Đăng nhập

Phát hiện 23 kg thảo mộc ma túy

Ngày 13/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tài (SN 1999), trú tại huyện Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, Công an huyện Sóc Sơn làm nhiệm vụ tại thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, đã phát hiện nam thanh niên có biểu hiện nghi vấn.

Quá trình kiểm tra tạm giữ 2 túi nilon đều đựng thảo mộc khô, nghi là ma túy. Người này khai nhận 2 túi nilon nêu trên được đựng trong đơn hàng nhận tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Đối tượng Tài.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Công an huyện Sóc Sơn đã bắt giữ chủ số hàng là Nguyễn Văn Tài. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cơ quan Công an thu giữ hàng trăm gói nilon chứa thảo mộc khô có tổng khối lượng hơn 23 kg. Qua giám định có chứa ma túy loại MDMB-INACA và MDMB-BUTINACA.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Tài khai nhận chiều ngày 10/9 đã đặt shipper để giao ma túy cho khách.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tài về tội Mua bán trái phép chất ma túy.

Hiện Công an huyện Sóc Sơn đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Sơn La: Kiểm tra, xử lý đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Đội QLTT số 1 xử phạt 37 triệu đồng hộ kinh doanh hàng hóa nhập lậu trên môi trường Internet

Trong 02 ngày 20 và 23/9/2024 Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng PA05 - Công an tỉnh Sơn La tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 02 hộ kinh doanh theo công văn chỉ đạo, kết quả: Tại thời điểm kiểm tra Hộ kinh doanh Điện thoại, phụ kiện điện thoại có địa chỉ tại phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 15 hộp kính cường lực; 4 chiếc điện thoại Iphone 11 loại 128gb các loại (tổng trị giá trên 22 triệu đồng).

Tại Hộ kinh doanh Phụ tùng, linh phụ kiện xe đạp điện có địa chỉ tại phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 36 hộp bóng đèn, pha đèn, kinh đèn các loại (tổng trị giá trên 5 triệu đồng). Toàn bộ số hàng hóa nêu trên của 02 hộ kinh doanh đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định.

Qua làm việc, đại diện 02 hộ kinh doanh nêu trên đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Đội QLTT số 1 đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh Hóa: Thu giữ gần 2 tấn nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu hết date

Đây là số nguyên liệu đã hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, do Công an TP Thanh Hóa và Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa vừa kiểm tra, phát hiện và thu giữ.

Sáng 14/9, Công an TP Thanh Hóa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa và các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

Toàn bộ số nguyên liệu hết hạn sử dụng đã bị thu giữ

Theo đó, các lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ gần 2 tấn nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng do nước ngoài sản xuất.

Công an TP Thanh Hóa, Đội Quản lý thị trường số 10 và các lực lượng chức năng đã kiến nghị xử phạt hành chính hơn 100 triệu đồng đối với các cơ sở vi phạm.

Công an TP Thanh Hóa, Đội Quản lý thị trường số 10 và các lực lượng chức năng khuyến cáo đến người dân cần hết sức thận trọng khi lựa chọn thực phẩm, đặc biệt là bánh kẹo và Bánh trung thu trong dịp Tết Trung thu.

Quảng Ninh: Phát hiện cơ sở sản xuất mỡ lợn không đảm bảo vệ sinh tại Cẩm Phả

Ngày 28/8, UBND Tp.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, thông tin, lực lượng chức năng địa phương vừa phát hiện cơ sở sản xuất mỡ không bảo đảm vệ sinh.

Cụ thể, Tổ công tác của Công an Tp.Cẩm Phả phối hợp UBND phường Cẩm Phú tiến hành kiểm tra địa điểm tập kết thực phẩm tại địa chỉ tổ 84, khu 7A, phường Cẩm Phú. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn mỡ lợn và bì lợn đang được chế biến trong điều kiện hết sức sơ sài, không đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ sở chế biến mỡ lợn không rõ nguồn gốc và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại Tp.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh 

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang chứa gần 150kg mỡ lợn lẫn bì lợn chưa qua chế biến và 105 lít mỡ thành phẩm. Chủ cơ sở là anh T.T.C. (SN 1990, quê quán Hoằng Hóa, Thanh Hóa) không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến hoạt động kinh doanh và nguồn gốc của số hàng hóa trên.

Qua khai báo ban đầu, anh C. thừa nhận đã thu gom các loại mỡ, bì lợn từ nhiều nguồn khác nhau tại các chợ trên địa bàn Cẩm Phả về để chế biến và bán lại. Toàn bộ quá trình chế biến đều diễn ra tại một xưởng nhỏ, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh cơ bản.

Trước những vi phạm nghiêm trọng trên, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và đưa vụ việc đi xử lý theo quy định của pháp luật.

Bóc trần đường dây kinh doanh màn hình ô tô, camera hành trình không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên Shopee

Mặc dù các sàn thương mại điện tử ngày càng được quản lý chặt chẽ, nhưng tình trạng kinh doanh hàng hóa giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phổ biến. Mới đây, một vụ việc điển hình đã được lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện và xử lý.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, sau khi nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về việc xuất hiện các sản phẩm màn hình ô tô, camera hành trình không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử Shopee, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra và xác minh.

Thời điểm Đoàn kiểm tra có mặt hiện tại hiện trường, chủ hàng vẫn chốt cửa ra vào của điểm chứa trữ hàng hóa

Cụ thể, Tổ Thương mại điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường đã tập trung vào một tài khoản có tên "Tổng kho màn hình Oledpro" trên Shopee. Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã xác định được địa chỉ kho hàng của đối tượng này tại số 22 phố Cầu Đất, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tổ Thương mại điện tử (TMĐT), Tổng cục QLTT kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại điểm chứa trữ kinh doanh hàng hóa của ông Ng.C.Ph

Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, đối tượng kinh doanh đã cố tình trì hoãn, không hợp tác. Phải mất nhiều giờ đồng hồ, lực lượng chức năng mới tiếp cận được kho hàng và tiến hành kiểm tra.

Cơ sở của ông Ph. chủ yếu kinh doanh màn hình và camera hình trình sử dụng trên xe ô tô các nhãn hiệu Oledpro, X7 Metal Shell

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại kho hàng này, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ một số lượng lớn màn hình ô tô và camera hành trình các loại, chủ yếu mang nhãn hiệu Oledpro và X7 Metal Shell. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, và không rõ đơn vị sản xuất.

Toàn bộ hàng hóa tại đây không có hóa đơn, chứng từ theo quy định

Lô hàng có trị giá theo niêm yết trên 130 triệu đồng

Đặc biệt đáng chú ý, chủ cơ sở kinh doanh đã khai nhận việc mua bán số hàng hóa trên một cách trôi nổi trên thị trường, không hề qua bất kỳ khâu kiểm định chất lượng nào. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng khi mua phải những sản phẩm này sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, như chất lượng kém, không đảm bảo an toàn, hoặc thậm chí là hàng giả, hàng nhái.

Toàn bộ hàng hóa được bán trên một tài khoản Shopee có trên 5000 người theo dõi

Không chỉ kinh doanh tại kho hàng, đối tượng này còn sử dụng tài khoản Shopee để rao bán sản phẩm một cách công khai, thu hút hàng nghìn lượt theo dõi. Điều này cho thấy, đường dây kinh doanh hàng giả, hàng nhái này đã hoạt động khá quy mô và gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính đối với chủ hàng vi phạm

Trước những hành vi vi phạm pháp luật trên, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh về các hành vi: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.

TP HCM xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm lĩnh vực dược, mỹ phẩm

Theo thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, dược phẩm và nhà thuốc trên địa bàn thành phố đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm các quy định trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.

Theo đó, Thanh tra Sở Y tế xử phạt Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế (31 Ngô Thời Nhiệm, phường Võ Thị Sáu, quận 3) 27,5 triệu đồng. Sai phạm của công ty này là sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc theo quy định.

Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế bị phạt hành chính và buộc thu hồi nhiều sản phẩm.

Cụ thể, sản phẩm kem dưỡng da ngừa mụn Kissmi-N (ghi công dụng không đúng với Phiếu Công bố sản phẩm đã được cấp, ghi thiếu cụm từ "Thương nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường", ghi thiếu nội dung lưu ý an toàn); dung dịch vệ sinh phụ nữ Coop Select và dung dịch vệ sinh phụ nữ Saforin Sulfate (đều ghi công dụng không đúng với Phiếu Công bố sản phẩm đã được cấp).

Với những vi phạm trên, Công ty Cổ phần Dược phẩm và Sinh học y tế bị buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông đối với các lô sản phẩm kem dưỡng da ngừa mụn, dung dịch vệ sinh phụ nữ vi phạm; buộc nộp lại số tiền hơn 14,6 triệu đồng bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.

Cũng tại danh sach xử phạt lần này, Công ty TNHH XNK Phát triển Việt Anh (41-43, đường 56, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) có hành vi kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được duyệt, nên bị phạt 80 triệu đồng, cũng như bị buộc thu hồi tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm vi phạm.

Các công ty: Công ty TNHH Vinhoa (93 Nguyễn Thị Xinh, phường Thới An, quận 12), Công ty TNHH Y tế Thẩm mỹ AIC (73-75A Nguyễn Khuyến, phường 12, quận Bình Thạnh) và Công ty TNHH SCI-DEM PROFESSIONALS (29 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1) đều bị xử phạt 70 triệu đồng vì vi phạm liên quan đến việc tài liệu trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị y tế (thuộc loại A hoặc  không bảo đảm tính hợp pháp theo quy định pháp luật.

Ngoài phạt tiền, các doanh nghiệp trên còn bị buộc nộp lại Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị y tế liên quan…

Ngoài ra, còn có Công ty TNHH SCIENCE & BEAUTY (R430 Mỹ Toàn 2, đường Phạm Thái Bường, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7) bị phạt 12,5 triệu đồng và Nhà thuốc An Khang 125 - Địa điểm kinh doanh Công ty Cổ phần Dược phẩm An Khang Pharma (126 Liên khu 5-6, Khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) bị xử phạt 15 triệu đồng.

Điện Biên: Bắt 4 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy

Trong 2 ngày (7 - 8/7), lực lượng chức năng Công an tỉnh Điện Biên liên tiếp phá thành công 3 chuyên án, vụ án, bắt giữ 4 đối tượng, thu hơn 3 bánh hêrôin cùng nhiều vật chứng liên quan.

Khoảng 19 giờ 40 phút, ngày 8/7/2024, tại km 270+300 quốc lộ 12, Công an huyện Điên Biên Đông phối hợp tổ công tác số 3 - KH 1266, bắt quả tang đối tượng Lò Văn Lả (SN 1986), trú tại bản Na Lại, xã Luân Giói, huyện Điên Biên Đông về hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý. Tang vật thu giữ gồm 01 gói hêrôin, chưa xác định trọng lượng và 1 xe mô tô.

Đối tượng Lò Văn Lả, trú tại bản Na Lại, xã Luân Giói, huyện Điên Biên Đông.

Tiếp đó, vào lúc 20 giờ 30 phút cùng ngày, tại Km 376+200 quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tổ công tác số 1 - KH 1266 chủ trì, phối hợp với Công an huyện Tuần Giáo kiểm tra xe khách mang BKS: 29F-050.11 chạy tuyến Điện Biên - Hà Nam. Qua kiểm tra hành lý của Lò Văn Thưởng (SN 1991), trú tại bản Kéo, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, lực lượng chức năng phát hiện 01 gói nilon màu hồng, bên trong chứa chất bột màu trắng (nghi là hêrôin) chưa xác định khối lượng.

Đối tượng Lò Văn Thưởng (SN 1991), trú tại bản Kéo, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông.

Trước đó, hồi 10 giờ 30 phút, ngày 7/7/2024, tại khu vực xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Điện Biên), Công an huyện Mường Nhé chủ trì, phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an phá thành công Chuyên án 524T, bắt quả tang 02 đối tượng: Vừ A Tỉnh (SN 1977), Lầu Thị Sung (SN1976) cùng trú tại bản Huổi Cấu, xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Vật chứng thu giữ 03 bánh hêrôin, 02 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan.

Hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Chuyển công an vụ cơ sở sản xuất, buôn bán đậu tương giả 

Đội QLTT số 9 (Cục QLTT TP Hà Nội) kiểm tra hộ kinh doanh có địa chỉ tại tổ 9, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là đậu tương...

Ngày 24/6, Thông tin từ Đội QLTT số 9 (Cục QLTT TP Hà Nội), đơn vị đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra vụ việc sản xuất, buôn bán đậu tương nghi giả mạo nhãn hiệu.

Vụ việc được phát hiện trước đó, ngày 27/5/2024, Đội QLTT số 9 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, công an huyện Đông Anh kiểm tra hộ kinh doanh có địa chỉ tại tổ 9, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo bị phát hiện.

Quá trình kiểm tra về hàng hóa, hóa đơn chứng từ có liên quan, Đội QLTT số 9 đã tạm giữ để xác minh, làm rõ đối với số hàng hóa: 330 bao hạt đậu tương, nhãn hiệu Lamson Global, 50kg/bao; 250 bao hạt đậu tương, nhãn hiệu Minh Khang, 50kg/bao; 250 cái vỏ bao bì nhãn hiệu Minh Khang; 1 cuộn chỉ khâu miệng bao, nặng 2 kg; 1 máy khâu miệng bao.

Toàn bộ số hàng hóa trên chưa phù hợp với hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu đóng gói hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, sản xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Xét thấy vụ việc trên có dấu hiệu tội phạm (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm), Đội QLTT số 9 đã gửi văn bản đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh tiếp nhận hồ sơ, hàng hóa vi phạm để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

BTL Vùng Cảnh sát biển 3 bắt giữ tàu vận chuyển 80.000 lít dầu D.O trái phép

Ngày 8-6, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, Tổ công tác Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển đã phát hiện, kiểm tra và bắt giữ tàu vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu D.O trái phép.

Theo đó, ngày 7-6, tại khu vực biển cách Đông Nam Côn Đảo khoảng 100 hải lý, tổ công tác của Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển phát hiện tàu cá vỏ gỗ, mang số hiệu TH-92237-TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra hành chính.

Kiểm tra hàng hóa trên tàu TH-92237-TS tại Hải đội 301 (thành phố Vũng Tàu).

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu cá có 5 thuyền viên, do ông Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1968, trú tại phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm thuyền trưởng. Theo lời khai của ông Tùng, tàu TH-92237-TS đang vận chuyển khoảng 80.000 lít dầu DO. Toàn bộ số dầu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Tàu TH-92237-TS được dẫn giải về cảng Hải đội 301 để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.

Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm; tổ chức lực lượng dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 301, bàn giao cho Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ninh Bình: Xử phạt 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Đội Quản lý thị trường số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình, vừa tiến hành kiểm tra đột xuất và xử phạt hành chính Hộ kinh doanh Trần Văn Động với tổng số tiền 50 triệu đồng vì các vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và thay đổi ngành nghề kinh doanh mà không thông báo.

Ngày 20/5/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Trần Văn Động tại địa chỉ Xóm Mới, Yên Dương, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh Trần Văn Động đang kinh doanh hàng hóa, gồm: 120 chai dầu gội; 32 chiếc máy lọc không khí; 20 bộ nồi; 15 chiếc xe đạp; 90 chiếc chổi lau nhà là hàng hóa do nước ngoài sản xuất lưu thông trên thị trường không có hóa đơn chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật và hàng hóa không có thông tin về nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và tài liệu kèm theo hàng hóa, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Ngoài ra, Hộ kinh doanh Trần Văn Động còn kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm mà không đăng ký ngành nghề này trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Trong giấy chứng nhận, ngành nghề kinh doanh chỉ bao gồm: Bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự, đèn và bộ đèn điện, đồ dùng gia đình khác chưa phân vào đâu trong các cửa hàng chuyên doanh (Chi tiết: Kinh doanh đồ gia dụng).

Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Hộ kinh doanh Trần Văn Động với các hành vi vi phạm nêu trên, tổng số tiền phạt là 50.000.000 đồng. Đồng thời, toàn bộ hàng hóa vi phạm trị giá 90.850.000 đồng đã bị tịch thu.