Đăng nhập

Xử lý nghiêm cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu thuốc lá, thuốc lá điện tử

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có công văn gửi Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm đối với thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Trong công văn số 72/TTTN-NV ngày 17 tháng 3 năm 2025 gửi Chi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, lực lượng QLTT cả nước có nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần ổn định thị trường và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Để tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng như việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong thời gian tới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước yêu cầu các Chi cục QLTT, tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, xác định rõ đây là các mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Chủ động phối hợp với lực lượng Công an rà soát, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Đội trưởng Đội QLTT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, xì gà nhập lậu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên địa bàn trực tiếp quản lý nếu để xảy ra vi phạm. Xử lý nghiêm các cán bộ, công chức bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.

Mr Bin: cán bộ thế này thì hỏng rồi
Yến Nhi: người ngoài thì bắt người nhà thì tha
Đinh Tiến Thành: phạt xử lý thật nghiêm khắc

Đề xuất phạt đến 2 triệu đồng nếu chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử

Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trong dự thảo, Bộ Y tế đề xuất phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm. đối tượng vi phạm còn bị tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức của đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của đơn vị đó.

Lực lượng QLTT tạm giữ hàng trăm sản phẩm, tinh dầu thuốc lá điện tử

Đây là một quyết định thể hiện sự kiên quyết của Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh thuốc lá điện tử đang ngày càng phổ biến, nhất là trong giới trẻ.

Mặc dù được quảng cáo là giải pháp thay thế ít hại hơn so với thuốc lá truyền thống, nhưng các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không phải là một lựa chọn an toàn. Hít phải hơi thuốc từ những sản phẩm này có thể gây tổn hại cho hệ hô hấp, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư phổi và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đặc biệt, các chất hóa học có trong dung dịch thuốc lá điện tử, như nicotine và các hợp chất độc hại khác, có thể gây nghiện và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã mạnh tay trong việc đề xuất các mức phạt nặng đối với hành vi chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mức phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng, và đặc biệt là mức phạt gấp đôi nếu tái phạm, thể hiện sự nghiêm túc trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đáng chú ý, các sản phẩm thuốc lá điện tử sẽ bị tịch thu và tiêu hủy, đồng thời cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo xử phạt tới cơ quan, tổ chức của đối tượng vi phạm, yêu cầu xử lý theo quy định nội bộ của đơn vị đó.

Chính sách này không chỉ tạo ra sự răn đe mạnh mẽ đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá điện tử. Việc tịch thu và tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng sẽ ngăn chặn sự lưu hành của các sản phẩm này trên thị trường, bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như học sinh, sinh viên.

Việc cấm thuốc lá điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, không chỉ là một giải pháp y tế mà còn là một hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe và tương lai của toàn xã hội.

Phát hiện hơn 3.000 mỹ phẩm nhập lậu từ Trung Quốc tại Đà Nẵng

Ngày 6/1/2025, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho biết, vừa phát hiện một hộ kinh doanh chứa gần 3.300 đơn vị mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu.

Trong cuộc kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh M.P.T.T trên địa bàn quận Thanh Khê, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Đà Nẵng đã phát hiện 3.292 sản phẩm là mỹ phẩm các loại do Trung Quốc sản xuất gồm chai xịt tóc, dầu gội, mặt nạ dưỡng da.

Đội QLTT Số 3 tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh M.P.T.T.

Toàn bộ hàng hóa trên được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, với tổng giá trị 39 triệu đồng.

Lực lượng chức năng còn phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán nước hoa gắn thương hiệu Gucci, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đội QLTT Số 3 phát hiệu hàng nhập lậu tại cơ sở kinh doanh của hộ M.P.T.T.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hộ này có hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.

Đội QLTT số 3 đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định, đồng thời hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh nêu trên theo quy định pháp luật.

Bình Dương: Phát hiện nhiều trường hợp vi phạm quy định trong vận chuyển gia súc, gia cầm

Ngày 6/12/2024, sau hơn 5 giờ ra quân, lực lượng chức năng huyện Phú Giáo kiểm tra nhiều phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm lưu thông trên đường ĐT741, đoạn qua địa bàn huyện. Qua đó, đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 3 trường hợp vận chuyển gia cầm sai quy định. 

Theo đó, các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm với các lỗi vi phạm gồm: người vận chuyển gia súc gia cầm không lập sổ sách ghi chép, không lưu giữ thông tin truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

Lực lượng chức năng huyện Phú Giáo kiểm tra một phương tiện vận chuyển động vật trên đường ĐT741 qua địa bàn xã Vĩnh Hòa

Từ đầu năm đến nay, qua việc kiểm tra, cán bộ chức năng huyện Phú Giáo đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm tương tự. Nhằm đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm người tiêu dùng, thời gian tới địa phương tiếp tục ra quân kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm  qua địa bàn huyện. 

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. 

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện, bắt giữ 1 phương tiện vận chuyển trái phép khoảng 75.000 lít dầu DO trên biển

Theo tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật,  vừa phát hiện, bắt giữ 1 phương tiện vận chuyển khoảng 75.000 lít dầu DO trên biển, không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Tàu KG-91054-TS vận chuyển khoảng 75.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

Lúc 12 giờ 05 ngày 18/11/2024, tại khu vực biển cách Nam Thổ Chu khoảng 18 hải lý,  Cục Nghiệp vụ và Pháp luật phát hiện, kiểm tra tàu KG-91054-TS. Tại thời điểm kiểm tra,  trên tàu có 04 thuyền viên do ông Nguyễn Văn Thạnh (sinh năm 1975, trú tại Vĩnh Hiệp, Rạch Giá, Kiên Giang) làm thuyền trưởng, tàu vận chuyển khoảng 75.000 lít dầu DO (theo lời khai) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hàng hóa.

Hiện vụ việc đã tiến hành lập biên bản ban đầu và dẫn giải phương tiện về cảng Hải đoàn 42 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc.

Thái Nguyên: Giám sát buộc tiêu hủy hàng chục bình khí N2O (khí cười) theo quy định.

Ngày 27/9/2024, Đội đã phối hợp với Công an thành phố, phòng Kinh tế thành phố và Trung tâm y tế thành phố Phổ Yên thực hiện việc giám sát buộc tiêu hủy 29 bình khí N2O (khí cười) tại Công ty Cổ phần Môi trường Thái Nguyên. 

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần bảo vệ sức khoẻ và lợi ích của nhân dân trên địa bàn, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của chính quyền các cấp, Đội QLTT số 4 đã tập trung nguồn lực, bám sát tình hình thị trường, thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xử lý kịp thời đối với các hành vi kinh doanh khí N2O không đúng quy định, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm hạn chế tác hại do khí cười gây ra, đặc biệt là trong giới trẻ.

Kết quả, Đội QLTT số 4 đã xử phạt 02 vụ việc, thu phạt nộp ngân sách nhà nước số tiền 92,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy 29 bình khí N20 có tổng trị giá gần 12 triệu đồng theo quy định.

Thừa Thiên Huế: Kinh doanh hàng lậu, một tài xế xe đầu kéo bị phạt 90 triệu đồng

Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa xử phạt 90 triệu đồng đối với một tài xế vận chuyển gần 45 loại thực phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc.

Sáng 18/9, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Xuân Hậu (SN 1997, trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) với số tiền 90 triệu đồng. Lý do là ông Hậu đã có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Cụ thể, vào ngày 12/8/2024, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô đầu kéo mang BKS 34H-037.89 kéo rơ moóc BKS 34R-034.31 do ông Hậu điều khiển có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện trên xe chở tổng cộng 44 loại thực phẩm khác nhau, chủ yếu là các loại hạt ngũ cốc sấy khô, thanh cua, đồ ăn, kẹo, bánh và xúc xích.

Toàn bộ số hàng hóa trên có tổng giá trị hơn 410 triệu đồng nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo nên Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ số hàng hóa nhập lậu để xử lý.

Gia Lai: Xử phạt hộ kinh doanh bán bánh Trung thu không rõ nguồn gốc và thuốc lá điếu nhập lậu

Ngày 30/8/2024, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một hộ kinh doanh vì kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu và kinh doanh bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, ngày 27-8, Đội Quản lý thị trường số 3 đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Quang Thu (xã Ia Ga, huyện Chư Prông). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện hộ kinh doanh này đang bày bán 200 sản phẩm bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ và 210 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra tại hộ kinh doanh Quang Thu (xã Ia Ga, huyện Chư Prông)

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm đề xuất Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11,5 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Quang Thu theo quy định.

Gia Lai: Bán hàng giả mạo nhãn hiệu, 1 doanh nghiệp vàng bị phạt 20 triệu đồng

Ngày 7/8/2024, Cục trưởng Cục quản lý thị trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này 20 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật hàng hóa vi phạm (trị giá 7,2 triệu đồng).

Qua công tác theo dõi địa bàn, ngày 23-7 Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường Gia Lai tiến hành kiểm tra đột xuất và lập biên bản Doanh nghiệp tư nhân Anh Mẫn (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đang buôn bán 2 cái nhẫn trang sức 9K (bằng kim loại màu vàng) được đúc nhãn hiệu hình của CHANEL trực tiếp trên sản phẩm không thể bóc tách tháo rời khỏi sản phẩm, trùng hoàn toàn với nhãn hiệu hình của CHANEL đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Đoàn kiểm tra làm việc tại doanh nghiệp.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, tạm giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.

Hình ảnh hàng hóa vi phạm. 

Sau khi phối hợp với đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu để xác minh, làm rõ vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 5 đã chuyển cho Cục trưởng Cục quản lý thị trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp này 20 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật hàng hóa vi phạm (trị giá 7,2 triệu đồng).

Tiền Giang: Xử phạt cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi vi phạm nghiêm trọng

Một cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vừa bị xử phạt gần 35 triệu đồng do vi phạm nhiều quy định về nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm.

Qua quá trình kiểm tra, Đoàn liên ngành 389/TG đã phát hiện cơ sở này thực hiện 6 hành vi vi phạm nghiêm trọng, bao gồm: ghi nhãn thuốc thú y không đúng quy định, kinh doanh sản phẩm chưa được công bố, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, và buôn bán hàng giả.

Cụ thể, cơ sở này đã mua bán 2 sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, một số sản phẩm khác còn có hàm lượng chất dinh dưỡng không đúng quy định, thậm chí có sản phẩm còn bị đánh giá là hàng giả.

Trước những vi phạm này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã quyết định xử phạt cơ sở kinh doanh trên số tiền gần 35 triệu đồng. Đây là một hình thức xử lý nghiêm minh nhằm răn đe và góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.