Đồng Tháp: Xử phạt 01 hộ kinh doanh về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 19/11/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh ĐM, NT-TP do ông H.Q.C làm chủ, địa chỉ: xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp phát hiện hộ kinh doanh đang kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có trị giá hơn 23 triệu đồng.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, quản lý địa bàn, ngày 19 tháng 11 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh điện máy NT-TP do ông H.Q.C làm chủ, địa chỉ: xã Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Đội QLTT số 1 kiểm tra hàng hhóa tại địa điểm kinh doanh
Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện hộ kinh doanh trên đang kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, tang vật gồm 03 cái loa nhãn hiệu S EVEREST, tổng trị giá tang vật vi phạm hơn 23 triệu đồng.
Đội QLTT số 1 kiểm tra hàng hhóa tại địa điểm kinh doanh
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm và vụ việc đang hoàn tất hồ sơ trình Đội trưởng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nêu trên đối với hộ kinh doanh điện máy NT-TP, với số tiền 8,5 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật theo quy định của pháp luật./.
Hà Nội đẩy mạnh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn trường học
TP. Hà Nội tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học và khu vực cổng trường, nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh và đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội - thành viên của Ban Chỉ đạo 389 thành phố, tính đến hết tháng 10/2024, thành phố đã kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 20 cơ sở bếp ăn tập thể trong các trường học trên địa bàn. Trong số này, có 15 cơ sở đạt tiêu chuẩn, và kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy 190/190 mẫu đều đạt yêu cầu, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho học sinh và giáo viên.
Công tác đảm bảo ATTP tại các trường học luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố. Hà Nội đặt mục tiêu kiểm tra, giám sát 100% các cơ sở giáo dục theo quy định, với con số kiểm tra trong năm 2023 đạt 84,5% trên tổng số cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong việc quản lý ATTP tại các khu vực xung quanh trường học, đặc biệt là các loại thức ăn đường phố và gánh hàng rong khu vực cổng trường.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thành phố sẽ thực hiện các đợt cao điểm đảm bảo ATTP trong và ngoài các trường học.
Trước tình hình trên, từ đầu tháng 8/2024, thành phố Hà Nội đã triển khai các đoàn kiểm tra chuyên đề về ATTP tại trường học. Không chỉ tập trung kiểm soát các bếp ăn tập thể trong trường, các đợt kiểm tra còn mở rộng ra khu vực cổng trường và các khu vực lân cận, nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của học sinh.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết, từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025, thành phố sẽ thực hiện các đợt cao điểm đảm bảo ATTP trong và ngoài các trường học.
Tất cả các bếp ăn trong trường học hiện đang được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc và quá trình chế biến thực phẩm. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã được yêu cầu tăng cường giám sát các dịch vụ ăn uống xung quanh trường học. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, điều tra kỹ lưỡng các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các dịch vụ ăn uống và quầy hàng quanh trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trong các đợt kiểm tra này, thành phố đặc biệt lưu ý đến các gánh hàng rong tự phát quanh cổng trường. Các gánh hàng này thường có nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức vi phạm quy định ATTP.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống trong khu vực sân bay trên địa bàn. Kết quả cho thấy có 12 cơ sở đạt tiêu chuẩn và xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm cho thấy 190/190 mẫu đạt yêu cầu.
Bên cạnh công tác kiểm tra, thành phố đã ban hành Kế hoạch cao điểm truyền thông về ATTP giai đoạn 2024 – 2025 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTP. UBND thành phố kỳ vọng kế hoạch này sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý, cũng như các tổ chức sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Trong tháng 11/2024, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong quản lý. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho các cơ sở giáo dục và xã hội.
TP.HCM: Tiêu hủy gần 1,3 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 17/10/2024, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, vừa thực hiện tiêu hủy gần 1,3 tấn thực phẩm đông lạnh như vú heo, sụn gà… không rõ nguồn gốc xuất xứ và xử phạt đơn vị kinh doanh.
Theo đó, ngay sau khi nhận được nguồn tin phản ánh về cơ sở có chứa thực phẩm bẩn, Đoàn kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã phối hợp với Phòng Y tế TP Thủ Đức kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 20 đường số 2, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức. Ông Trần Văn Trị làm chủ cơ sở này.
Thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc
Đoàn kiểm tra phát hiện các sản phẩm hàng đông lạnh đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị lô hàng gần 50 triệu đồng.
Đoàn Kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu Chánh Thanh tra Sở An toàn thực phẩm ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 35 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc nói trên.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm đánh giá chất lượng, an toàn thực phẩm, kịp thời ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sơn La: Xử phạt cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập lậu
Đội QLTT số 6 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Sốp Cộp kiểm tra, xử lý đối tượng kinh doanh hàng hóa nhập lậu
Căn cứ theo nội dung chỉ đạo tại công văn số 458/QLTTSL-NVTH ngày 11/9/2024 và Công văn số 461QLTTSL-NVTH ngày 12/9/2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La về việc yêu cầu kiểm tra, xử lý đối tượng bán hàng qua các trang mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày 23/9/2024, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 6 chủ trì phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Sốp Cộp tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh điện thoại di động Phan Thành Hoan, địa chỉ tại Bản Hua Mường, Xã Sốp Cộp, Huyện Sốp Cộp, Tỉnh Sơn La.
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh điện thoại di động Thế Hiển Mobile do ông Phan Thành Hoan làm chủ đang bày bán 05 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu IPHONE 6 đã qua sử dụng do nước ngoài sản xuất (xuất xứ Trung Quốc), giá niêm yết trên từng sản phẩm tại cửa hàng là 1,1 triệu đồng, tổng trị giá là 5,5 triệu đồng. Ông Phan Thành Hoan là chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 quy định chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
Ngày 25/9/2024 Đội QLTT số 6 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hoá vi phạm để xử lý theo quy định.
Bạc Liêu: Phát hiện hộ kinh doanh kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Qua công tác giám sát địa bàn được phân công quản lý, Đội QLTT số 3 phát hiện hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ tại một hộ kinh doanh.
Ngày 17 tháng 9 năm 2024, Đội QLTT số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh T.Q, do bà N.K.T làm chủ, có địa chỉ tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, đang hoạt động kinh doanh mỹ phẩm.
Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh T.Q đang kinh doanh mỹ phẩm là kem trộn trắng da gồm 40 sản phẩm với nhiều trọng lượng và cách đóng gói khác nhau cụ thể là: 10 bịch kem trộn trắng da loại 100g/bịch với giá bán 65.000 đồng/bịch; 10 hủ kem trộn trắng da loại 100g/hủ với giá 120.000 đồng/hủ; 10 hủ kem trộn trắng da loại 200g/hủ với giá bán 160.000 đồng/hủ; 10 hủ kem trộn trắng da loại 500g/hủ với giá bán 185.000 đồng/hủ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 5.300.000 đồng (Năm triệu ba trăm nghìn đồng).
Bà N.K.T xuất trình cho đoàn kiểm tra được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là kem trộn trắng da và thực tế trên sản phẩm không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số mỹ phẩm nêu trên để xử lý theo quy định.
Quảng Nam: Phát hiện xe khách vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu
Ngày 30/8, theo Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Nam, đơn vị vừa phát hiện một vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu trong khuôn khổ chiến dịch cao điểm an toàn giao thông dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Trước đó, vào lúc 9h55 ngày 29/8, tại Km1005+600 Quốc lộ 1, thuộc thôn An Lương, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, do Trung tá Trần Thành làm tổ trưởng, đã phát hiện xe ô tô khách 16 chỗ, biển số 77F-009.47 có dấu hiệu bất thường.
Xe ô tô khách này do ông P.N.L., SN 1991, có hộ khẩu thường trú tại Tân Thành, Ân Tường Đông, Hoài Ân, Bình Định, điều khiển.
Thuốc lá lậu giấu trong thùng xốp.
Tổ công tác đã tiến hành dừng xe để kiểm tra và phát hiện một thùng xốp trên xe. Bên trong thùng xốp chứa 20 cây thuốc lá, tổng cộng 200 gói thuốc lá nhãn hiệu Jet, màu trắng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không thể xuất trình hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc số thuốc lá này.
Đội Cảnh sát giao thông đã lập hồ sơ và bàn giao tang vật cùng phương tiện cho Công an huyện Núi Thành để tiếp tục thụ lý theo thẩm quyền.
Phát hiện hàng loạt thực phẩm không rõ nguồn gốc tại Kon Tum
Ngày 21/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết, vừa phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã phát hiện một vụ vận chuyển hàng hóa trái phép.
Cụ thể, vào ngày 16 tháng 8 năm 2024, qua công tác nắm tình hình và xác minh thông tin, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra chiếc xe ô tô kéo rơ-mooc biển kiểm soát 29E 04.XXX.
Các lực lượng chức năng đang khám phương tiện có dấu hiệu vi phạm
Qua kiểm tra, bên cạnh các loại hàng hóa có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, lực lượng chức năng còn phát hiện một số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, bao gồm 60 hộp kẹo Mạch Nha hình trái tim và 120 hộp kẹo sô cô la nhãn hiệu Pasta. Tổng trị giá lô hàng vi phạm ước tính khoảng 8.520.000 đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế N.Đ.T khai nhận đã mua số hàng hóa trên với mục đích bán lại để kiếm lời. Tuy nhiên, người này không xuất trình được bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.
Một trong những loại hàng hóa thực phẩm vi phạm
Trước những hành vi vi phạm pháp luật trên, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xử lý theo quy định.
Hai cơ sở thẩm mỹ tại Bắc Giang bị phạt nặng, đình chỉ hoạt động vì vi phạm nghiêm trọng
Ngay trong những ngày qua, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện hai cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng. Các cơ sở này đã bị xử phạt hành chính với số tiền lớn và đình chỉ hoạt động trong vòng 3 tháng.
Trong một đợt kiểm tra đột xuất nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp cùng Sở Y tế đã phát hiện và xử lý nghiêm hai cơ sở thẩm mỹ vi phạm quy định.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại cơ cở Viện thẩm mỹ D.W.
Cụ thể, tại Viện thẩm mỹ D.W (số 346, đường Minh Khai, phường Dĩnh Kế) và cơ sở H.A Beauty-center (số 103, đường Trần Đăng Tuyển, phường Trần Nguyên Hãn), đoàn kiểm tra đã ghi nhận nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng. Các nhân viên tại đây đã thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ như giảm béo, làm đẹp da bằng cách sử dụng máy móc, thiết bị chiếu tia laze và tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, vượt quá phạm vi hoạt động được cấp phép.
Hành vi này hoàn toàn trái với quy định tại Khoản 6, Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 và Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trước những vi phạm nghiêm trọng này, cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt hành chính đối với hai cơ sở trên với số tiền 45 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong vòng 3 tháng. Đây là hình thức xử lý nghiêm khắc nhằm răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Quảng Bình: Tiêu hủy hơn 1.000 bánh bông lan nhập lậu
Ngày 24/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Quảng Bình đã tiến hành tiêu hủy hơn 1.220 đơn vị sản phẩm bánh bông lan các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Trước đó, vào đầu tháng 7, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện và tạm giữ số lượng lớn bánh bông lan trên khi đang được vận chuyển trên xe ô tô tải biển kiểm soát 77C-190.96 do ông Đoàn Ngọc Tin điều khiển. Toàn bộ số hàng hóa này không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có số tự công bố sản phẩm, và bị nghi ngờ là hàng nhập lậu.
Sau khi tiến hành kiểm tra và xác minh, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Đoàn Ngọc Tin với số tiền 10.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Việc tiêu hủy số bánh bông lan trên nhằm mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời răn đe các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Thái Nguyên: Thu giữ số lượng lớn sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc
Ngày 13/7/2024 - Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và thu giữ số lượng lớn sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa bàn.
Cụ thể, vào ngày 13/7, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Công an phường Tân Thịnh kiểm tra một phòng trọ nghi vấn kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện P.V.K.H (SN 2004) đang cất giữ và bán các sản phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử, bao gồm thiết bị nung nóng tinh dầu, phụ kiện và tinh dầu.
Phòng An ninh kinh tế làm việc với P.V.K.H (áo đen) và thu giữ trên 600 sản phẩm là phụ kiện, thiết bị, tinh dầu thuốc lá điện tử.
Khám xét toàn bộ phòng trọ, lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng hơn 600 sản phẩm thuốc lá điện tử các loại. Đáng chú ý, tất cả các sản phẩm này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đồng thời nhãn mác ghi chữ nước ngoài nhưng không có tem nhập khẩu.
Qua đấu tranh khai thác, P.V.K.H khai nhận đã mua số hàng hóa trên trên mạng xã hội để bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, đối tượng không thể cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của sản phẩm.
Hiện, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Thái Nguyên đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm và đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.