Đăng nhập

TP.HCM phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả

Ngày 19/5, Sở Y tế TP.HCM thông tin về việc kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả trong năm 2024.

Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 174 cơ sở bán buôn thuốc, 344 cơ sở bán lẻ cùng 40 cơ sở dược liệu, phát hiện nhiều vi phạm về nguồn gốc và chất lượng thuốc như kinh doanh thuốc không đúng giấy phép, mua bán thuốc không chứng nhận, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không theo dõi hoạt động mua bán thuốc theo quy định.

Bên cạnh đó, các phòng y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức kiểm tra hơn 6.700 cơ sở bán lẻ thuốc, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm TP lấy mẫu kiểm tra hơn 400 mẫu thuốc, trong đó 15 mẫu không đạt chất lượng.

Sở Y tế TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, rà soát kinh doanh thuốc, sữa và thực phẩm chức năng giả, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt các cơ sở kinh doanh dược có nguy cơ cao.

Các đơn vị liên quan được yêu cầu xây dựng quy trình mua bán nghiêm ngặt, đảm bảo hàng hóa hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn chứng từ và xử lý nghiêm vi phạm.

Ngành y tế TP.HCM kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, chỉ mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở được cấp phép, không mua hàng không rõ nguồn gốc, đồng thời tích cực phản ánh các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả để cơ quan chức năng xử lý kịp thời, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Triệt phá ổ nhóm sản xuất thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả cực lớn

Ngày 16-5, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội thông báo, đơn vị vừa triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, địa chỉ số 1, LK 11, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cầm đầu, thu giữ hơn 100 tấn thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả.

Sau khoảng một năm theo dõi, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phát hiện Phạm Ngọc Tiến đã chỉ đạo Lương Thị Yến (là kế toán công ty) thành lập 17 công ty, trong đó 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.

Lực lượng chức năng khám xét các địa điểm liên quan đến ổ nhóm. 

Khi bán được nhiều hàng, Phạm Ngọc Tiến nảy sinh ý định sản xuất, gia công hàng trong nước, lấy thương hiệu của nước ngoài để bán. Đối tượng đã tự tạo ra công thức sản phẩm, sau đó mua nguyên vật liệu trong nước giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn và đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài là thực phẩm chức năng và thiết bị y tế.

Khi phát hiện dấu hiệu phạm tội của ổ nhóm này, ngày 7-5, lực lượng chức năng đã đồng loạt tổ chức khám xét khẩn cấp gần 20 điểm liên quan là nơi sản xuất, gia công, cất giấu, tiêu thụ hàng hóa rải rác tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại các địa điểm, lực lượng chức năng thu giữ được 30 khuôn bế dập gân vỏ hộp; 28.531 hộp thực phẩm chức năng; 34.822 lọ thực phẩm chức năng; 38.935 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; 8.535 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại; gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu... để sản xuất hàng giả; tổng số hàng giả ước tính hơn 100 tấn (khoảng 100 mã sản phẩm khác nhau).

Tất cả nhãn mác trên sản phẩm giả này đều được ghi bằng tiếng nước ngoài, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ...). Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, tiêu thụ từ năm 2020 tại các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.

Công an TP Hà Nội đã tạm giữ 7 đối tượng, tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

Cục ATTP yêu cầu thu hồi 12 sản phẩm sữa giả

Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế nhận được công văn số 1095/VPCQCSĐT- P3 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị phối hợp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, phát hiện hành vi phạm pháp luật.

Trong đó, xác định 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả vi phạm quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Cục ATTP đã ban hành công văn số 832/ATTP-PCTTR đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP; Sở ATTP TP Hồ Chí Minh; Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, TP rà soát, kiểm tra, thu hồi 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả hiện đang còn trên thị trường. Các đơn vị phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xử lý, giải quyết theo quy định.

Hình ảnh sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng được xác định là hàng giả

Cục ATTP khuyến cáo người dân không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa đang được tiếp tục điều tra của Công ty CP dược Quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood cho đến khi có kết luận cuối cùng của Cơ quan Công an.

Ngoài ra, Cục ATTP đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP; kiểm tra, hậu kiểm thực phẩm giả kém chất lượng.

Danh sách 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (dạng sữa bột) là hàng giả kèm theo công văn số 1095/VPCQCSĐT- P3 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an:

1 Thực phẩm bổ sung COLOS IQ FOR MUM

2 Thực phẩm bổ sung COLOS IQ DIABETES

3 Thực phẩm bổ sung DARIFA A+ ProGold

4 Sản phẩm dinh dưỡng công thức KENMIL PREMIUM PEDIA GOAT

5 Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt SURE IQ SURE GOLD

6 Sản phẩm dinh dưỡng công thức Kodo A+ Starter Colostrum 1

7 Sản phẩm dinh dưỡng công thức L’’ GRAND COLOSTRUM PEDIA+2

8 Sản phẩm dinh dưỡng công thức Newsure Colos 24h Kid Plus

9 Sản phẩm dinh dưỡng công thức Kid Baby Talacmum

10 Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt Gludiabet Talacmum

11 Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt KASUMI CANXI NANO COLOS 24H

12 Sản phẩm dinh dưỡng KASUMI GAIN COLOS 24H 3

Quảng cáo Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health vi phạm quy định

Một số website, sàn thương mại điện tử quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Ngày 1/4, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra thông tin cảnh báo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health. 

Theo Cục An toàn Thực phẩm, hiện nay, theo phản ánh tại một số website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, cụ thể tại một số đường link sau: https://vt.tiktok.com/ZSr6CydxG/ ; https://byvn.net/v6XU; https://vn.shp.ee/xEX3Nqx.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health do Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Dược, địa chỉ: Lô F3, Đường N5, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Phường Khánh Bình, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương công bố, được Cục An toàn Thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 2320/2021/ĐKSP ngày 16/3/2021.

Ngày 12/08/2021, Cục An toàn Thực phẩm cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2288/2021/XNQC-ATTP cho Công ty cổ phần Dược Mỹ Phẩm Thiên Nhiên True Natural Việt Nam và ngày 12/4/2023 Cục An toàn Thực phẩm đã ban hành Quyết định số 134/QĐ-ATTP thu hồi Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 2288/2021/XNQC-ATTP theo đề nghị của Công ty cổ phần Dược Mỹ Phẩm Thiên Nhiên True Natural Việt Nam.

Cục An toàn Thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý các đường link có nội dung vi phạm quảng cáo nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn Thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn Thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm tại đường link nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế./.

TP.HCM tạm giữ hơn 8.200 xe đạp và sản phẩm phụ tùng “lậu”

Từ đầu năm 2024 đến nay, các Đội Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm liên quan đến xe và phụ tùng xe đạp điện. Qua đó, tạm giữ 211 chiếc và 8.238 đơn vị sản phẩm phụ tùng, bình ắc quy xe đạp điện.

Chiều 27/2, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng xe đạp điện, phụ tùng xe đạp điện.

Qua đó, tạm giữ 211 chiếc và 8.238 đơn vị sản phẩm phụ tùng, bình ắc quy xe đạp điện với tổng trị giá hơn 1,7 tỷ đồng; xử phạt với số tiền 948 triệu đồng,

Trong đó, kiểm tra, xử lý 8 vụ vi phạm về kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 38 chiếc xe đạp điện và 7.559 đơn vị sản phẩm phụ tùng các loại, trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Kiểm tra, xử lý 4 vụ về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ 41 chiếc xe đạp điện và 648 đơn vị sản phẩm phụ tùng các loại, trị giá hơn 111 triệu đồng.

Đặc biệt, kiểm tra, xử lý 1 vụ vi phạm về các hành vi: "Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy" và "Sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng", buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng 132 chiếc xe đạp điện các loại theo quy định.

Xe đạp điện là một trong những phương tiện được nhiều người dân lựa chọn.

Cục QLTT TP.HCM nhấn mạnh, việc sử dụng xe đạp điện sử dụng pin Li-ion nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu và không được kiểm tra để đảm bảo chất lượng theo quy định có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy.

Do đó, Cục QLTT đã ban hành văn bản yêu cầu các Đội QLTT tăng cường công tác QLTT xe điện, pin xe điện từ khâu sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, có giải pháp xử lý nghiêm xe điện, pin xe điện không đảm bảo chất lượng trên thị trường và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sửa chữa xe điện không đáp ứng quy định.

Cục QLTT cho biết thêm, nếu có căn cứ xác định xe đạp điện là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu hay giả mạo nhãn hiệu hoặc có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xe đạp điện) thì các đối tượng kinh doanh sẽ bị xem xét xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Thái Nguyên: Phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Đội QLTT số 5 đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong hai ngày 7-8/01/2025, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 5 đã kiểm tra đột xuất đối với 02 địa điểm kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn của ông Đ.V.C và ông L.V.H tại xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tại thời điểm kiểm tra, cả hai địa điểm kinh doanh này đều chưa thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định; đồng thời, Đoàn kiểm tra phát hiện gần 500 gói kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ liên quan chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hoá có tổng trị giá 12.000.000 đồng

Hình ảnh hàng hoá vi phạm

Đoàn kiểm tra đã đề xuất Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cá nhân đại diện các địa điểm kinh doanh trên với tổng mức phạt gần 30.000.000 đồng, buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định và buộc tiêu hủy toàn bộ số kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ nêu trên./.

Sản xuất pháo nổ trái phép tại ngôi nhà hoang

Tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế - ma túy Công an huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã phát hiện bắt quả tang tại ngôi nhà hoang gần nghĩa trang thôn Từ Thuận, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, có 3 thanh niên đang có sản xuất pháo nổ.

Ngày 25/12, thông tin từ Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội), đơn vị vừa phát hiện nhóm đối tượng sản xuất pháo nổ trái phép tại một ngôi nhà hoang gần nghĩa trang trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Công an huyện Phú Xuyên, những ngày này, toàn lực lượng Công an huyện đang tập trung cao nhất, quyết tâm và những giải pháp quyết liệt thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trong đó, đơn vị chú trọng đánh chặn những vi phạm về pháo, một trong những vi phạm, tội phạm "nóng" dịp cuối năm. Lực lượng CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, nắm tình hình trên không gian mạng và địa bàn.

Vào khoảng 17 giờ 50 phút ngày 22/12, tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế - ma túy Công an huyện Phú Xuyên đã phát hiện bắt quả tang tại một ngôi nhà hoang gần nghĩa trang thôn Từ Thuận, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, có 3 thanh niên khai danh tính là T.D.A (SN 2008, trú tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín); T.H.L. (SN 2008, trú tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín); và D.Q.H (SN 2009, trú tại xã Vân Từ) đang có hành vi sản xuất pháo nổ.

Công an thu giữ tại hiện trường các nguyên liệu, dụng cụ sử dụng để chế tạo pháo và 800 quả pháo đã thành phẩm. Cầm đầu nhóm “chế tạo” pháo là Trần Phú Mười (SN 2005, trú tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Bình Thuận: Khởi tố 01 đối tượng buôn bán pháo nổ, thu giữ hơn 422kg pháo

Chiều 16/12, Công an huyện Đức Linh, Bình Thuận cho biết, đã triệt phá thành công Chuyên án đấu tranh với tội phạm buôn bán, tàng trữ hàng cấm (pháo nổ), thu giữ trữ 255 hộp pháo hoa nổ với tổng trọng lượng hơn 422 kg, đồng thời, khởi tố 1 đối tượng về tội “Buôn bán hàng cấm”.

Trước đó, vào ngày 6/12/2024, bằng các biện pháp nghiệp vụ và công tác quản lý địa bàn, Công an huyện Đức Linh đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp với Công an xã Vũ Hòa theo dõi, phát hiện tại nhà của Nguyễn Văn Quyền (SN 1983, trú xã Vũ Hòa) đang có hành vi tàng trữ pháo hoa nổ trái phép.

Số pháo nổ thu được tại nhà Nguyễn Văn Quyền.

Qua kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện tại chuồng gà sau nhà của Quyền có 11 thùng giấy carton, bên trong chứa 210 hộp pháo hoa, trên mỗi hộp có ký hiệu “KS4-4911 BILLION TIME”. Tiến hành khám xét khẩn cấp nhà của đối tượng, lực lượng Công an còn phát hiện thêm 45 hộp pháo hoa tương tự. Tổng cộng, lực lượng chức năng đã thu giữ 255 hộp pháo với tổng khối lượng hơn 422 kg.

Tổ công tác đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, thu giữ toàn bộ tang vật, tiến hành niêm phong và đưa Nguyễn Văn Quyền về trụ sở Công an xã Vũ Hòa để làm việc. Theo lời khai của Quyền, số pháo này do Phạm Văn Đức (SN 1994, trú cùng địa phương) mang đến cất giấu nhằm mục đích buôn bán kiếm lời.

Đến ngày 7/12/2024, Phạm Văn Đức đã đến cơ quan Công an để ra đầu thú và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Hiện Phạm Văn Đức đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Linh khởi tố về tội “Buôn bán hàng cấm”. 

Bạc Liêu: Tiêu hủy số lượng lớn hàng lậu, hàng giả

Chiều 29/11, tại bãi rác Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không xác định được chủ sở hữu.

Trong số này có 1.150 sản phẩm linh kiện điện thoại, ví cầm tay, quần áo, kèn ô tô; 1.250kg thực phẩm các loại; hơn 1.100 bao thuốc lá nhập lậu các loại… Số hàng hóa trên được các đội của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu phát hiện và tịch thu trong thời gian qua.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy hàng hóa tại bãi rác

Việc tiêu hủy các hàng hóa này nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Toàn bộ hàng hóa này sau khi dùng các biện pháp cơ học để làm hỏng đã được lực lượng chức năng chôn lấp để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tính từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức kiểm tra 508 vụ, qua đó phát hiện vi phạm 236 vụ và đã xử phạt hành chính nộp ngân sách nhà nước 3 tỉ đồng. 

Nam Định: Phát hiện, thu giữ 200 áo phao không rõ nguồn gốc trên Tiktok Shop

Ngày 19/11/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định cho biết, trong vòng hơn 1 tháng theo dõi, Đội QLTT số 4 đã phát hiện đối tượng có kho hàng hóa kinh doanh tại xóm Sơn Hồng, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Trước đó, ngày 13/11/2024, Đội QLTT số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy Công an huyện Giao Thủy đã tiến hành kiểm tra kho hàng có địa chỉ tại xóm Sơn Hồng.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 200 sản phẩm áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trị giá ước tính 25 triệu đồng.

Lực lượng chức năng công bố Quyết định kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông P.Q.Đ (chủ hộ kinh doanh) cho biết, cơ sở kinh doanh của ông đang sử dụng sàn thương mại điện tử Tiktok Shop để đăng tải hình ảnh, nhận đặt hàng để bán các sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu không có nguồn gốc xuất xứ nói trên.

Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện tại cơ sở này

Số lượng sản phẩm được mua từ nhiều địa chỉ khác nhau trên địa bàn tỉnh Nam Định không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không có hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Đội QLTT số 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ các sản phẩm áo phao không rõ nguồn gốc, xuất xứ nói trên và báo cáo xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.