Long An: Khởi tố 2 đối tượng vận chuyển hơn 1,3 tấn pháo nổ
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tân Hưng, tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Võ Hồng Dân (SN 1980, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) và Nguyễn Hữu Quý (SN1985, ngụ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) về hành vi “Vận chuyển hàng cấm".
Trước đó, ngày 16/12/2023, Công an huyện Tân Hưng phối hợp Đồn Biên phòng Sông Trăng theo dõi xe ôtô tải biển kiểm soát 51C - 872.42 lưu thông hướng từ xã biên giới Hưng Điền B về thị trấn Tân Hưng. Khi xe vào nội ô thị trấn Tân Hưng, lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ xe ôtô này cùng tài xế đang điều khiển.
Lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng cùng tang vật
Kiểm tra xe, lực lượng chức năng phát hiện có số lượng lớn pháo đựng trong 43 bao nhựa, tổng trọng lượng 1.341kg. Tài xế Võ Hồng Dân (SN 1980, ngụ phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM) không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp số pháo trên và bước đầu khai là được người khác thuê vận chuyển về TP.HCM.
Mở rộng điều tra, Công an huyện Tân Hưng bắt thêm đối tượng Nguyễn Hữu Quý (SN 1985, ngụ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cùng tham gia vụ vận chuyển pháo trên./.
Bình Định: Tiêu hủy hàng hóa vi phạm bị tịch thu trị giá gần 400 triệu đồng
Thực hiện Kế hoạch số 578/KH-QLTTBĐ ngày 04/12/2023 về việc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu thuộc diện tiêu hủy năm 2023; Phương án số 02/PA-HĐTH ngày 14/12/2023 của Hội đồng tiêu hủy về việc tiêu hủy tài sản là tang vật bị tịch thu do vi phạm hành chính thuộc diện tiêu hủy năm 2023; sáng ngày 15/12/2023, Cục Quản lý thị trường Bình Định đã tiến hành tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu thuộc diện tiêu hủy năm 2023 dưới sự giám sát của Hội đồng tiêu hủy là các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tại Nhà máy tái chế và xử lý chất thải nguy hại – Công ty TNHH Thương mại và Môi trường Hậu Sanh, toàn bộ tang vật vi phạm hành chính thuộc diện tiêu hủy là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường với tổng giá trị gần 400 triệu đồng, cụ thể là: giày, dép giả nhãn hiệu; củ sạc điện thoại, dây sạc, tai nghe; kính mắt; pin; quần áo; sách học sinh; mỹ phẩm các loại; đèn Led, đèn pin cầm tay; bao đựng phân bón; khí N20……không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có bản công bố hợp quy, không truy xuất được nguồn gốc, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường...; Hội đồng tiêu hủy đã lựa chọn hình thức, phương pháp tiêu hủy phù hợp theo từng chủng loại hàng hóa, đảm bảo đúng quy định và vệ sinh môi trường.
Hoạt động tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Tang vật VPHC thuộc diện tiêu hủy được cán nghiền nát trước khi đưa vào lò đốt dưới sự giám sát của Hội đồng tiêu hủy
Dưới sự giám sát của các thành viên Hội đồng và các đơn vị liên quan, toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đã được tiêu hủy theo đúng quy trình, quy định, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Bình Phước: Bắt quả tang đối tượng vận chuyển 163kg pháo lậu
14 giờ ngày 7-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ đối tượng Va Minh Huyện (SN 1994), thường trú tổ 35, ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp để điều tra về tội vận chuyển hàng cấm nghi là pháo nổ.
Lực lượng chức năng bắt Va Minh Huyện và tang vật
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân có đối tượng điều khiển xe ô tô với dấu hiệu nghi vấn vận chuyển hàng cấm từ bên kia biên giới vào địa bàn huyện Bù Đốp, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Đội cảnh sát giao thông - Cảnh sát điều tra Công an huyện Bù Đốp, Công an thị trấn Thanh Bình và các lực lượng liên quan đã kiểm tra tại khu vực khu phố Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp. Qua kiểm tra phát hiện và bắt quả tang Va Minh Huyện đang điều khiển xe ô tô biển số 51H-944.87, trên xe có 5 bao tải màu đen, bên trong bao tải chứa 89 khối hình hộp chữ nhật (nghi là pháo nổ). Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, cân trọng lượng các bao tải nặng 163kg.
Va Minh Huyện cùng tang vật
Qua điều tra ban đầu, Va Minh Huyện đã khai nhận toàn bộ hành vi vận chuyển pháo nổ từ bên kia biên giới vào nội địa để tiêu thụ. Tổ công tác đã lập biên bản bắt giữ, đồng thời niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện liên quan để xác minh làm rõ.
Quảng Ngãi: Tạm giữ 900 lít dầu D.O không có hóa đơn chứng từ
Mua bán nhiên liệu sang chiết trái pháp luật, ông Nguyễn Ngọc Vương (29 tuổi, trú tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị Đồn Biên phòng Bình Thạnh phát hiện, 900 lít dầu D.O không có hóa đơn chứng từ đã bị thu giữ.
Đồn Biên phòng Bình Thạnh kiểm đếm tang vật dầu D.O vừa thu giữ.
Đồn Biên phòng Bình Thạnh, BĐBP Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa tạm giữ 900 lít dầu D.O không có hóa đơn, chứng từ do một công dân trên địa bàn xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mua bán và tàng trữ trái pháp luật.
Thông qua phản ánh của người dân về hoạt động kinh doanh xăng dầu trái pháp luật, gây nguy cơ cháy nổ trên địa bàn, khoảng 13 giờ ngày 6/12, Đồn Biên phòng Bình Thạnh phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất và công an địa phương tổ chức mật phục phát hiện ông Nguyễn Ngọc Vương (29 tuổi, trú tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) điều kiển xe máy vận chuyển 30 lít dầu D.O. Qua kiểm tra, ông Vương không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Tiếp tục mở rộng khu vực kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong nhà kho tại địa chỉ thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn của ông Nguyễn Ngọc Vương có 29 can nhựa, loại 30 lít chứa đầy chất lỏng màu vàng nhạt.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Vương thừa nhận số chất lỏng trong các can nhựa đều là dầu D.O. Số nhiên liệu ông mua từ các tài xế xe ô tô vận chuyển gỗ dăm và xe bồn vận chuyển xăng dầu hoạt động trên địa bàn xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn để bán lại cho người tiêu dùng thu lời.
Đồn Biên phòng Bình Thạnh đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ tang vật để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Quảng Bình: Tiêu hủy hơn 500 sản phẩm thực phẩm nhập lậu
Chiều ngày 10/11/2023, đại diện Đội Quản lý thị trường số 7 và các phòng chuyên môn - nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã tiến hành giám sát thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gồm 529 hộp, gói thực phẩm và thực phẩm bổ sung các loại nhập lậu có trị giá gần 75 triệu đồng.
Thực hiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 03/11/2023 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 07/11/2023 của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7, đại diện hộ kinh doanh PA PA BABY và hộ kinh doanh SHOP MẸ BỐNG 2 đã thực hiện tiêu hủy 529 hộp, gói thực phẩm và thực phẩm bổ sung các loại gồm sữa bột, ngũ cốc, bánh ăn dặm, viên uống bổ sung vitamin… sản xuất tại nước ngoài.
Toàn bộ 529 hộp, gói thực phẩm và thực phẩm bổ sung các loại nói trên là hàng hóa nhập lậu, không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm khi lưu thông trên thị trường. Đây đều là tang vật vi phạm trong 02 vụ kiểm tra trước đó của Đội Quản lý thị trường số 7, tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy 74.953.000 đồng.
Đội QLTT số 7 kiểm tra hộ kinh doanh PA PA BABY
Để thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm, đại diện hộ kinh doanh PA PA BABY và hộ kinh doanh SHOP MẸ BỐNG 2 đã đổ toàn bộ 529 hộp, gói thực phẩm và thực phẩm bổ sung các loại nói trên vào các thùng nước, ngâm cho đến khi sản phẩm bị hư hỏng.
Quá trình tiêu hủy được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện các phòng chuyên môn - nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình và Đội Quản lý thị trường số 7 đảm bảo đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Trước đó vào ngày 23/10/2023 và ngày 30/10/2023, Đội Quản lý thị trường số 7 kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa đối với hộ kinh doanh PA PA BABY (có địa chỉ tại số 55 đường Trần Hưng Đạo, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình do bà Nguyễn Thị Dương làm chủ hộ) và hộ kinh doanh SHOP MẸ BỐNG 2 (có địa chỉ tại thôn 2 đường Trương Phúc Phấn, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình do bà Nguyễn Thị Ngọc Anh làm đại diện). Kết quả kiểm tra phát hiện hai hộ kinh doanh nói trên đang bày bán 529 hộp, gói thực phẩm, thực phẩm bổ sung các loại sản xuất tại nước ngoài không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp theo quy định; bị coi là hàng hóa nhập lậu. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh nêu trên với tổng số tiền xử phạt 46.000.000 đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm có tổng trị giá 74.953.000 đồng.
Hải Quan Quảng Bình: Xử lý Gần 1.000 Vụ Buôn Lậu và Gian Lận Thương Mại
Từ đầu năm đến ngày 15-8, Cục Hải quan Bình Dương đã phát hiện và xử lý 985 vụ vi phạm, tăng 145 vụ so với cùng kỳ 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 176 tỷ đồng.
Trong đó, truy thu thuế hơn 135 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính gần 42 tỷ đồng. Các vụ việc vi phạm chủ yếu là nhập khẩu sai xuất xứ, nhập khẩu không khai báo, xuất khẩu sai số hiệu container...
Việc áp dụng kiểm tra hàng hóa qua máy soi đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, đặt biệt là đối với các doanh nghiệp có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn. Công tác này đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí xếp/dỡ, nâng cao tính tuân thủ pháp luật, phát hiện kịp thời các sai phạm và chống buôn lậu gian lận thương mại hiệu quả.
Sơn La: Xử phạt 60 triệu đồng cơ sở thẩm mỹ hoạt động chui
Sở Y tế tỉnh Sơn La đã xử phạt một cơ sở thẩm mỹ 60 triệu đồng do vi phạm nhiều quy định về hoạt động thẩm mỹ, bao gồm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép, và sử dụng thiết bị can thiệp vào cơ thể người mà không có chuyên khoa thẩm mỹ.
Cơ quan chức năng xử lý cơ sở thẩm mỹ TƯƠi SPA. Ảnh: Công an Sơn La.
Ngày 20/10 - Một cơ sở thẩm mỹ tại tỉnh Sơn La đã bị xử phạt mức cao 60 triệu đồng sau khi bị phát hiện vi phạm nhiều quy định về hoạt động thẩm mỹ. Thanh tra Sở Y tế tỉnh Sơn La đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở thẩm mỹ TƯƠI SPA, nằm tại phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, vào ngày 19/10, phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế.
Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện rằng chủ cơ sở thẩm mỹ, Ngô Thị Hồng Tươi, đang thực hiện tiêm hoạt chất MESO cho một khách hàng tên là chị T.T.K (sinh năm 1999, trú tại bản Híp, xã Chiềng Ngần, TP Sơn La) nhằm làm căng bề mặt da.
Theo cơ quan Công an, cơ sở thẩm mỹ của chị Tươi không tuân theo các quy định của pháp luật về hoạt động thẩm mỹ, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Do hành vi này, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã lập biên bản và chuyển hồ sơ vụ việc cho Thanh tra Sở Y tế tỉnh Sơn La xử lý theo quy định.
Thanh tra Sở Y tế tỉnh Sơn La đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 60 triệu đồng đối với chị Ngô Thị Hồng Tươi về các hành vi vi phạm, bao gồm cung cấp dịch vụ khám bệnh và chữa bệnh mà không có giấy phép hợp pháp.
Theo cơ quan chức năng, cơ sở này đã sử dụng thuốc và thiết bị can thiệp vào cơ thể người, làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng và khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể. Tuy nhiên, cơ sở không phải là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Bắt giữ hai đối tượng chuyên chế tạo và mua bán súng quân dụng
Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk vừa hoàn thành một cuộc điều tra quan trọng về một đường dây sản xuất, mua bán, và tàng trữ súng quân dụng. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã thành công trong việc bắt giữ hai đối tượng chính, Hoàng Đình Nam và Hoàng Văn Vũ, và thu giữ một lượng lớn súng và đạn.
Đối tượng Hoàng Đình Nam tại cơ quan điều tra |
Theo cuộc điều tra ban đầu, sự việc bắt đầu vào ngày 28/7/2023, khi Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một nhóm đối tượng có hành vi liên quan đến vũ khí quân dụng trái phép. Các đối tượng này đã chế tạo, mua bán, và tàng trữ súng quân dụng, hoạt động này đang diễn ra liên tỉnh, đòi hỏi một cuộc điều tra mở rộng.
Đối tượng Hoàng Văn Vũ bị bắt giữ. |
Sau nhiều nỗ lực và công tác tình báo, lực lượng Công an đã thành công trong việc bắt giữ đối tượng Hoàng Đình Nam tại xã Cư Yang. Nam đã thú nhận rằng anh trước đây làm nghề cơ khí, nhưng từ đầu năm 2023, anh đã bắt đầu chế tạo và mua bán súng trái phép. Anh mua các loại súng bắn đạn chì trên mạng xã hội với giá từ 5 - 7 triệu đồng/khẩu, sau đó chế tạo lại và bán chúng với giá từ 8 - 9 triệu đồng/khẩu. Do có nhiều người hỏi mua, Nam đã tiếp tục chế tạo các loại súng quân dụng và rao bán trên các trang mạng xã hội cho nhiều đối tượng ở khắp cả nước. Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2023 đến nay, Nam đã chế tạo và bán được tổng cộng 13 khẩu súng, trong đó có 9 khẩu súng quân dụng, bao gồm 2 khẩu súng AK, một khẩu K54, và 6 khẩu súng dạng Rulo ổ quay đã được độ chế bắn đạn nổ có tính năng tương tự vũ khí quân dụng. Ngoài ra, lực lượng Công an cũng đã thu giữ gần 820 viên đạn các loại.
Các loại tang vật liên quan bị thu giữ. |
Cuộc điều tra đã mở rộng, và một tổ công tác đã được cử ra TP. Hải Phòng để bắt giữ đối tượng Hoàng Văn Vũ, người đã mua súng của Nam với mục tiêu lợi nhuận cá nhân. Khám xét khẩn cấp nơi ở của cả hai đối tượng đã dẫn đến thu giữ thêm 9 khẩu súng, 29 viên đạn AK, hơn 820 viên đạn các loại, 50 triệu đồng và nhiều dụng cụ cơ khí, máy tiện dùng để chế tạo súng tại nhà của Hoàng Đình Nam.
Cuộc điều tra này đã thành công trong việc triệt hạ một đường dây tội phạm nguy hiểm liên quan đến vũ khí quân dụng và súng trái phép. Các đối tượng sẽ phải đối mặt với hậu quả của hành vi của họ, và cơ quan chức năng đang tiếp tục xem xét các khía cạnh liên quan để đảm bảo an ninh và trật tự xã hội.
Hà Nam: Phát hiện gần 1,7 tấn mỡ động vật bốc mùi hôi thối
Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã phối hợp kiểm tra và xử phạt một cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam, ngày 10.10, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm Trần Duy Đạt, đặt tại xóm 3, xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một cơ sở hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Lượng thực phẩm nhập lậu được Đội QLTT số 3 kiểm tra, thu giữ. Ảnh: Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Hà Nam
Trong quá trình kiểm tra, đội quản lý thị trường phát hiện hàng hóa đáng ngại. Cụ thể, họ tìm thấy 1.170kg mỡ động vật dạng lỏng đã qua chế biến và 500kg mỡ động vật được bao gói sẵn trong túi nilon (10kg/túi). Những túi mỡ này không qua chế biến, bốc mùi hôi thối và có màu biến sắc.
Chủ cơ sở, ông Trần Duy Đạt, không thể xuất trình được hóa đơn, giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nêu trên.
Đội Quản lý thị trường số 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Trần Duy Đạt về việc hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh mà không đăng ký theo quy định của pháp luật và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ông Đạt sẽ phải nộp mức phạt tổng cộng là 24.500.000 đồng.
Thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 3 sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng địa phương để kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt các sản phẩm thực phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
Phát hiện 300 bao phân bón không rõ nguồn gốc xuất xứ
Ngày 13/9, tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT tỉnh Bạc Liêu) đã tiến hành kiểm tra một phương tiện ô tô tải mang biển số đăng ký 83C-031.70, qua đó phát hiện 15 tấn phân bón không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 4 đã phát hiện trên thùng xe tải này có tổng cộng 300 bao phân bón, mỗi bao có trọng lượng 50kg không xác định nguồn gốc và xuất xứ của hàng hóa này. Giá trị lô hàng ước tính 48 triệu đồng
Tài xế và chủ hàng hóa đã được xác định là ông T.H.Q không xuất trình được hóa đơn giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Qua làm việc, ông T.H.Q đã khai nhận rằng ông thuê xe để vận chuyển tôm và cá từ tỉnh Sóc Trăng ra tỉnh Phú Yên để bán. Trên đường trở về, ông đã mua một số phân bón với mục đích vận chuyển và bán tại tỉnh Bạc Liêu để kiếm lời. Tuy nhiên, đang di chuyển thì bị Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 4 tiến hành kiểm tra và tạm giữ hàng hóa.
Hiện toàn bộ số hàng hóa vi phạm đã bị tạm giữ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.