Đà Nẵng: Tạm dừng cơ sở sản xuất sau phản ánh bún tươi đổi màu bất thường
Tối 8.7, UBND phường Hòa Xuân, TP Đà Nẵng cho biết đã có báo cáo gửi Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố liên quan đến phản ánh bún tươi đổi màu bất thường được mua tại chợ Hòa Châu.
Trước đó, ngày 7.7, bà Võ Thị Loan (trú phường Hòa Xuân) có phản ánh về hiện tượng bún tươi mua tại chợ có dấu hiệu chuyển từ màu trắng sang đỏ.
Theo bà Loan, vào khoảng 9h sáng 6.7, chồng bà mua 15.000 đồng bún tại một quầy trong chợ Hòa Châu mang về dùng bữa trưa. Số bún chưa sử dụng được bà bảo quản trong rổ nhựa, đặt nơi khô thoáng.
Sợi bún tươi mua tại chợ có dấu hiệu chuyển từ màu trắng sang đỏ
Tuy nhiên, đến khoảng 21h tối cùng ngày, bà phát hiện nhiều sợi bún chuyển sang màu đỏ, mềm và hơi ướt. Đến sáng hôm sau (7.7), toàn bộ phần bún còn lại đều đổi màu. Khi thử thả vào nước lọc, bà nhận thấy nước cũng chuyển sang màu đỏ.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND phường Hòa Xuân đã cử tổ công tác đến làm việc với bà Loan và tiến hành xác minh nguồn gốc sản phẩm.
Nước lọc đổi thành màu đỏ khi thả sợi bún vào
Qua xác minh, bà Loan cho biết phần bún nói trên được mua từ hộ kinh doanh bán lẻ do bà N.T.P. (trú cùng phường) làm chủ.
Bà P. cho biết số bún này được lấy từ cơ sở sản xuất của ông Đ.Q.H., có địa chỉ tại phường Hòa Xuân.
Làm việc với ông H., lực lượng chức năng xác định số bún được bà P. bán ra ngày 6.7 đúng là do cơ sở của ông H. cung cấp.
Tiến hành kiểm tra thực tế, tổ công tác ghi nhận cơ sở có đầy đủ một số giấy tờ như Giấy chứng nhận hộ kinh doanh, Giấy khám sức khỏe, tuy nhiên Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực từ ngày 25.1.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu bún đổi màu theo phản ánh của người dân để gửi kiểm nghiệm. Đồng thời, UBND phường Hòa Xuân đã yêu cầu cơ sở sản xuất của ông H. tạm dừng hoạt động cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm và được cơ quan chức năng cho phép hoạt động trở lại
Long An: Phát hiện điểm kinh doanh hàng hiệu nghi giả trị giá gần 800 triệu đồng
Lực lượng chức năng tỉnh Long An phát hiện điểm kinh doanh hàng hiệu nghi giả với trị giá gần 800 triệu đồng khi không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
Ngày 12-6, thông tin Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (Công an tỉnh Long An) cho biết vừa phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra Hộ kinh doanh tại phường 1, TP.Tân An (Long An) do ông NMB (30 tuổi, thường trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm chủ, hoạt động kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội Facebook, chuyên bán các loại túi xách, đồng hồ mang thương hiệu nổi tiếng nước ngoài.
Cơ quan chức năng kiểm tra điểm kinh doanh hàng hiệu nghi giả tại TP Tân An không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Trước đó, ngày 4-6, lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản tạm giữ 260 sản phẩm gồm: 63 túi xách in hiệu Louis Vuitton, 39 túi Gucci, 24 Dior, 46 Hermes, 31 đồng hồ Rolex và 57 đồng hồ Hublot. Toàn bộ số hàng hóa ước tính trị giá khoảng 700 triệu đồng.
Chủ cơ sở kinh doanh hàng hiệu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm này.
Đến ngày 9-6, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra và phát hiện hộ kinh doanh trên có dấu hiệu tái phạm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tạm giữ thêm 88 sản phẩm gồm: 30 ví Louis Vuitton, 25 ví và 25 nón hiệu Gucci, sáu nón Hermes và hai nón Louis Vuitton. Lô hàng này có tổng trị giá khoảng 100 triệu đồng và cũng không có chứng từ hợp pháp kèm theo.
Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường tiếp tục xác minh, thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu
Ngày 14/5/2025 Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm Buôn bán hàng hóa (mỹ phẩm) giả mạo nhãn hiệu, Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) nhập lậu, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 47 triệu đồng.
Trước đó, ngày 07/5/2025 Đội Quản lý thị trường số 5 (Cơ động) – Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) và Đội quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua kiểm tra thực tế đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh hàng hóa vi phạm gồm 300 chai Dầu gội đầu nhãn hiệu TRESEMME loại 370ml, 450ml do nước ngoài sản xuất (Made in THAILAND), không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, là hàng giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam và hơn 400 chai dầu gội đầu các nhãn hiệu SUNSILK, PANTENE, CLEAR, DOVE loại 370ml, 380ml, 400ml, 410ml và 22 chai Lăn khử mùi nhãn hiệu Scion Brightening loại 75 ml toàn bộ do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc là hàng hóa nhập lậu.
Đội QLTT số 5 đã tạm giữ hàng hóa và hoàn thiện hồ sơ vụ việc trình Chi cục trưởng xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình Phước: Triệt phá đường dây lợi dụng shipper để giao ma túy
Ngày 22-4, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã triệt xóa thành công đường dây ma tuý liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện đường dây hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM…, với nhiều thủ đoạn, quy luật hoạt động rất tinh vi và liều lĩnh.
Sau thời gian theo dõi, lực lượng công an đã bắt giữ được nhiều người trong đường dây mua bán ma túy này.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 người, tạm giữ hình sự 6 người để tiếp tục điều tra làm rõ.
Tang vật ma túy công an thu giữ trong quá trình điều tra -
Công an thu giữ khoảng 55 kg ma tuý các loại, 1 khẩu súng ngắn và nhiều tang vật có liên quan...
Công an tỉnh Bình Phước cho biết nhóm buôn ma túy vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, lợi dụng không gian mạng và các ứng dụng giao hàng nhanh (xe ôm công nghệ) để giao ma túy.
Khi có người cần mua ma túy số lượng từ 1 kg trở lên thì chúng sẽ sử dụng mạng xã hội để liên lạc chỉ đạo giao hàng qua shipper.
Được biết, chuyên án có sự phối hợp của Công an tỉnh Bình Phước; Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an); Công an TP.HCM; Công an tỉnh Bình Dương.
Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp thu giữ 40 bánh Heroin, 19 kg ma túy tổng hợp và 30 nghìn lít dầu DO
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển. Từ ngày 24/3 đến ngày 25/3/2025, lực lượng Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh thành công 01 chuyên án ma túy, 01 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tang vật thu giữ 40 bánh Hêrôin, 19 kg ma túy tổng hợp, 30.000 lít dầu DO, 10.000 bao thuốc lá và nhiều tang vật có liên quan.
Thực hiện Kế hoạch đấu tranh Chuyên án A1124.1p, ngày 24/3/2025 tại phố Ga, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm/Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với Cục A06/Bộ Công an và Phòng PC04/Công an thành phố Hà Nội bắt quả tang 03 đối tượng đang vận chuyển trái phép ma túy (Lâm Thành Khải, sinh năm 1995, trú tại Đài Loan, Trung Quốc; Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1986, trú tại xã Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và Nguyễn Âu, sinh năm 1983, trú tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội); tang vật thu giữ 40 bánh Hêrôin, 19 kg ma túy tổn hợp, 12.000 bao thuốc lá, 01 ô tô.
Ngày 25/03/2025, tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách Đông Bắc Côn đảo 10 hải lý, Hải đoàn 18 kiềm tra tàu TG 94117TS có 05 thuyền viên do Trương Văn Cứng, sinh năm 1990, trú tại xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre làm thuyền trưởng, phát hiện vận chuyển trái phép 30.000 lít dầu DO.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng mở rộng điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ, tài liệu chứng cứ để xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.
Hà Nội: Phát hiện trên 13 tấn thực phẩm bán cho trẻ em không rõ nguồn gốc
Ngày 10/1, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết , đơn vị QLTT địa bàn vừa phát hiện và thu giữ trên 13 tấn thực phẩm bán cho trẻ em không đảm bảo an toàn thực phẩm tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
Tại thời điểm kiểm tra kho hàng, toàn bộ thực phẩm không rõ nguồn gốc chủ yếu là xúc xích, thịt bò khô và bánh kẹo các loại được để trà trộn cùng với một số mặt hàng thực phẩm có giấy tờ.
Lực lượng chức năng đang làm công tác kiểm đếm.
Điều này khiến công tác kiểm đếm, phân loại của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Nhiều sản phẩm đã có hiện tượng chảy nước và xuất hiện mùi hôi nồng.
Chủ kho hàng sinh năm 1990, trú tại huyện Đan Phượng thừa nhận, trên 13 tấn thực phẩm này hoàn toàn không có nguồn gốc xuất xứ, không hoá đơn chứng từ, được thu mua trôi nổi trên thị trường, chủ yếu là từ biên giới, sau đó đưa về Hà Nội và các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bán cho trẻ em bị thu giữ tại hiện trường.
Nếu trót lọt, số thực phẩm không rõ nguồn gốc này sau đó sẽ được cung cấp ra các của hàng tạp hóa hoặc cửa hàng bán đồ ăn nhanh trên địa bàn thành phố, đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong, thu giữ toàn bộ số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ liên quan để tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Theo niêm yết, lô hàng vi phạm có tổng trị giá gần 1,9 tỷ đồng.