Đăng nhập

Quảng Bình: Tiêu hủy hơn 200 đơn vị sản phẩm thực phẩm xuất nhập lậu

Ngày 18/10/2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho biết, Đội Quản lý thị trường số 2  vừa phối hợp cùng các Phòng chuyên môn tổ chức giám sát quá trình tiêu hủy 205 sản phẩm thực phẩm nhập lậu do nước ngoài sản xuất.

Việc tiêu hủy được thực hiện bởi ông Vũ Duy Hải dưới sự giám sát của đại diện các phòng ban và Đội QLTT. Sau khi tiêu hủy, toàn bộ phế liệu đã được thu gom và xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trước đó, ngày 1/10, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra xe tải biển số 89C-068.03 do ông Vũ Duy Hải, trú tại thôn Mát, xã Nhân La, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 205 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, bao gồm 110 gói táo đỏ sấy khô và 95 hộp bánh quy.

Toàn bộ số hàng hóa này đều không có ngày sản xuất, hạn sử dụng và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa tại thời điểm kiểm tra.

Đến ngày 7/10/2024, Đội trưởng Đội QLTT số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 31020040/QĐ-XPHC đối với ông Vũ Duy Hải về hành vi vi phạm Cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu (hàng hóa nhập lậu là thực phẩm) với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 10 triệu đồng.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Thái Bình: Tiêu hủy hàng lậu, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Sáng 2/10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã thành lập Hội đồng tiêu hủy tài sản và tổ chức tiêu hủy hàng vạn sản phẩm.

Đây là tang vật của những vụ vi phạm quy định pháp luật về các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bị cơ quan chức năng tịch thu, xử lý vi phạm hành chính từ năm 2023 đến nay.

Hội đồng tiêu hủy tài sản đã tiến hành tiêu hủy 50 gói kẹo, rong biển do nước ngoài sản xuất, 131 chiếc áo phông không rõ nguồn gốc xuất xứ, 88 sản phẩm thuốc lá điện tử, 496 lọ sơn móng tay các loại, 40 lọ nước hoa, 85 hộp mi nối, 22 thỏi son môi, 4 chiếc xe máy điện và hơn 40.000 đôi tất chân không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng số hàng hóa tiêu hủy có trị giá hơn 237 triệu đồng.

Tiêu hủy các sản phẩm hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Quá trình tiêu hủy được tiến hành an toàn, nhanh gọn, đúng hình thức, quy trình, quy định của pháp luật dưới sự giám sát chặt chẽ của các thành viên Hội đồng tiêu hủy tài sản. Các loại sản phẩm hàng hóa sau khi tiêu hủy đã không còn giá trị sử dụng, an toàn đối với môi trường.

Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, 6 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã tiến hành kiểm tra 479 vụ, xử lý 340 vụ, nộp ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng.

Lạng Sơn: Xử phạt hộ kinh doanh hàng hoá nhập lậu qua mạng xã hội Zalo

Ngày 17/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 2, huyện Cao Lộc đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát Đ.T.T tại Tổ 3, khối 5, xã Hợp Thành.

Trước đó, qua công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội, đội đã phát hiện tài khoản Zalo có tên "Lâm Thủy" thường xuyên đăng tải, rao bán các mặt hàng có dấu hiệu nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hộ kinh doanh Đ.T.T, chủ sở hữu tài khoản Zalo "Lâm Thủy", đang bày bán 28 thùng bia các loại, tổng trị giá 5.180.000 đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số bia này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

Với hành vi vi phạm trên, Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh Đ.T.T số tiền 6.000.000 đồng. Đồng thời, toàn bộ số bia lậu bị tịch thu và buộc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Thái Nguyên: Phát hiện và xử lý 5 tấn phân bón vi phạm

Ngày 29/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh L.V.K 02 hành vi vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 12.500.000 đồng. 

Cụ thể, ngày 15/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa và lấy 04 mẫu phân bón đối với Hộ kinh doanh L.V.K và hộ kinh doanh P.B.K đang kinh doanh mặt hàng phân bón trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu phân bón của Trung tâm kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng đất và vật tư nông nghiệp Vĩnh Phúc có 03 mẫu đảm bảo chất lượng theo quy định phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón; có 01 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón đối với chỉ tiêu Nts, K2Ohh.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ TV lấy mẫu phân bón

Thời gian tới Đội Quản lý thị trường số 5 sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra theo Kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón trên địa bàn huyện Đại Từ và huyện Định Hóa và thực hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật./.

Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường vàng

Đợt kiểm tra này sẽ diễn ra từ ngày 15/8/2024 đến hết ngày 15/10/2024, với mục tiêu phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời góp phần ổn định thị trường vàng trên địa bàn.

Cục QLTT TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề nhằm kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, có 116 doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh, mua bán, sửa chữa vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội là đối tượng của đợt kiểm tra này.

Nội dung kiểm tra tập trung vào các khía cạnh như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, việc niêm yết giá, chấp hành quy định về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa và các quy định về thương mại điện tử.

Mục đích chính của kế hoạch kiểm tra chuyên đề là phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng như: kinh doanh vàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, vi phạm về giá...

Điều này không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn ổn định thị trường vàng, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Một trong những yêu cầu quan trọng của kế hoạch là hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh các biểu hiện phiền hà, sách nhiễu đối với doanh nghiệp. Đồng thời, các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong quá trình kiểm tra.

Ngoài ra, lực lượng kiểm tra cũng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm định chất lượng nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, đồng thời kiểm tra các quy định khác có liên quan nếu cần thiết...

Hộ kinh doanh phân bón ở Vĩnh Long bị phạt nặng vì bán hàng giả

Một hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vừa bị phạt hành chính hơn 77 triệu đồng do vi phạm nhiều quy định về kinh doanh phân bón. 

Ngày 05/8/2024, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã ký ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp V.T.H.M với tổng số tiền 77,1 triệu đồng. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng phát hiện hộ kinh doanh này có nhiều hành vi vi phạm trong kinh doanh phân bón.

Cụ thể, qua kiểm tra đột xuất, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3 đã phát hiện hộ kinh doanh V.T.H.M đang bày bán 19 bao phân bón NP 20-20 có nhãn mác không đúng với chất lượng thực tế. Ngoài ra, hộ kinh doanh này cũng không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu phân bón DAP do hộ kinh doanh này cung cấp cho thấy hàm lượng lân hữu hiệu chỉ đạt 1,39%, thấp hơn nhiều so với thông tin ghi trên bao bì. Điều này chứng tỏ đây là hàng giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản xuất nông nghiệp.

Với các hành vi vi phạm trên, hộ kinh doanh V.T.H.M đã bị xử phạt về các hành vi sau: Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, kinh doanh hàng hóa trên nhãn có thông tin không đúng sự thật, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không có giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Đặc biệt, do đã bán hết lô hàng phân bón giả cho người dân, hộ kinh doanh này còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp tương đương với giá trị hàng hóa đã tiêu thụ.

Việc xử phạt nghiêm khắc đối với hộ kinh doanh V.T.H.M là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón. Đây cũng là một bài học cho các hộ kinh doanh khác, cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng sản xuất nông nghiệp.

Bắt quả tang xe ô tô vận chuyển trái phép gần 150 thiết bị điện tử tại Lạng Sơn

Sáng ngày 8/8/2024, thông tin từ lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã phát hiện và tạm giữ một chiếc xe ô tô đang vận chuyển trái phép gần 150 máy tính bảng và điện thoại di động các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Cụ thể, sáng ngày 7/8/2024, tại Km 28 Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Tổ công tác địa bàn huyện Chi Lăng, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 1 - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và kiểm tra xe ô tô BKS 98A-026.04 do ông Nguyễn Đình Hiền điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong khoang chở khách của xe ô tô có cất giấu 87 chiếc máy tính bảng iPad và 60 chiếc điện thoại di động iPhone 6S Plus. Toàn bộ số hàng hóa này đều là hàng hóa sản xuất nước ngoài và không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Tang vật vi phạm

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Đình Hiền không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến số hàng hóa trên. Ước tính tổng giá trị của lô hàng vi phạm khoảng 100 triệu đồng.

Tang vật vi phạm

Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên cùng phương tiện vận chuyển để phục vụ công tác điều tra, làm rõ. Đồng thời, đơn vị cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác để xác minh nguồn gốc của số hàng hóa này và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Việc phát hiện và xử lý vụ việc trên cho thấy sự quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Hải Dương: Chuyển Cơ quan điều tra vụ buôn bán 8.500 đôi dép giả nhãn hiệu CROCS

Ngày 25/7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa bàn giao cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương vụ việc buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá vi phạm có giá trị trên 900 triệu đồng.

Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát hoạt động bán hàng trên mạng xã hội Facebook kết hợp với nắm tình hình kinh doanh trên địa bàn, ngày 11/7/2024, Đội QLTT số 5 Cục QLTT tỉnh Hải Dương chủ trì phối hợp cùng Đội 3, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Hải Dương; Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Tứ Kỳ và Công an xã Tiên Động tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh dép do ông T.V.H làm chủ (địa chỉ xóm 14, thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).Qua kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đang buôn bán 8.500 đôi dép mang nhãn hiệu “CROCS” (gồm 8.100 đôi dép sục gắn quai hậu, 400 đôi dép xỏ ngón) không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu "CROCS" đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam. Toàn bộ hàng hoá có dấu hiệu giả mạo bị tạm giữ để xác minh, làm rõ.

Lực lượng chức năng Hải Dương lập hồ sơ tại hiện trường.

Qua xác minh, làm việc, lực lượng chức năng xác định 8.500 đôi dép mang nhãn hiệu “CROCS” đang tạm giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “CROCS” đang được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam theo Đăng bạ quốc gia nhãn hiệu hàng hóa số 104784; tổng trị giá hàng hoá vi phạm là 916.500.000 đồng (theo kết quả họp Hội đồng định giá. Số dép giả mạo nhãn hiệu trên sau khi mua về được để tại cơ sở kinh doanh để bán kiếm lời; đồng thời, ông H. có lập một tài khoản facebook cá nhân mang tên “CROCS Hiệu Trần” để đăng các hình ảnh sản phẩm dép mang nhãn hiệu “CROCS” lấy trên mạng internet nhằm giới thiệu, chào bán cho khách hàng.

Trên cơ sở kết quả họp liên ngành đánh giá, phân loại vụ việc giữa Công an, Viện Kiểm sát và QLTT, xác định vụ việc có dấu hiệu tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự, Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã bàn giao vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương tiếp nhận, thụ lý.

Lai Châu: Xăng dầu Đại Minh bị phạt hơn 60 triệu đồng vì bán xăng kém chất lượng

Ngày 12/7/2024, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Đại Minh bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu xử phạt hơn 60 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong việc kinh doanh xăng dầu.

Công ty bị phạt vì hai hành vi: Mua xăng với đối tượng ngoài hệ thống phân phối, bán xăng dầu không đạt chất lượng quy chuẩn.

Trước đó, người dân địa phương đã phản ánh về việc Điểm bán xăng dầu số 13 thuộc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Đại Minh bán xăng khiến cho phương tiện di chuyển bị chết máy.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 76 lít xăng E5 RON 92-II tại Điểm bán xăng dầu số 13 và số 26 của Công ty TNHH MTV Xăng dầu Đại Minh không đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu đã buộc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Đại Minh thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng 76 lít xăng E5 RON 92-II còn tồn, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 63.863.300 đồng.

Đây là vụ việc vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu được xử lý nghiêm minh, nhằm đảm bảo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Bộ Y tế: Đình chỉ lưu hành toàn quốc mỹ phẩm làm đẹp da Estro Skin Royal vì chứa nhiều chất cấm

Ngày 28/6, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phát đi thông báo về việc đình chỉ lưu hành trên toàn quốc, thu hồi đối với sản phẩm mỹ phẩm Estro Skin Royal vì chứa nhiều chất cấm.

Theo  Cục Quản lý Dược, Cục nhận được Phiếu kiểm nghiệm kèm hồ sơ từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh báo cáo về lô sản phẩm mỹ phẩm Estro Skin Royal (Số lô:10.08.23; NSX: 10.08.2023; HSD: 09.08.2026; Số công bố: 3216/18/CBMP-HN) không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa thành phần chất bảo quản Methyl paraben và Propyl paraben.

Estro Skin Royal là sản phẩm dưỡng da, làm đẹp da, do Công ty cổ phần thương mại Sao Hoàng Gia (số 24, đường Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Công ty TNHH liên doanh dược phẩm Rio Pharmacy (Lô Km 24, KCN Phú Nghĩa, Nghĩa Hảo, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, TP. Hà Nội) sản xuất.

Sản phẩm mỹ phẩm Estro Skin Royal buộc đình chỉ lưu hành toàn quốc, thu hồi vì chứa nhiều chất cấm.

Mẫu mỹ phẩm do Trung tâm Kiểm nghiệm – Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu tại Công ty TNHH dược phẩm thương mại Thái Ngọc (Số 3, Tổ 12, Khu 4, Đường Tô Hiến Thành, Phường Trần Hưng Đạo, TP. Hà Long, tỉnh Quảng Ninh) để kiểm tra chất lượng.

Cục Quản lý Dược cho biết, thông tin địa chỉ Công ty cổ phần thương mại Sao Hoàng Gia trên Phiếu công bố và trên nhãn sản phẩm lưu hành thể hiện tại số 24, đường Nguyễn Thái Học, Phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, qua tra cứu trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty này lại có địa chỉ tại tầng 22, tòa nhà Ngọc Khánh Plaza, số 01 đường Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Sản phẩm mỹ phẩm Estro Skin Royal đang được rao bán trên nhiều nền tảng thương mại điện tử.

Công ty TNHH liên doanh dược phẩm Rio Pharmacy cũng tương tự. Mặc dù trên Phiếu công bố ghi là Km 24, Quốc lộ 6, thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội nhưng qua tra cứu địa chỉ công ty này trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và trên nhãn sản phẩm lưu hành lại có địa chỉ ở Lô Km 24 KCN Phú Nghĩa, Nghĩa Hảo, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Với căn cứ nêu trên, Cục Quản lý Dược quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Estro Skin Royal nói trên.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Estro Skin Royal nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.

Tiến hành thu hồi lô và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Riêng Sở Y tế TP. Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần thương mại Sao Hoàng Gia, Công ty TNHH liên doanh dược phẩm Rio Pharmacy trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Đồng thời, giám sát các công ty thực hiện thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Estro Skin Royal không đáp ứng quy định;

Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 10/8/2024.