor 125mg) do Công ty cổ phần Dược phẩm Pymepharco sản xuất.
Theo đó, hai lô thuốc bị thu hồi bao gồm: Số lô: 330823, NSX: 210823, HD: 210826 và Số lô: 050124, NSX: 250124, HD: 250127.
Quyết định này được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm Tuyên Quang và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh phát hiện hai lô thuốc trên không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Tính chất và Định lượng.
Thuốc Cốm pha hỗn dịch uống Pyfaclor Kid (Cefaclor 125mg)
Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm bổ sung của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh cho thấy: Lô thuốc số 050124 có 1/3 mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn; Lô thuốc số 330823 có 1/1 mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn.
Trước những kết quả kiểm nghiệm trên, Cục Quản lý Dược xác định hai lô thuốc này vi phạm mức độ 3 và quyết định thu hồi toàn quốc.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần Dược phẩm Pymepharco phải phối hợp với các nhà phân phối thuốc gửi thông báo thu hồi đến tất cả các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng thuốc, đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ số thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cục cũng yêu cầu báo cáo kết quả thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 33 ngày kể từ ngày ký công văn, bao gồm số lượng sản xuất, phân phối, thu hồi và các bằng chứng liên quan.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc về việc thu hồi hai lô thuốc trên; công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên trang thông tin điện tử của Sở; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này và xử lý các trường hợp vi phạm; yêu cầu Sở Y tế Phú Yên có trách nhiệm kiểm tra, giám sát Công ty cổ phần Dược phẩm Pymepharco thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc theo quy định.
Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân đã mua và đang sử dụng sản phẩm có số lô như trên nên ngừng sử dụng và đem trả lại các cơ sở y tế, quầy thuốc.
Nghệ An: Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 30kg ma túy đá
Ngày 17/2/2025, thông tin từ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy vừa chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đấu tranh thành công chuyên án, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ 30kg ma túy đá.
Tang vật bị thu giữ.
Cụ thể, lúc 3 giờ ngày 13/2/2025, tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An) chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (BĐBP Nghệ An), Công an huyện Tương Dương (Công an tỉnh Nghệ An), Chi cục Hải quan Nậm Cắn (Hải quan tỉnh Nghệ An) bắt quả tang 2 đối tượng là nữ giới gồm: Bounhak Son Li Nhong (sinh năm 1981, quê quán: Tỉnh Luông Pha Băng, trú tại Viêng Chăn, Lào) và L.Đ.Q. (sinh năm 1998, trú tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Hai đối tượng: L.Đ.Q. và Bounhak Son Li Nhong.
Tại hiện trường, lực lượng phối hợp nói trên thu giữ 30kg ma túy đá, 1 xe ô tô biển kiểm soát 38A-65857.
Hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tiếp tục phối hợp đấu tranh, mở rộng chuyên án.
Bạc Liêu: Phát hiện và thu giữ 35.239 gói trà thành phẩm giả các nhãn hiệu
Ngày 23/1/2025, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bạc Liêu thông tin, thực hiện Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lực lượng Công an tỉnh vừa kiểm tra, phát hiện 1 cơ sở tổ chức sản xuất trà giả các nhãn hiệu.
Vào hồi 09 giờ 25 phút, ngày 18/01/2025, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện đối tượng Phạm Nguyễn Phúc Nguyên, sinh năm: 1978, nơi cư trú: Ấp Phước Hòa Tiền, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long đang chỉ đạo, điều hành 12 công nhân đang thực hiện các hành vi dùng tay múc trà nguyên liệu bỏ vào bao bì, cân trọng lượng trà trong bao bì, lấy các bao bì đã có trà đưa vào máy ép nhiệt để dán miệng bao bì; đổ các bao nylon chứa trà vào bồn chứa của máy đóng gói tự động để sản xuất ra sản phẩm thành phẩm tại 02 căn phòng trong hộ kinh doanh Huỳnh Kim Trúc để chuẩn bị bán ra thị trường thì bị bắt quả tang.
Lực lượng Công an kiểm đếm tang vật vi phạm.
Tại hiện trường phát hiện và thu giữ gồm: 35.239 gói trà thành phẩm giả các nhãn hiệu Trà Thiên Hương, Trà Hiệp Thành, Trà Long Phụng, Trà Phước Lợi với tổng trọng lượng là 2.626,5 kg; 120 kg trà nguyên liệu; 01 máy in ngày tháng năm trên bao bì; 01 máy ép nhiệt; 01 cân đồng hồ, loại 02 kg; 02 máy vô bao bì, đóng gói trà tự động và một số giấy tờ, hóa đơn có liên quan. Tổng giá trị tang vật khoảng 1,2 tỷ đồng.
Qua điều tra ban đầu: đối tượng Phạm Nguyễn Phúc Nguyên đã trình bày toàn bộ quá trình mua nguyên liệu, lắp đặt máy móc, thiết bị và tổ chức sản xuất trà giả và chuẩn bị vận chuyển bán ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ngoài ra, qua kiểm tra sổ sách theo dõi, phát hiện đối tượng đã bán cho nhiều cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu với số lượng khoảng 1.500 kg trà thành phẩm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã bàn giao đối tượng cùng toàn bộ tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phước Long thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Cảnh báo 3 loại thuốc giả trôi nổi trên thị trường
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc không dùng, cẩn trọng với các loại thuốc giả: Theophylline 200mg, Tetracyclin TW3 và Clorocid TW3.
Theo đó, ngày 31/12/2024, Sở Y tế nhận được công văn của Cục Quản lý Dược về việc thuốc giả Theophylline 200mg. Cụ thể, thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén THEOPHYLLINE 200mg (Theophylin 200mg), số lô 21127, NSX 20/8/2022, HD 20/8/2026; nơi sản xuất: Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa), không có thông tin về số GĐKLH và/hoặc số GPNK trên nhãn.
Cùng với đó là 2 thuốc giả trên nhãn ghi: Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD 25305-16, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên; Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17, Nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Để đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn không kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc với thông tin nêu trên; tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; rà soát hoạt động của cơ sở và khẩn trương thông báo về Sở Y tế để có biện pháp xử lý.
Các phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không kinh doanh, phân phối, sử dụng các thuốc có thông tin nêu trên; tiếp nhận thông tin từ cơ sở, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ sở.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội rà soát trong quá trình đi lấy mẫu, báo cáo về Sở Y tế (nếu có để có biện pháp xử lý.
Bình Phước: Phát hiện hơn 153kg pháo nổ giấu sau chuồng gà
Ngày 22-12, Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma tuý, Công an huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cho biết, đã phối hợp Công an xã Tân Tiến đấu tranh triệt phá, thu giữ 153,1kg pháo nổ cất giấu sau chuồng gà.
Theo hồ sơ, lúc 13 giờ 20 phút ngày 19-12, lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang Trần Văn Nghĩa (SN 1989, ngụ ấp An Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú đang cất giấu 5 bao ni-lon màu đen, bên trong chứa 88 hộp giấy (nghi là pháo hoa) với tổng trọng lượng 153,1kg tại chuồng gà sau nhà anh V.H.S tại ấp An, Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú.
Công an Bình Phước phát hiện số lượng lớn pháo nổ trong chuồng gà
Qua làm việc ban đầu, Nghĩa khai nhận đã cất giấu toàn bộ số pháo hoa nêu trên giúp một đối tượng tên Hùng (không rõ lai lịch) quen biết trên mạng xã hội để được hưởng 10 triệu đồng tiền công. Khi nào cần thì Hùng sẽ liên lạc đến lấy pháo và trả tiền công cho Nghĩa. Tuy nhiên, số pháo chưa kịp mang đi thì bị cơ quan công an phát hiện.
Hiện Trần Văn Nghĩa đang bị Công an huyện Đồng Phú tạm giữ phục vụ điều tra về hành vi tàng trữ hàng cấm, chờ kết quả giám định của cơ quan chuyên môn để hoàn tất hồ sơ truy tố theo quy định pháp luật.
Quảng Trị: Bắt giữ đối tượng vận chuyển thuốc lá, bia ngoại lậu
Ngày 9/12/2024, Công an huyện Đakrông (Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển lượng lớn thuốc lá và bia ngoại nhập lậu.
Trước đó, khoảng 14h20’, ngày 7/12/2024, trong quá trình tuần tra kiểm soát, tại km 31+300 Quốc lộ 9, thuộc địa phận thôn Khe Hà, xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông), Tổ công tác của Công an huyện Đakrông phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 74D-00340 đang lưu thông hướng Lao Bảo – thành phố Đông Hà có dấu hiệu nghi vấn nên ra lệnh dừng kiểm tra.
Đối tượng Lê Tuấn Vũ cùng tang vật bị bắt giữ.
Phát hiện lực lượng chức năng, lái xe bỏ lại phương tiện cùng hàng hóa, rồi chạy trốn vào rừng.
Tại hiện trường, Công an huyện Đakrông phát hiện trên thùng xe chở 20 thùng với 10.000 bao thuốc lá JET, 500 chai bia hiệu Heineken xuất xứ nước ngoài.
Tang vật 10.000 bao thuốc lá bị thu giữ
Biết không thể trốn thoát, đến 18h30’ cùng ngày (7/12), đối tượng Lê Tuấn Vũ (22 tuổi trú tại Khu phố 9, phường 5, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) đã đến Công an huyện Đakrông đầu thú.
Làm việc với cơ quan Công an, Lê Tuấn Vũ khai nhận vận chuyển thuê số hàng lậu trên từ huyện Hướng Hóa về thành phố Đông Hà.
Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Đakrông tiếp tục điều tra, làm rõ.
Bình thuận: Xử lý vi phạm về kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Hugo Boss
Ngày 21/11/2024, thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Thuận, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh vừa tiến hành kiểm tra xử lý đối với 02 cơ sở có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với nhãn hiệu Hugo Boss trên địa bàn thành phố Phan Thiết.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT tỉnh Bình Thuận) đã phát hiện 02 hộ kinh doanh thời trang trên địa bàn phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết đang bày bán mặt hàng áo thun Hugo Boss của Đức (bao gồm các nhãn hiệu: Boss, Hugo Boss và Boss Hugo Boss) có đơn vị đại diện Sở hữu công nghiệp tại Việt Nam là Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ S&O.
Tang vật vi phạm.
Qua kiểm tra và xác minh đối với các bên liên quan, Cơ quan Quản lý thị trường kết luận 02 hộ kinh doanh thời trang này đang kinh doanh 25 cái áo thun là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với nhãn hiệu Boss, Hugo Boss và Boss Hugo Boss.
Hiện Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 02 hộ kinh doanh và tiến hành tiêu hủy đối với hàng hóa vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Đà Nẵng: Khởi tố đối tượng Mua bán trái phép chất ma túy
Ngày 05/11/2024, Đồn Biên phòng Sơn Trà (thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP TP.Đà Nẵng) thông tin, vừa khởi tố vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” xảy ra tại P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).
Trước đó, vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 14/10, tại đường Trần Thánh Tông (thuộc tổ 12, P.Nại Hiên Đông), tổ công tác của Đồn Biên phòng Sơn Trà phát hiện đối tượng Hà Đức Tr. (ngụ tổ 25, P.Chính Gián, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra hành chính.
Đối tượng Phạm Thị Trà My cùng tang vật.
Tổ công tác phát hiện trong cốp xe máy do Tr. điều khiển có 9 lọ nhựa chứa chất lỏng màu đỏ, tím. Tr. khai nhận, các chất lỏng trên là tinh dầu dùng để tẩm vào thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử. Tr. nhận chở hàng theo dạng shipper cho người tên Phạm Thị Trà My.
Mở rộng đấu tranh, Đồn Biên phòng Sơn Trà phối hợp cùng Công an P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà kiểm tra hành chính chỗ ở của Phạm Thị Trà My (SN 2001, ngụ phòng 2004, số nhà 15 Dương Vân Nga, P.Nại Hiên Đông), phát hiện có 3 chai nhựa chứa khoảng 500ml, 20 lọ nhựa chứa khoảng 100ml chất lỏng giống với các lọ nhựa như Tr. để trong cốp xe máy; 139 vỏ lọ nhựa và một số tang vật khác dùng để sang chiết.
Một số tang vật trong vụ án.
Chiều 15/10, My tự nguyện giao nộp thêm 2 chai nhựa (chứa khoảng 1.000ml chất lỏng màu vàng). Qua đấu tranh, My khai nhận đặt mua số tinh dầu trên qua mạng xã hội của một đối tượng không rõ danh tính, nhận hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh, đưa về phòng rồi sang chiết ra các lọ nhỏ và bán kiếm lời.
Theo kết quả giám định, có chất ma túy loại MDMB-4en-PINCA trong mẫu chất lỏng, tổng thể 680ml, nồng độ trung bình 0,132mg/ml.
Đồn Biên phòng Sơn Trà khởi tố vụ án, tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng My và Tr., mở rộng điều tra.
Thanh Hóa: Tiêu huỷ hơn 500 kg măng khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 18/10/2024, Cục QLTT Thanh Hóa cho biết, vừa phát hiện một cơ sở kinh doanh tại huyện Thọ Xuân đang kinh doanh lô hàng măng khô dạng sợi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, ngày 15/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 14, Cục QLTT Thanh Hóa phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự, Kinh tế và Ma tuý Công an huyện Thọ Xuân kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh Nguyễn Chí Quyền, địa chỉ thôn Cộng Lực, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
Lô hàng măng khô dạng sợi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh Nguyễn Chí Quyền đang kinh doanh 520 kg măng khô dạng sợi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Buộc tiêu hủy 520 kg măng khô dạng sợi không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá 26.000.000 đồng.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 17.000.000 đồng; Buộc tiêu hủy 520 kg măng khô dạng sợi không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá 26.000.000 đồng.
Nghệ An: Tịch thu 880 phụ kiện điện thoại không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 02/10/2024, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT tỉnh Nghệ An cho biết, đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại H.T có địa chỉ thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương phát hiện 880 phụ kiện điện thoại không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cụ thể, ngày 01/10/2024, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại H.T có địa chỉ thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương.
Hình ảnh kiểm tra tại cơ sở
Qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh 880 phụ kiện điện thoại (miếng dán cường lực điện thoại di động). Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đây là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định tại Khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hình ảnh kiểm tra tại cơ sở
Đội QLTT số 5 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ sở nói trên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với số tiền 6 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm với tổng trị giá trên 10 triệu đồng.