Đăng nhập

Hà Nội: Thu giữ hơn 10.000 đôi bít tất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Nike, Lacoste

Ngày 11/11/2024, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thuộc Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội phát hiện và thu giữ 10.000 đôi bít tất có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, Nike...

Trước đó, ngày 8/11/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 thuộc Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội bất ngờ tiến hành kiểm tra điểm chứa trữ kinh doanh là một ngôi nhà cũ tại ngõ 199 đường Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Trong căn nhà rộng khoảng 150m2, lực lượng chức năng phát hiện đầy hàng hóa chủ yếu là tất các loại.

Lô hàng hóa vi phạm bị tạm giữ

Chủ hộ kinh doanh được xác định là bà P.M.T, SN 1993, thường trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Sau nhiều giờ kiểm đếm, lực lượng chức năng mới có thể thống kê, phân loại được các sản phẩm vi phạm, gồm 10.000 đôi tất giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng vì số hàng hóa này được chủ hàng để xen kẽ, trà trộn với các sản phẩm hợp pháp, có giấy tờ đi kèm.

Hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng bị thu giữ tại hiện trường.

Theo lực lượng chức năng, hàng hóa được cất giấu kín kẽ trong một ngôi nhà cũ, phủ kín bằng bạt mềm bên ngoài nhằm ngụy trang, che giấu. Ngoài ra, chủ hàng cũng lắp camera cảnh giới xung quanh để phát hiện bất thường.Hiện lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện thành viên 389 thành phố Hà Nội, cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vì vậy các thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố sẽ tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát thị trường. Đây là yếu tố cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời duy trì môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Đợt kiểm tra cũng nhằm nâng cao năng lực đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo Tết Nguyên đán an lành cho người dân trên địa bàn thành phố.

Lai Châu: Xử phạt hộ kinh doanh quần áo không rõ nguồn gốc tại Tân Uyên

Vào hồi 11h30 phút, ngày 22/10/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thảo có tài khoản trang cá nhân facebook ‘‘Nguyễn Thảo Ohui’’, có địa chỉ tại tổ dân phố số 26, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu...

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện bà Thảo đang bày bán hàng hóa gồm: 16 sản phẩm quần áo các loại trị giá hàng là 5,1 triệu đồng. Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, Nguyễn Thị Thảo chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 4 triệu đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

Hải Phòng: Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử

Ngày 08/10/2024, Cục QLTT thành phố Hải Phòng cho biết, đã kiểm tra 05 cơ sở kinh doanh hàng hóa trên môi trường mạng

Cụ thể, chỉ trong ngày 04/10/2024, Đội QLTT số 6,7,8 đã tiến hành kiểm tra 05 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Qua kiểm tra, 02 hộ kinh doanh có hành vi vi phạm: không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; Không công bố hoặc công bố không đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website; thông tin hàng hóa; thông tin vận chuyển và giao nhận; thông tin về điều kiện giao dịch chung; thông tin về các phương thức thanh toán theo quy định.

03 Hộ kinh doanh còn lại trong số 05 hộ kinh doanh nêu trên có dấu hiệu lợi dụng facebook để buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tạm giữ 173 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam như Chanel, Dior, Gucci, Adidas, Nike với tổng trị giá hàng hóa là 28.730.000 đồng.

Hiện, đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, đồng thời phối hợp với đại diện chủ thể quyền sở hữu công nghiệp để hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định.

Quảng Bình: Tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm bánh kẹo và thực phẩm không bảo đảm an toàn

Ngày 10/9/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biêt, đã giám sát buộc tiêu huỷ hàng hoá nhập lậu là bánh kẹo và các loại thực phẩm không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn.

Trước đó, triển khai thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình về tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và tăng cường công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2024, từ ngày 02/8/2024 đến ngày 30/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý 04 vụ việc về vận chuyển hàng hóa nhập lậu (hàng hóa nhập lậu là thực phẩm) với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 100 triệu đồng.

Cụ thể, số hàng hóa nhập lậu bị xử lý trong 04 vụ việc nêu trên gồm 200kg táo đỏ sấy khô, do nước ngoài sản xuất, 1.668 đơn vị sản phẩm bánh, kẹo các loại do nước ngoài sản xuất, 1.165 đơn vị sản phẩm bánh, kẹo, rong biển các loại do nước ngoài sản xuất, 200 gói bánh gạo que ăn dặm dành cho trẻ em nhãn hiệu Allbarm, do nước ngoài sản xuất. Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình và Đội trưởng Đội QLTT số 2 đã ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm trong 04 vụ việc trên về hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu với tổng số tiền xử phạt 66 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Việc thực hiện tiêu hủy do các đối tượng vi phạm hành chính thực hiện dưới sự tham gia giám sát của đại diện các Phòng chuyên môn nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 2. Sau khi tiêu hủy xong, số phế liệu được thu gom rác nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường.

Hà Nội: Phá đường dây vận chuyển 15.000 viên ma túy tổng hợp

Ngày 24/8, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết đã bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây vận chuyển, tàng trữ tráp phép chất ma túy cực lớn.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an quận Hai Bà Trưng phát hiện đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý số lượng lớn từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tiêu thụ.

Xác lập chuyên án đấu tranh, vào giữa tháng 8/2024 tại khu vực đường trên cao vành đai 3 Khuất Duy Tiến, đoạn thuộc phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Đội Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an quận Hai Bà Trưng phối hơp Công an phường Thanh Lương bắt giữ Trịnh Đức Chính (SN 2000, trú tại xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), thu giữ khoảng 15.000 viên ma túy tổng hợp.

Đối tượng Chính cùng tang vật vụ án

Chính khai nhận số ma túy tổng hợp trên vận chuyển thuê từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội cho Phí Văn Việt (SN 1990, trú tại Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội). Tổ công tác đã đưa Chính cùng tang vật về trụ sở để điều tra, làm rõ.

Tiến hành khám xét nơi ở của Phí Văn Việt, Công an quận Hai Bà Trưng phát hiện, bắt giữ 3 đồng phạm gồm Nguyễn Việt Giang (SN 1994, trú tại ngõ 74 Tân Triều, Thanh Trì, TP Hà Nội); Hà Văn Quý (SN 2003, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội); Nguyễn Văn Mạnh (SN 1991, trú tại Thanh Xuân Trung). Kết quả giám định số tang vật thu được là hơn 6,86 kg ma túy tổng hợp.

Lai Châu: Bắt giữ gần 2 tấn chân gà không rõ nguồn gốc

Ngày 13/8/2024, Đội QLTT số 4, Cục QLTT tỉnh Lai Châu thông tin cho biết, vừa phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn liên tiếp bắt giữ hai vụ kinh doanh, vận chuyển chân gà không rõ nguồn gốc, thu giữ 1,9 tấn hàng vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xe chở hàng vi phạm

Cụ thể, vào ngày 9/8/2024, tại khu vực đường giao thông Bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện một lô hàng gồm 30 bao tải chứa 930kg chân gà đã qua chế biến. Toàn bộ số hàng hóa này không có nhãn mác, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Chủ sở hữu lô hàng là ông Lý Văn Mìn cũng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan.

Chân gà qua chế biến không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Tiếp đó, vào ngày 10/8/2024, tại thị trấn Phong Thổ, một xe tải mang BKS: 24H-01.844 chở 1.000kg chân gà đã qua chế biến trong tình trạng chảy nước và bốc mùi hôi thối đã bị dừng lại để kiểm tra. Tương tự như vụ việc trước, lô hàng này cũng không có nhãn mác, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng xử lý số hàng hóa vi phạm theo qui định

Trước những hành vi vi phạm nghiêm trọng trên, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh sầu riêng ở Đắk Lắk

Ngày 31/7/2024, Đoàn kiểm tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin cho biết, đã kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện nhiều vi phạm.

Cụ thể, ngày 30/7, đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, đóng tại Km 23, Quốc lộ 26, thôn Tân Mỹ, huyện Krông Pắk.

Đắk Lắk tăng cường hoạt động kiểm tra tại cơ sở kinh doanh sầu riêng.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã không thể xuất trình đầy đủ các giấy tờ pháp lý cần thiết để chứng minh hoạt động sản xuất kinh doanh của mình tuân thủ quy định. Mặc dù có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng các hồ sơ ghi chép về nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm lại không đầy đủ, thậm chí còn bị thiếu sót.

Đoàn kiểm tra đã kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn.

Đáng chú ý, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở này. Quy trình sản xuất không tuân thủ nguyên tắc một chiều, khu vực chứa đựng và bảo quản nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh, thiếu các thiết bị cần thiết và không có biển báo quy định. Đặc biệt, cơ sở này còn bị phát hiện sản xuất kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh hợp lệ.

Cơ quan chức năng phát hiện nhiều vi phạm tại cơ sở kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn.

Trước những vi phạm nghiêm trọng trên, đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu sản phẩm sầu riêng để gửi đi phân tích chất lượng. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu đại diện của công ty cung cấp đầy đủ các hồ sơ giấy tờ liên quan để phục vụ công tác điều tra, xử lý.

Nam Định: Doanh nghiệp tư nhân H.T bị phạt 45 triệu đồng vì kinh doanh xăng dầu khi giấy phép hết hiệu lực

Ngày 3 tháng 7 năm 2024 - Đội Quản lý thị trường số 5 (QLTT số 5), Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định cho biết đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân H.T (địa chỉ tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) với số tiền 45 triệu đồng vì vi phạm hành vi kinh doanh xăng dầu khi giấy phép đã hết hiệu lực.

Mới đây, Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối Doanh nghiệp tư nhân H.T đang kinh doanh xăng dầu, địa chỉ tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định theo chương trình kế hoạch đã được phê duyệt.

Đội đã phát hiện Doanh nghiệp tư nhân H.T kinh doanh xăng dầu nhưng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã hết hiệu lực. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân H.T và trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với với Doanh nghiệp tư nhân H.T với số tiền xử phạt là 45.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp trên 1.000.000 đồng.

Doanh nghiệp đã tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Quảng Trị: Tạm giữ 50 bộ điều hòa nghi nhập lậu

50 bộ điều hòa nghi nhập lậu đã được lực lượng chức năng phát hiện tại một điểm tập kết hàng hóa thuộc thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Chiều 18-6, Tổng cục QLTT cho biết, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Quảng Trị) đã tiến hành khám địa điểm tập kết hàng hóa nhập lậu phía trước số nhà 125 Quốc lộ 9, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Tạm giữ 50 điều hòa nghi nhập lậu để xử lý theo quy định của pháp luật

Kết quả khám cho thấy, lực lượng chức năng phát hiện tại điểm tập kết trên có 07 bộ điều hòa nhiệt độ nhãn hiệu Panasonic công suất 24000 BTU và 43 bộ điều hòa nhiệt độ nhãn hiệu Dakin có công suất từ công suất 9000BTU đến 12000BTU do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ tại thời điểm kiểm tra.

Ước tính trị giá hàng hóa khoảng gần 440 triệu đồng. Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, do thời tiết nắng nóng, nhu cầu về thiết bị làm mát của người dân sẽ tăng cao. Đây là cơ hội cho các đối tượng buôn lậu bất chấp các quy định của pháp luật để vận chuyển, kinh doanh mặt hàng điều hòa nhiệt độ, quạt phun sương, quạt hơi nước...

Người dân cần cân nhắc kỹ khi mua các thiết bị này để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Đồng Tháp: Phát hiện 1 tấn phân bón lá mang nhãn hiệu công ty RVAC vi phạm nhãn hàng hóa

Ngày 5/6/2024, Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp cho biết phát hiện 1 tấn phân bón lá đạm-trung lượng mang nhãn hiệu RVAC FOFER-X2 và RVAC FOFER-X3 của Công ty Sản Xuất và Thương mại RVAC có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện tại một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Cao Lãnh.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp do ông N.V.N làm chủ.

Kiểm soát viên Đội QLTT số 2 thiết lập hồ sơ vụ việc.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 2 phát hiện tại hộ kinh doanh của ông N đang bán 1.000 túi (1kg/túi), tương đương 1 tấn phân bón lá có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp phát hiện tại hộ kinh N trên địa bàn huyện Cao Lãnh đang bán 1 tấn phân bón lá của Công ty RVAC vi phạm nhãn hàng hóa.

Tang vật vi phạm cụ thể gồm: 600 túi phân bón lá đạm-trung lượng RVAC FOFER-X2, ngày sản xuất: 16/4/2024 và 400 túi phân bón lá đạm-vi lượng RVAC FOFER-X3, ngày sản xuất: 02/3/2024; sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại RVAC, địa chỉ: huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Trị giá tang vật vi phạm là 72 triệu đồng.

Sản phẩm phân bón lá đạm-trung lượng RVAC FOFER-X2 và RVAC FOFER-X2 vi phạm nhãn hàng hóa.

Đại diện Đội QLTT số 2 cho biết, hiện đơn vị đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ tang vật nêu trên và đang hoàn tất hồ sơ vụ việc, trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh N về hành vi vi phạm nêu trên, với số tiền 11,25 triệu đồng, đồng thời buộc thu hồi hàng hóa để khắc phục nhãn theo quy định.