Hải Phòng: Tạm giữ tàu chở cát không có hóa đơn, chứng từ
Lực lượng chức năng Tp.Hải Phòng phát hiện, tạm giữ tàu vỏ thép mang số hiệu TH-0567, trọng tải 1.175,6 tấn, chở hơn 670 m3 cát xây dựng không có hóa đơn, chứng từ khi di chuyển từ hướng biển vào nội địa.
Chiều 19/6, Công an Tp.Hải Phòng thông tin, lực lượng liên ngành gồm Đội Cảnh sát điều tra số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an Tp.Hải Phòng), Thủy đoàn 1 (Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an) và Đồn Biên phòng Cát Hải (Bộ đội Biên phòng Tp.Hải Phòng) vừa tổ chức tuần tra, kiểm soát tại khu vực luồng Lạch Huyện, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng.
Lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ tàu chở hơn 670 m3 cát xây dựng không có chứng từ, hóa đơn trên vùng biển Tp.Hải Phòng
Trong quá trình tuần tra, Tổ công tác phát hiện tàu vỏ thép mang số hiệu TH-0567, trọng tải 1.175,6 tấn, công suất máy 347 CV, công dụng chở hàng khô, di chuyển từ hướng biển vào nội địa. Phương tiện vận chuyển khoảng 673 m3 cát xây dựng được chứa trong 2 khoang hàng.
Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Lê Văn Bách, sinh 1985, trú tại xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chỉ xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện, chứng chỉ chuyên môn của mình và 4 thuyên viên trên tàu.
Khi Tổ công tác yêu cầu, thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số cát đang vận chuyển.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, đưa phương tiện về neo đậu tại khu vực Bến phà Gót, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng. Đồng thời, bàn giao vụ việc cho Thủy đoàn 1 - Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Truy nguồn gốc cả nghìn chai nước mắm bị vứt bỏ ở Quảng Nam
Cơ quan chức năng Quảng Nam đã thu gom hàng nghìn chai nước mắm còn nguyên bị vứt bỏ trong bụi rậm ven đường tại xã Tam Thái để điều tra nguồn gốc.
Ngày 19/6, thông tin từ Công an xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, đơn vị này vừa phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam) thu gom cả nghìn chai nước mắm bị vứt bỏ ven đường bên kênh chính Phú Ninh, thôn Phước Lộc, xã Tam Thái.
Lực lượng công an tỉnh, xã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường lập biên bản, thu gom các sản phẩm đưa về trụ sở Công an xã Tam Thái để kiểm đếm, phục vụ điều tra.
Số lượng lớn nước nắm bị vứt bỏ có nhãn hiệu “Chắt cá cơm” “Cá cơm vàng”...
Hầu hết các chai nước mắm ghi trên nhãn hiệu là "Chắt cá cơm" và "Cá cơm vàng"...
Một số chai nước mắm có dán nhãn mác ghi là sản phẩm của một công ty có địa chỉ ở TP Thanh Hóa, Thanh Hóa, nơi sản xuất tại một nhà máy ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Hầu hết sản phẩm bị vứt bỏ có bao bì ghi là nước mắm, nước chấm, một số chai tương ớt loại lớn, thông tin trên nhãn mác cho thấy các sản phẩm này đều đã hết hạn sử dụng.
Đến trưa 19/6, lực lượng chức năng đã hoàn thành việc thu gom toàn bộ số lượng chai nước mắm vứt bỏ ở ven đường, vận chuyển lên xe tải đưa về cơ quan phục vụ công tác điều tra, xác minh người đã vứt lô hàng này.
Hơn 1000 chai nước mắm không rõ nguồn gốc bị vứt bỏ tại Quảng Nam
Trước đó, chiều tối 18/6, người dân xã Tam Thái đi làm ngoài đồng ruộng về phát hiện số lượng lớn nước mắm bị vứt bỏ, chất thành đống tại tại một bụi rậm, ven đoạn kênh chính Phú Ninh (gần cầu Nhất Trí😉 ở thôn Phước Lộc (xã Tam Thái (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) nên báo cơ quan chức năng.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận khoảng 1.000 chai loại 1 lít, 5 lít bị đổ bỏ trong bụi rậm bên đường.
Theo lãnh đạo Công an xã Tam Thái, khu vực phát hiện lượng lớn chai nước mắm bị vứt bỏ nằm ở chỗ ít dân cư, người dân ít qua lại nên ai đó đã lợi dụng đổ bỏ. Hiện, chính quyền địa phương đã tiến hành thu gom số hàng này để xác minh, làm rõ.
Cơ quan công an đang tiến hành điều tra, truy nguồn gốc số sản phẩm nói trên và làm rõ mục đích, động cơ của việc đổ bỏ giữa khu dân cư.
Kiểm tra xưởng sản xuất tất giả nhãn hiệu nổi tiếng tại Hà Nội
Bất ngờ kiểm tra Công ty sản xuất tất chân nằm sâu trong ngõ nhỏ thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phát hiện một lượng lớn tất chân có dấu hiệu giả xuất xứ và nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Sáng ngày 26/5/2025, Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Sơn Vân Nam, địa chỉ tại xóm Hoa Thám, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Trên mặt sàn rộng hơn 300m², căn nhà cấp 4 được chia thành nhiều khu vực nhỏ với đường đi lắt léo, được Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Sơn Vân Nam sử dụng làm nơi sản xuất, đóng gói và hoàn thiện các sản phẩm, chủ yếu là tất chân.
Cơ sở sản xuất do ông N.P.S. (sinh năm 1976) làm chủ, được đăng ký thành lập từ năm 2012, với danh mục đăng ký kinh doanh gồm hàng chục ngành nghề khác nhau từ sản xuất trang phục dệt kim, hàng may sẵn, sản xuất sợi, bán buôn máy móc, thiết bị đến bán buôn gạo...
Đoàn kiểm tra kiểm đếm hàng hóa vi phạm
Tại thời điểm kiểm tra, mọi hoạt động sản xuất của cơ sở vẫn diễn ra bình thường. Với 32 máy dệt công nghiệp phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa hoạt động tối đa công suất. Hàng chục nhân công, chủ yếu là người địa phương đang sắp xếp sản phẩm theo từng nhãn hiệu khác nhau để sẵn sàng đóng gói.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình (ảnh giữa) - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tại địa điểm kiểm tra
Tuy nhiên, bằng hoạt động nghiệp vụ, Đoàn kiểm tra phát hiện tại nhiều ngóc ngách của xưởng sản xuất cất giấu nhiều các sản phẩm mang thương hiệu UNIQLO, Slazenger … có dấu hiệu sản xuất hàng giả và giả mạo xuất xứ.
Trong máy dệt lưu các tiêu bản sản xuất tất mang thương hiệu UNIQLO
Xét thấy cơ sở có dấu hiệu sản xuất hàng giả, Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã tiến hành mời PC03, Công an thành phố Hà Nội và Đội QLTT số 24, Chi cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp kiểm tra.
Đặc biệt, kiểm tra thực tế các máy đang sản xuất hàng hóa tại xưởng, Đoàn kiểm tra phát hiện trong dữ liệu của máy còn lưu các tiêu bản thể hiện nhiều thương hiệu khác nhau đã được cơ sở sản xuất trước đó.
Đoàn kiểm tra còn ghi nhận một lượng lớn tem, nhãn mác có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xừ từ Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tiến hành đối chiếu hóa đơn cơ sở cung cấp, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tạm giữ một số lượng lớn nguyên liệu, nhãn mác, tem, cùng gần 10.000 đôi tất có dấu hiệu giả xuất xứ và nhãn hiệu và niêm phong toàn bộ các máy móc có dấu hiệu sản xuất hàng giả, để tiếp tục xác minh, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật.
Phát hiện nhiều vi phạm ATTP tại Ba Vì và Sơn Tây
Đoàn kiểm tra Liên ngành số 1 an toàn thực phẩm thành phố ngày 6/5 đã kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây, phát hiện nhiều vi phạm.
Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH PTV Tân Thịnh Phát tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì, chủ cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm thực phẩm đang có trong kho. Khu vực sơ chế, chế biến của nhà xưởng sắp xếp lộn xộn; có ruồi trong khu vực sơ chế.
Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP số 1 của TP. Hà Nội đã phát hiện hàng loạt vi phạm tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tân Thịnh Phát.
Tại hộ kinh doanh Quý Thảo, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, chủ cơ sở cũng chưa xuất trình được bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất kẹo. Đáng lưu ý, cơ sở chưa xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu dùng cho sản xuất sản phẩm, bao gồm: đường trắng, lạc, vừng, mạch nha, dầu chuối, vani và của bao bì chứa đựng thực phẩm. Đoàn kiểm tra số 1, Liên ngành an toàn thực phẩm thành phố phát hiện cơ sở đã vi phạm về nhãn mác với bốn sản phẩm: Kẹo Lạc, Kẹo Dồi lạc vừng, Kẹo vừng, Kẹo dồi.
Lực lượng chức năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tân Thịnh Phát.
Với những lỗi vi phạm của hai cơ sở trên, Đoàn kiểm tra Liên ngành thành phố giao Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây tiếp tục giám sát và xử phạt những vi phạm trên theo quy định, báo cáo kết quả sớm nhất về thành phố.
Gia Lai: Tiêu hủy hơn 26.500 đơn vị sản phẩm vi phạm hành chính bị tịch thu
Ngày 17-1, Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu (Hội đồng) của Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 2 (thuộc Cục Quản lý thị trường Gia Lai) đã tiến hành họp để thực hiện tiêu hủy hàng hóa theo quy định.
Theo đó, 2 Hội đồng đã thống nhất việc tiến hành phân loại các sản phẩm hàng hóa để tiêu hủy theo hình thức dùng xăng dầu đốt tiêu hủy hàng hóa tại bãi rác xã Gào (TP. Pleiku). Tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy của 2 Hội đồng trong đợt này hơn 166 triệu đồng với hơn 26.500 đơn vị sản phẩm.
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng trước khi đưa đi tiêu hủy.
Hàng hóa gồm các loại chủ yếu như quần áo, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; bánh kẹo nhập lậu từ Trung Quốc; thuốc lá điện tử, dung dịch cho thuốc lá điện tử chưa được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để nhập khẩu vào Việt Nam. Toàn bộ số hàng này được lực lượng chức năng thu giữ và xử lý trong năm 2024.
Bắc Giang: Thu giữ gần 30.000 linh kiện súng
Qua khám xét, cơ quan chức năng đã thu giữ được gần 30.000 linh kiện để làm súng tại các kho trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Hà Nội.
Ngày 1-1, thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, cơ quan chức năng vừa thu giữ một lượng lớn linh kiện súng cùng nhiều thiết bị chế tạo sau khi khám xét nhiều địa điểm.
Cụ thể, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”, Cơ quan An ninh điều tra phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Bắc Giang đã vận động một số đối tượng tự nguyện giao nộp đồ vật và tài liệu liên quan vụ án.
Lượng linh kiện thu giữ được rất lớn.
Đồng thời, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng: Vũ Thị Hằng, Bế Châu Loan, Trần Mạnh Linh (tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang); Chu Văn Hiền (tại xã Đại Hóa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) và các kho xưởng tại Hà Nội.
Những linh kiện chế tạo súng mà cơ quan chức năng ở tỉnh Bắc Giang thu giữ.
Qua khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ được gần 4 tấn linh kiện, tương đương khoảng 30.000 linh kiện súng các loại, cùng với 3 máy cắt kim loại, 1 máy in laser, 1 máy khoan bàn và 700kg hợp chất nhôm được các đối tượng sử dụng để gia công chế tạo linh kiện súng.
Các loại linh kiện, vật liệu chế tạo súng bị thu giữ
Theo Công an tỉnh Bắc Giang, vụ việc có tính chất nghiêm trọng, liên quan đến hành vi chế tạo, tàng trữ và buôn bán trái phép các vật liệu nổ.
Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra làm rõ.