Hà Nội: phát hiện và bắt giữ hơn 2.000 vụ buôn lậu, hàng giả trong 06 tháng năm 2025
6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra 2.176 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 2.068 vụ vi buôn lậu, sản xuất hàng giả.
Ngày 4/7, Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội thông tin, nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra 2.176 vụ, qua đó phát hiện, xử lý 2.068 vụ vi buôn lậu, sản xuất hàng giả. Trong đó, có 771 vụ hàng nhập lậu, 718 vụ hàng giả và 251 vụ kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc.
Thương mại điện tử tiếp tục là điểm nóng với 72 vụ vi phạm trong 6 tháng, riêng tháng 6 là 33 vụ. Hành vi phổ biến là kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm và phụ kiện không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, 23 vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu và 7 vụ liên quan đến khí N2O (bóng cười) cũng đã bị lực lượng chức năng xử lý. Số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt và tịch thu, tiêu hủy hàng vi phạm đạt hơn 88,2 tỷ đồng.
Lực lượng QLTT thành phố Hà Nội kiểm tra kho mỹ phẩm, nước hoa nhập lậu tại 64 Hàng Giấy
Triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, các lực lượng chức năng như Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ xử lý 98 vụ, tang vật lên tới gần 51.000 đơn vị sản phẩm như bánh, kẹo, thực phẩm đông lạnh, nấm, tương ớt... Tổng số tiền phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng. Điển hình như phát hiện 14.196 con gà đông lạnh nguyên con và 560 kg nội tạng gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Xuân Thắng.
Dự báo những tháng cuối năm 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên hiện tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không, lợi dụng hoạt động kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, lợi dụng chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...
Nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, Chi cục QLTT Hà Nội tiếp tục triển khai Kế hoạch số 04/KH-QLTT cho 6 tháng cuối năm, đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tập trung kiểm tra các nhóm hàng phục vụ mùa hè và Tết Trung thu, riêng mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia… sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng qua, đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, toàn lực lượng sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra, theo dõi sát diễn biến địa bàn, không để phát sinh “điểm nóng” về hàng lậu, hàng giả và hàng cấm. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng nhằm giữ vững ổn định thị trường, đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô bền vững, minh bạch và an toàn.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, kho hàng, điểm tập kết, mặt hàng thiết yếu, từ đó tạo đột phá trong kiểm soát thương mại điện tử.
Bình Dương: Phát hiện hơn 11 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc
Ngày 11/6, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Bình Dương kiểm tra công ty có địa chỉ tại khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu (Thuận An, tỉnh Bình Dương), qua đó phát hiện 11,2 tấn thực phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, xác định công ty trên đang kinh doanh cho thuê kho đông lạnh với tổng số lượng 21 thùng container đông lạnh. Trong đó, có 02 kho đang lưu trữ thực phẩm đông lạnh gồm thịt gà (cổ gà, da gà, chân, đầu), thịt heo (thịt vai, ba rọi..), ức vịt, xúc xích thành phẩm không rõ nhãn hiệu, xuất xứ, đều đã hết hạn sử dụng với tổng khối lượng khoảng trên 6,2 tấn.
Thực phẩm động vật đông lạnh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp được phát hiện.
Qua làm việc với cơ quan công an, các chủ sở hữu của số thực phẩm động vật đông lạnh nói trên cho biết đã mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp hàng hóa.
Tang vật thu giữ.
Ngoài ra, các chủ sở hữu hàng hóa thừa nhận, biết rõ tình trạng hết hạn sử dụng của số hàng hóa nêu trên, tuy nhiên vẫn tiếp tục bán ra thị trường cho các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, các nhà hàng, quán ăn, công ty chế biến xuất ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và TPHCM để kiếm lời.
Kho thực phẩm đông lạnh hết hạn sử dụng bị phát hiện
Nhằm đối phó với lực lượng chức năng, một chủ hàng còn cho in dòng chữ “KHO LẠNH CHỨA HÀNG PHẾ PHẨM THANH LÝ DÙNG CHO CHĂN NUÔI ĐỘNG VẬT” dán trên cửa kho container đông lạnh.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa gồm: Thịt gà (chân gà, đầu gà, cổ gà, da gà,&hellip, thịt heo (thịt vai, ba rọi..), ức vịt, xúc xích thành phẩm,… với tổng khối lượng trên 11,2 tấn để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Phát hiện xưởng sản xuất hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu tại Ninh Bình
Ngày 15/5/2025, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Công an tỉnh phát hiện xưởng may do bà Phạm Thị Mừng làm chủ (thôn Đông Mai, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh) đang sản xuất sản phẩm may mặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xưởng may đang sản xuất hơn 1000 sản phẩm may mặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dior, CD, Dolce & Gabbana và hình, GUCCI, BURBERRY và các phụ kiện may mặc, tem nhãn phục vụ sản xuất khoảng 54.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nói trên.
Đoàn Kiểm tra kiểm tra hàng hoá tại xưởng
Ngoài ra, tại xưởng phát hiện số lượng lớn vải (40 cây vải – khoảng 2 tấn) các loại do nước ngoài sản xuất nhưng không có hoá đơn, chứng từ, giấy tờ kèm theo theo quy định.
Vụ việc đang được Đoàn kiểm tra tiếp tục xác minh, xử lý làm rõ theo đúng quy định pháp luật.
Hà Nôi: Thu giữ gần 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm
Ngày 21/4, Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cùng Đội quản lý thị trường số 17, Chi cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ khám xét một kho lạnh chứa thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tại khu vực gần chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.
Tang vật thu giữ lên tới khoảng 20 tấn thịt gà đông lạnh, thịt gà ủ muối và nội tạng gia cầm.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ nhân của số thực phẩm bẩn này được xác định là một phụ nữ sinh năm 1992, trú tại huyện Thường Tín. Người này khai nhận số thực phẩm đông lạnh được thu mua trôi nổi trên thị trường, không có bất kỳ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nào.
Lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp kho lạnh.
Các loại thực phẩm hoàn toàn "trắng trơn" thông tin, không tem nhãn mác hàng hóa, được đóng gói sơ sài và cất giấu sâu bên trong kho lạnh. Ngoài ra, trong quá trình khám xét, lực lượng chức năng phát hiện nhiều sản phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu bán trót lọt ra thị trường.
Số lượng thực phẩm vi phạm lên tới khoảng 20 tấn.
Theo Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh, Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội, đây là vụ thu giữ thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nếu không bị chặn đứng kịp thời, số thực phẩm bẩn này có thể được tuồn vào các chợ, nhà hàng, quán ăn trên khắp địa bàn Hà Nội, thậm chí len lỏi đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.
Các sản phẩm được cất trong kho đông lạnh.
Vụ việc đang được Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội tiếp tục điều tra, làm rõ nguồn gốc số hàng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Lạng Sơn: Liên tiếp phát hiện số lượng lớn móng giò lợn và chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thực kiện ý kiến chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường về tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 6 cùng các cơ quan phối hợp phát hiện gần hơn 2 tấn móng giò lợn và chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ đang chuẩn bị được đưa đi tiêu thụ.
Ngày 25/03/2025, Đội Quản lý thị trường số 6 cùng các cơ quan phối hợp tiến hành khám phương tiện phương tiện vận tải biển kiểm soát 29A-725.79 do ông L.V.C (địa chỉ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) là người điều khiển. Kết quả khám phát hiện trong khoang chứa hàng hóa của xe ô tô có cất giấu 960 kg móng giò lợn đã biến đổi màu sắc và có hiện tượng chảy nước.
Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 6 cùng các cơ quan phối hợp tiếp tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa đối với Hộ kinh doanh H.V.N (địa chỉ huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Qua kiểm tra phát hiện 1.100 kg chân gà đã biến đổi màu sắc, bốc mùi và có hiện tượng chảy nước.
Ông L.V.C và ông H.V.N đều không xuất trình được tài liệu kèm theo hàng hóa, hóa đơn, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa hay bất kì tài liệu nào liên quan đến số hàng hóa trên.
Đội Quản lý thị trường số 6 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiến hành thẩm tra, xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan làm căn cứ để xử lý các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật./.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn được phân công nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Ngày 25/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 401/QĐ-TTg phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ được phân công nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Theo Quyết định 401/QĐ-TTg: Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Theo dõi, chỉ đạo: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Ngoại giao và quan hệ đối ngoại. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vận động vốn vay ưu đãi. Viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài. Hội nhập quốc tế; theo dõi, chỉ đạo đàm phán và thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương. Quan hệ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế và khu vực.Công tác biên giới và các vấn đề Biển Đông - Hải đảo. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam. Các vấn đề về nhân quyền. Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Công nghiệp; thương mại - xuất nhập khẩu; dự trữ và cung ứng xăng dầu, dịch vụ logistics. Bảo đảm năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý phát sinh của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo lĩnh vực được phân công.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc; Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền; Trưởng Ban Chỉ đạo về Nhân quyền; Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng; Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chủ tịch các Hội đồng, Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các quy hoạch theo lĩnh vực liên quan. Các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ.
Long An: Tạm giữ lượng lớn quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ dịp cận Tết
Ngày 10/01/2025, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – ma túy, Công an huyện Đức Hòa, tạm giữ trên 2.000 sản phẩm quần áo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cụ thể, qua theo dõi các nhóm trên nền tảng Facebook, kết hợp công tác quản lý địa bàn. Ngày 03/01/2025, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – ma túy, Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tiến hành kiểm tra một địa điểm kinh doanh quần áo thời trang các loại tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Qua kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện 2.255 sản phẩm quần áo thời trang các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 126 triệu đồng.
Lực lượng kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ, niêm phong toàn bộ số lượng sản phẩm quần áo vi phạm đưa về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 1 để xử lý theo quy định pháp luật.