Đăng nhập

Thanh Hóa: Xử phạt và tiêu hủy trang sức tổng giá trị gần 800 triệu đồng

Ngày 7/10/2024, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương (địa chỉ 240 đường 10/6, khu 5, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) số tiền 385 triệu đồng.

Trước đó, ngày 9/08/2024, Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương, có địa chỉ tại 240 đường 10/6, khu 5, thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, Tỉnh Thanh Hóa do ông Lê Quang Tuấn là Giám đốc.

Quá trình kiểm tra phát hiện, cơ sở đang trưng bày để bán các sản phẩm trang sức kim loại màu vàng có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ gồm CHANEL, DIOR, HERMES. Tiếp tục kiểm tra, đoàn kiểm tra còn phát hiện một số sản phẩm trang sức kim loại màu vàng có dấu hiệu là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được trưng bày để bán tại cơ sở.

Ngày 07/10/2024, Công ty TNHH Vàng bạc Tuấn Hương đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Thái Bình: Bắt giữ đối tượng mua bán trái phép pháo nổ

Công an huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đã phát hiện Phạm Văn Việt, sinh năm 2000, trú tại thôn Quyết Tiến, xã Tây Sơn, huyện Kiến Xương, có hành vi bán các loại pháo cho một số người trên địa bàn.

Chiều ngày 22/9/2024, Cơ quan điều tra Công an huyện Thái Thụy đã triệu tập Phạm Văn Việt để điều tra làm rõ. Tại Cơ quan điều tra, Phạm Văn Việt khai nhận đã mua 05 dàn pháo hoa nổ của Nguyễn Đức Anh, sinh năm 1996, trú tại thôn Đông Hải, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình, với giá 1.000.000 đồng/dàn. Sau đó, Việt liên hệ để bán lại 04 dàn pháo hoa này cho 02 người dân sinh sống tại huyện Thái Thụy với giá 2.000.000 đồng/dàn, còn 01 dàn Việt cất giấu tại nhà.

Đối tượng Nguyễn Đức Anh và Phạm Văn Việt.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thái Thụy thu giữ 5 dàn pháo hoa nổ trọng lượng hơn 8kg. Đồng thời, triệu tập Nguyễn Đức Anh để điều tra làm rõ. Quá trình điều tra, Nguyễn Đức Anh khai nhận đã mua các chất hóa học, 49 ống pháo rồi về tự chế tạo thành pháo thành phẩm bán lại cho Phạm Văn Việt.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đức Anh.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đức Anh, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ các loại pháo nổ khác nhau với tổng số lượng là trên 100kg pháo nổ cùng nhiều nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, phương tiện dùng để sản xuất pháo trái phép. Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thái Thụy đang hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Nghệ An: Hàng loạt đồ chơi trẻ em và bánh Trung thu không rõ nguồn gốc bị tiêu hủy

Trong nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm và hàng hóa cho người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Trung thu, Đội Quản lý thị trường số 3 Nghệ An đã liên tiếp phát hiện và xử lý các vụ việc kinh doanh bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, từ ngày 06/9 đến 09/9/2024, đội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Vinh. Kết quả cho thấy, hàng loạt sản phẩm bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em không đảm bảo chất lượng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã bị tịch thu và tiêu hủy.

Tổng cộng, hơn 1.000 chiếc bánh Trung thu và 1.200 sản phẩm đồ chơi trẻ em đã bị tiêu hủy. Các cơ sở vi phạm đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 60 triệu đồng.

Việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Hình ảnh kiểm tra tại cơ sở

Đội Quản lý thị trường số 3 Nghệ An khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn mua hàng hóa tại các địa điểm uy tín, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ để đảm bảo chất lượng và an toàn.

Đà Nẵng: Bắt giữ 6 đối tượng tàng trữ ma túy dạng "nước vui"

Ngày 24/8/2024, Công an Tp.Đà Nẵng cho biết, vừa triệt xóa một đường dây dây đưa ma túy từ Quảng Trị vào Đà Nẵng với số lượng lớn, bắt giữ 6 đối tượng có liên quan.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, Công an phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê phát hiện tại căn hộ trên đường Hùng Vương (Tp.Đà Nẵng) có nhiều đối tượng ngoại tỉnh đến lưu trú, có biểu nghi vấn hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy.

Tang vật thu giữ trong vụ án

Vụ việc sau đó được Công an phường Vĩnh Trung báo cáo lên lãnh đạo Công an quận Thanh Khê.

Do các đối tượng đều là người ngoại tỉnh nên Công an quận Thanh Khê đã xin ý kiến Giám đốc Công an Thành phố chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp đấu tranh. 

Đến 19h30 ngày 22/8, Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Thanh Khê phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy và Công an phường Vĩnh Trung đồng loạt kiểm tra toàn căn hộ. 

Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 6 đối tượng gồm: Nguyễn Chơn Nô (24 tuổi), Trần Phương Nhật Anh (21 tuổi) và Võ Văn Tú (24 tuổi), cùng trú Triệu Phong; Nguyễn Ngọc Trí (27 tuổi) và Lê Thanh Quang (25 tuổi), cùng trú huyện Hải Lăng; Trương Thị Trà My (21 tuổi), trú thị xã Quảng Trị, cùng tỉnh Quảng Trị. 

Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an thu giữ khoảng 1,2kg ma túy dạng "nước vui" (là các gói ma túy chứa chất MDNA, ketamine, methamphetamin, amphetamin).

Hiện vụ việc đang được Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Thanh Khê tiếp tục điều tra làm rõ.

Đắk Lắk: Bắt giữ đối tượng mua bán, chế tạo pháo nổ

Sáng ngày 13/8, Công an huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã thông báo về việc bắt giữ thành công đối tượng Nguyễn Mạnh Dũng, sinh năm 1999, trú tại thôn 10, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, về hành vi mua bán, chế tạo trái phép pháo nổ.

Cụ thể, vào khoảng 13 giờ ngày 5/8/2024, tại thôn 11, xã Ea Rốk, lực lượng Công an huyện Ea Súp đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Mạnh Dũng đang vận chuyển 296 quả pháo nổ bằng xe máy.

Đối tượng Nguyễn Mạnh Dũng.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng tại thôn 10, xã Ea Rốk và thu giữ thêm một lượng lớn pháo các loại, cùng với nhiều nguyên liệu và dụng cụ dùng để chế tạo pháo. Tổng khối lượng pháo thu giữ được lên đến hơn 12kg.

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Nguyễn Mạnh Dũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Dũng khai nhận đã tự mày mò học cách chế tạo pháo nổ trên mạng internet, sau đó mua sắm nguyên liệu và dụng cụ cần thiết để chế tạo pháo với mục đích bán kiếm lời.

Lạng Sơn liên tiếp phát hiện và xử phạt các vi phạm trong thương mại điện tử

Trong những ngày qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã liên tiếp phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 6, phối hợp với Tổ thương mại điện tử đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm quy định về thông báo website thương mại điện tử.

Ngày 23/7/2024, Hộ kinh doanh M.C Beauty and Spa do bà V.T.L.A làm chủ đã bị phát hiện sử dụng website https://thammyvienminhchau.com/ để bán hàng trực tuyến mà không thông báo cho Bộ Công Thương. Cơ sở này đã bị xử phạt hành chính 12.500.000 đồng.

Tiếp đó, ngày 24/7/2024, Chi nhánh Lạng Sơn - Công ty TNHH VIETNAM Beauty and Spa cũng bị xử phạt 25.000.000 đồng do sử dụng website https://thammytrangvan.vn/ để kinh doanh trực tuyến nhưng không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định.

Tổng cộng, trong đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng đã thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 37.500.000 đồng.

Bên cạnh việc xử lý các vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 6 cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại điện tử đến các doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh online, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử thể hiện quyết tâm của tỉnh Lạng Sơn trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, minh bạch và cạnh tranh.

Bắt giữ 2.100 tấn than không có hóa đơn, chứng từ trên sông Hồng

Khi cảnh sát kiểm tra, người trên phương tiện NB-8938 chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của 2.100 tấn than cám đang vận chuyển.

Ngày 19/7, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an thông tin, lực lượng Cảnh sát đường thủy thuộc Thủy đoàn 1, Cục CSGT vừa phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ phương tiện thủy vận chuyển khoảng 2.100 tấn than cám không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

CSGT kiểm tra số than trên tàu.

Cụ thể, vào hồi 20h ngày 17/7, tại Km78 tuyến sông Hồng thuộc thủy phận xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), qua công tác tuần tra kiểm soát, Tổ công tác của Thủy đoàn I phối hợp với Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình kiểm tra phương tiện thủy biển kiểm soát NB-8938 đang vận chuyển khoảng 2.100 tấn than cám di chuyển theo hướng từ thượng lưu xuống hạ lưu sông Hồng.

Tại thời điểm kiểm tra, phương tiện NB-8938 có 4 người và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số than đang vận chuyển trên tàu.

Những người trên phương tiện NB-8938 cho biết, số hàng hóa đang vận chuyển là than cám được lấy tại Quảng Ninh để vận chuyển thuê về Ninh Bình, khi đi đến Km78 tuyến sông Hồng thuộc địa phận xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thì bị công an kiểm tra, bắt giữ.

Hiện vụ việc đã được Thủy đoàn 1 bàn giao cho Công an tỉnh Thái Bình để xác minh, xử lý theo quy định.

Đồng Nai: Phát hiện 2 cơ sở giết mổ heo trái phép tại thành phố Biên Hòa

Sáng 18-7, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 thành phố Biên Hòa phối hợp với Cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai kiểm tra và phát hiện 2 cơ sở giết mổ heo trái phép tại phường Phước Tân.

Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở giết mổ heo trái phép tại khu phố Hương Phước, phường Phước Tân do ông Nguyễn Văn Đạt làm chủ. Thời điểm kiểm tra, cơ sở có 2 nhân công đang tiến hành giết mổ heo trên nền nhà không đảm bảo vệ sinh. Trong chuồng còn có 20 con heo (70kg/con) đang chờ giết mổ.

Giết mổ heo trái phép dưới nên nhà dơ bẩn thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra. 

Ông Đạt không xuất trình được giấy phép hoạt động của cơ sở cũng như giấy tờ liên quan đến nguồn gốc số lượng heo nói trên.

Tiếp tục kiểm tra cơ sở giết mổ heo của ông Phạm Văn Dương (cũng tại khu phố Hương Phước), đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đang tiến hành giết mổ heo nhưng không có giấy phép hoạt động. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng ghi nhận trong chuồng có 10 con heo khác chờ giết mổ nhưng chủ cơ sở không có thông tin lưu trữ về truy xuất nguồn gốc heo.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính với mức xử phạt mỗi chủ cơ sở gần 10 triệu đồng, đồng thời yêu cầu xử lý bằng nhiệt với số lượng thịt heo đã giết mổ gần 150kg. Đối với số lượng heo chờ giết mổ tại 2 cơ sở, Đoàn kiểm tra yêu cầu chủ cơ sở vận chuyển về lò mổ tập trung để giết mổ theo quy định.

Đề xuất 6 hành vi bị cấm trong mua bán hàng hoá qua sở giao dịch

Tại dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, Bộ Công Thương đề xuất 6 hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch.

6 hành vi bị cấm khi mua bán qua Sở giao dịch:

Theo dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, các hành vi bị cấm trong hoạt động mua bán hàng hóa quy định tại điểm d khoản 2 Điều 71 Luật Thương mại bao gồm:

Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức thị trường hàng hóa tương lai, kinh doanh hàng hóa tương lai, thanh toán bù trừ hàng hóa tương lai hoặc cung cấp dịch vụ về hàng hoá tương lai;

Đề xuất 6 hành vi bị cấm trong mua bán hàng hoá qua sở giao dịch

Sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch hàng hoá tương lai cho chính mình hoặc cho cá nhân hoặc tổ chức khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc môi giới cho tổ chức hoặc cá nhân khác giao dịch hàng hoá tương lai trên cơ sở thông tin nội bộ;

Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc giao dịch hàng hoá tương lai, nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch hàng hoá tương lai bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá hàng hoá tương lai; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá hàng hoá tương lai;

Thực hiện hoạt động tổ chức thị trường hàng hoá tương lai, kinh doanh hàng hoá tương lai, các dịch vụ liên quan đến hàng hoá tương lai trái quy định của nghị định này;

Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm, để chiếm đoạt tài sản của khách hàng;

Cho người khác mượn tài khoản để giao dịch hàng hoá tương lai, đứng tên sở hữu hàng hoá tương lai hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá cả hàng hoá là tài sản cơ sở của hợp đồng tương lai.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, Sở giao dịch hàng hóa hoạt động theo nguyên tắc ưu tiên lợi ích công cộng, duy trì sự công bằng, trật tự và minh bạch của thị trường giao dịch hàng hoá tương lai.

Sở giao dịch hàng hóa có chức năng cung cấp địa điểm và phương tiện cần thiết, để thực hiện giao dịch hợp đồng tương lai, tổ chức thị trường hàng hóa tương lai và giám sát giao dịch hàng hóa tương lai.

Sở giao dịch hàng hóa là đơn vị có lợi ích công chúng. Sở giao dịch hàng hoá được cấp phép và thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định tại Nghị định này, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và cam kết của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Sở giao dịch hàng hóa được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức sau: Công ty cổ phần có các cổ đông sáng lập là pháp nhân hoặc cá nhân được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 09 Nghị định này (Điều kiện thành lập Sở giao dịch hàng hoá.

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó các thành viên là các thương nhân đủ điều kiện hoạt động kinh doanh hàng hóa tương lai.

Sở giao dịch hàng hóa phải chứa cụm từ "sở giao dịch hàng hóa" hoặc "sàn giao dịch hàng hóa" trong tên gọi.

Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng tên gọi trùng, tương tự hoặc có khả năng gây nhầm lẫn, gây hiều lầm với Sở giao dịch hàng hóa đã được cấp phép thành lập và hoạt động.

Doanh nghiệp buôn vàng làm giả nhãn hiệu Chanel bị phạt 32 triệu đồng tại Vĩnh Phúc

Ngày 5/6/2024 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân Hân Hoan (địa chỉ: Khu phố 1, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên) với số tiền 32 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel.

Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với phòng cảnh sát kinh tế công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra đối với Doanh nghiệp tư nhân Hân Hoan vào ngày 23 tháng 4. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp này đang trưng bày để bán 22 sản phẩm trang sức vàng bạc giả mạo nhãn hiệu Chanel, bao gồm mặt dây chuyền và nhẫn đeo tay.

Các sản phẩm giả mạo này có gắn nhãn hiệu Chanel được cách điệu hình logo và in trực tiếp lên sản phẩm. Tuy nhiên, thông tin trên nhãn hiệu không sắc nét, không đúng theo tiêu chuẩn nhãn hàng hóa chính hãng. Doanh nghiệp cũng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cho những sản phẩm này.

Cục Quản lý thị trường đã tiến hành tạm giữ hàng hóa vi phạm và xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Hân Hoan 32 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp buộc phải tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel.