Đăng nhập

Hà Tĩnh: Phá đường dây mua bán hơn 1 tấn pháo nổ qua mạng

Công an huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vừa phối hợp lực lượng chức năng phá đường dây mua bán pháo nổ qua mạng, thu giữ hơn 400kg pháo.

Sáng 24/12, thông tin từ Công an huyện Vũ Quang, đơn vị vừa phối hợp Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, phát hiện và triệt phá một đường dây mua bán pháo nổ liên tỉnh qua mạng Internet với quy mô lớn.

Công an bắt giữ Huỳnh Tấn Tài cùng tang vật.

Trước đó, thông qua tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, ngày 10/12, anh L.T.Q. (trú tại xã Đức Giang, huyện Vũ Quang) đã giao nộp 6 hộp pháo hoa nổ, loại 49 quả, tổng khối lượng 9kg.

Qua khai thác, anh Q. thừa nhận mua pháo hoa nổ từ tài khoản Telegram "Pro Poker".

Quá trình điều tra, ngày 16/12, lực lượng chức năng bắt giữ Phạm Viết Nhật (SN 1989, trú tại thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và Huỳnh Tấn Tài (SN 2000, trú tại xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước). Thu giữ tang vật hơn 400kg pháo hoa nổ.

Tài và Nhật tại cơ quan điều tra.

Qua đấu tranh, Tài và Nhật khai nhận, từ tháng 9/2024, những người này đã nhập pháo từ nhiều nguồn có xuất xứ từ Thái Lan về tiêu thụ qua mạng xã hội.

Nhóm người này đã sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh để gửi hàng cho khách, với hơn 200 giao dịch đã thực hiện, tổng khối lượng pháo buôn bán lên đến hơn 1 tấn.

Vụ việc tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Hải quan TP Hồ Chí Minh: Xác minh làm rõ gần 30 kiện hàng có nghi vấn

Gần 30 kiện hàng là tài liệu gửi qua đường chuyển phát nhanh, trong đó có những kiện nghi vấn có chứa kim cương đang được Cục Hải quan TPHCM xác minh, làm rõ.

Theo Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TPHCM), năm 2024, đơn vị đã tăng cường triển khai kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hoá gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh khai báo trị giá thấp, chống buôn lậu đối với mặt hàng có trị giá cao và đã phát hiện nhiều kiện hàng có nghi vấn chứa hàng lậu.

Tính đến cuối tháng 11/2024, có gần 30 kiện hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh là chứng từ, tài liệu, nhưng chủ hàng chưa đến nhận.

Tài liệu là GIA Report gửi qua đường chuyển phát nhanh nghi vấn chứa kim cương.

Qua kiểm tra bước đầu qua máy soi hàng hóa đối với những kiện hàng là tài liệu, chứng từ không có giá trị thương mại, nhập khẩu, theo Thông tư 56/2019/TT-BTC ngày 23/8/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 191/2015/TT- BTC ngày 24/11/2015 quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, cơ quan Hải quan phát hiện một số kiện hàng nghi vấn chứa kim cương, đá quý đi lèm tài liệu.

Cụ thể, kiểm tra qua máy soi 3 kiện hàng khai báo là tài liệu (tạp chí gửi từ Hồng Kông về Việt Nam cho người nhận cư ngụ tại quận 1, TPHCM, phát hiện hàng có nghi vấn cất giấu kim cương.

Để làm rõ nghi vấn, cơ quan Hải quan gửi giấy mời 3 lần đến người nhận hàng yêu cầu phối hợp kiểm tra thực tế lô hàng, nhưng người nhận hàng không đến làm việc.

Qua công tác soi chiếu, cơ quan Hải quan phát hiện thêm 2 kiện hàng nhập khẩu là GIA Report/IGI Report (Giấy chứng nhận, báo cáo kim cương) gửi từ Hồng Kông cho 2 người nhận đều cư ngụ tại TPHCM, cũng có nghi vấn chứa kim cương. Tuy nhiên, chủ hàng cũng không đến làm việc theo thư mời của cơ quan Hải quan.

Ngoài các lô hàng trên, quá trình soi chiếu đối với tài liệu nhập khẩu trong khoảng thời gian từ 17/4/2024 đến 3/5/2024, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh phát hiện 23 gói/kiện hàng là Giấy chứng nhận, báo cáo kim cương.Trọng lượng mỗi kiện đa phần 0,3kg tới 0,5kg, đặc biệt có 1 kiện 7kg.

Người gửi gồm cá nhân/tổ chức, người nhận là cá nhân và nhiều kiện có chung người gửi - người nhận. Số lượng Giấy chứng nhận, báo cáo kim cương đã kiểm đếm (có sự chứng kiến của người nhận hàng là 2 cá nhân) tới thời điểm này là 479 Giấy chứng nhận kim cương gồm nhiều chủng loại; chứng nhận cho kim cương tự nhiên, kim cương nhân tạo; loại trên 1 carat và dưới 1 carat.

Qua kiểm tra thông tin trên Website tại địa chỉ người nhận của 21 Bill là cá nhân nhận Giấy chứng nhận, báo cáo kim cương, cơ quan Hải quan phát hiện có 6 bill thể hiện là cửa hàng bán trang sức kim cương.

Từ những dấu hiệu trên, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh đã trao đổi, phối hợp với các phòng chức năng của Cục Hải quan TPHCM và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM làm rõ cơ sở pháp lý để nhập khẩu Giấy chứng nhận, báo cáo kim cương; điều tra các lô hàng cất giấu kim cương.

Yên Bái: Thu giữ 96.000 kg khoáng sản Đá cảnh Suối Giàng - Metalcacbonas 

Ngày 04 tháng 11 năm 2024, Đội quản lý thị trường số 1 phối hợp cùng Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 2, Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Yên Bái tiến hành kiểm tra xe ô tô tải chở hàng biển kiểm soát 26C-130.47 do ông Cầm Văn V, địa chỉ: xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La điều khiển vận chuyển khoáng sản Đá cảnh Suối Giàng - Metalcacbonas từ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn đi tiêu thụ.

Kết quả kiểm tra phát hiện trên thùng xe vận chuyển số hàng hóa là khoáng sản gồm 04 phiến đá Đá cảnh Suối Giàng - Metalcacbonas dạng thô, kích thước không đồng nhất trọng lượng 96.000 kg. Toàn bộ hàng hóa khoáng sản Đá cảnh Suối Giàng - Metalcacbonas trên tại thời điểm kiểm tra ông Cầm Văn V - lái xe không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Qua xác minh, làm việc xác định số hàng hóa khoáng sản trên là của ông Cầm Văn V lái xe. Ông V mua trôi nổi trên địa bàn xã Suối Giàng và đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Đội quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Cầm Văn V - lái xe kiêm chủ hàng về 02 hành vi vi phạm: Mua khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và Vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. 

Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 17 triệu đồng đối với 02 hành vi vi phạm trên của ông Cầm Văn V theo quy định tại khoản 6 điều 17 nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu toàn bộ số hàng hóa khoáng sản vi phạm là 02 phiến đá Đá cảnh Suối Giàng Metalcacbonat dạng thô, kích thước không đồng nhất trọng lượng 96.000 kg (trị giá 24.000.000 đồng) theo quy định tại điểm a khoản 13 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ./.

Quảng Trị: Bắt nam thanh niên vận chuyển 170 kg pháo nổ trên Quốc lộ 9

Ngày 3/10/2024, thông tin từ Công an huyện Đakrông cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ một đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép khối lượng lớn pháo hoa nổ trên Quốc lộ 9.

Cụ thể, vào khoảng 19 giờ 50 phút ngày 1/10, tại km 42 + 939 Quốc lộ 9, đoạn qua thôn Khe Ngài, xã Đakrông, Tổ công tác Công an huyện Đakrông phát hiện một ô tô con mang biển kiểm soát 74A-231.59 di chuyển theo hướng từ thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) về TP. Đông Hà có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng xe.

Đối tượng Phan Văn Phúc Minh cùng tang vật.

Qua kiểm tra, phát hiện trên ô tô có 236 hộp pháo hoa nổ với trọng lượng khoảng 170 kg. Xác minh ban đầu, người điều khiển phương tiện là P.V.P. M. (sinh năm 2004), trú tại phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Tại cơ quan công an, M. thừa nhận số hàng trên nhận vận chuyển từ huyện Hướng Hoá về huyện Cam Lộ để lấy tiền công. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đakrông đã ra quyết định tạm giữ người và toàn bộ tang vật để điều tra, làm rõ theo quy định.

Tiền Giang: Phát hiện 02 cơ sở kinh doanh điện thoại di động nhập lậu có giá trị gần 100 triệu đồng

Ngày 28/6, Thông tin từ Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang cho biết vừa phát hiện và ngăn chặn thành công lô iPhone nhập lậu trị giá gần 100 triệu đồng trên nền tảng thương mại điện tử.

Vụ việc được thực hiện bởi Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang qua công tác theo dõi các trang mạng xã hội. Qua đó, Đội QLTT phát hiện 2 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh hàng nhập lậu tại huyện Cái Bè và Cai Lậy.

Cụ thể, ngày 19/6/2024, Đội QLTT số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 2 cơ sở kinh doanh trên. Kết quả kiểm tra cho thấy, cả 2 cơ sở đang kinh doanh 13 chiếc điện thoại iPhone đã qua sử dụng với tổng giá trị gần 100 triệu đồng, tất cả đều là hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng nhập lậu. Do giá trị vụ việc vượt quá thẩm quyền xử phạt, Đội QLTT số 6 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cục QLTT và UBND tỉnh Tiền Giang để xử lý theo quy định.

Xử phạt Công ty TNHH Dược phẩm Tú Uyên bán thuốc vi phạm chất lượng

Công ty TNHH Dược phẩm Tú Uyên đã bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt vi phạm hành chính vì đã mua, bán thuốc vi phạm chất lượng đối với thuốc Duo Hexin Tab.

Ngày 31/5, Thanh tra Bộ Y tế vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dược phẩm Tú Uyên, địa chỉ trụ sở chính: Số 182-182 A Lê Thị Bạch Cát, phường 11, quận 11, TP. Hồ Chí Minh số tiền 30 triệu đồng.

Văn bản của Thanh tra Bộ Y tế về việc xử phạt vi phạm hành chính

Thanh tra Bộ Y tế cho biết, Công ty TNHH Dược phẩm Tú Uyên đã mua, bán thuốc vi phạm chất lượng ở mức độ 2 theo quy định của pháp luật đối với thuốc Duo Hexin Tab (Bromhexin Hydrochlorid 8 mg); Số GĐKLH: VN-22615-20; số lô: BHX003; Ngày sản xuất: 08/6/2020; Hạn dùng : 07/6/2023, Cơ sở sản xuất thuốc Công ty Fu yuan Chemical &Pharmaceutical Co., Ltd.

Hành vi này quy định tại: Điểm c Khoản 2 Điều 58 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: "Mua, bán thuốc vi phạm chất lượng ở mức độ 2 theo quy định của pháp luật.

Trước đó liên quan đến thuốc này, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc thu hồi thuốc Duo Hexin Tab (Bromhexinhydrochlorid 8mg) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cụ thể, Cục Quản lý dược thông báo thu hồi toàn quốc thuốc viên nén Duo Hexin Tab (Bromhexinhydrochlorid 8mg), có số giấy đăng ký lưu hành: VN-22615-20, số lô: BHX003, NSX: 08/6/2020, 07/6/2023.

Cục Quản lý dược cho biết theo kết quả kiểm nghiệm, lô thuốc viên nén Duo Hexin Tab nêu trên không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan, được xác định là vi phạm mức độ 2.

Phát hiện và bắt giữ tàu vận chuyển 90.000 lít dầu DO trái phép

Vừa qua Hải đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cùng với tổ công tác của Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ tàu vận chuyển 90.000 lít dầu DO trái phép.

Trước đó vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 15/5, tại vùng biển cách Đông Nam Côn Đảo khoảng 120 hải lý, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tàu BT- 99900-TS do ông Võ Văn Tiếng, sinh năm 1970, trú quán Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng.

Lực lượng Hải quan- Cảnh sát biển kiểm tra hàng hóa trên tàu số hiệu BT-99900-TS.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên và đang vận chuyển khoảng 90.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Chiều ngày 17/5/2024, lực lượng chức năng đã dẫn giải tàu có số hiệu BT-99900-TS về cảng Hải đội 301 tại thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Xử phạt 01 doanh nghiệp trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu ở Kiên Giang

Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang vừa hoàn tất hồ sơ và trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 01 doanh nghiệp trưng bày và bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền lên đến 140 triệu đồng.

Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với doanh nghiệp tư nhân có trụ sở kinh doanh tại thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, vào ngày 17/4/2024. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp này đang trưng bày và bán trang sức giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như CHANEL, LOUIS VUITTON, GUCCI mà không có hóa đơn, chứng từ liên quan.

Sau quá trình xác minh và làm việc với đại diện doanh nghiệp, Đội QLTT số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này về hành vi "trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu". Tổng giá trị của hàng hóa vi phạm là 86,538 triệu đồng. Hồ sơ vụ việc đã được hoàn tất và chuyển về Cục, trình Chủ tịch UBND tỉnh để xử phạt với số tiền 140 triệu đồng.

Đội QLTT số 5 kiểm tra hàng hóa tại doanh nghiệp

Tính đến thời điểm này, Đội QLTT số 5 cùng các Đội QLTT trực thuộc Cục đã tiến hành kiểm tra và xử lý 16 vụ vi phạm liên quan đến trang sức giả mạo các nhãn hiệu nêu trên, với tổng số tiền xử phạt lên đến 1,525 tỷ đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc tiêu hủy tang vật vi phạm có giá trị lên đến 1,145 tỷ đồng.

Bắc Giang: Phát hiện doanh nghiệp ở Yên Dũng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Ngày 16/4, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra đột xuất Công ty TNHH một thành viên Thương Nhung, tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) và phát hiện một số vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thương Nhung (do ông Nguyễn Văn Thương làm đại diện theo pháp luật) đang sản xuất, chế biến một số mặt hàng đóng gói sẵn từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các sản phẩm thành phẩm gồm: 56 gói bột nếp loại 400 g/gói; 181 gói bột béo loại 150 g/gói và 1 kg/gói; 239 gói bột chiên xù loại 100 g/gói. Tổng giá trị theo niêm yết gần 9,5 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH một thành viên Thương Nhung.

Đoàn kiểm tra còn phát hiện doanh nghiệp sản xuất 30 gói đường kính trắng loại 1 kg/gói (từ nguyên liệu rõ nguồn gốc xuất xứ) và các sản phẩm bột nếp, bột béo, bột chiên xù nêu trên thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Thương Nhung đã vi phạm các quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản, đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.