Lạng Sơn: Phát hiện, ngăn chặn 1.500 kg chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/05/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; căn cứ chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn và Chi cục Quản lý thị trường.
Căn cứ chỉ đạo của cấp trên, Đội Quản lý thị trường số 6 đã tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thị trường. Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ ngày 20/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp cùng Phòng PC03 Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 12A-109.30 do ông Nguyễn Đình Sửu (địa chỉ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển.
Kết quả khám phương tiện phát hiện trên khoang chứa hàng hóa của xe ô tô tải có 1.500 kg chân gà được đựng trong 100 bao tải dứa, trên bao bì hàng hoá không có nhãn mác, chữ viết hay thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá. Người điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay bất cứ giấy tờ gì khác liên quan đến toàn bộ số chân gà nêu trên. Trị giá số hàng hóa trên khoảng 45.000.000 đồng.
Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để có căn cứ tiến hành thẩm tra, xác minh thông tin và xử lý các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 6 sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ và công các phối hợp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm, góp phần đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.
Thái Nguyên: Thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm là thực phẩm nhập lậu trên địa bàn
Ngày 28/5/2025, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, vừa phát hiện số lượng lớn chân gà, cánh gà, xúc xích được gắn mác “made in China” với tổng giá trị gần 30 triệu đồng.
Cụ thể, ngày 27/4, lực lượng Quản lý thị trường Thái Nguyên (QLTT) đã kiểm tra hộ kinh doanh T.V.T có địa chỉ tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên do ông T.V.T làm chủ.
Lực lượng QLTT phát hiện số lượng lớn chân, cánh gà và xúc xích "Made in China".
Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 2.400 gói chân gà, 2.000 gói xúc xích que, 7.000 gói xúc xích, 5.750 gói cánh gà, 350 gói ớt bột có tổng trị giá gần 30 triệu đồng.
Toàn bộ số hàng hóa là thực phẩm trên vỏ gói có thể hiện dòng chữ bằng tiếng Anh "MADE IN CHINA” không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa; không có tên địa chỉ của tổ chức cá nhận chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối hàng hóa; chưa được cấp phép lưu thông trên thị trường, không đảm bảo an toàn, có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Giám sát thực hiện tiêu hủy hàng hóa theo quy định
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông T.V.T không xuất trình được bất kỳ hoá đơn chứng từ gì liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa trên.
Đoàn kiểm tra đã trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh T.V.T với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, phạt tiền 16 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo đúng quy định pháp luật.
Yên Bái: Kiểm tra, xử lý 132 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Trong quý 1/2025, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đã kiểm tra, xử lý 132 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại.
Trong quý 1/2025, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường được triển khai thực hiện trên cơ sở căn cứ nhiệm vụ được giao của từng đơn vị và tình hình thực tế từng địa bàn.
Các lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để lành mạnh hóa thị trường, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Yên Bái đã tiến hành kiểm tra, xử lý 132 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách nhà nước trên 2,8 tỷ đồng. Trong đó, số tiền xử phạt hành chính trên 1,8 tỷ đồng, bán hàng tịch thu trên 330 triệu đồng, tiền thu lợi, truy thu thuế trên 710 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy trên 609 tỷ đồng. Hàng cấm, hàng giả bị phát hiện, bắt giữ chủ yếu là quần áo, giày dép, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, hoa quả tươi….
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác đấu tránh, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo các ngành thành viên theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình thị trường; chủ động phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất chân chính…
Cao Bằng: Kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội tại huyện Quảng Hòa
Thực hiện Kế hoạch 47/KH-BCĐ ngày 24/02/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Quảng Hòa kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Lễ hội tranh đầu pháo Thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa năm 2025. Từ ngày 28 đến ngày 01 tháng 03 năm 2025, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 110 cơ sở kinh doanh thực phẩm phục vụ tại Lễ hội
Công chức Đội QLTT số 2 kiểm tra hàng hóa tại Lễ hội
Qua kiểm tra Đoàn kiểm tra ghi nhận so với lễ hội diễn ra các năm qua, các cơ sở kinh doanh tại lễ hội năm nay đã chấp hành các điều kiện quy định về an toàn thực phẩm.
Kết hợp với kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã tuyên truyền phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người chế biến, sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; Qua đó nhằm nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm mùa Lễ hội.
Phú Yên: Phát hiện gần nửa tấn mỡ động vật nghi nhập lậu
Ngày 13/1/2025, thông tin từ Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Phú Yên cho biết, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Food Thành Phát Phú Yên, có trụ sở giao dịch ở 149 Trần Rến, khu phố 1, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa (Phú Yên).
Trước đó, vào sáng 9/1, tổ công tác phối hợp giữa Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Yên và Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nem, chả các loại của Công ty TNHH Food Thành Phát Phú Yên.
Cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp sử dụng mỡ động vật nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp
Qua đó đã phát hiện doanh nghiệp này sử dụng 467kg nguyên liệu mỡ động vật đông lạnh do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Lô hàng mỡ động vật không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đã bị buộc tiêu hủy
Cùng với việc xử phạt bằng tiền, quyết định xử phạt hành chính của Đội QLTT số 2 còn áp dụng biện pháp buộc Công ty TNHH Food Thành Phát Phú Yên phải tiêu hủy toàn bộ số mỡ động vật nêu trên. Được biết doanh nghiệp này do bà Nguyễn Thị Mỹ Trang làm giám đốc.
Thái Nguyên: Thu giữ hơn 1.700 sản phẩm quần áo nhập lậu
Ngày 27/12/2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Nguyên cho biết, Đội QLTT số 2 vừa tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ hơn 1.700 sản phẩm quần áo nhập lậu tại một hộ kinh doanh trên địa bàn.
Trước đó, chiều ngày 26/12/2024, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh L.T.T.N trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên phát hiện và thu giữ hơn 1.700 sản phẩm quần áo nhập lậu có tổng trị giá hơn 54 triệu đồng.
Lực lượng QLTT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra cơ sở kinh doanh
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang kinh doanh các sản phẩm quần áo trẻ em là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bao gồm: 825 chiếc áo giữ nhiệt trẻ em, 453 chiếc quần trẻ em, 423 bộ quần áo trẻ em, 30 bộ quần áo nỉ trẻ em, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 54.030.000 đồng.
Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh L.T.T.N về hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ và tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Thanh Hóa: Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ
Ngày 18/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Công an TP Thanh Hoá vừa bắt giữ, khởi tố 5 bị can để điều tra tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an TP Thanh Hóa phát hiện có hội nhóm kín gồm nhiều đối tượng chuyên mua các nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau để tự sản xuất pháo, sau đó rao bán trên các trang mạng xã hội.
Các đối tượng và tang vật liên quan vụ án.
Tiến hành điều tra xác minh, Công an TP Thanh Hóa nhanh chóng làm rõ hành vi và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này. Sau khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, Công an TP Thanh Hóa đã phối hợp với Công an các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Công an TP Hải Phòng tiến hành phá án, bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán pháo nổ, gồm: Nguyễn Tùng Lâm (SN 1998), trú tại xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương; Phạm Thành Công (SN 1980); Lê Quang Ánh (SN 1983), cùng trú tại phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên; Trần Văn Mạnh, (SN 1985), trú tại xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1989), trú tại xã Tân Viên, huyện An Lão, TP Hải Phòng. Tang vật thu giữ là 115kg pháo các loại cùng nhiều dụng cụ để sản xuất pháo nổ trái phép.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai báo, do nắm bắt được nhu cầu mua các sản phẩm pháo hoa, pháo nổ của người dân dịp Tết tăng cao, các đối tượng này đã lập nhóm kín trên mạng xã hội và câu kết với nhau để mua các nguyên liệu, sau đó về tự sản xuất pháo và rao bán trên các hội nhóm kín trên mạng xã hội.
Quảng Trị: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 18.000 viên ma tuý tổng hợp qua biên giới
Ngày 2/12/2024, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết Công an huyện Đakrông vừa phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 18.000 viên ma tuý tổng hợp từ Lào về Việt Nam.
Theo đó, khoảng 9h40 ngày 1/12/2024, tại Km 66+950 Quốc lộ 9 (đoạn qua địa phận thôn Liên Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa), tổ công tác đã bắt quả tang Hồ Vay (20 tuổi, ngụ bản Pa Lo, huyện Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào) đang thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đối tượng Hồ Vay cùng tang vật ma túy.
Tang vật thu giữ gồm 18.000 viên ma túy tổng hợp cùng 1 xe máy, 1 điện thoại di động và 3.200 kíp Lào.
18.000 viên ma túy tổng hợp do Hồ Vay vận chuyển từ biên giới về.
Qua đấu tranh, Hồ Vay khai số ma túy trên được đối tượng nhận vận chuyển từ huyện Noòng (tỉnh Savannakhet) đến khu vực thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) để nhận tiền công.
Vụ việc đã được chuyển giao đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị để tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.
Đồng Nai: Phát hiện một người tàng trữ hơn 80kg pháo lậu tại Trảng Bom
Ngày 13/11/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ phát hiện đối tượng tàng trữ hơn 80kg pháo lậu.
Số pháo công an thu giữ của N.H.D.
Trước đó, vào khuya 9-11, qua công tác nắm địa bàn, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện, bắt quả tang N.H.D. (37 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) đang tàng trữ 42 hộp pháo và 5 cây pháo bọc giấy nhiều màu sắc, nghi là pháo nổ, tổng khối lượng tang vật hơn 80 kg.
Qua làm việc, lực lượng công an xác định, số pháo được đối tượng trên mua về để chuẩn bị bán ra thị trường vào dịp cuối năm. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.
Hưng Yên: Xử phạt 01 cơ sở kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
Ngày 28/10/2024, Cục QLTT Hưng Yên cho biết, Đội QLTT số 2 đã thực hiện biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra xác minh thông tin, phát hiện, kiểm tra và xử lý 01 cơ sở kinh doanh giày dép kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn hiệu adidas.
Cụ thể, ngày 18/10/2024, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh N.T.T.T 1999, địa chỉ: Chợ Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh N.T.T.T 1999 đang bày bán 20 đôi giày nữ được dập chìm chữ adidas lên sản phẩm, chữ adidas không thể gỡ bỏ, không xoá được trên sản phẩm, chữ adidas trên sản phẩm không sắc nét, sản phẩm có đường chỉ may không đều nhau, số giày này không có hộp đựng sản phẩm, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, toàn bộ số giày này có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Đội QLTT số 2 đã tiến hành tạm giữ số hàng hoá trên để xác minh, làm rõ. Quá trình thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, phối hợp với chủ thể quyền đại diện cho nhãn hiệu adidas tại Việt Nam, làm việc với bà N.T.T.T - chủ hộ kinh doanh N.T.T.T 1999. Bà N.T.T.T đã thừa nhận hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu. Tổng giá trị hàng hoá vi phạm hành chính theo giá niêm yết là: 4.800.000 đồng (Bốn triệu tám trăm nghìn đồng chẵn).
Ngày 21/10/2024, Đội đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Hộ kinh doanh N.T.T.T 1999 về hành vi vi phạm hành chính: Buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, phạt tiền: 6.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số giày nữ giả mạo nhãn hiệu.
Bà N.T.T.T đã chấp hành quyết định xử phạt, tiêu huỷ toàn bộ số giày nữ giả mạo nhãn hiệu trước sự giám sát của Đội QLTT số 2.