Kiên Giang: Phát hiện kho hàng chứa mỹ phẩm nghi giả mạo thương hiệu
Ngày 27/6, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Kiên Giang đang củng cố hồ sơ xử lý vụ mua bán mỹ phẩm nghi giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Trước đó, ngày 20/6/2025, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra một kho hàng tại Tổ 07, ấp Đông Lộc, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp. Kho hàng do bà V.T.T.T, sinh năm 1993 và ông T.N.L, sinh năm 1985 (cùng ngụ ấp Đông Lộc), làm chủ.
Cơ quan Công an làm việc với bà T..
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 510 hộp mỹ phẩm dùng ngoài da có dấu hiệu vi phạm, không rõ nguồn gốc, nghi là hàng giả mạo nhãn hiệu của một công ty mỹ phẩm nổi tiếng có trụ sở tại tỉnh khác.
Tang vật thu giữ.
Làm việc với cơ quan Công an, đối tượng T. khai nhận đã mua số hàng này từ nguồn trôi nổi trên mạng, sau đó lập tài khoản mạng xã hội giả mạo thương hiệu chính hãng, tải các video quảng cáo của doanh nghiệp thật để lừa dối người tiêu dùng, rồi rao bán số mỹ phẩm giả trên các nền tảng mạng xã hội.
Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
Điện Biên: Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 67 bánh ma túy tổng hợp
Ngày 10/6/2025, Công an tỉnh Điện Biên cho biết đã phối hợp với Công an các tỉnh Bắc Lào vừa triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Tang vật thu giữ gồm 67 bánh ma túy tổng hợp, vũ khí và nhiều tài liệu liên quan.
Cụ thể,m vào hồi 13h ngày 8/6, tại khu vực bản Đon Sạ Ạt, huyện Pạc Bèng, tỉnh Ư Đôm Xay (Lào), tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh Điện Biên đang làm nhiệm vụ tại Lào đã phối hợp với công an các tỉnh U Đôm Xay, Luông Pha Băng và Cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Lào bắt quả tang đối tượng Vàng A Minh (sinh năm 1992, trú tại bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đối tượng Vàng A Minh cất giấu số lượng lớn ma túy trong xe ô tô bán tải
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 67 bánh ma túy tổng hợp được cất giấu tinh vi tại nhiều vị trí trong xe ô tô bán tải. Ngoài ra, tổ công tác còn thu giữ nhiều tang vật, tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.
Vàng A Minh cùng tang vật là 67 bánh ma túy tổng hợp bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Đấu tranh mở rộng vụ án, cùng ngày, tại khu vực bản Chu Lao Sẻn Câu, huyện Bun Tạy, tỉnh Phong Sa Lỳ, tổ công tác tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Phong Sa Lỳ bắt giữ đối tượng Sổm Đi (sinh năm 1982, trú tại bản Chu Lao Sẻn Câu, huyện Bun Tạy, tỉnh Phong Sa Lỳ) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Tang vật thu giữ gồm 1 bánh ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng hơi, 100 viên đạn súng hơi và 1 điện thoại di động.
Qua lời khai ban đầu, các đối tượng thừa nhận được Vừ Nỏ Dính (sinh năm 1985, là người Việt Nam di cư và sinh sống tại Myanmar) – kẻ cầm đầu đường dây, thuê vận chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng qua các tỉnh Bắc Lào, hướng về Việt Nam tiêu thụ. Tiền công vận chuyển được hứa hẹn là 40.000 Baht Thái Lan, tương đương khoảng 33 triệu đồng.
Đối tượng Sổm Đi cùng tang vật thu giữ
Hiện tổ công tác đặc biệt của Công an tỉnh Điện Biên tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng các tỉnh Bắc Lào mở rộng điều tra, truy bắt các đối tượng có liên quan và củng cố hồ sơ để xử lý theo đúng quy định pháp luật của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Phú Yên: Kiểm tra, phát hiện, xử lý 250 bao thuốc lá điếu nhập lậu
Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên kiểm tra, phát hiện, xử lý 250 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu CHUNGHWA.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 10/5/2025 Đội Quản lý thị trường Số 1 trực thuộc Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe Ô tô tải biển số 49C-049.60 do ông Bùi Văn Kiên (trú tại Thôn Lâm Thành, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang vận chuyển 250 bao thuốc lá điếu (20 điếu/bao) ngoại nhập lậu nhãn hiệu CHUNGHWA, xuất xứ Trung Quốc.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành quyết định xử phạt 7.500.000 đồng đối với ông Bùi Văn Kiên về hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Đồng thời buộc tiêu hủy 250 bao thuốc lá điếu nhập lậu nhãn hiệu CHUNGHWA theo quy định của pháp luật.
Hà Nội: Kiểm soát chất lượng thực phẩm tại làng nghề bánh kẹo và dịp Tết Trung thu 2025
Ngày 16/4, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về Chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số làng nghề sản xuất bánh, kẹo và dịp Tết trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025”.
Theo đó, Kế hoạch triển khai kiểm soát đối với cơ sở sản xuất bánh, kẹo tại 2 làng nghề xã La Phù, xã Dương Liễu - huyện Hoài Đức từ 15/4/2025 - 15/7/2025 và trên toàn Thành phố đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu; cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu làm bánh trung thu từ 15/6/2025 - 15/10/2025 dịp Tết trung thu.
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh ở La Phù, thu giữ hơn 11.000 bánh Trung thu không nguồn gốc.
UBND Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch chuyên đề với 7 nội dung; trong đó, về công tác chỉ đạo, điều hành, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND Thành phố Hà Nội giao ban định kỳ, phân công nhiệm vụ, đẩy mạnh phối hợp liên ngành;
UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực quản lý ATTP trên địa bàn, nhất là ATTP đối với bánh trung thu, bánh, kẹo tại làng nghề; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền, cơ quan chức năng, đoàn thể; phát huy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Về công tác thông tin tuyên truyền về chuyên đề: kịp thời thông tin, phản ánh các vi phạm pháp luật về ATTP; tuyên truyền, nêu gương tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, kẹo, bánh trung thu an toàn để người tiêu dùng lựa chọn; thông tin kịp thời vấn đề bức xúc về ATTP liên quan đến bánh trung thu, bánh, kẹo;
Nêu rõ trách nhiệm liên quan bằng các hình thức tuyên truyền như: hội nghị, hội thảo; Cổng hoặc Trang thông tin điện tử; Fanpage Ban Chỉ đạo ATTP Thành phố; báo chí, hệ thống thông tin cơ sở; mạng xã hội (Zalo, Facebook...) xuyên suốt thời gian thực hiện chuyên đề.
Về công tác rà soát thống kê: Rà soát, thống kê danh sách, thông tin hoạt động các cơ sở hoàn thành trước 25/4/2025.
Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu triển khai các công tác: Tập huấn, hướng dẫn đối tượng thuộc chuyên đề; kiểm tra, giám sát; xử lý vi phạm và công khai kết quả kiểm tra; cung cấp thông tin đường dây nóng phản ánh sự cố ATTP.
Người vận chuyển thuốc lá điện tử cũng bị xử lý vi phạm
Thuốc lá điện tử đã bị cấm từ 1-1-2025, nhưng “cửa hàng” bán loại mặt hàng này trên các mạng xã hội lại hoạt động tấp nập hơn bao giờ hết.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người bắt đầu từ ngày 1-1-2025.
Thiết bị thuốc lá điện tử, phụ kiện thuốc lá điện tử và tinh dầu để sử dụng cho thuốc lá điện tử bị lực lượng chức năng thu giữ
Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số cửa hàng vẫn lén lút kinh doanh buôn bán trên mạng bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi. Các bài viết buôn bán, quảng cáo trên các trang mạng vẫn được đăng tải liên tục, thậm chí được “chạy quảng cáo” để dễ tiếp cận với người mua.
Qua các trang mạng xã hội có đính kèm số điện thoại, người mua dễ dàng tiếp cận với các “đại lý” bán lẻ thuốc lá điện tử. Khách có thể trực tiếp đến cửa hàng giao dịch, hoặc đặt ship tận nơi. Với những đơn “hỏa tốc” chỉ trong 15 - 20 phút, người sử dụng đã có thể nhận được “hàng” theo yêu cầu. Người mua thậm chí còn có thể kiểm tra “hàng” tại chỗ chỉ với một yêu cầu “bóc kín, tránh để người khác nhìn thấy”.
Chưa đầy một giờ sau khi đặt đơn thuốc lá điện tử, hàng đã được giao đến bởi shipper. Thuốc lá điện tử được gói kỹ trong các túi đen, vô hình chung, các công ty chuyển phát và nhân viên shipper đã “tiếp tay” cho hành vi vi phạm pháp luật.
Hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điện tử nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Theo luật sư Nguyễn Hồng Vân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định được bên vận chuyển biết rõ hoặc có căn cứ để biết mình đang vận chuyển hàng cấm nhưng vẫn thực hiện thì người vận chuyển sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính giống như người buôn bán và người sử dụng; theo đó, người vận chuyển sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Bên cạnh có, người có hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điện tử còn có thể bị tịch thu phương tiện vận chuyển nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng. Về xử lý trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; phạt tù từ 6 tháng đến tối đa là 10 năm về tội vận chuyển hàng cấm quy định tại điều 191 Bộ luật Hình sự.
Tình trạng thuốc lá điện tử vẫn được quảng cáo và buôn bán công khai, rầm rộ trên mạng xã hội như hiện nay, còn giới trẻ thì vẫn ngày ngày phải tiếp xúc với các thông tin liên quan tới quảng cáo và buôn bán các sản phẩm cấm, có hại cho sức khỏe. Thực trạng này cho thấy vẫn còn những kẽ hở trong công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này.
Mới đây, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có công văn yêu cầu siết chặt kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó, yêu cầu các đơn vị quản lý thị trường chú trọng kiểm soát việc mua bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên môi trường mạng Internet. Tuy nhiên vẫn cần hơn nữa các biện pháp mạnh tay để có thể chặn được tình trạng mua bán trái phép thuốc lá điện tử.