Đăng nhập

Kiên Giang: Phát hiện 500kg tôm nguyên liệu các loại có chứa tạp chất agar

Tối ngày 27/9/2024, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang tiến hành khám đồ vật, phát hiện 500kg tôm nguyên liệu các loại có chứa tạp chất agar.

Ngày 27/9/2024, qua tiếp nhận thông tin phản ánh, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang triển khai các biện pháp nghiệp vụ và tiến hành khám đồ vật tại khu vực tuyến tránh, phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, phát hiện 500kg tôm nguyên liệu các loại, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Tại thời điểm khám, chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của tang vật, Đội QLTT số 2 phối hợp với Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tỉnh Kiên Giang xác định tạp chất chứa trong lô tôm là agar. Hiện tang vật đã được Đội QLTT số 2 tạm giữ và tiếp tục xác minh, làm rõ.

Tang vật được Đội QLTT số 2 tạm giữ, phối hợp cơ quan chức năng xac định và loại bỏ tạp chất  

 

Trong thời gian tới, Đội QLTT số 2 tiếp tục chủ động thu thập thông tin đối với các cơ sở thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến tôm trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm về tạp chất; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra trên khâu lưu thông, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản có dấu hiệu vi phạm về tạp chất, ngăn chặn xử lý vi phạm đúng theo quy định pháp luật. 

Kiên Giang: Tạm giữ lô dao do Thái Lan sản xuất, ước tính trị giá trên 90 triệu đồng.

Ngày 18/9/2024, Đội số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, đã  phát hiện lô tang vật là dao, xuất xứ Thái Lan, có giá trị trên 90 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 14/9/2024, nhận được nguồn tin báo có hàng hóa nhập lậu đang được tập kết tại khu vực ấp Ngã Tư, xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên, Đội QLTT số 3 đã nhanh chóng triển khai phân công công chức thẩm tra xác minh và xây dựng phương án khám. 

Đội QLTT số 3 tạm giữ hàng hóa 

Trong đêm cùng ngày, Đội QLTT số 3 đã tiến hành khám đồ vật theo thủ tục hành chính tại địa điểm đã thẩm tra xác minh có cất giấu tang vật vi phạm, phát hiện tang vật là 1.960 cây dao, nhãn hiệu Kiwi, xuất xứ Thái Lan, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh hàng hóa nhập khẩu hợp pháp.

Tang vật là dao, nhãn hiệu Kiwi, xuất xứ Thái Lan

Tang vật nêu trên cũng chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Qua kiểm đếm tang vật, ước tính tổng trị giá lô hàng trên 90 triệu đồng. 

Đội QLTT số 3 tạm giữ lô hàng trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ.

Quảng Trị: Bắt vụ vận chuyển pháo trái phép lớn tại khu vực biên giới

Sáng 31-8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết vừa phối hợp với các đơn vị có liên quan bắt giữ vụ vận chuyển 220kg pháo trái phép.

Cụ thể, vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 30-8, tại khu vực đường bê tông liên thôn thuộc thôn Long An, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Đồn Biên phòng Thuận phối hợp với Đội Trinh sát Đặc nhiệm, Đội Đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị), Công an xã Tân Long và Công an huyện Hướng Hóa (Công an tỉnh Quảng Trị) phát hiện một đối tượng điều khiển xe mô tô có biển kiểm soát 74B1- 160.31 chở 3 túi nilon màu đen có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.

Đối tượng Nguyễn Văn Huy bị bắt giữ khi đang vận chuyển pháo hoa nổ. 

Tại đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện bên trong túi nilon có 49 hộp giấy, tổng trọng lượng hơn 70kg.

Kiểm tra xung quanh hiện trường, các lực lượng chức năng phát hiện thêm 92 hộp pháo hoa nổ có tổng trọng lượng hơn 150kg, chưa xác định được chủ sở hữu.

Tại cơ quan chức năng, đối tượng bị bắt giữ khai nhận tên là Nguyễn Văn Huy (sinh năm 2001), trú tại thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; 49 hộp giấy trên là pháo hoa nổ được đối tượng nhận vận chuyển cho 1 người khác. 

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Bộ Y tế: Thu hồi toàn quốc thuốc Cefaclor 375mg không đảm bảo chất lượng

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ra thông báo thu hồi toàn quốc thuốc vi phạm mức độ 2 đối với viên nén dài bao phim Cefaclor 375mg, do Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm và sinh học y tế sản xuất.

Cục Quản lý Dược vừa có văn bản thông báo gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thu hồi toàn quốc viên nén dài bao phim Cefaclor 375mg, số Giấy đăng ký lưu hành: VD-14047-11, số lô: 0124, ngày sản xuất 23/1/2024, hạn sử dụng 23/1/2027, do Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm và sinh học y tế, địa chỉ Lô III, 18 đường số 13, Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh sản xuất, vì sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan (vi phạm mức độ 2).

Thu hồi thuốc Cefaclor 375mg không đảm bảo chất lượng

Cục Quản lý Dược yêu cầu Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm và sinh học y tế trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ký công văn phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng viên nén dài bao phim Cefaclor 375mg và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.

Đồng thời, gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ký công văn; hồ sơ thu hồi bao gồm số lượng sản xuất, số lượng phân phối, ngày sản xuất, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 4/5/2018 của Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kiểm tra và giám sát Chi nhánh Công ty CP Dược phẩm và sinh học y tế thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Phú Yên: Tạm giữ trên 20 tấn mỹ phẩm, đồ điện gia dụng không đủ hóa đơn, chứng từ

Ngày 7/8, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Phú Yên) đã hoàn tất biên bản kiểm tra, tạm giữ trên 65.000 đơn vị hàng hóa có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ; đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 27,5 triệu đồng đối với tổ chức sở hữu số hàng hóa trên xe với hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa.

Hàng hóa có dấu hiệu vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời

Trước đó, khoảng 3 giờ sáng 6/8, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tiến hành dừng, kiểm tra ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 19E-002.XX rơ mooc 19R-017.XX lưu hành theo hướng Bắc - Nam do ông Phạm Anh Thưởng (Khu phố 14, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) điều khiển; phát hiện trên xe vận chuyển 105 mục hàng hóa; trong đó có 1.600 chai dầu gội, sữa tắm, kem ủ tóc các loại (nhãn hiệu OTOU, Grapefruit, Nicor, PRETTYSKIN, Pafanni, RAMZER, CSX; 336 máy hút bụi nhãn hiệu Vacuum Cleaner, Car vacuum cleaner, WIRELESS VACUUM CLEANER).

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hàng hóa vi phạm.

Ngoài ra, trên xe còn có 19.200 sản phẩm gia dụng như bình giữ nhiệt, chảo chống dính, khăn giấy, thảm, viên giặt, xã quần, áo… (nhãn hiệu Bullet head insulated cup, SHUI ZHI MI, VACUUM BOTTLE, BOUNCE, Nice Hoilday, XINBAKE, RUIFENG, hiệu EMOOJOO, NON-STICKPAN, Sipiao, HATSU, Shuangyu, The Monsters… trên 8.600 đồ điện gia dụng các loại như máy đánh trứng, bàn chải đánh răng điện, đế tản nhiệt máy tính, máy ép trái cây đa năng, máy làm sữa hạt, máy mát xa các loại, nồi cơm điện, nồi lẩu điện đa năng, bếp hồng ngoại, … (nhãn hiệu Sonic Electric Toothbrush, ERGONOMIC LAPTOP STAND, EI BIONIC, SOKANY, Electric Juicer, OSTMARS, Infrared cooker… gần 17.000 đơn vị mỹ phẩm như: son môi, sữa rửa mặt, kem dưỡng mắt, mặt nạ các hiệu ADAD, HIH và nhiều loại hàng hóa khác.

Toàn bộ hàng hóa vận chuyển trên phương tiện không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo

Tại thời điểm kiểm tra phương tiện, hàng hóa, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo, nhãn hàng hóa không đúng theo quy định của pháp luật.

Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ninh Bình: Xử phạt cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Một cơ sở kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng hóa vi phạm là thực phẩm) vừa bị Đội Quản lý thị trường số 2 xử phạt 08 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm.

Ngày 22/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma tuý, Công an thành phố Tam Điệp tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Đào Thị Ngọc Hà có địa chỉ tại Thôn 3, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở đang kinh doanh 151 kg thịt mỡ động vật có trị giá 5.285.000 đồng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Đào Thị Ngọc Hà với số tiền xử phạt 08 triệu đồng.

Ngoài số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính, Hộ kinh doanh Đào Thị Ngọc Hà còn bị buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm.

Đắk Nông: Tiêu hủy 120 kính mắt không rõ nguồn gốc xuất xứ

Ngày 12/7, đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho biết, đội QLTT số 2 của đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở kinh doanh Mắt kính không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Qua công tác kiểm tra đột xuất, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm với hành vi kinh doanh mặt hàng kính mắt không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, các cơ sở này đã bày bán 120 kính mắt các loại, bao gồm: 40 cái mắt kính hiệu Crystall, 20 cái mắt kính hiệu Q.N glasses, 30 cái mắt kính hiệu PRADA và 30 cái mắt kính hiệu BOSS.

Cán bộ QLTT tỉnh Đắk Nông kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ mặt hàng kính

Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho số hàng hóa trên.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt mỗi cơ sở 2 triệu đồng, đồng thời buộc các cơ sở phải tiêu hủy toàn bộ số kính mắt vi phạm.

Tổng giá trị hàng hóa bị tiêu hủy là 9.600.000 đồng.

Ngoài ra, Đội Quản lý thị trường số 2 đã xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện kiểm tra nhiều mặt hàng hóa khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết với các đơn vị kinh doanh, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại trên địa bàn.

Việc xử lý các cơ sở kinh doanh kính mắt không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Thanh Hóa: Tiêu hủy hơn 16.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm, trị giá 377 triệu đồng

Chiều 25/6, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tiến hành tiêu hủy hơn 16.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá 377 triệu đồng.

Lực lượng Quản lý thị trường Thanh Hóa kiểm tra kho hàng vi phạm.

Trước đó, vào ngày 6/6/2024, Đội QLTT số 10, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an TP. Thanh Hóa kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh Hương Lộc, do bà Nguyễn Thị Hương làm chủ, có địa chỉ tại phố 2, phường Quảng Phú, TP. Thanh Hóa. Lực lượng chức năng phát hiện tại đây có hơn 16.000 sản phẩm quần áo các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Phát hiện hơn 16.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đội QLTT số 10 đã lập biên bản vi phạm và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ. Sau khi hoàn tất hồ sơ vụ việc, vào ngày 20/6/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Hương Lộc số tiền 45 triệu đồng vì vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, Cục QLTT cũng yêu cầu hộ kinh doanh này tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Toàn bộ số hàng hóa bị tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.

Chiều 25/6/2024, Đội QLTT số 10 đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm tại khu xử lý rác xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa theo quy định của pháp luật.

Sóc Trăng: Xử phạt công ty TNHH chế biến thực phẩm D.T vi phạm sử dụng website thương mại điện tử bán hàng

Công ty TNHH chế biến thực phẩm D.T bị xử phạt do vi phạm quy định về thương mại điện tử

Ngày 11 tháng 6 năm 2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH chế biến thực phẩm D.T (địa chỉ tại phường 9, thành phố Sóc Trăng) sau khi nhận được nguồn tin về vi phạm trong sử dụng website thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng.

Kiểm tra, làm việc với đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH chế biến thực phẩm D.T vào ngày 11/6/2024

Kết quả kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện Công ty TNHH chế biến thực phẩm D.T đã thực hiện hành vi vi phạm:

Sử dụng website TMĐT để bán hàng nhưng không thông báo website TMĐT bán hàng với Bộ Công thương theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng.

Website của công ty có đầy đủ các chức năng như giỏ hàng, thông tin hàng hóa, giá cả, vận chuyển và chức năng đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, công ty đã vi phạm quy định nghiêm trọng về thông báo website TMĐT với cơ quan quản lý nhà nước.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra và các văn bản quy định pháp luật liên quan, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt Công ty TNHH chế biến thực phẩm D.T với số tiền 10 triệu đồng.

Phú Yên: Tạm giữ hơn 18.000 sản phẩm vi phạm quy định về nhãn hàng hóa

Ngày 29/5, Đội Quản lý Thị trường số 1, Cục Quản lý Thị trường Phú Yên cho biết đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh, tạm giữ hơn 18.000 sản phẩm vi phạm quy định về nhãn hàng hóa trong một đợt kiểm tra xe tải lưu hành theo hướng Bắc - Nam.

Đội Quản lý Thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý Thị trường Phú Yên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh, tiến hành kiểm tra hành chính xe ô tô tải mang biển kiểm soát 34C-284.57. Xe do tài xế N.V.T, trú tại xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, điều khiển. Xe tải này đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam qua địa phận tỉnh Phú Yên.

Tang vật bị tạm giữ tại Đội Quản lý thị trường số 1

Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 168 mục hàng với hơn 18.000 sản phẩm bao gồm lưỡi cắt, kềm, thước cuộn, ổ khóa, búa, cưa cầm tay, mũi khoan, kéo, và bơm hơi bằng tay. Tất cả các sản phẩm này đều vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế N.V.T không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng.

Do vi phạm quy định về nhãn hàng hóa và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa, Đội Quản lý Thị trường số 1 đã quyết định tạm giữ toàn bộ 168 mục hàng vi phạm để tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.