Thu giữ gần 1 tấn chân giò lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc tại Lạng Sơn
Ngày 28/6/2025, theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 6 (Đội Cơ động), Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn vừa phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ gần 1 tấn chân giò lợn đông lạnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Cụ thể, ngày 27/6, Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 18C-075.77 đang di chuyển tại khu vực đường Lê Lợi, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra.
Lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra hàng hóa vi phạm
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang chở hơn 50 bao tải dứa, bên trong là mặt hàng chân giò lợn đông lạnh, có tổng trọng lượng lên đến gần 1 tấn. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã chuyển màu thâm đen và có hiện tượng chảy nước.
Làm việc với lực lượng chức năng, lái xe là ông C.V.S (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) khai nhận chở thuê số hàng trên về thành phố Lạng Sơn để tìm mối tiêu thụ, đồng thời không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Quảng Bình: Phát hiện hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Ngày 10/6, Sở Y tế Quảng Bình cho biết, vừa phát hiện, tạm giữ hàng trăm sản phẩm là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở Y tế Quảng Bình kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm tại một số hộ kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn.
Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Tuấn Lài.
Kiểm tra tại hộ kinh doanh Tuấn Lài (phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới), lực lượng chức năng phát hiện 11 loại mỹ phẩm gồm 382 sản phẩm sản xuất tại nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ hay bất kỳ loại giấy tờ gì kèm theo để chứng minh tính hợp pháp. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết tại cửa hàng là hơn 18 triệu đồng.
Lực lượng chức năng niêm phong, tạm giữ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh mỹ phẩm Tuấn Lài về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Cùng với đó, tiến hành niêm phong, tạm giữ tang vật để ngăn chặn hành vi vi phạm, tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Nghệ An: Phát hiện gần 200 hộp sữa bột nhập lậu
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện và tạm giữ gần 200 hộp sữa bột nhập lậu dành cho trẻ em trong một đợt kiểm tra đột xuất tại huyện Diễn Châu.
Ngày 30/5, thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 – Chi Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh do ông Nguyễn Văn Bốn làm chủ (có địa chỉ tại khối Nam, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu).
Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở, phát hiện 186 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em nhập lậu.
Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở này đang bày bán 186 sản phẩm sữa bột trẻ em có bao bì ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hướng dẫn sử dụng, bảo quản hoặc thông tin cảnh báo bằng tiếng Việt theo quy định. Ước tính tổng giá trị lô hàng vi phạm lên tới gần 24,5 triệu đồng.
Ngoài ra, các sản phẩm này cũng không có số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên nhãn hàng hóa. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc số hàng nói trên.
Trước những dấu hiệu vi phạm này, Đội QLTT số 1 đã lập biên bản, tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.
Bộ Y tế: Thu hồi công bố 18 sản phẩm bảo vệ sức khỏe của Abbott Healthcare Việt Nam
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với 18 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam công bố.
Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam trước đây có tên là Công ty TNHH Dược phẩm Glomed, có địa chỉ tại 35 Đại lộ Tự Do, KCN Việt Nam Singapore, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Danh sách sản phẩm bị thu hồi hiệu lực.
Trong 18 sản phẩm bị thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố, có thực phẩm bảo vệ sức khỏe Surbrex Brain Boost 60 mg và 80 (viên bổ não), thực phẩm bảo vệ sức khỏe Surbrex Natural Liver Boost (hỗ trợ thanh nhiệt, giải độc gan); Surbex Natural Men Vitality (hỗ trợ bổ huyết, giảm nguy cơ tóc bạc sớm); Surbex Natural Men (hỗ trợ sinh lý nam giới), sản phẩm Surbex Women (hỗ trợ giúp tăng tính đàn hồi, giảm lão hóa da)...
Hình ảnh nội dung quảng cáo về sản phẩm Subrex® Natural liver boost được Cục An toàn thực phẩm phê duyệt.
Trước đó, Công ty TNHH Abbott Healthcare Việt Nam đã có văn bản về việc xin rút hồ sơ liên quan tới sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu phía công ty cùng Phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm và các phòng ban liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.
Hà Nôi: Thu giữ hơn 14.000 đôi tất giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng được sản xuất tại La Phù
Ngày 17/4/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT thành phố Hà Nội cho biết, vừa tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất hàng dệt kim thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Phan Lý, tại Xóm Độc Lập, xã La Phù, huyện Hoài Đức, phát hiện, tạm giữ hàng chục nghìn đôi tất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.
Dây chuyền sản xuất tất nhãn hiệu nổi tiếng thế giới tại cơ sở thuộc La Phù, Hoài Đức, Hà Nội
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện số lượng lớn sản phẩm dệt kim có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Tommy Hilfiger, Asics, Yonex, NY và LA của công ty MLB. Tổng số tang vật gồm hơn 14.000 đôi tất và 6.500 tem nhãn giấy các thương hiệu nói trên, đang được tập kết tại kho chứa để chuẩn bị tiêu thụ ra thị trường.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm đếm hàng hóa vi phạm
Đội QLTT số 14 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, tiếp tục xác minh làm rõ và sẽ kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Số lượng lớn hàng hóa vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện
Việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo là nỗ lực thường xuyên của lực lượng QLTT nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Trong thời gian tới, Chi cục QLTT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Lạng Sơn: Phát hiện 1.300kg chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên khâu lưu thông
Thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn và đồng chí Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2025 và việc tăng cường quyết liệt tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng nhập thực phẩm, gia cầm giống nhập lậu ngay từ các đường mòn biên giới trên địa bàn huyện.
Ngày 14/3/2025 Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn, Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đội 389 tỉnh) kiểm tra xe ô tô 29A-844.63 loại 8 chỗ ngồi đang dừng đỗ tại thôn Bản Tre, xã Tam Gia huyện Lộc Bình do ông Lành Văn C…, địa chỉ: thôn Bản Thín xã Tú Mịch có dấu hiệu chở hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Qua kiểm tra thực tế, trên xe ô tô có chở 65 bao tải dứa màu xanh bên trong có chứa chân gà đông lạnh, mỗi bao có trọng lượng là 20kg, tổng khối lượng là 1.300 kg, hàng hóa đã biến đổi màu sắc, có hiện tượng chảy nước, có mùi hôi. Tại thời điểm kiểm tra lái xe là ông Lành Văn C… đã không xuất trình được bất cứ giấy giờ, hóa đơn gì liên quan đến hàng hóa.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng lập hồ sơ vụ xử lý vụ việc đồng thời ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa là chân gà đông lạnh và xe ô tô. Ngày 20/3/2025, Đội QLTT số 3 đã tiến hành xác minh làm rõ các tình tiết liên quan, lập Biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lành Văn C…, trình Chi Cục trưởng xử phạt theo quy định của pháp luật.
Hòa Bình: Phát hiện, xử lý 92 vụ vi phạm gian lận thương mại
Trong 2 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong 2 tháng, lực lượng Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng đã tiến hành 185 lượt kiểm tra, phát hiện và xử lý 92 vụ vi phạm, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị hàng hóa tịch thu đạt hơn 3,5 tỷ đồng. Trong đó, số vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu là 38 vụ, gian lận thương mại và vi phạm về giá 27 vụ, còn lại là các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả và vi phạm nhãn hiệu.
Lực lượng Quản lý thị trường và các ngành chức năng kiểm tra hàng hoá tại một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Hoà Bình.
Đáng chú ý, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá thành công một đường dây vận chuyển hàng lậu liên tỉnh, thu giữ hơn 2.000 bao thuốc lá ngoại, 500 chai rượu nhập lậu cùng nhiều mặt hàng tiêu dùng không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 12 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý 5 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền xử phạt hơn 120 triệu đồng.
Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, vận động hơn 200 cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thanh Hóa: Phát hiện hàng trăm phụ tùng xe máy nhập lậu
Ngày 23/1/2025, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa thông tin, Đội Quản lý thị trường số 6 vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng Giang (địa chỉ số 393 Triệu Quốc Đạt, thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn) số tiền 23,5 triệu đồng.
Trước đó, từ kết quả thực hiện biện pháp nghiệp vụ quản lý theo địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng Giang do ông Nguyễn Hoàng Giang là chủ hộ kinh doanh có dấu hiệu vi phạm trong buôn bán hàng hóa.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 6 tiến hành kiểm tra số hàng hóa vi phạm.
Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán hơn 200 sản phẩm phụ tùng xe máy các loại như: Bộ hơi xe máy, bộ lá côn xe máy, còi xe máy, IC xe máy, … có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và hàng nhập lậu, tổng trị giá hàng hoá là 43 triệu đồng.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Hoàng Giang số tiền 23,5 triệu đồng về các hành vi: kinh doanh hàng hóa là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; trưng bày để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hoá hàng hoá nhập lậu.
Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật đối với hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá nhập lậu và buộc tiêu huỷ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu theo quy định.
Khởi tố nam thanh niên mua bán gần 19kg pháo nổ
Ngày 7/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thái về tội buôn bán hàng cấm.
Trước đó, ngày 3/1, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - ma túy, Công an huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) làm nhiệm vụ, đã phát hiện, bắt quả tang Phạm Văn Thái (SN 1994, quê quán tỉnh Hải Dương) đang có hành vi mua bán pháo nổ tại khu vực thị trấn Văn Điển huyện Thanh Trì.
Phạm Văn Thái và tang vật bị thu giữ.
Tang vật thu giữ có tổng khối lượng pháo nổ và pháo hoa là 18,67kg.
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Thái về tội Buôn bán hàng cấm quy định tại điều 190 Bộ luật Hình sự.
Thái Nguyên: Đội QLTT số 4 tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Đội QLTT số 4 tăng cường công kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong dịp Tết Nguyên đán năm Ất Tỵ 2025, phát hiện 11 cơ sở kinh doanh vi phạm, xử phạt thu nộp Ngân sách nhà nước 84 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hoá vi phạm trị giá gần 50 triệu đồng.
Từ ngày 18/12/2024 đến ngày 22/12/2024, Đội QLTT số 4 đã đồng loạt kiểm tra 11 cơ sở kinh doanh trên địa bàn các thành phố Phổ Yên và Sông Công.
Kiểm tra cơ sở kinh doanh tại TP. Phổ Yên
Tại địa bàn thành phố Phổ Yên, đoàn kiểm tra phát hiện 08 cơ sở kinh doanh đang bày bán 70 đôi giầy, dép các loại là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Adidas, Nike đang được bảo hộ tại Việt Nam, có trị giá hàng hoá hơn 33 triệu đồng.
Kiểm tra cơ sở kinh doanh tại TP. Sông Công
Cùng thời điểm, tại địa bàn thành phố Sông Công, đoàn kiểm tra phát hiện 03 cơ sở kinh doanh bày bán 147 đơn vị sản phẩm quần áo và phụ kiện điện thoại giả mạo các nhãn hiệu Nike và Apple có tổng trị giá hơn 20 triệu đồng.
Tang vật vi phạm hành chính bị buộc tiêu hủy theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 4 đã xử phạt vi phạm hành chính 84 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy hàng hoá vi phạm theo quy định.