Buôn bán pháo nổ có thể bị xử phạt đến 15 năm tù
Buôn bán pháo nổ không chỉ gây nguy hiểm cho cộng đồng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, với mức án phạt lên đến 15 năm tù giam. Đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi tương lai, hãy cùng chung tay xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, không tiếng pháo nổ trái phép
Theo quy định pháp luật, "pháo nổ" được xếp vào "hàng cấm". Như vậy, việc buôn pháo nổ có dấu hiệu của tội "sản xuất, buôn bán hàng cấm" quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm a khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:
Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;
e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;
k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;
l) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;
b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, tùy theo số lượng, người thực hiện hành vi buôn bán pháo nổ có thể bị xử phạt hình sự cao nhất đến 15 năm tù.
Bắc Giang: Phát hiện, xử lý 4 vụ kinh doanh hàng lậu, không rõ nguồn gốc
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT tỉnh Bắc Giang) vừa ra quyết định xử phạt hành chính 4 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP Bắc Giang; tổng tiền xử phạt gần 33 triệu đồng.
Trước đó, ngày 15/12, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông (Công an TP Bắc Giang), Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phát hiện, xử lý 4 vụ vi phạm.
Đội QLTT số 1 kiểm tra các mặt hàng vi phạm.
Hàng hóa vi phạm gồm đồ gia dụng, đồ điện tử, mặt hàng cơ khí, thời trang; tổng giá trị hơn 70 triệu đồng.
Trường hợp bị xử phạt cao nhất 21 triệu đồng là ông T.V.N, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) lái xe ô tô chở hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các mặt hàng vi phạm gồm: 1,8 nghìn chiếc bo chân sạc điện thoại; 700 mũi khoan; 220 lưỡi cắt... Tổng giá trị hàng hóa hơn 45,6 triệu đồng.
Tiếp đó là ông Đ.V.T, thị trấn Vôi (Lạng Giang) lái xe ô tô chở 200 chiếc quần dài không rõ nguồn gốc xuất xứ; tổng giá trị hàng hóa 11 triệu đồng. Ông Đ.V.T bị xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai thu giữ hơn nửa tấn pháo hoa nổ
Ngày 2/12/2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai cho biết, Tổ công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/BĐBP tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra thu giữ hơn nửa tấn pháo hoa nổ
Cụ thể, lúc 06h45 phút ngày 24/11/2024, Tổ công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/BĐBP tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra tại khu vực rẫy cà phê gần thôn Cửa khẩu, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, phát hiện 11 bao tải được phủ bạt, bên trong có 372 hộp pháo hoa nổ có in chữ nước ngoài; tổng trọng lượng khoảng 583,9 kg.
Tổ công tác kiểm tra tang vật vụ việc.
Tại thời điểm kiểm tra, không xác định được chủ sở hữu số pháo nói trên, do đó Tổ công tác đã thông báo cho cơ quan Công an và Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ phối hợp tiến hành các thủ tục ban đầu, niêm phong toàn bộ tang vật đưa về Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh để xác minh, xử lý.
Nhận định số pháo trên được đối tượng đưa từ bên kia biên giới về Việt Nam tập kết ở khu vực rẫy cà phê, nơi vắng người qua lại để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, đợi thời cơ vận chuyển về nội địa tiêu thụ.
Quảng Bình: Phát hiện 1,5 tấn gỗ thuộc nhóm thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm
Ngày 27/10/2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho biết, Đội QLTT số 7 vừa phát hiện hơn 1,5 tấn gỗ cẩm lai quý hiếm và một số máy móc không có giấy tờ hợp pháp được cất giấu trong chiếc xe tải.
Trước đó, Đội QLTT số 7 chủ trì, phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình tuần tra, kiểm soát trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, thì phát hiện ô tô tải BKS: 34C-299.96 đang lưu thông theo hướng từ Nam ra Bắc có nhiều nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh đón dừng để kiểm tra.
Phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa vi phạm
Kiểm tra phương tiện, Đội QLTT số 7 phát hiện lô hàng hóa gồm 14 bộ phay xới đất, 1 chiếc xe nâng sản xuất tại nước ngoài (tổng trị giá hơn 80 triệu đồng).
Toàn bộ số hàng hóa nói trên ông Dương Quốc Quân (người điều khiển phương tiện, trú xã Ngọc Lâm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp.
Kiểm tra lô máy móc nhập lậu.
Tiếp tục kiểm tra trong khoang chứa của ô tô nói trên, lực lượng chức năng phát hiện thêm một số gốc, rễ cây có hình thù phức tạp được cất giấu kín đáo dưới các bao tải hàng.
Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình xác định, số gỗ trên có chủng loại là gỗ cẩm lai, thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIA), có tổng khối lượng 1.569kg tương đương 1,569 m3 gỗ quy gỗ tròn. Toàn bộ số hàng hóa nói trên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Hơn 1,5 tấn gỗ cẩm lai được phát hiện khi cất giấu trong xe tải.
Lực lượng QLTT tỉnh Quảng Bình đã lập hồ sơ, chuyển giao tang vật, phương tiện cho Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh để xử lý theo quy định.
Ông Dương Quốc Quân cũng bị Đội QLTT số 7 lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Kiên Giang: Phát hiện 01 hộ kinh doanh bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trị giá gần 120 triệu đồng
Đội QLTT số 4 lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển về Cục, trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt với số tiền 102,5 triệu đồng
Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Mới đây, Đội QLTT số 4 phối hợp Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an thành phố Phú Quốc kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh thuộc phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 4 phát hiện tại hộ kinh doanh đang trưng bày sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu LACOSTE, LOUIS VUITTON, tổng giá trị gần 120 triệu đồng. Đội tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật, tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để xác minh, làm rõ.
Đội QLTT số 4 kiểm tra, tạm giữ hàng hóa
Qua làm việc với đại diện hộ kinh doanh và các văn bản trả lời của đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, ngày 04/10/2024, Đội QLTT số 4 lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi ‘trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu”. Ngay sau đó, Đội hoàn chỉnh hồ sơ và chuyển về Cục, trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt với số tiền 102,5 triệu đồng, đồng thời toàn bộ tang vật vi phạm của vụ việc bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy.
Đồng Tháp: Phạt tiền 4 triệu đồng 01 cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua Online
Này 25/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện hộ kinh doanh giới thiệu bán sản phẩm Túi xách, Ví cầm tay không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 5 triệu đồng và đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Cụ thể, ngày 24 tháng 9 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 2 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra tại hộ kinh doanh Shop X, địa chỉ: Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp do bà B.T.T.T làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện hộ kinh doanh nêu trên giới thiệu bán sản phẩm Túi xách, Ví cầm tay không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm trên 5 triệu đồng.
Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đang hoàn tất hồ sơ trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định./.
Ninh Thuận: Tạm giữ 48 xe đạp điện không hoá đơn chứng từ hợp pháp
Ngày 11/9/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa phối hợp với Phòng PCSGT- Công an tỉnh Ninh Thuận khám phương tiện vận tải, phát hiện và tạm giữ 48 xe đạp điện không hoá đơn chứng từ hợp pháp kèm theo.
Cụ thể, ngày 10/9/2024, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Ninh Thuận dừng khám phương tiện xe ôtô tải biển kiểm soát 89C-060.xx đang lưu hành theo hướng Bắc – Nam do ông L. A. T, địa chỉ: phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương là người trực tiếp điều khiển phương tiện cũng là người quản lý hàng hóa.
Qua khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển hàng gồm 48 xe đạp điện (không có bình ắc quy) không có hoá đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá.
Đoàn kiểm tra tiến hành, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.
Cao Bằng: Xử phạt hai cơ sở sản xuất bánh vì vi phạm an toàn thực phẩm
Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT Cao Bằng vừa xử phạt 18 triệu đồng đối với 02 cơ sở sản xuất bánh nướng, bánh ngọt trên địa bàn có hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Thời gian từ ngày 19/8/2024 đến ngày 23/8/2024 Đội Quản lý thị trường số 5 tăng cường nắm tình hình địa bàn và tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất bánh nướng, bánh ngọt trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Công chức Đội QLTT số 5 kiểm tra về an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất bánh
Qua kiểm tra 02 hộ kinh doanh sản xuất bánh nướng, bánh ngọt tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Thạch An và thành phố Cao Bằng thì Đoàn kiểm tra phát hiện 02 cơ sở trên đang sản xuất các loại bánh nướng, bánh ngọt vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm như: Sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đầy đủ giá kệ; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy...
Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản, hồ sơ vụ việc
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh trên với số tiền: 18.000.000, đồng. Đồng thời tiến hành ký cam kết đối với 02 cơ sở sản xuất trên trong thời gian tới chấp hành tốt các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hà Giang: Phát hiện và tạm giữ 16.000 sản phẩm hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc
Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang vừa kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh Séo Thị Xuyên, địa chỉ thôn Nà Mạ, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, phát hiện, tạm giữ 16.000 sản phẩm hàng hóa thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 31/7, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang tiến hành kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh Séo Thị Xuyên, địa chỉ thôn Nà Mạ, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Giang kiểm tra hàng hóa vi phạm
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho có chứa 16.000 sản phẩm thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Séo Thị Xuyên không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa vi phạm trên.
Bà Séo Thị Xuyên khai nhận, mua số hàng hóa này trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.
Đội Quản lý thị trường số 9 đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điện Biên: Bắt nữ quái 8x mua bán trái phép 2.000 viên ma túy tổng hợp
Tiếp tục thực hiện đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp với tội phạm ma túy, Công an huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vừa xác lập và triệt phá thành công chuyên án 724L, bắt giữ 1 nữ quái 8x về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Đối tượng Lý Thị Chu cùng tang vật tại cơ quan công an
Cụ thể, vào hồi 21h ngày 17/7, tại bản Nậm Tắt 2, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, tổ công tác do Công an huyện Nậm Pồ chủ trì, phối hợp với Đồn Biên phòng Nà Bủng, huyện Nậm Pồ đã phá thành công chuyên án bí số 724L, bắt giữ 1 đối tượng về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy.
Đối tượng bị bắt giữ là Lý Thị Chu, sinh năm 1982, trú tại bản Púng Pá Kha, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ (Điện Biên); vật chứng thu giữ là 2.000 viên ma túy tổng hợp.
Hiện chuyên án đang tiếp tục được đấu tranh, làm rõ.