Doanh nghiệp đa cấp phải rà soát sản phẩm trước loạt sữa giả, thuốc giả
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của sản phẩm và hoạt động quảng cáo.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi các doanh nghiệp bán hàng đa cấp yêu cầu rà soát sản phẩm và hoạt động quảng cáo sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm trong danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Một số mặt hàng thực phẩm chức năng bị xác định là hàng giả.
Các doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần đảm bảo sản phẩm đã được công bố đúng quy định, lưu hành đúng nội dung công bố, đảm bảo rõ ràng, chính xác thông tin về thành phần, công dụng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế...
Trường hợp sử dụng người có ảnh hưởng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu doanh nghiệp và người có ảnh hưởng đều phải đảm bảo minh mạch thông tin, không gây hiểu nhầm và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.
Trước đó, Bộ Công an đã phát hiện đường dây sữa giả liên quan đến 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ mang thai... Nhiều sản phẩm có chất lượng thực tế chỉ đạt dưới 70% so với công bố. Ngày 16/4, tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã triệt phá một đường dây buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn với tổng khối lượng lên đến 10 tấn, thu lợi bất chính khoảng gần 200 tỷ đồng.
Điện Biên: Bắt giữ 30 bánh ma túy tổng hợp trên đất bạn Lào
Trong 10 ngày triển khai thực hiện (từ 28/3-6/4), thành viên 2 Tổ công tác thường trực phòng chống ma túy của Công an tỉnh Điện Biên tại tỉnh Uodomxay, Louangphabang (Lào) đã phối hợp cùng lực lượng an ninh nước bạn triệt phá thành công 2 đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn cùng nhiều tang vật khác...
Chi tiết các vụ việc được Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Trong khoảng thời gian từ 12 giờ 15 phút đến 16 giờ 30 phút ngày 2/4, thành viên 2 tổ công tác thường trực phòng, chống tội phạm ma túy của Công an Điện Biên tại tỉnh Louangphabang và Uodomxay đã phối hợp lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và bắt giữ 2 đối tượng mang quốc tịch Lào về các hành vi tàng trữ, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ và mua bán trái phép chất ma túy.
Đối tượng Tao Mùa (ở giữa) cùng tang vật 20 bánh (chứa 120 nghìn viên ma túy tổng hợp) khi bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Tang vật thu giữ của 2 đối tượng gồm: 20 bánh (120 nghìn viên ma túy tổng hợp); 10 hộp (650 viên đạn) chưa xác định chủng loại, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu đã làm rõ 2 đối tượng là Xiêng Bua Phắt Phim Mạ Sỏn (sinh năm 1962) và Tao Mùa (sinh năm 2004).
Đối tượng Xua Giàng cùng tang vật 10 bánh ma túy tổng hợp (60 nghìn viên).
Tiếp đó, từ 15 giờ 5 phút đến 16 giờ 30 phút ngày 5/4, tại khu vực cụm cây số 32, huyện Muang Xay, tỉnh Uodomxay, tổ công tác tiếp tục phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng mang quốc tịch Lào về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, gồm: Khăm Phăn Xeng Xay Tị (sinh năm 2003), Phon Nạ Sỉnh Sỉ Pạ Sợt (sinh năm 2005), Xua Giàng (hay tên gọi khác là Giàng Thị Xua, sinh năm 1990).
Số lá khát và nước vui bị lực lượng chức năng thu giữ.
Tang vật thu giữ của các đối tượng gồm 10 bánh (60 nghìn viên ma túy tổng hợp), 3kg thuốc phiện, 2 lọ nước lá khát và 1 túi lá khát.
Đấu tranh mở rộng, lực lượng chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ đối tượng Khăm Chăn (sinh năm 1985) trú tại Km 32, cụm cây số 32, huyện Muang Xay, phát hiện, thu 4kg lá khát, 1 kiện nước cất từ lá khát (86 chai), 85 lọ hóa chất để pha chế nước lá khát nhãn hiệu DATISSIN, 45 cây thuốc lá điện tử, 1 nửa bao tải chứa chai rỗng để đựng nước lá khát.
Hưng Yên: Xử phạt hộ kinh doanh bán giày thể thao giả nhãn hiệu NIKE
Ngày 30/10, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hưng Yên, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7 triệu đồng, đối với hộ kinh doanh L.V.C là chủ tài khoản Facebook “Tiệm Sneaker–Otoke” về hành vi: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Trước đó, qua rà soát, Đội Quản lý thị trường số 1 đã xác định tài khoản mạng xã hội Facebook “Tiệm Sneaker – Otoke”, chủ tài khoản là hộ kinh doanh L.V.C (địa chỉ: Số 584 Nguyễn Văn Linh, phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đang bày bán giày thể thao nhãn hiệu NIKE có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại hộ kinh doanh.
Cụ thể, ngày 24/10, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh tại địa chỉ trên. Kiểm tra thực tế tại cửa hàng, Đoàn kiểm tra phát hiện 45 đôi giày có gắn nhãn hiệu NIKE đang bày bán có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ tại thị trường Việt Nam.
Theo niêm yết giá 100.000 đồng/đôi, tổng giá trị hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là 4.500.000 đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành chụp ảnh hàng hóa, niêm phong, tạm giữ toàn bộ 45 đôi giày gắn nhãn hiệu NIKE có dấu hiệu vi phạm sau đó gửi hình ảnh đến đại diện pháp lý của nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ tại Việt Nam để xác minh, làm rõ hành vi vi phạm.
Kết quả xác minh, làm việc, Đoàn kiểm tra xác định số hàng hóa là 45 đôi giày thể thao có gắn nhãn hiệu NIKE của hộ kinh doanh L.V.C đang bị tạm giữ tại Đội Quản lý thị trường số 1 là: Hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu NIKE đang được bảo hộ tại thị trường Việt Nam.
Tổng giá trị hàng vi phạm theo niêm yết giá là 4.500.000 đồng. Hàng hóa không có yếu tố nhập khẩu hay quá cảnh. Không xác định được số lợi bất hợp pháp mà hộ kinh doanh L.V.C có được do thực hiện hành vi vi phạm. Hàng hóa vi phạm được in, dập nhãn hiệu giả mạo trực tiếp lên sản phẩm, không loại bỏ được yếu tố vi phạm. Trước đó, Ngày 8/01/2024, Hộ kinh doanh L.V.C đã bị Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Ninh Thuận: Xử phạt 50 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp vi phạm về đăng ký địa diểm kinh doanh
Đội QLTT số 1, Cục QLTT Ninh Thuận liên tiếp kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm về đăng ký kinh doanh.
Ngày 09/10/2024, Đội QLTT số 1 kiểm tra đột xuất Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại S.P.T địa chỉ đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Qua kiểm tra phát hiện hành vi Công ty có hành vi Kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính; xử phạt 25 triệu đồng. Đồng thời, buộc công ty làm thủ tục thông báo địa điểm kinh doanh theo quy định.
Trước đó, ngày 02/10/2024, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra, xử phạt 25 triệu đồng đối với Công ty TNHH TM – TH– H.V địa chỉ dường Lê Duẩn, phường Đài Sơn, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận với cùng hành vi vi phạm.
Quảng Ninh: Xử phạt 2 cơ sở vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử
Ngày 15/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh thông tin, đơn vị đang xem xét, xử phạt 2 cơ sở kinh doanh thương mại điện tử vi phạm quy định.
Cụ thể, thông qua tài khoản facebook "Mạnh Cường" có dấu hiệu nghi vấn, Đội Quản lý thị trường số 1 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Mạnh Cường ở tổ 10, khu 4 , phường Trần Hưng Đạo, Tp.Hạ Long.
Qua đó, phát hiện 48 sản phẩm quần, áo nam giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton và Gucci có trị giá 39,3 triệu đồng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại hộ kinh doanh Mạnh Cường.
Đội Quản lý thị trường số 1 đang phối hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoàn thiện hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh xử phạt hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, tại Tp.Móng Cái, qua rà soát, thẩm tra, xác minh các website thương mại điện tử trên địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 4 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Bảo Group ở xã Hải Đông, Tp.Móng Cái.
Website bán hàng trực tuyến không thông báo với Bộ Công Thương
Giám đốc doanh nghiệp thừa nhận là chủ sở hữu của website thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng không thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 4 đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Bảo Group số tiền 30 triệu đồng về hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng.
Đoàn Trinh sát số 1 bắt giữ tàu vận chuyển trái phép 600m³ cát
Ngày 3-8, theo đại diện Đoàn Trinh sát số 1 (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển), ngày 1-8, tổ công tác của đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên vùng biển giáp ranh giữa TP Hải Phòng - tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện tàu số hiệu PT- 2536 có dấu hiệu nghi vấn.
Ngay lập tức, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra phương tiện, người và hàng hóa trên tàu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu PT-2536 có 3 thuyền viên, do ông Trần Văn Trọng (sinh năm 1981, trú tại xã Lệ Mỹ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) làm thuyền trưởng.
Tổ công tác Đoàn Trinh sát số 1 Bộ tư lệnh Cảnh sát biển kiểm tra số cát trên Tàu PT-2536.
Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 600m³ cát. Tuy nhiên, khi được yêu cầu xuất trình hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát trên, ông Trọng không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan1 đã lập biên bản, dẫn giải tàu PT-2536 về khu vực neo đậu an toàn để phục vụ công tác điều tra, làm rõ. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 để tiến hành các thủ tục điều tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu hủy hơn 26.000 sản phẩm tang vật vi phạm hành chính
Sáng ngày 21/6/2024, tại Nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH Hà Lộc, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức tiêu hủy lượng hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định.
Đợt tiêu hủy lần này có tổng cộng 26.608 sản phẩm các loại, bao gồm: 5.690 gói thuốc lá điếu các loại, 20.918 sản phẩm hàng hóa các loại như: hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu (rượu, đồ chơi trẻ em, thực phẩm, mỹ phẩm, sơn, bột trét tường, mũ bảo hiểm, quần áo, dép...). Tổng giá trị ước tính của số hàng hóa tiêu hủy lên đến hơn 1,1 tỷ đồng.
Việc tiêu hủy được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng tiêu hủy, bao gồm đại diện từ các cơ quan chức năng như: Quản lý thị trường, Công an, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, cùng đại diện hiệp hội thuốc lá.
Phương pháp tiêu hủy được áp dụng phù hợp với từng loại sản phẩm, đảm bảo đúng quy định pháp luật và vệ sinh môi trường, bao gồm: đốt cháy, đập vỡ, nghiền nát, ngâm nước.
Qua đợt tiêu hủy này, cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc tiêu hủy góp phần ổn định thị trường kinh doanh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Sóc Trăng: Doanh nghiệp bị phạt 93 triệu đồng vì bán dầu DO 0,05S-II không đạt chất lượng
Ngày 4 tháng 6 năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Doanh nghiệp tư nhân C.V.T tại thị xã Ngã Năm với số tiền 93 triệu đồng vì vi phạm hành vi bán 2.000 lít Dầu DO 0,05S-II có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và vi phạm quy định về biển hiệu trong kinh doanh xăng dầu.
Đoàn kiểm tra tại Doanh nghiệp tư nhân
Trước đó, vào ngày 6 tháng 5 năm 2024, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra tại Doanh nghiệp tư nhân C.V.T.
Kết quả kiểm tra cho thấy, Dầu DO 0,05S-II do Doanh nghiệp tư nhân C.V.T bán ra có chỉ tiêu Lưu huỳnh không đạt yêu cầu về chất lượng theo quy định tại QCVN 01: 2022/BKHCN. Ngoài ra, doanh nghiệp còn vi phạm quy định về biển hiệu trong kinh doanh xăng dầu khi ghi không đúng tên thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Doanh nghiệp tư nhân C.V.T đã thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết khắc phục.
Việc xử phạt Doanh nghiệp tư nhân C.V.T nhằm mục đích răn đe các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Khánh Hòa: Xử phạt trên 400 triệu đồng đối với 04 cơ sở kinh doanh về hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử nhập lậu
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện các cơ sở đang kinh doanh 2.175 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất với tổng giá trị hơn 170 triệu đồng; đã xử phạt số tiền trên 132 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là trên 279 triệu đồng; đồng thời tịch thu 2.175 đơn vị sản phẩm là thuốc lá điện tử các loại.
Thực hiện tại Công văn chỉ đạo số 109/CQLTTKH-NVTH ngày 08/3/2024 của Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa về việc xác minh thông tin, kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá điện tử.
Theo đó, từ ngày 14/03/2024 đến ngày 19/04/2024, qua công tác nắm bắt tình hình và bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ Thương mại điện tử thuộc Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Đội 2 - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05); Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra đột xuất 04 cơ sở kinh doanh gồm: Cơ sở kinh doanh N. T. T, địa chỉ: số 94 đường Vạn Hòa, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang; Cơ sở kinh doanh Đ.V. Đ, địa chỉ Hẻm 1A đường Lê Hồng Phong, phường Phước Tân, thành phố Nha Trang; Cơ sở kinh doanh NY COFFEE Takeaway, địa chỉ: đường Đặng Tất, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang và Cơ sở kinh doanh H.C.H, địa chỉ: số 15 Chung cư Ngô Gia Tự, phường Tân Lập, thành phố Nha Trang.
Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện các cơ sở đang kinh doanh 2.175 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất, các chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có giá trị hơn 170 triệu đồng. Đội đã hoàn tất hồ sơ vụ việc trình cấp có thẩm quyền xem xét và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh với số tiền 132.500.000 đồng; tịch thu 2.175 đơn vị sản phẩm là thuốc lá điện tử và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 279.400.000 đồng.
Quảng Ninh: Kiểm tra tiệm vàng, phát hiện sản phẩm giả nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton
Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và đề nghị xử phạt một doanh nghiệp kinh doanh trang sức sau khi phát hiện sản phẩm giả mang nhãn hiệu Chanel và Louis Vuitton.
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT), vào ngày 10/4, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 2 cửa hàng thuộc Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Lê Cương, địa chỉ tại Phường Bạch Đằng, TP Hạ Long.
Lực lượng QLTT kiểm tra tiệm vàng ở TP Hạ Long
Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện doanh nghiệp đang bày bán các sản phẩm trang sức kim loại vàng, kim loại bạc, và đá các loại. Đặc biệt, có 6 sản phẩm bao gồm bông tai, vòng tay, mặt dây chuyền mang nhãn hiệu Chanel và 3 sản phẩm vòng tay, mặt dây chuyền mang nhãn hiệu LV (Louis Vuitton) được phát hiện là giả mạo.
Một số sản phẩm trang sức kim loại vàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu
Hiện, lực lượng QLTT Quảng Ninh đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh xử phạt doanh nghiệp này với số tiền 90 triệu đồng, đồng thời xử lý tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đây là một trong những vụ việc nổi bật trong nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và chống lại việc buôn bán hàng hóa giả mạo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.