Ninh Bình: Xử phạt 18 triệu đồng đối với hộ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu
Ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình vừa tiến hành kiểm tra tại Hộ kinh doanh Đinh Văn Cương (Tổ dân phố Ghềnh, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).
Tại thời điểm kiểm tra, Hộ kinh doanh Đinh Văn Cương đang kinh doanh hàng hóa gồm: 15 thùng nước cốt dừa nhãn hiệu CHAOKOH (12 hộp/thùng, loại 1 lít/hộp) là hàng hoá do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 1200 lọ kẹo đắng (150 gam/lọ) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành Quyết định xử phạt Hộ kinh doanh Đinh Văn Cương đối với hành vi kinh doanh hàng hoá là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh hàng hoá là thực phẩm nhập lậu với tổng số tiền phạt 18 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm có trị giá 17,25 triệu đồng.
Lạng Sơn: Triệt phá xưởng lắp ráp trái phép hơn 12.000 điện thoại di động
Ngày 28/4/2025, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, vừa phát hiện và triệt phá một xưởng lắp ráp điện thoại di động quy mô lớn hoạt động trái phép tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, thu giữ hơn 12.000 điện thoại thành phẩm cùng nhiều thiết bị, linh kiện trị giá hàng tỷ đồng.
Hiện trường bên trong khu xưởng lắp ráp điện thoại di động tại thôn Khòn Pát, xã Mai Pha khi lực lượng chức năng kiểm tra.
Vào hồi 9h15 ngày 24/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra một khu nhà xưởng tại thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, do Hoàng Minh Thượng (SN 1985) quản lý. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 44 công nhân cùng hai người đàn ông quốc tịch Trung Quốc là Vương Đông và Trần Địch Ba đang thực hiện hành vi lắp ráp trái phép các linh kiện điện thoại di động.
Những thùng chứa điện thoại nhãn hiệu TECNO T301 thành phẩm không có giấy phép bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ.
Qua kiểm tra, cơ quan công an đã thu giữ hơn 12.000 chiếc điện thoại 2G thành phẩm nhãn hiệu TECNO T301 đang được đóng gói trong 203 thùng carton. Ngoài ra, còn có 3 hệ thống dây chuyền lắp ráp, nhiều loại máy móc chuyên dụng và một lượng lớn linh kiện điện thoại chưa lắp ráp. Toàn bộ số hàng hóa trị giá ước tính khoảng 2,3 tỷ đồng đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Các thiết bị, máy móc bên trong khu xưởng dùng để lắp ráp điện thoại.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lạng Sơn đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ tang vật và lấy lời khai của 47 đối tượng liên quan.
Cơ quan Công an lấy lời khai hai đối tượng Vương Đông (bên trái) và Trần Địch Ba (bên phải).
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, mở rộng để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng Nai: Khởi tố 3 đối tượng kinh doanh hơn 4 tấn thịt heo bệnh, heo chết
Ngày 25-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Tiến (40 tuổi; ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) và Trần Vũ Lâm (25 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc), cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hồ Thanh Diệu (35 tuổi, vợ Tiến; ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) cùng về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trạm Thú y huyện Trảng Bom kiểm tra cơ sở mổ heo trái phép của Lê Văn Tiến, tại ấp Tân Bắc (xã Bình Minh) phát hiện hơn 4,2 tấn thịt heo thành phẩm, đang trong tình trạng bị biến đổi màu sắc, có mùi hôi thối, không đảm bảo chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Tang vật trong vụ án là số lượng heo thối khủng, có mần bệnh dịch.
Vợ chồng Tiến khai nhận toàn bộ số thịt heo trên mua của Trần Vũ Lâm và các hộ chăn nuôi khu vực huyện Trảng Bom về làm giò chả, cung cấp cho các công ty nấu suất ăn công nghiệp, các quán ăn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Ba đối tượng bị khởi tố.
Theo cơ quan công an, hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân.
Thành lập Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu
Chiều 2/4, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu…
Tại hội nghị, đồng chí Trần Việt Thắng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu đã công bố Quyết định số 515/QĐ-UBND ngày 12/3/2025 của UBND tỉnh Lai Châu về việc thành lập Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương. Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 26/3/2025 của UBND tỉnh Lai Châu về tiếp nhận và bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường…
Ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trao quyết định và chúc mừng cán bộ Chi cục Quản lý thị trường.
Theo đó, Chi cục Quản lý thị trường là tổ chức hành chính thuộc Sở Công Thương, có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Công Thương quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các hành vi gian lận thương mại theo quy định trên địa bàn tỉnh Lai Châu và chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Ông Vương Thế Mẫn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu trao quyết định và chúc mừng cán bộ Chi cục Quản lý thị trường.
Bổ nhiệm ông Đỗ Văn Tính – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương, thời gian bổ nhiệm 5 năm, kể từ ngày 26/3/2025.
Ngoài ra, hội nghị công bố quyết định của giám đốc Sở Công Thương về bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng và trưởng, phó các đội, phòng của Chi cục Quản lý thị trường.
Vĩnh Phúc: Tiêu hủy số lượng lớn mỹ phẩm và thực phẩm nhập lậu
Ngày 28/2/2025 Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Phòng Thanh tra – Pháp chế, Phòng Tổ chức – Hành chính Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc và Phòng Cảnh Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành tiến hành giám sát tiêu hủy hàng hóa là thực phẩm mỹ phẩm nhập lậu.
Theo đó, hàng hóa tiêu hủy bao gồm: 400 tuýp Sữa rửa mặt rau má nhãn hiệu MISSBE FOAM CLEANSER CENTELLA loại 120ml (Made in Japan); 300 tuýp Sữa rửa mặt Trà Xanh nhãn hiệu MISSBE FOAM CLEANSER GREEN TEA loại 120ml (Made in Japan); 200 tuýp Sữa rửa mặt MISSBE FOAM CLEANSER COLLAGEN loại 120ml (Made in Japan); 170 tuýp Sữa rửa mặt tạo bọt MISSBE The PERFECT foaming CLEANSER loại 120ml (Made in Japan); 1980 chiếc xúc xích trên nhãn hiệu PINAUNG SAUSAGE (Made in China); 3780 túi thịt lợn cay (Made in China). Tổng trị giá số hàng hóa trên là gần 70 triệu đồng.
Hình thức tiêu hủy là vận chuyển số hàng hóa tiêu hủy trên về Trung tâm tái chế phế thải và xử lý chất thải - Công ty TNHH Môi trường công nghiệp xanh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó Trung tâm tái chế phế thải và xử lý chất thải - Công ty TNHH Môi trường công nghiệp xanh sẽ tiến hành xử lý và tiêu hủy.
Quá trình tiêu huỷ số hàng hóa này được tiến hành nhanh, gọn, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định, có sự giám sát chặt chẽ của Các phòng chức năng của Cục Quản lý thị trường và đại diện Phòng Cảnh Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó: Ngày 17 tháng 01 năm 2025 Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Đăng H. Địa chỉ: Tổ dân phố Lá Sen, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền là 22.500.000 đồng (Hai mươi hai triệu năm trăm nghìn đồng) về các hành vi “Không có giấy phép kinh doanh theo quy định; Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm”; Ngày 20 tháng 02 năm 2025 Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hiếu Khánh về hành vi “Kinh doanh hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm” 60.000.000 đồng (Sáu mươi triệu đồng chẵn)./.
Quảng Nam: Phát hiện ô tô và nhiều xe máy không rõ nguồn gốc
Sáng 13/1, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 2 (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) trong lúc tuần tra kiểm soát đã phát hiện vụ vận chuyển 16 xe mô tô và 1 xe ô tô không rõ nguồn gốc.
Theo đó, vào lúc 23h00, ngày 9/1/2024, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 2 (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) trong lúc tuần tra kiểm soát lưu động đến Km 1324 đường Hồ Chí Minh (thuộc thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) thì phát hiện xe ô tô tải biển số: 43C-206.39 và xe ô tô tải cẩu biển số: 43C- 138.47 chở hàng lưu hành hướng Đà Nẵng- Kon Tum có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên đã dừng 2 phương tiện để kiểm tra.
Xe ô tô không rõ nguồn gốc mua tại Đà Nẵng đang được vận chuyển về Gia Lai
Quá trình kiểm tra phát hiện xe ô tô tải biển số: 43C-206.39 do ông: T.H.L. (Sinh 1979; trú tại: Tổ 32, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) điều khiển, trên thùng xe có chở theo 14 xe mô tô cũ đã qua sử dụng.
Xe ô tô tải cẩu biển số: 43C-138.47 do ông: N.X.L (Sinh 1994; trú tại: Lương Cổ, TT Sịa, Quảng Điền, Huế) điều khiển chở theo ông: N.T.C.L. (Sinh 1993; trú tại: Thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), trên xe có chở theo 2 xe mô tô và 1 xe ô tô cũ, đã qua sử dụng.
Phát hiện 16 xe máy không rõ nguồn gốc
Tại thời điểm kiểm tra, các lái xe và ông Lực không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của các phương tiện được vận chuyển nêu trên.
Qua làm việc, ông Lực khai đã mua các phương tiện trên từ ông N.H.T. (Sinh năm 1993, trú tại 111/9 đường 2/9, phường Hòa Cường Nam, Hải Châu, TP Đà Nẵng) từ trước và đến ngày 9/1 thì thuê xe tải và xe tải cẩu cùng 2 lái xe để vận chuyển các phương tiện đó về Gia Lai.
Ông Lực khai nhận, bản thân ông thấy giá bán 16 xe mô tô và 1 xe ô tô con nói trên rẻ nên đã mua lại để đem về sửa chữa và bán lại mặc dù vẫn biết những phương tiện trên không có bất kỳ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ gì và có nguồn gốc không rõ ràng.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ.
Buôn bán pháo nổ có thể bị xử phạt đến 15 năm tù
Buôn bán pháo nổ không chỉ gây nguy hiểm cho cộng đồng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, với mức án phạt lên đến 15 năm tù giam. Đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi tương lai, hãy cùng chung tay xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, không tiếng pháo nổ trái phép
Theo quy định pháp luật, "pháo nổ" được xếp vào "hàng cấm". Như vậy, việc buôn pháo nổ có dấu hiệu của tội "sản xuất, buôn bán hàng cấm" quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, tùy theo số lượng, người thực hiện hành vi buôn bán pháo nổ có thể bị xử phạt hình sự cao nhất đến 15 năm tù.
Bắc Giang: Phát hiện, xử lý 4 vụ kinh doanh hàng lậu, không rõ nguồn gốc
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang) vừa ra quyết định xử phạt hành chính 4 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP Bắc Giang; tổng tiền xử phạt gần 33 triệu đồng.
Trước đó, ngày 15/12, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông (Công an TP Bắc Giang), Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phát hiện, xử lý 4 vụ vi phạm.
Đội QLTT số 1 kiểm tra các mặt hàng vi phạm.
Hàng hóa vi phạm gồm đồ gia dụng, đồ điện tử, mặt hàng cơ khí, thời trang; tổng giá trị hơn 70 triệu đồng.
Trường hợp bị xử phạt cao nhất 21 triệu đồng là ông T.V.N, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) lái xe ô tô chở hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các mặt hàng vi phạm gồm: 1,8 nghìn chiếc bo chân sạc điện thoại; 700 mũi khoan; 220 lưỡi cắt... Tổng giá trị hàng hóa hơn 45,6 triệu đồng.
Tiếp đó là ông Đ.V.T, thị trấn Vôi (Lạng Giang) lái xe ô tô chở 200 chiếc quần dài không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổng giá trị hàng hóa 11 triệu đồng. Ông Đ.V.T bị xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai thu giữ hơn nửa tấn pháo hoa nổ
Ngày 2/12/2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai cho biết, Tổ công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/BĐBP tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra thu giữ hơn nửa tấn pháo hoa nổ
Cụ thể, lúc 06h45 phút ngày 24/11/2024, Tổ công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/BĐBP tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra tại khu vực rẫy cà phê gần thôn Cửa khẩu, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, phát hiện 11 bao tải được phủ bạt, bên trong có 372 hộp pháo hoa nổ có in chữ nước ngoài; tổng trọng lượng khoảng 583,9 kg.
Tổ công tác kiểm tra tang vật vụ việc.
Tại thời điểm kiểm tra, không xác định được chủ sở hữu số pháo nói trên, do đó Tổ công tác đã thông báo cho cơ quan Công an và Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ phối hợp tiến hành các thủ tục ban đầu, niêm phong toàn bộ tang vật đưa về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh để xác minh, xử lý.
Nhận định số pháo trên được đối tượng đưa từ bên kia biên giới về Việt Nam tập kết ở khu vực rẫy cà phê, nơi vắng người qua lại để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, đợi thời cơ vận chuyển về nội địa tiêu thụ.
Quảng Bình: Phát hiện 1,5 tấn gỗ thuộc nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm
Ngày 27/10/2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa phát hiện hơn 1,5 tấn gỗ cẩm lai quý hiếm và một số máy móc không có giấy tờ hợp pháp được cất giấu trong chiếc xe tải.
Trước đó, Đội QLTT số 7 chủ trì, phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình tuần tra, kiểm soát trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, thì phát hiện ô tô tải BKS: 34C-299.96 đang lưu thông theo hướng từ Nam ra Bắc có nhiều nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh đón dừng để kiểm tra.
Phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa vi phạm
Kiểm tra phương tiện, Đội QLTT số 7 phát hiện lô hàng hóa gồm 14 bộ phay xới đất, 1 chiếc xe nâng sản xuất tại nước ngoài (tổng trị giá hơn 80 triệu đồng).
Toàn bộ số hàng hóa nói trên ông Dương Quốc Quân (người điều khiển phương tiện, trú xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Kiểm tra lô máy móc nhập lậu.
Tiếp tục kiểm tra trong khoang chứa của ô tô nói trên, lực lượng chức năng phát hiện thêm một số gốc, rễ cây có hình thù phức tạp được cất giấu kín đáo dưới các bao tải hàng.
Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình xác định, số gỗ trên có chủng loại là gỗ cẩm lai, thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIA), có tổng khối lượng 1.569kg tương đương 1,569 m3 gỗ quy gỗ tròn. Toàn bộ số hàng hóa nói trên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Hơn 1,5 tấn gỗ cẩm lai được phát hiện khi cất giấu trong xe tải.
Lực lượng QLTT tỉnh Quảng Bình đã lập hồ sơ, chuyển giao tang vật, phương tiện cho Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh để xử lý theo quy định.
Ông Dương Quốc Quân cũng bị Đội QLTT số 7 lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu.